Logo Website

CHÈ ĐẮNG

10/05/2020
CHÈ ĐẮNG có tên khoa học: Ilex kaushue S.Y. Hu, họ Nhựa ruồi (Aquifoliaceae). Công dụng kích thích tiêu hoá, lợi tiểu, ổn định thần kinh, tăng trí nhớ, dùng lâu tăng sức khoẻ.

CHÈ ĐẮNG

Tên khác: Khổ đinh trà, Cây bùi, chè Khôm, chè Vua.

Tên khoa học: Ilex kaushue S.Y. Hu, họ Nhựa ruồi (Aquifoliaceae). 

Tên đồng nghĩaIlex latifolia f. puberula D. Fang & Z.M. Tan

Mô tả: Cây trưởng thành có thể cao tới 30m, đường kính có cây tới trên 1m. Cành và cuống hoa có lông tơ thưa, phiến lá dài 13-16cm, rộng 5-6cm, gân bên rõ ở cả hai mặt. Cụm hoa mọc tụm là dạng chùm giả với trục cụm hoa dài gần 1cm; đài của hoa đực hình đĩa; nhị ngắn hơn cánh hoa.

Bộ phận dùng:  Lá, búp. 

Phân bố: Chè đắng phân bố ở Lào Cai (núi Hàm Rồng, thị xã Sa Pa ), Cao Bằng (Nguyên Bình: Mai Long; Hạ Lang: An Lạc, Đồng Loan, Đức Quang; Thái Đức: Quảng Hoà, Mỹ Hưng, Tiên Thành; Thạch An: Đức Xuân, Nà Tục, Tục Ngã, Pắc Lùng) Hào Bình (Yên Thuỷ, Phố Sấu), Ninh Bình (Cúc Phương, Đồng Cơn). Còn ở Trung Quốc (Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Nam tới đảo Hải Nam ).

Thành phần hoá học : Flavonoid, saponin...

Tác dụng dược :

1. Nhóm saponin triterpen giúp tăng cường miễn dịch, kích thích thần kinh.

2. Nhóm flavonoid là nhóm chống oxy hóa, giúp tăng độ bền mạch máu, giảm tai biến mạch máu ở người có tuổi.

3. Nhóm Carotenoid điều trị các khối u lành và ác tính.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của các tác giả TS Nông Thanh Sơn, TS Phan Văn Các và cộng sự thì dịch chiết lá chè đắng:

4. Không độc trên chuột thực nghiệm.

5. Có tác dụng làm hạ huyết áp từ từ và tương đối ổn định sau khi dùng thuốc từ 15 đến 120 phút. Liều càng tăng càng có tác dụng hạ huyết áp nhanh.

6. Có tác dụng làm hạ cholesterol máu. Liều 2g/kg có khả năng giảm 106% lượng cholesterol được đưa vào qua đường uống.

7. Tác dụng ức chế acy - CoA cholesteryl acy transferase (ACAT) 

Đã xác định được 7 triterpen có tác dụng ức chế ACAT phân lập từ lá chè đắng rừng là: 1. Ulmoidol; 2- acid 23- hydroxyursolic; 3- acid 27 trans - p - coumaroyloxy - ursolic; 4 - acid 27 - cis - p - coumaroyloxyursolid; 5 - 2 alpha, 3 beta - dihydroxy - 24 - nor - urs - 4 ( 23 ), 11 - dien - 28, 13 beta - olid (ilekudinil A ); 6 - acid alpha, 3 beta - dihydroxy - 24 - nor - urs - 23 ), 12 - dien - 28 - oic (ilekudinol B ) ;1 - 3 beta, 24, 28. trihydroxupan (ilekudinol C) (Nishimura et al., 1999a). Sau đó, lại xác định 2 chất cũng có tác dụng ức chế ACAT là flexosid XLVIII và Cynarasaponin C (Nishimura et al., 1999b). 

8. Tác dụng trên nhung mao của chuột cống trắng: So với fenfluramin, chè đặc của lá chè đắng rừng không ảnh hưởng đến cấu hình nhung mao của ruột non, nhưng có tác dụng điều hoà mạnh hơn trên tế bào mỡ bị phì đại ở mô mở (Lu et al 1999).

9. Tác dụng trên cơ trơm khí quản chuột lang cô lập: Cao chè đắng rừng cũng ức chế sức co của chuỗi vòng khí quản chuột lang do acetylcholin nồng độ 3,10-6 mol/ L và do histamin nồng độ 3,10-6 mol/L. Dùng nhiều nồng độ cao chè đắng rừng sẽ xác định được các tỷ lệ ức chế khác nhau. Trên cơ sở đó đã xác định được nồng độ cao chè đắng rừng ức chế 50 % sức co (IC30) của acetylcholin là 0,16 mg / ml và của histamin là 0,21 mg / ml.

- Kết luận: Chè đắng rừng có tác dụng làm giảm có ý nghĩa cơ trơn khí quản chuột lang cô lập trên mô hình chuỗi vòng khí quản nhiều tác nhân gây co khác nhau (Jiang et al., 2001). 

10. Tác dụng chống oxy hoá: Đã nghiên cứu tác dụng chống oxy hoá của thành phần phenol chính trong Ilex kudingcha (chè đắng rừng), Ilex cornuta (Bùi sừng), và Ligustrum robustum (Râm khoẻ ): Kết quả cho thấy, dẫn chất phenol chính trong 2 loại Ilex là các acid mono- và di- caffeoyl-quinic có khả năng chống oxy hoá mạnh hơn có ý nghĩa so với dẫn chất phenol của Ligustrum thuộc các glycosid phenylethanoid và monoterpenoid (Zhu et al . 2009).

11. Tác dụng ức chế sự kết tụ lipid loại LDL: Tám trong 12 hợp chất ức chế được sự tạo thành các tế bào bọt (foam cell) và làm giảm hàm lượng cholesterol toàn phần và triglycerid trong tế bào. Phân tích mối tương quan cấu trúc hoạt tính cho thấy tác dụng này chủ yếu là do vai trò của vòng delta - lacton trong saponin Ngoài ra có thể còn do vai trò của nhóm -OH vị trí C12, số lượng các monosacharid trong chuỗi đường và đường rhamnose ở đầu tận cùng của chuỗi đường (Zheng Tang et al., 2009).

Tính vị: Lá chè đắng rừng vị đắng, sau cảm giác ngòn ngọt ở họng.

Công năng: Tán phong nhiệt, giải độc, an thần, tăng cường tiêu hóa.

Công dụng:

- Kích thích tiêu hoá, lợi tiểu, ổn định thần kinh, tăng trí nhớ, dùng lâu tăng sức khoẻ.

- Gần đây, người dân dùng chè đắng với tác dụng hạ huyết áp nhẹ, hạ cholesterol huyết, giải độc, bảo vệ gan. Lá chè đắng có tác dụng an thần ngay sau khi uống nhưng lại kích thích thần kinh làm tỉnh táo, minh mẫn, mà không làm mất giấc ngủ.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 10-20g, hãm uống như chè.

Bài thuốc:

1. Thuốc làm tăng tuần hoàn máu, tăng trí nhớ: Lá chè đắng vắng, lá bạch quá, mỗi vị 1g. Để cả lá hoặc tán thành bột thô, pha uống trong ngày như uống trà. Có thể chế thành viên, mỗi viên 0,10g saponin lá chè đắng rừng và 0,10g cao lá bạch quả đã tiêu chuẩn hoá. Mỗi lần uống một viên, ngày 2 - 3 lần.

2. Chữa cảm nắng sốt cao: Khổ đinh trà 10g. Sắc nước uống.

3. Chữa viêm họng: Khổ đinh trà 10g, Cát cánh 6g. Sắc nước uống. Hoặc Khổ đinh trà 10g, La hán quả 6g. Sắc nước uống.

4. Chữa lỵ, viêm dạ dày ruột cấp tính: Khổ đinh trà 10g, Phượng vĩ thảo 30g. Sắc nước uống.

5. Chữa bỏng lửa cháy: Khổ đinh trà không kể liều lượng, nấu nước, để nguội, dùng xoa hoặc tán nhuyễn với dầu trà (dầu sở) dùng bôi ngoài.

6. Chữa đầu váng mắt hoa: Khổ đinh trà 10g, Cam cúc hoa 12g. Sắc nước uống.

Chú ý: Gần đây Chè đắng đang được nghiên cứu đưa vào trồng trọt, sản xuất, chế biến với số lượng lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org