Logo Website

BỤP GIẤM

21/04/2020
Bụp giấm có tên khoa học: Hibiscus sabdariffa Linnaeus, họ Bông (Malvaceae) vị chua, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, lợi mật, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng cường chức năng tiêu hoá, hạ huyết áp, chống xơ vữa động mạch, bảo vệ tế bào gan...

BỤP GIẤM

Bụp giấm Hibiscus sabdariffa

Bupj giấm: Hibiscus sabdariffa Linnaeus; Ảnh: africanplants.senckenberg.de and amazon.com

Tên khác: Giấm, Đay Nhật.

Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa Linnaeus, họ Bông (Malvaceae).

Tên đồng nghĩaAbelmoschus cruentus (Bertol.) Walp.; Furcaria sabdariffa Ulbr.; Hibiscus acetosus Noronha; Hibiscus cruentus Bertol.; Hibiscus fraternus L.; Hibiscus gossypifolius Mill.; Hibiscus palmatilobus Baill.; Hibiscus sanguineus Griff.; Hibiscus subdariffa Rottb.; Sabdariffa rubra Kostel.

Mô tả: Cây sống một năm, cao 1,5 - 2m, phân nhánh gần gốc, mầu tím nhạt. Lá hình trứng, nguyên, mép lá có răng. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô mang đài mầu đỏ sáng tồn tại bao quanh quả. Cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10

Bộ phận dùng: Lá, hạt, đài hoa (Folium, Semen et Calyx Hibisci). 

Phân bố: Cây này có nguồn gốc ở Tây Phi và được dùng để lấy lá, đài hoa dùng làm rau chua. ở nước ta, từ lâu cây Bụp giấm được trồng làm cảnh khá phổ biến ở nước ta. Cây này trồng nhiều ở miền Trung, có đặc tính không kén đất, ưa đất đồi núi, khí hậu nóng ẩm ở Đông Nam bộ.ở miền Bắc, cây này được trồng thí điểm ở vùng Hà tây và Bắc thái. Từ đầu thập niên 90 đến nay, Bụp giấm (giống lấy từ Đức) được Công ty Dược liệu TW 2 trồng nhiều ở Bà Rịa, Đồng Nai, Sông Bé, Bình Thuận  (với diện tích khoảng 400 ha) để xuất khẩu. Năng xuất khoảng 400-800kg đài khô/ha. Đài hoa phơi khô bảo quản được lâu, sau khi ngâm nước lại trở về  trạng thái tươi.

Thu hái, sơ chế: Vào mùa thu, lúc các lá đài còn mềm, không nhăn héo và có màu đỏ sẫm. Và cũng chỉ thu hái trong vòng 15-20 ngày sau khi hoa nở vì để lâu, dược liệu sẽ kém phẩm chất.

Tác dụng dược lý: Đài hoa Bụp giấm có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng.  Kinh nghiệm dân gian là nhai ngậm đài hoa bụp giấm để trị viêm họng, ho.  

Đài và lá cũng được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Dịch chiết nước đài hoa Bụp giấm đem tiêm vào mèo thí nghiệm  (không gây mê) cho thấy có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này bị ngăn cản bởi atropin Một chiết đoạn polysaccharit nụ hoa bụp giấm tan trong nước có tính chất như pectin polysacharit làm chậm sự phát triển của khối u sarcoma 180 cấy ghép trên chuột.

Dầu ép từ hạt bụp giấm và chất không xà phòng hoá có tác dụng kháng sinh trên một số chủng vi khuẩn  như Escherichia coli, Salmonella typhi, Bacillus subtilis, Coryne bacterium pyogenes, Staphylococcus aureus... và có tác dụng kháng nấm trên một vài loài nấm: aspergillus, trychophyton, cryptococcus...

Thành phần hoá học :

Cả lá, đài hoa Bụp giấm giàu về acid và protein. Các acid chính tan trong nước là acid citric, acid malic, acid tartric, acid hibiscus. Chúng cũng chứa gossypetin và clorid hibiscin là những chất có tính kháng sinh.

Hoa chứa một chất mầu vàng loại flavonol glucosid là hibiscitrin; hibiscetin; gossypitrin và sabdaritrin. 

Quả khô chứa calci oxalat, gossypetin, anthocyanin (có tác dụng kháng sinh) và Vitamin C.

Hạt chứa 7,6% nước, 22,3% dầu, 24% protein, 13,5% chất xơ, 7% chất khoáng. Dầu hột bụp giấm tương tự như dầu hột  bông vải có tác dụng chống nấm và bệnh ngoài da. Dầu chứa vitamin và các chất béo không no, có tác dụng tốt đối với người cao tuổi và người kiêng ăn.

Tác dụng dược lý:

1. Nước hãm đài hoa chứa nhiều acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, lọc máu, giảm áp suất mạch và kích thích nhu động ruột, lại có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Lá cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát. Quả chống scorbut…

2. Đài hoa Bụp giấm có tác dụng chống co thắt cơ trơn, làm thư giãn cơ trơn tử cung, làm hạ huyết áp và có tính kháng sinh, trị ho, viêm họng.  Kinh nghiệm dân gian là nhai ngậm đài hoa bụp giấm để trị viêm họng, ho.

3. Đài và lá cũng được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu. Dịch chiết nước đài hoa Bụp giấm đem tiêm vào mèo thí nghiệm (không gây mê) cho thấy có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này bị ngăn cản bởi atropin Một chiết đoạn polysaccharit nụ hoa bụp giấm tan trong nước có tính chất như pectin polysacharit làm chậm sự phát triển của khối u sarcoma 180 cấy ghép trên chuột.

4. Dầu ép từ hạt bụp giấm và chất không xà phòng hóa có tác dụng kháng sinh trên một số chủng vi khuẩn  như Escherichia coliSalmonella typhiBacillus subtilisCoryne bacterium pyogenes, Staphylococcus aureus… và có tác dụng kháng nấm trên một vài loài nấm: Aspergillus, Trychophyton, Cryptococcus

Tính vị: Vị chua, tính mát

Quy kinh: Can, tỳ, phế.

Công năng: Nước hãm đài hoa chứa nhiều acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, lọc máu, giảm áp suất mạch và kích thích nhu động ruột, lại có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Lá cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát. Quả chống scorbut...

Công dụng:

Lá có vị chua chua, dùng làm rau ăn. Người ta thường dùng đài hoa có vị chua làm gia vị thay giấm, chế nước giải khát, làm mứt. Có nơi dùng chế sirô. Người ta có thể cho sirô đó lên men. Lá dùng như chất thơm và cùng với đài hoa, quả để trị bệnh scorbut.  Toàn cây có thể chế rượu vang: rượu có mầu đỏ đẹp, vị chát, chua dịu, dáng dấp của vang Bordeaux. 

Lá, đài của hoa bụp giấm chín rất nhanh và chỉ được thu hái trong vòng 15-20 ngày sau khi hoa nở khi chúng còn mềm, không nhăn héo và có mầu đỏ xẫm. Lá đài để tươi, rửa sạch ép lấy nước, pha thêm đường và nước lọc làm đồ uống giải khát.  

Sắc đài hoa mọng nước lấy nước uống hay hãm uống giúp cho tiêu hoá và trị các bệnh về mắt; Nó cũng dùng để trị bệnh tim và thần kinh, huyết áp cao, xơ cứng động mạch.  

Gần đây, Rovesti và Griebel công bố tác dụng chữa xơ vữa động mạch và tính kháng khuẩn đường ruột cao của Bụp giấm.  

Các nhà nghiên cứu Malaixia cho biết nước ép từ lá đài tươi của Bụp giấm có tác dụng bổ dưỡng và phòng ngừa bệnh ung thư. 

Ở Thái Lan, lá đài Bụp giấm phơi khô sắc uống là thuốc lợi tiểu mạnh chữa sỏi thận.  Lá và cành chữa ho, hạt bổ dạ dầy. 

Ở Myanma, hạt Bụp giấm chữa suy nhược cơ thể, còn ở Đài loan, hạt được dùng để nhuận tràng nhẹ, bổ và lợi tiểu. 

Ở Philippin, rễ Bụp giấm là thuốc bổ và kích thích tiêu hoá.

Trên thế giới hiện nay, người ta có xu hướng đi tìm và chiết xuất chất mầu từ cây cỏ để nhuộm mầu thức ăn và đồ uống thay thế cho các loại hoá chất. Nước ta cũng đã chiết mầu đỏ từ lá, đài Bụp giấm cho mục đích này. 

Cách dùng, liều lượng: Sử dụng dưới dạng rượu vang, trà.

Bài thuốc:

1. Trà bụp giấm giúp hạ huyết áp, nhuận tràng, lợi tiểu, giải độc, thanh nhiệt và hạ cholesterol: 30g hoa bụp giấm hoa khô, 700ml nước. Nguyên liệu rửa sạch và hãm trong 700ml nước sôi. Có thể thêm đường và uống hết trong ngày.

2. Rượu bụp giấm giúp nhuận tràng, kích thích tiêu hóa và lợi mật: 600g hoa bụp giấm khô, rượu 40 độ 3 lít, mật ong 150ml. Rửa sạch nguyên liệu, để ráo nước, sau đó ngâm với rượu và mật ong trong khoảng 10 ngày. Mỗi ngày dùng 1 – 2 chén nhỏ trước khi ăn để kích thích tiêu hóa.

3. Giảm ho, ngừa ho: Hoa bụp giấm tươi và đường: Rửa nguyên liệu, sau đó để ráo. Sau đó bỏ vào bình, 1 lớp bụp giấm xen kẽ với 1 lớp đường. Ngâm trong 15 ngày là dùng được. Mỗi ngày dùng khoảng 30ml.

Ghi chú: Lá cây Bụp giấm thường được sử dụng để nấu canh chua, chế nước giải khát. Nước ta có sản xuất rượu vang Hibiscus phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Kiêng kỵ, chú ý:

1. Không nên dùng quá 2g/ngày vì dược liệu có khả năng gây độc.

2. Hoạt chất anthocyanin trong dược liệu có thể bị phân hủy khi chế biến ở nhiệt độ quá cao. Vì vậy cần chú ý khi chế biến dược liệu này.

3. Chưa có tài liệu chứng minh về độ an toàn của dược liệu đối với phụ nữ mang thai và cho con bú.

4. Bụp giấm làm giảm 62% nồng độ của thuốc Diclofenac trong huyết thanh. Đồng thời làm giảm nồng độ thuốc Acetaminophen, gây giảm tác dụng điều trị. Khi dùng đồng thời, cần thông báo với bác sĩ để được cân chỉnh liều dùng.

5. Hiện nay có nhiều nơi gọi bụp giấm là atiso đỏ. Tuy nhiên công dụng của 2 loại thực vật này không giống nhau. Cần thận trọng khi lựa chọn nguyên liệu, tránh gây ảnh hưởng đến kết quả của quá trình điều trị.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)