Logo Website

CÂY XẤU HỔ

10/05/2020
CÂY XẤU HỔ có tên khoa học: Mimosa pudica L., họ Trinh nữ (Mimosaceae). Công dụng: Cành, lá làm thuốc ngủ, an thần. Rễ chữa nhức xương, thấp khớp.

CÂY XẤU HỔ

Herba Mimosae Pudicae

Tên khác: Trinh nữ, Cây mắc cỡ, Cây thẹn, Hàm tu thảo, Nhả nã nhẻn (Tày), La tép (Bana), Mìa nhau (Dao).

Tên khoa học: Mimosa pudica L., họ Trinh nữ (Mimosaceae). 

Tên đồng nghĩaMimosa hispidula Kunth; Mimosa pudica var. pudica

Mô tả: Cây nhỏ, phân nhiều nhánh, mọc thành bụi, loà xoà trên mặt đất, cao độ 50cm, thân có nhiều gai hình móc. Lá kép lông chim chẵn, hai lần, cuống phụ xếp như hình chân vịt, khi dụng chạm nhẹ thì lá cụp xẹp lại, hoặc buổi tối cũng cụp lại. Lá chét nhỏ gồm 12-14 đôi. Hoa nhỏ, màu tím nhạt, tụ lại thành hình đầu. Quả giáp nhỏ, dài độ 2cm, rộng 2-3mm, tụ lại thành hình ngôi sao, có lông cứng-hạt nhỏ, dẹt dài độ 2mm, rộng 1-1,5mm.

Mùa hoa: tháng 6-8.

Bộ phận dùng: Cành lá, rễ.

Sinh thái: Cây xấu hổ mọc hoang nhiều nơi ở nước ta: ven đường, bờ ruộng, trên đồi.

Phân bố: Loài này có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Trung Mỹ. Trên thế giới, cây xấu hổ cũng phân bố ở một số nước Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonessia, Malaysia, Philippines, Jamaica… Ở Việt Nam, cây xấu hổ mọc hoang ở khắp nơi từ  miền Bắc tới Nam.

Thu hái, sơ chế: Mùa hạ, khi cây đang phát triển xanh tốt, cắt lấy phần trên mặt đất, phơi khô là được (chú ý tránh làm rụng lá).

Bảo quản: Sau khi phơi khô đem đi cất ở nơi khô tráo, thoáng mát, thỉnh thoảng đem ra phơi để tránh ẩm mốc.

Tác dụng dược lý:

Hoạt tính chống nọc rắn độc: Khả năng trung hòa nọc rắn độc của mimosa được nghiên cứu khá sâu rộng tại Ấn Độ. Nghiên cứu tại ĐH Tezpur (Ấn Độ) năm 2001 ghi nhận các dịch chiết từ rễ khô Mimosa pudica có khả năng ức chế các độc tính tác hại của nọc rắn hổ mang Naja kaouthia. Sự ức chế bao gồm các độc hại gây ra cho bắp thịt, cho các enzy mes. Dịch chiết bằng nước có tác dụng mạnh hơn dịch chiết bằng alcohol (Journal of Ethnopharmacology Số 75-2001). Nghiên cứu bổ túc tại ĐH Mysore, Manasa gangotry (Ấn Độ) chứng minh được dịch chiết từ rễ cây mắc cỡ ức chế được sự hoạt động của các men hyaluronidase và protease có trong nọc các rắn độc loại Naja najaVipera russelii và Echis carinatus (Fitoterapia Số 75-2004). 

Hoạt tính chống co giật: Nghiên cứu tại Departement des Sciences Biologiques, Faculté des Sciences, Université de Ngaoundere (Cameroon) ghi nhận dịch chiết từ lá cây mắc cỡ khi chích qua màng phúc toan (IP) của chuột ở liều 1000 đến 4000 mg/ kg trọng lượng cơ thể bảo vệ được chuột chống lại sự co giật gây ra bởi pentylentetrazol và strychnin tuy nhiên dịch này lại không có ảnh hưởng đến co giật gây ra bởi picrotoxin, và có thêm tác dụng đối kháng với các phản ứng về tâm thần gây ra bởi N-methyl-D-as partate (Fitoterapia Số 75-2004). 

Hoạt tính chống trầm cảm (antidepressant) Nghiên cứu tại ĐH Veracruz (Mexico) ghi nhận nước chiết từ lá khô Mimosa pudica có tác dụng chống trầm cảm khi thử trên chuột. Thử nghiệm cũng dùng clomipramine, desipramine để so sánh và đối chứng với placebo (nước muối 0,9 %). Liều sử dụng cũng được thay đổi (dùng 4 lượng khác nhau từ 2mg, 4mg, 6mg đến 8 mg/kg). Chuột được thử bằng test buộc phải bơi. 

Hoạt tính chống âu lo được so sánh với diazepam, thử bằng test cho chuột chạy qua các đường đi phức tạp (maze). Kết quả ghi được: clomipramine (1,3 mg/kg, chích IP), desipramine (2.14mg/kg IP) và Mắc cở (6,0mg/kg và 8,0 mg/kg IP) làm giảm phản ứng bất động trong test bắt chuột phải bơi. M. pudica không tác dụng trên test về maze. Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt tính của Mắc cỡ có cơ chế tương tự như nhóm trị trầm cảm loại tricyclic (Phytomedicine Số 6-1999). 

Tác dụng trên chu kỳ rụng trứng: Nghiên cứu tại ĐH Annamalai, Tamilnadu (Ấn Độ): Bột rễ mimosa pudica (150 mg/ kg trọng lượng cơ thể) khi cho uống qua đường bao tử, làm thay đổi chu kỳ oestrous nơi chuột cái Rattus norvegicus. Các tế bào loại có hạch (nucleated và cornified) đều không xuất hiện. Chất nhày chỉ có các leukocytes.. đồng thời số lượng trứng bình thường cũng giảm đi rất nhiều, trong khi đó số lượng trứng bị suy thoái lại gia tăng. (Phytotherapia Research Số 16-2002). Hoạt tính làm hạ đường trong máu: Dịch chiết từ lá mắc cỡ bằng ethanol, cho chuột uống, liều 250 mg/ kg cho thấy có tác dụng làm hạ đường trong máu khá rõ rệt (Fitoterapia Số 73-2002).

- Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: Những kết quả nghiên cứu chứng cây Xấu hổ có thể chống mất ngủ. Cây Xấu hổ có tác dụng hiệp đồng với hexobacbital, meprobamat, đồng thời tăng tác dụng của bibactal. Điều này khẳng định tác dụng ức chế thần kinh trung ương của cây Xấu hổ. Song, tác dụng hiệp đồng với babital không mạnh như khi kết hợp cây Xấu hổ với meprobamat hay hexobacbital.

– Cây Xấu hổ có tác dụng chấn kinh: làm chậm thời gian xuất hiện co giật của cacdiazol.

– Tác dụng giảm đau: Tiến hành thí nghiệm theo 3 phương pháp: Mâm đồng (ở 56oC); phương pháp Collier (gây đau bằng axetylcolin) và phương pháp Nilsen (kích thích điện) đều thấy có tác dụng rõ rệt.

– Tác dụng giải độc acid asenic.

Thành phần hoá học: 

- Alcaloid (mimosin C8H10O4N2.) và crocetin còn có flavonosid, các loại alcol, acid amin, acid hữu cơ. Hạt chứa chất nhầy, lá chiết ra một chất tương tự adrenalin. Trong lá và quả đều có selen. 

- Phân tích thành phần hóa học cho thấy Mimosa pudica (Cây Xấu hổ) bao gồm rất nhiều hợp chất: alcaloid, flavonoid C-glycosid, sterol, terenoid, tanin và các acid béo.

– Rễ cây chứa tới 10% tanin. Nó còn tiết ra các hợp chất hữu cơ và lưu huỳnh như SO2; acid methylsulfinic, acid pyruvic, acid lactic; acid ethanesulfinic, propane sulfinic acid; 2-mercaptoaniline, S-propyl propane 1-thiosulfinate và thioformaldehyde.

– Lá Xấu hổ có chứa một lượng nhỏ chất tương tự như adrenalin. Hạt cây xấu hổ tiết ra chất nhày được cấu thành từ D-glucuronic acid và D-xylose. 

– Cây Xấu hổ còn chứa rocetin-dimethylester, tubulin và một loại dầu béo tương tự như dầu đậu nành và có thể có cùng công dụng. Thành phần chất béo gồm có các acid panmitic 8,7%, stearic 8,90%, oleic 31,0%, linoleic 51%, linolenic 0,4%.

– Ngoài ra các nhà khoa học đã tách ra được một số protein như artin protein (Artin like protein). Loại hormon thực vật tugorin là dẫn xuất của gallic acid 4-O-(β-D-glucopyranosyl-6′-sulfate) có vai trò như một yếu tố làm cho lá hoạt động (gập, mở) theo chu kỳ. Các chất tubulin gồm α _tubulin và β_tubulin, có tác dụng điều hòa các chuyển động của lá Xấu hổ, đã được phát hiện trong cây.

Tính vị: Vị ngọt, se, tính hơi hàn, có ít độc

Quy kinh: Phế.

Công năng: An thần, giảm đau, trừ phong thấp.

Công dụng: Cành, lá làm thuốc ngủ, an thần. Rễ chữa nhức xương, thấp khớp.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g cành lá khô, sắc uống trước khi đi ngủ. Rễ cây thái mỏng, tẩm rượu sao vàng sắc uống ngày 100-120g. 

Bài thuốc: 

1. Suy nhược thần kinh, mất ngủ: Mắc cỡ 15g, dùng riêng hoặc phối hợp với Cúc bạc đầu 15g, Chua me đất 30g sắc uống hằng ngày vào buổi tối. 

2. Viêm phế quản mạn tính: Mắc cỡ 30g, rễ lá Cẩm 16g sắc uống, chia làm hai lần trong ngày. 

3. Ðau ngang thắt lưng, nhức mỏi gân xương: Rễ Mắc cỡ rang lên, tẩm rượu rồi lại sao vào 20-30g sắc uống, dùng riêng hay phối hợp với rễ Cúc tần và bưởi bung, mỗi vị 20g, rễ Ðinh lăng và Cam thảo dây, mỗi vị 10g. 

4. Huyết áp cao (đơn thuốc có kinh nghiệm của lương y Ðỗ Văn Tranh): Hà thủ ô 8g, trắc bá diệp 6g. Bông sứ cùi 6g, Câu đằng 6g, Tang ký sinh 8g, Ðỗ trọng 6g, mắc cỡ gai 6g. Lá vông nem 6g, hạt Muồng ngủ 6g, Kiến cò 6g Ðịa long 4g sắc uống. Có thể tán bột, luyện thành viên uống hàng ngày. 

5. Chữa đau nhứt xương khớp: Rễ cây xấu hổsau khi được phơi khô lấy khoảng 120g đem rang lên sau đó tẩm rượu có nồng độ từ 30 – 40 độ rồi lại đem rang cho khô. Sau khi rang xong đem sắc với 600ml nước đến khi còn khoảng 300ml thì chia thành 3 lần uống cho một ngày.

6. Chữa bệnh zona: Lấy lá cây xấu hổ giã nát và đắp vào vị trí cần chữa trị.

7. Giúp mát gan: Lấy 40g cây xấu hổ đem đi sắc nước uống hằng ngày.

8. Điều trị huyết áp cao: Dùng cây xấu hổ 6 g, hà thủ ô, tăng ký sinh mỗi vị 8 g, cùi bông sứ, câu đằng, đỗ trọng, lá vông nem, hạt muồng ngủ, kiến cò mỗi vị 6 g kết hợp với 4 g địa long, mang đi sắc thành nước uống hàng ngày. Ngoài ra, có thể mang có vị thuốc trên tán thành bột, làm thành viên hoàn để uống hàng ngày.

9. Chữa đầy bụng, khó tiêu hóa: Lá và cành xấu hổ 16 g, bạch thược, mạch nha mỗi vị 16 g, thần khúc 12 g. Sắc thành thuốc chia làm hai lần uống trong ngày, mỗi lần dùng một bát nước thuốc sau bữa ăn. Sử dụng liên tục trong 3 – 5 ngày để thấy hiệu quả điều trị.

10. Chữa khí hư: Dùng rễ xấu hổ tươi mang đi giã nát, ép thành nước dùng uống. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh, liên tục trong 7 ngày.

Chú ý: Người suy nhược, hàn thì không dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org