CÂU ĐẰNG
CÂU ĐẰNG (钩藤)
Ramulus Uncariae cumunsis
Câu đằng: Uncaria rhynchophylla (Miq.) Miq. ex Havil.; Photo Smilingbudha
Tên khác: Gai móc câu, thuần câu câu, Vuốt lá mỏ, Câu đằng lá mỏ.
Tên khoa học: Uncaria rhynchophylla (Miq.) Miq. ex Havil., họ Cà phê (Rubiaceae).
Tên đồng nghĩa: Nauclea rhynchophylla Miq.; Ourouparia rhynchophylla (Miq.) Matsum.; Uncaria rhynchophyllavar. kouteng T.Yamaz.
Mô tả:
Cây: Câu đằng là một loại dây leo, thường mọc nơi mát. Lá mọc đối có cuống, hình trứng đầu nhọn, mặt dưới như có phấn, ở mặt lá có gai mọc cong xuống trông như lưỡi câu nên có tên câu đằng. Mùa hạ nở hoa nhỏ màu vàng trắng, hình cầu. Quả nang dài và dẹt, có chứa nhiều hạt có cánh.
Dược liệu: Thân vuông, màu nâu thẫm, được cắt đoạn 2 - 3 cm, đường kính 2 - 5 mm; một đầu thường cắt sát gần móc câu (ở phía trên). Phần lớn mấu thân có hai móc câu cong xuống hướng vào trong, đối diện nhau; một số mấu chỉ có một móc ở một bên và phía đối diện là một sẹo ở cao hơn. Các móc câu thường tròn hoặc hơi dẹt, đầu móc nhọn, đế tương đối rộng. Chất cứng, dai, ruột màu trắng vàng hoặc có lỗ. Không mùi, vị nhạt.
Bộ phận dùng: Dược liệu là những đoạn cành có gai hình móc câu (Ramulus Uncariae cumunsis) đã phơi khô của một số loài Câu đằng (Uncaria rhynchophylla (Miq.) Miq. ex Havil..), họ Cà phê (Rubiaceae).
Phân bố: Trên thế giới cây Câu đằng thường phân bố và tập trung chủ yếu ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc. Ở nước ta, cây Câu đằng mọc hoang nhiều ở vùng thượng du Cao bằng, Hoàng liên sơn. Hiện nay trên thị trường có cả Câu đằng thu hái trong nước và nhập từ Trung Quốc.
Thu hái, sơ chế: Lấy các dây Câu đằng bánh tẻ, chặt lấy các đoạn có móc câu theo kích thước quy định, đem phơi nắng hoặc sấy ở 50 – 60 oC đến khô.
Bảo quản: Dược liệu câu đằng sấy khô trong túi nilong hoặc hũ thủy tinh đậy kín nắp. Để thuốc ở nơi khô thoáng và độ ẩm không quá 12%.
Bào chế:
Theo Trung y:
Dùng câu đằng chỉ dùng sống không cần sao chế. Nếu dùng vào thuốc thang thì phải để riêng, sắc thuốc gần tới mới cho dược liệu vào.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Dùng khô, thái nhỏ nếu có to quá. Không phải tẩm sao.
- Dùng sắc thì sau khi thuốc gần tới mới cho câu đằng vào, chỉ để sôi dạo là được.
Có thể tán bột dùng làm hoàn tán.
Tính vị: vị ngọt, không mùi, tính hơi hàn.
Quy kinh: can, tâm và tâm bào lạc.
Tác dụng dược lý:
- Tác dụng hạ áp: các loại chế phẩm và chiết xuất của Câu đằng đều có tác dụng hạ áp hòa hoãn và kéo dài. Thành phần chủ yếu có tác dụng hạ áp là chất kiềm Câu đằng. Nguyên lý hạ áp chủ yếu là thuốc trực tiếp tác dụng và phản xạ tác dụng ức chế trung khu thần kinh vận mạch và chẹn nút thần kinh giao cảm, làm giãn mạch ngoại vi nên lực cản giảm và hạ áp. Nếu đun sôi quá 20 phút tác dụng hạ áp giảm cho nên không nên đun lâu.
- Tác dụng an thần: nước sắc Câu đằng và chiết xuất cồn thuốc trên súc vật thực nghiệm đều có tác dụng an thần rõ nhưng không gây ngủ. Cao ngâm rượu của thuốc có tác dụng chống co giật trên chuột Hà lan thực nghiệm.
- Câu đằng còn có tác dụng ức chế cơ trơn của ruột, làm dịu cơn co thắt cơ trơn của phế quản.
- Liều nhỏ rhynchophylin có tác dụng hưng phấn trung khu hô hấp, đồng thời làm giãn mạch máu ngoại biên, làm cho huyết áp hạ xuống rõ rệt.
- Tiêm rhynchophylin vào tĩnh mạch của thỏ làm cho thỏ thở hổn hển và tê liệt vận động. Nếu dùng liều độc gây chết thì con vật chết do hô hấp bị tê liệt. Nếu tiêm liều độc thấp gây chết (30-40mg cho 1kg thể trọng) thì chỉ thấy hiện tượng thở hổn hển mà thôi.
- Vì cấu tạo hóa học của rhynchophylin gần giống như cấu tạo hóa học của chất yohimbin nên có tác giả (T. Sollmann, 1984) đã cho rằng cơ chế tác dụng của câu đằng là do ức chế sự hưng phấn thần kinh giao cảm.
- Liều nhỏ rhynchophylin có tác dụng hưng phấn trung khu hô hấp, làm giãn vi huyết quản, làm cho huyết áp giảm xuống.
Thành phần hóa học: Các alcaloid (rhynchophylin, isorhynchophylin). Alcaloid còn được phân bố ở một số bộ phận khác như là:
Thân, lá, móc câu: có chứa rhynchophyllin, isorhynchophuyllin, isocorynoxcin và corynoxcin.
Thân và lá: gồm các thành phần như akumigin, rhynchophin, valestachotchamin.
Vỏ, thân, cành: hirsutin, hirsutein.
Công năng: Bình can, tức phong, trấn kinh.
Công dụng: Trấn kinh, chữa chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, cao huyết áp, trẻ em kinh giản (co giật), động kinh...
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 - 15g, dạng thuốc sắc. Thời gian sắc thuốc không quá 10 phút.
Bào chế: Dùng khô, thái nhỏ nếu có to quá. Không phải tẩm sao. Dùng sắc thì sau khi thuốc gần tới mới cho Câu đằng vào, chỉ để sôi vài dạo là được. Có thể tán bột dùng làm hoàn tán.
Bài thuốc:
1. Chữa huyết áp cao do can dương thịnh:
+ Câu đằng 12g, Kim ngân hoa 10g, Bạc hà 6g, Cúc hoa 10g, Địa long 10g, nước sắc uống.
+ Câu đằng, Cúc hoa đều 10g, Thạch cao 20g, Mạch môn 10g, Trần bì 10g, Cam thảo 3g sắc uống.
+ Câu đằng, Tang diệp, Cúc hoa đều 10g, Hạ khô thảo 16g, sắc nước uống.
+ Huyền sâm, Bạch truật, Câu đằng (cho sau) đều 15g, Hoài ngưu tất 12g, Đơn bì 10g, sắc uống.
+ Viên chiết xuất kiềm Câu đằng 20 - 40mg/1 lần uống (liều có thể 60mg), ngày 3 lần. Tác giả dùng trị cho 245 ca cao huyết áp, tỷ lệ hạ áp 77,2%, tỷ lệ hạ áp rõ là 38,2%, tốt nhất đối với thể âm hư dương kháng, hạ áp ổn định và kéo dài (Báo cáo của Sở nghiên cứu thuốc, kiểm nghiệm sản phẩm thuốc thị xã Thiên tân, Thông tin Trung thảo dược 1976,3:38).
2. Chữa co giật do phong nhiệt, trẻ em sốt cao co giật:
+ Câu đằng ẩm tử (Tiểu nhi dược chứng trực quyết): Câu đằng 12g, Quảng tê giác (sừng trâu) bột 10g, Thiên ma 10g, Toàn yết 5g, Mộc hương 3g, Cam thảo 3g sắc uống.
+ Câu đằng 10g, Thiên ma 6g, Cúc hoa 8g, Bạc hà 6g, Thuyền thoái 2g, Kinh giới 6g, sắc uống trị trẻ em lên sởi sốt cao.
3. Chữa trẻ em uốn ván sốt: Câu đằng 15g, Tang diệp 15g, Hoàng cầm 10g, Đởm nam tinh 6g, Thạch cao 60 - 100g, Thuyền thoái 30g, Toàn yết, Bạch phụ tử mỗi thứ 10g, Ngô công 2 con, sắc nước uống ngày 1 thang (Theo liều lượng mà tác giả dùng: Toàn yết và Bạch phụ tử có thể 15g, Ngô công 5 con).
4. Chữa trẻ em khóc đêm: Câu đằng, Thuyền thoái đều 3g, Bạc hà 1g sắc uống, ngày 1 thang liên tục 2 - 3 ngày. Đã trị 18 ca, khỏi 17 ca (Thông tin Trung thảo dược 1979,3:38).
5. Chữa đau đầu, hoa mắt, chóng mặt: Câu đằng, ích mẫu, thạch quyết minh mỗi thứ 12g, 10g hạ khô thảo, 9g đỗ trọng, 6g hoàng cầm sắc lấy nước uống trong ngày.
Kiêng kỵ:
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
- Người truyền máu.
- Người bị huyết áp thấp.
Ghi chú: Ở Việt Nam còn khai thác với tên câu đằng một số loài câu đằng khác, trong đó có loài Uncaria homomallaMiq. (Synonym: Uncaria tonkinensis Havil.)
Tham khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza