Logo Website

CHUA NGÚT

07/06/2020
CHUA NGÚT có tên khoa học: Embelia ribes Burm.f., họ Đơn nem (Myrsinaceae). Công dụng: Lá non của Chua ngút thường được dùng nấu canh chua và cũng dùng trị rắn cắn (nhai lá tươi nuốt nước lấy bã đắp). Quả có vị chua ăn được, có tác dụng giải khát, cũng thường được dùng trị giun, nhất là giun đũa, giun kim. Thân cây dùng chữa ban trái, bạch đới.

CHUA NGÚT

Fructus, Radix et Folium Embeliae.

Tên khác: Cây chua meo, Cây thùn mũn, Cây phi tử, Chua ngút hoa ngọn, Dây ngút, Dây chua meo, Thùn mủn, Vón vén.

Tên khoa học: Embelia ribes Burm.f., họ Đơn nem (Myrsinaceae).

Tên đồng nghĩaAntidesma grossularia Raeusch.; Antidesma ribes (Burm.f.) Raeusch.; Ardisia tenuiflora Blume; Calispermum scandens Lam.; Embelia burmanni Retz.; Embelia dentata Buch.-Ham. ex Wall.; Embelia garciniifolia Wall. ex Ridl.; Embelia glandulifera Wight; Embelia indica J.F.Gmel.; Embelia paniculata Moon; Embelia ribes var. ribesEmbelia ribes subsp. ribes; Embelia sumatrana Miq.; Ribesiodes ribes (Burm. f.) Kuntze; Samara ribes (Burm. f.) Benth. & Hook. f. ex Kurz

Mô tả: Cây bụi leo cao 1-2m, có thể đến 7m, hay hơn. Trục cụm hoa, cuống hoa, lá bắc và lá đều có lông, màu hơi trắng. Thân màu nâu đỏ hay nâu sẫm, hơi có khía dọc. Lá mọc so le, thuôn, gốc tròn hoặc có góc, có mũi nhọn ngắn hay tự  đầu, nguyên, nhẵn, cuống lá lõm ở mặt trên. Hoa nhiều nhỏ, màu vàng lục, xếp thành chùm ở ngọn. Quả hạch hình cầu, màu đỏ sẫm, lẫn những điểm màu lơ, dài và rộng khoảng 2,5mm, vỏ quả thường nhăn nheo. 

Cây ra hoa tháng 2-4, có quả tháng 3-10.

Bộ phận dùng: Quả phơi hay sấy khô

Phân bố: Cây mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta.

 Cây phổ biến ở Việt Nam, Trên thế giới cây có ở Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái lan, Sri Lanka, Malaysia, Indonesia, Philippines, Niu-Ghinê. Ở Việt Nam Cây mọc hoang ở nhiều nơi 

Sinh thái: Thường gặp những nơi có nhiều ánh sáng, ven rừng hoặc trên đồi ở khắp cao độ khác nhau. 

Thu hái, sơ chế: Quả vào mùa thu khi chín, hái về xát, vỏ phơi khô lấy hạt, khi dùng tán nhỏ. Rễ lấy về rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Lá dùng tươi làm rau ăn.

Thành phần hoá học : Quả chứa tanin, hợp chất anthraquinon, tinh dầu, dầu béo và 2-3% embelin (embelic acid). Ở Ấn Độ người ta đã tìm thấy trong quả có embelin quercitol và thành phần chất béo là 5,2%, một alcaloid là christembin, một resinoid và phần hay hơi. Trong lá có caroten 4,6mg% và vitamin C 62,5mg%.

Tác dụng dược lýKháng sinh, sát trùng. Quả có tác dụng trừ giun sán, làm se, gây trung tiện, tăng chuyển hoá và kích thích giải khát và bổ. Cao lỏng của quả có tác dụng kháng khuẩn Staphylococcus aureusvà Escherichia coli; cao này cũng có tác dụng co bóp tử cung, có tác dụng trên chức năng nội tiết sinh dục và khả năng sinh sản.

Tính vịvị ngọt, tính mát.

Công năng: Sát trùng, tiêu tích (tiêu tan tích đọng), nhuận táo. Chữa đau bụng do giun đũa, sán tích đọng, trẻ em cam tích, táo khái (ho nóng rát), bí đại tiện, trĩ sang (trĩ lở loét).

Công dụng:  Lá non của Chua ngút thường được dùng nấu canh chua và cũng dùng trị rắn cắn (nhai lá tươi nuốt nước lấy bã đắp). Quả có vị chua ăn được, có tác dụng giải khát, cũng thường được dùng trị giun, nhất là giun đũa, giun kim. Thân cây dùng chữa ban trái, bạch đới. Người ta cho người bệnh uống 5g (trẻ em 2-2,5g) bột quả trộn với đường hay mật vào buổi sáng sớm (sau khi đã nhịn ăn tối hôm trước). Ở Ấn Độ người ta dùng làm thuốc trị giun, dưới dạng bột uống với sữa, sau đó uống thuốc tẩy. Nước sắc quả khô làm thuốc hạ sốt và trị bệnh về ngực và da. Quả khô Chua ngút cũng là thành phần của những chế phẩm chữa bệnh nấm da loang vòng và các bệnh da khác; cũng được dùng trị vết đốt của bò cạp và rắn cắn. Nước hãm rễ dùng trị ho và ỉa chảy.

Cách dùng, liều lượng: Nhịn ăn tối hôm trước, sáng sớm hôm sau uống 5g bột quả.

Bài thuốc:

1. Bài thuốc xổ bách thốn trùng của cố lương y Đặng Lự:

Thành phần: 1. Nam phỉ tử (quả khô cây Chua ngút): 16g; 2. Sơn binh lang (hạt Cau núi): 12g; 3. Hắc sửu (hạt dây Bìm bìm): 8g; 4. Xuyên luyện tử (hạt Sầu đâu núi): 4g; 5. Thạch lựu căn (rễ cây Lựu): 30g; 6. Phan tả diệp (hoặc Lá muồng trâu): 12g.

Cách dùng:

- Bốn vị thuốc đầu (Nam phỉ tử, Sơn binh lang, Hắc sửu, Xuyên luyện tử) đem phơi khô, tán bột, chia làm hai gói: một gói lớn 25g và một gói nhỏ 15g. Chọn ngày xổ sán là ngày rằm hay mồng một âm lịch (theo kinh nghiệm Đông y là ngày xổ giun sán tốt nhất).

- Buổi tối ngày hôm trước nên ăn nhẹ. Hai vị thuốc còn lại (Thạch lựu căn và Phan tả diệp) đem sắc với 3 chén nước để lấy 1 chén uống với gói thuốc bột lớn lúc 4 giờ sáng.

- Đến 6 giờ uống tiếp gói thuốc bột nhỏ với nước một quả dừa. Khoảng 15-20 phút sau thấy đau bụng cần đại tiện, ráng nín đến khi không thể nhịn được thì đi vào một cái bô hoặc chậu để dễ kiểm tra kết quả. Thường con sán cuộn tròn như một quả cầu nhỏ theo phân ra ngoài là tốt nhất (vì ra trọn cả con).

- Nếu sán ra đứt đoạn thì có thể phải uống thêm một liều thuốc xổ nhẹ để tống các đốt sán ra hết, hoặc chú ý để một thời gian sau xổ lại. Sau khi xổ sán xong, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, nghỉ ngơi vài giờ rồi ăn một tô cháo đậu xanh nấu thật nhuyễn. Đến trưa ăn cơm bình thường (trừ thức ăn cứng rắn, khó tiêu).

2. Chữa sán dây, giun đũa, giun kim: phỉ tử 5- 7g tán bột. Tối hôm trước nhịn ăn, sáng sớm hôm sau cho uống bột trộn với đường hay mật. Trẻ em uống 2 - 2,5g. Chú ý: Không uống quá liều dễ bị say.

3. Chữa giun sán gây đau bụng: phỉ tử 12g, thanh bì 9g, tiểu hồi 8g, binh lang 12g, ô dược 12g, ngô thù 4g, ô mai 12g. Sắc uống, uống từ từ. 

4. Chữa giun móc, đau bụng trướng đầy: Phỉ tử 25g, vô di 25g, binh lang 25g. Nghiền chung thành bột mịn, mỗi lần uống 8-12g, ngày uống 2 lần, chiêu với nước đun sôi. 

5. Trị bệnh trùng roi ở ruột, tiêu chảy lâu ngày: phỉ tử 10g (bỏ vỏ), tỏi 30g, thêm nước đun sôi (cho phỉ tử vào trước, tỏi vào sau), đun chín, ăn tỏi, phỉ tử, sau uống nước. 

6. Chữa sán:  phỉ tử 7 hạt, sắc uống. Ngày uống 1 lần, uống liên tục 7 ngày. 

7. Chữa bệnh ngoài da: dùng nước sắc quả, hoa và ngọn để trị nấm loang vòng và các bệnh ngoài da khác.

Ghi chú: Các nước khác dùng quả cây Embelia robusta Roxb., cây Embelia micrantha DC. với cùng công dụng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org