Logo Website

BỐI MẪU

20/04/2020
Bối mẫu là loại cây sống lâu năm, tên khoa học là Fritillaria roylel Hook thuộc họ Liliaceae. Gồm hai loại là xuyên bối mẫu thấy ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc nên có tên gọi là xuyên bối mẫu. Có công dụng chữa ho, ung nhọt ở phổi, teo phổi, nhọt vú, tràng nhạc, bướu cổ, thổ huyết.

BỐI MẪU (贝母)

Bulbus Fritillariae

Bối mẫu Fritillaria cirrhosa

Bối mẫu: Fritillaria cirrhosa D. Don; Ảnh: Björgvin Steindórsson and nutrawiki.org

Tên khác: Xuyên bối mẫu, Triết bối mẫu, Thổ bối mẫu.

Tên khoa học:  Fritillaria cirrhosa D. Don, họ Hành (Liliaceae)

Tên đồng nghĩaFritillaria cirrhosa var. bonatii (H. Léveillé) S. C. Chen; Fritillaria cirrhosa var. dingriensis Y. K. Yang & J. Z. Zhang; Fritillaria cirrhosa var. viridiflava S. C. Chen; Fritillaria duilongdeqingensis Y. K. Yang & Gesan; Fritillaria lhiinzeensis Y. K. Yang et al.; Fritillaria zhufenensis Y. K. Yang & J. Z. Zhang; Lilium bonatii H. Léveillé.

Mô tả:

Cây: Xuyên bối mẫu là loại cây mọc lâu năm, cao chừng 40-60cm. Lá gồm 3-6 lá mọc vòng, đầu lá cuộn lại. Hoa hình truông chúc xuống đất, dài 3,5 đến 5cm, ngoài màu vàng lục nhạt. Có ở Tứ xuyên, Trung Quốc, vì vậy gọi là Xuyên bối mẫu.

Dược liệu: Xuyên bối mẫu sản xuất ở Tứ xuyên, hình cầu dẹt hoặc gần hình cầu viên chùy, hợp thành bởi 2 phiến lá vảy dầy mập lớn nhỏ và 2 phiến vảy nhỏ bọc bên trong, dày khoảng 2-3 phân, vùng đầu nhọn, vùng dưới rộng, hai phiến lá bên ngoài thể hiện hình tròn trứng trong lõm ngoài lồi hơn, phẳng trơn màu trắng, 2-3 phiến cánh trong nhỏ dài hẹp màu vàng nhạt có chất bột có chất bột. Loại sản xuất ở huyện Tòng xuyên như dạng bồng con, hình tròn bóng trơn sạch sẽ, hơi ngọt, vị này tương đối tốt nên được gọi là Chân trâu Bối mẫu.

Bộ phận dùng: Thân hành đã phơi hay sấy khô của cây Xuyên bối mẫu (Fritillaria cirrhosa D. Don), họ Hành (Liliaceae).

Phân bố: Cây ưa khí hậu mát, vùng ôn đới, vị thuốc nhập từ Trung Quốc. Ở Trung Quốc, cây xuyên bối mẫu chủ yếu mọc hoang ở các tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải Cam Túc và Vân Nam. 

Khi dùng người ta loại bỏ tạp chất, ngâm qua nước, vớt ra ủ cho mềm rồi thái thành từng miếng mỏng phơi hay sấy khô.

Thu hái, sơ chế: Xuyên bối mẫu: đào dò về vào khoảng  giữa tháng 8-10, rửa sạch, phơi trong râm cho khô.

Bào chế:

+ Bối mẫu bỏ lõi, sao với gạo nếp cho tới khi vàng, sàng bỏ gạo nếp, lấy bối mẫu cất dùng. Hoặc sau khi bỏ lõi, tẩm với nước gừng sao vàng (Lôi Công Bào Chích Luận).

+ Xuyên bối mẫu rút bỏ lõi, sấy khô tán bột dùng sống hoặc tẩm với nước gừng sao vàng tán bột, khi dùng hoà nước thuốc thang đã sắc mà uống (loại này không dùng sắc). Thổ bối mẫu loại củ tròn không nhọn đầu. Rửa sạch, ủ, bào mỏng, phơi khô hoặc tẩm nước gừng sao vàng (Loại này thường dùng sắc với thuốc) (Trung Dược Học).

Thành phần hóa học chính: Các alcaloid, tinh bột. Các alcaloid: peiminin C27H43O3N, peimin C27H45O4N, peimisin C27H43O4N, peimidin C27H45O2N, peimitidin C27H43O47N3, fritimin C38H62O3N2

Tác dụng dược lý:

Tác dụng dược lý của fritimin cũng gần như peimin.

1. Liều tối thiểu gây chết đối với chuột nhắt trắng là 40mg/kg thể trọng.

2. Với liều từ 7,5-16m/kg trên thỏ nhà sẽ sinh ra chứng đường huyết, đồng thời xảy ra hiện tượng ngất với tứ chi tạm thời tê liệt.

3. Với liều khoảng 4mg/kg trên mèo sẽ sinh hiện tượng huyết áp hạ lâu đồng thời với hiện tượng ức chế hô hấp trong một thời gian ngắn.

4. Với nồng độ 1/167.000 đến 1/50.000 sẽ gây hiện tượng co bóp đối với tử cung của chuột bạch lấy riêng, với liều 1/100.000 có tác dụng ức chế đối với ruột non của thỏ tách riêng.

5. Nhỏ vào mắt không thấy hiện tượng giãn đồng tử.

Tác dụng của peimin và peiminin cũng gần giống nhau và gần giống như fritimin:

1. Liều tối thiểu gây chết đối với chuột nhắt trắng là 9mg/kg (tiêm tĩnh mạch). Trước khi chết có trạng thái co giật, cứng đờ.

3. Với liều 5mg/kg thể trọng đối với thỏ sẽ có hiện tượng đường huyết cao hơn bình thường.

4. Liều lượng vào khoảng l0mg sẽ làm cho mèo bị gây mê, xuất hiện hiện tượng hạ áp huyết tạm thời, nhịp hô hấp bị giảm.

Tính vị: đắng, ngọt, tính hơi hàn.

Quy kinh: phế, tâm.

Công năng: Thanh nhiệt, nhuận phế, hoá đờm, tán kết.

Công dụng: Chữa ho, ung nhọt ở phổi, teo phổi, nhọt vú, tràng nhạc, bướu cổ, thổ huyết.

Cách dùng, liều lượng: 6 - 12 g mỗi ngày, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc:

1. Chữa phụ nữ có thai do ho đờm: Bối mẫu bỏ lõi sao vàng tán nhỏ, luyện với đường phèn viên bằng hạt ngô. Ngày ngậm 5 - 10 viên.

2. Chữa viêm tuyến vú mới sưng tấy: Bối mẫu 10g, thiên hoa phấn 10g, bồ công anh 15g, liên kiều 10g, đương quy 10g, lộc giác 10g, thanh bì 6g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Dùng ngoài giã bồ công anh đắp nơi sưng tấy.

3. Chữa lao hạch (chứng loa lịch): Dùng phương Tiêu loa hoàn gồm huyền sâm 12g, bối mẫu 10g, mẫu lệ 15g, tán bột mịn trộn đều, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10g, chiêu với nước sôi nguội, ngày uống 2 lần.

4. Chữa ciêm phế quản kéo dài (thể âm hư, phế táo): Chọn một trong các phương sau:

- Nhị mẫu tán gồm: tri mẫu 10g, xuyên bối 8g (tán bột hòa uống) hoặc gia 3 lát gừng sắc uống.

- Bối mẫu tán gồm bối mẫu 10g, hạnh nhân 6g, mạch môn đông 10g, tử uyển 10g, trần bì 6g, cam thảo sống 4g. Sắc lấy nước uống.

- Dùng phương thuốc gồm bối mẫu 8g, cát cánh 3g, cam thảo 2g, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát chia 3 lần uống trong ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng phối hợp với Phụ tử, Ô đầu.

Ghi chú: Có tài liệu quy định cây Fritillaria verticillata Willd. - Triết bối mẫu; cây Fritillaria roylei Hook. - Xuyên bối mẫu.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)