Logo Website

CÂY LÁ NGÓN

10/05/2020
CÂY LÁ NGÓN có tên khoa học: Gelsemium elegans Benth., họ Mã tiền (Loganiaceae). Dây ngón chứa nhiều chất độc như glesemin, koumin, kouminidin…Trong đó, rễ cây là bộ phận độc nhất, sau đó đến lá, hoa, thân và quả (với thân dây thì phần già độc hơn phần non).

CÂY LÁ NGÓN

Lá ngón Gelsemium elegans

Lá ngón: Gelsemium elegans Benth.; Photo herbarium.gov.hk

Tên khác

Lá ngón, Co ngón, Thuốc rút ruột, Đoạn trường thảo, Ngón vàng, Khau nguộn (Tày), Co ngón (Thái)

Tên khoa học: 

Gelsemium elegans Benth., họ Mã tiền (Loganiaceae).

Tên đồng nghĩa

Gelsemium sumatranum (Blume) Boerl.; Leptopteris sumatrana Blume; Medicia elegansGardner & Champ.

Mô tả: 

Cây lá ngón thuộc loại cây bụi leo, có nhiều cành leo dựa vào cây khác. Lá mọc đối, màu xanh bóng, hình tròn, đầu nhọn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đầu cành, màu vàng, hình ống nhỏ, xòe 5 cánh. Mùa hoa từ tháng 6 - 10. Quả nang thon dài, màu nâu, chứa nhiều hạt. Hạt nhỏ, hình hạt đậu, màu nâu nhạt, có cánh mỏng phát tán theo gió rất xa. Cây lá ngón mọc hoang khắp nơi trong nước ta, phổ biến ở vùng rừng núi.

Bộ phân dùng: 

lá, rễ

Phân bố:

Cây mọc hoang ở một số vùng đồi, núi nước ta.

Thành phần hoá học: 

Alcaloid (gelsemin, gelmicin...) 

Độc tính:

Dây ngón chứa nhiều chất độc như glesemin, koumin, kouminidin…Trong đó, rễ cây là bộ phận độc nhất, sau đó đến lá, hoa, thân và quả (với thân dây thì phần già độc hơn phần non).

Dù là cố tình hay vô ý, ngộ độc lá ngón sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được giải độc kịp thời. Thông thường, chỉ cần dùng 2 – 3 lá dây ngón là có thể dẫn đến tử vong trong 1 đến 7 giờ đồng hồ. Khi bị ngộ độc, nạn nhân phải trải qua các đau đớn về thể xác như: khát nước, đau rát họng, buồn nôn, hoa mắt, hạ huyết áp, sùi bọt mép… rồi tử vong.

Hơn nữa, với độc tính mạnh và phát tán nhanh, chỉ cần ngắt lá làm cho nhựa dính vào tay và tiếp xúc với đồ ăn (hoặc vết thương) là nạn nhân cũng đã trúng độc.

Công dụng: 

Chữa mụn nhọt độc, chữa vết thương do ngã hay bị đánh đòn.

Cách dùng, liều lượng: 

Giã nhỏ đắp ngoài hoặc sắc lấy nước rửa chỗ đau.

Ghi chú: 

Cây Lá ngón là nguyên nhân của rất nhiều vụ ngộ độc ở các vùng rừng, núi. Alcaloid của Cây lá ngón có độc tính rất mạnh, dễ gây ngộ độc chết người. Khi ngộ độc bị nôn mửa, hôn mê, giãn đồng tử, ngạt hô hấp, các cơ bị mềm nhũn, đau bụng dữ dội, chảy máu dạ dày, ruột. Khi ngộ độc phải rửa dạ dày, chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Một số cách giải độc lá ngón:

Nếu phát hiện kịp thời, có thể giải độc lá ngón bằng cách loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể ngay lập tức bằng cách làm cho nạn nhân nôn hết ra, sau đó đưa đến trạm y tế.

- Cách 1: Dùng vòi nước đưa nước vào cơ thể người bệnh cho đến khi nôn ra chất độc (nếu nặng thì phải dùng phân động vật hòa loãng với nước rồi cho uống để nôn ra).

- Cách 2: Lấy cả cây rau má rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước, hòa với nước ấm mà uống.

- Cách 3: Uống thật nhiều nước sắc cam thảo.

- Cách 4: Lấy vỏ cây ngũ gia bì chân chim, giã nát rồi sắc lấy nước uống.

- Cách 5: Lấy lá kim ngân tươi, nhai kỹ rồi nuốt nước (hoặc lấy dây và lá kim ngân sắc lấy nước uống).

- Cách 6: Đặt ống nội khí quản: rửa dạ dày bằng nước có kali pecmanganat 1/5000 hoặc than hoạt. Sau khi rửa, có thể bơm qua ống thông than hoạt 60g. Bóp bóng Ambu và thở máy khi có liệt cơ hô hấp.

+ Truyền dịch: glucose 5% 1 - 2 lít, glucose 20% 0,5 lít, NaCl 0,9%.

+ Điều trị triệu chứng: nếu có co giật, đau bụng: diazepam 5 - 10mg, atropin 0,5 - 1mg tiêm tĩnh mạch nhiều lần cho đến khi hết co giật. Nên cùng một lúc đặt ống thông nội khí quản để đảm bảo hô hấp. Papaverin, spasmaverin hoặc dolargan tiêm tĩnh mạch cũng có tác dụng tốt đối với co giật, đau bụng.

+ Nếu nhịp tim nhanh: dùng labetolol nhỏ giọt tĩnh mạch.

+ Nếu nhịp tim chậm truỵ mạch: dùng atropin, dopamin.

+ Rửa dạ dày thông khí nhân tạo là hai biện pháp chủ yếu.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org