CÂY MỎ QUẠ
CÂY MỎ QUẠ
Tên khác: Hoàng lồ, Vàng lồ, Xuyên phá thạch, Ắc ó, Thồ lồ, Cây bớm, Cây bướm, Sọng vàng, Gai vàng lồ, Gai mang, Móc câu, Nam phịt (Tày)
Tên khoa học: Maclura tricuspidata Carrière, họ Dâu tằm (Moraceae).
Tên đồng nghĩa: Cudranus triloba Hance; Cudrania tricuspidata (Carrière) Bureau ex Lavallée; Morus integrifolia H. Lév. & Vaniot; Vanieria tricuspidata (Carrière) Hu; Vanieria triloba (Hance) Satake
Mô tả: Cây nhỏ, thân mềm yếu, nhiều cành, tạo thành bụi, có khi mọc thành cây nhỡ, chịu khô hạn rất khỏe, có nhựa mủ trắng, rễ hình trụ có nhiều nhánh, mọc ngang, rất dài, nếu gặp đá có thể xuyên qua được (do đó có tên xuyên phá thạch có nghĩa là phá chui qua đá). Vỏ thân màu tro nâu, trên có nhiều bì khổng màu trắng, thân và cành có rất nhiều gai, gai già hơi cong xuống trông như mỏ con quạ (do đó có tên cây mỏ quạ). Lá mọc cách, hình trứng thuôn, hai đầu nhọn, mặt lá nhẵn, bóng, mép nguyên. Nhấm có vị tê tê ở lưỡi (đặc điểm). Cụm hoa hình cầu, đường kính 7-10mm, màu vàng nhạt, mọc thành đôi hay mọc đơn độc ở kẽ lá. Hoa đơn tính, đực cái khác gốc. Mùa hoa tại Hà Nội là tháng 4. Quả màu hồng họp thành quả kép. Mùa quả tháng 10-11.
Bộ phận dùng: Lá, rễ (Radix et Folium Cudraniae).
Phân bố: Trên thế giới cây phân bố ở khu vực có khí hậu nhiệt đới như Châu Úc, Châu Phi và Châu Á. Ở nước ta, cây mỏ quạ mọc hoang ở ven đường, sườn núi hoặc có thể được trồng để làm hàng rào. Cây mọc nhiều nhất ở Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Nam và Đồng Nai.
Thu hái, sơ chế: Thường dùng lá tươi, có khi hái cả cành về nhà mới bứt lá riêng. Lá, có thể đem nấu thành cao để dùng dần. Còn dùng rễ, đào về rửa sạch đất, cắt thành từng mẩu 30-50cm, phơi hay sấy khô. Vỏ ngoài màu vàng đất, vết cắt màu vàng nhạt, vị hơi tê tê.
Thành phần hoá học : Lá và rễ cây chứa acid hữu cơ, kaempferol, cudraniaxanthon, quercetin, butyrospermol acetat, taxifolin, flanonoid, populnin, aromadendrin, tannin pyrocatechin.
Tác dụng dược lý:
- Phenol toàn phần, flavonoid toàn phần, các polyphenolic, carotenoid toàn phần có tác dụng chống oxy hoá.
Tính vị: Vị hơi đắng, tính mát.
Quy kinh: Phế.
Công dụng: Chữa vết thương phần mềm.
Cách dùng, liều lượng:
Lá mỏ quạ tươi đã được dùng chữa vết thương phần mềm theo kinh nghiệm của cụ lang Long (Hải Dương) như sau: Chủ yếu dùng lá mỏ quạ tươi, rồi tùy theo vết thương, thêm một hai vị khác. Lá mỏ quạ tươi lấy về rửa sạch, bỏ cọng, giã nhỏ đắp vào vết thương. Nếu vết thương xuyên thủng thì phải đắp cả hai bên, băng lại. Mỗi ngày rửa và thay băng một lần. Thuốc rửa vết thương là lá trầu không nấu với nước (40g lá trầu, 2 lít nước, nấu sôi để nguội, thêm vào đó 8g phèn phi, hòa tan, lọc và dùng rửa vết thương). Sau 3-5 ngày đã đỡ, khi đó hai ngày mới cần rửa và thay băng một lần.
Trường hợp vết thương tiến triển tốt nhưng lâu đầy thịt thì thay thuốc sau: Lá mỏ quạ tươi và lá thòng bong, hai vị bằng nhau, giã lẫn cả hai thứ đắp lên vết thương, mỗi ngày rửa và thay băng một lần. 3-4 ngày sau lại thay thuốc sau: lá mỏ quạ tươi, lá thòng bong, lá hàn the (Desmodium heterophyllum DC.) ba thứ bằng nhau, cứ 3 ngày mới thay băng một lần để vết thương chóng lên da non.
Sau 2-3 lần thay băng bằng 3 vị trên thì rắc lên vết thương thuốc bột chế bằng phấn cây cau (sao khô) 20g, phấn cây chè (sao khô) 16g, ô long vĩ (bồ hóng) 8g, phèn phi 4g. Các vị tán mịn, trộn đều rắc lên vết thương rồi để yên cho vết thương đóng vẩy và róc thì thôi.
Rễ được dùng trong nhân dân ta và ở Trung Quốc (Quảng Tây) làm thuốc khứ phong, hoạt huyết phá ứ, chữa ứ tích lâu năm, bị đả thương, phụ nữ kinh bế. Ngày dùng 10-30g rễ dưới dạng thuốc sắc. Theo kinh nghiệm nhân dân, phụ nữ có thai không dùng được.
Bài thuốc:
1. Hỗ trợ điều chữa ho do lao phổi: Hoàng liên ô rô 20g, rung rúc 30g, bách bộ 20g, rễ cây mỏ quạ 40g. Sắc với 700ml nước còn lại 350ml nước, chia thành 3 lần và sử dụng hết trong ngày. Nên uống khi thuốc còn ấm, áp dụng bài thuốc trong 15 ngày là kết thúc 1 liệu trình. Có thể lặp lại liệu trình nếu triệu chứng chưa thuyên giảm hẳn.
2. Chữa bế kinh ở phụ nữ: Rễ mỏ quạ 30g. Rửa sạch, đem sắc với 500ml nước còn lại 200ml. Mỗi lần dùng 100ml, ngày dùng 2 lần. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày trước kỳ kinh.
3. Hỗ trợ điều trị bệnh phong thấp: Thiên niên kiện, quế nhục và cành dâu mỗi vị 20g, mỏ quạ 40g. Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm sắc với 550ml với lửa nhỏ cho đến khi còn lại 250ml. Mỗi lần dùng 125ml, ngày dùng 2 lần. Cứ 10 ngày là kết thúc 1 liệu trình, nên lặp lại từ 3 – 5 liệu trình để nhận thấy tác dụng rõ rệt.
4. Chữa bệnh kinh giản, lên cơn 3 – 4 lần/ ngày: Thảo quả, binh lang và mỏ quạ mỗi vị 20g. Đem các vị sắc lấy nước uống, dùng mỗi ngày 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
5. Chữa chấn thương phần mềm:
Bài thuốc 1: Dùng lá mỏ quạ, bỏ cuống, giã nhỏ và đắp trực tiếp vào vết thương. Đồng thời dùng nước nấu từ lá trầu không thêm 8g phèn chua vào, dùng nước ngâm rửa vết thương. Thực hiện 3 – 5 ngày là khỏi.
Bài thuốc 2: Nếu vết thương chậm lành, có thể dùng lá bòng bong và lá mỏ quạ tươi bằng lượng nhau, đem giã nát và đắp trực tiếp lên da. Đồng thời sử dụng bài thuốc ngâm rửa như trên. Sau 3 – 4 ngày thực hiện, nên dùng thêm lá hèn the vào, giã nát cùng lá bòng bong và mỏ quạ. Đắp trong 3 ngày rồi thay thuốc mới.
6. Chữa ho, đờm vàng và sốt do lao phổi: Bách bộ 12g và rễ mỏ quạ 63g. Đem các vị sắc lấy nước uống, chia thành 2 lần uống trong ngày và dùng mỗi ngày 1 thang.
7. Bài thuốc trị chân tay nhức mỏi, lưng đau do bệnh phong thấp: Rễ mỏ quạ 250g. Đem tẩm rượu, sao vàng rồi sắc lấy nước uống.
8. Trị mụn nhọt sưng đau: Vỏ rễ mỏ quạ. Rửa sạch, giã nát và đắp vào chỗ đau nhức.
9. Chữa ho ra máu do nhiệt tích ở phổi: Rễ mỏ quạ 63g. Cạo lớp vỏ ngoài, sau đó thái lát và sao xém. Cho nước vào sắc, sau đó thêm ít đường, hòa đều và dùng uống ngày 3 lần.
10. Hỗ trợ điều trị ung thư thực quản và ung thư dạ dày: Mã tiên thảo, tam lăng và rễ mỏ quạ gia giảm liều lượng theo từng trường hợp. Sắc uống hằng ngày.
11. Chữa sạn đường mật: Uất kim 12g, kim tiền thảo 30g, xuyên quân 10g, trần bì 30g, mỏ quạ 15g. Sắc uống.
12. Chữa sạn đường tiết niệu: Hoạt thạch, đông quỳ tử, hải kim sa (gói trong túi vải) và xuyên phá thạch mỗi vị 15g, kim tiền thảo 30 – 60g, hoài ngưu tất 12g. Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày sắc 1 thang.
13. Chữa chứng thận hư do thấp nhiệt có kèm sạn: Vương bất lưu hành 15g, hoàng tinh 15g, xuyên phá thạch 15g, hoàng kỳ 30g, hoài ngưu tất 15g, hải kim sa (gói vải) 15g, kim tiền thảo 20g. Sắc uống hằng ngày.
14. Chữa ho lâu ngày do nhiễm khí lạnh: Cam thảo 9g, rễ rung rúc 30g và xuyên phá thạch 10g. Cho dược liệu vào ấm, thêm 700ml nước vào và sắc còn 300ml. Mỗi lần dùng 100ml, ngày dùng 3 lần. Cứ 10 ngày là xong 1 liệu trình, có thể lặp lại liệu trình nếu cần thiết.
15. Chữa bệnh sỏi đường tiết niệu: Đậu vẩy rồng 25g, xuyên phá thạch, râu mèo, hoạt thạch và đông quỳ tử mỗi vị 15g, ngưu tất 12g. Dùng các vị sắc lấy nước uống.
Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ mang thai.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- The International Plant Names Index and World Checklist of Selected Plant Families 2020. Published on the Internet at http://www.ipni.org and http://apps.kew.org/wcsp/
- Kim DW, Lee WJ, Asmelash Gebru Y, Choi HS, Yeo SH, Jeong YJ, Kim S, Kim YH, Kim MK.; Comparison of bioactive compounds and antioxidant activities of Maclura tricuspidata fruit extracts at different maturity stages. Molecules. 2019 Feb 4;24(3). pii: E567. doi: 10.3390/molecules24030567.
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Cánh diều - Melanolepis multiglandulosa
- Công dụng của cây Sang sóc - Schima wallichii
- Công dụng của cây Tường anh - Parietaria micranta
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica
- Công dụng của cây Cau đất - Tropidia curculigoides Lindl.
- Công dụng của cây Điền điển phao - Sesbania javanica
- Công dụng của cây Mâm xôi đen - Rubus fruticosus
- Công dụng của cây Xương rồng trụ - Cereus jamacaru
- Công dụng của cây Bướm đêm đa hoa - Middletonia multiflora
- Công dụng của cây Ngọc nữ lá chân vịt - Clerodendrum palmatolobatum
- Công dụng của cây Bướm bạc một hoa - Mussaenda uniflora
- Công dụng của cây Tàu muối - Vatica odorata