Logo Website

CỎ MẦN TRẦU

11/06/2020
CỎ MẦN TRẦU có tên khoa học: Eleusine indica (L.) Gaertn., họ Lúa (Poaceae). Công dụng: Thường được dùng chữa cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng

CỎ MẦN TRẦU

Herba Eleusinis Indicae.

Tên khác: Tết suất thảo, Ngưu cần thảo, Cỏ vườn trầu, Màng trầu, Thanh tâm thảo, Cỏ chỉ tía, Ngưu cân thảo, Hang ma (Tày), Co nhả hút (Thái), Hìa xú xan (Dao), Cao day (Ba Na), Hất t’rớ lạy (K’Ho), R’day (H’Dong)

Tên khoa học: Eleusine indica (L.) Gaertn., họ Lúa (Poaceae). 

Tên đồng nghĩaAgropyron geminatum Schult. & Schult.f.; Chloris repens Steud.; Cynodon indicus (L.) Raspail; Cynosurus ara Buch.-Ham. ex Wall.; Cynosurus indicus L.; Cynosurus pectinatus Lam.; Eleusine distachya Trin. ex Steud.; Eleusine distans Moench; Eleusine distans Link; Eleusine domingensis Sieber ex Schult.; Eleusine glabra Schumach.; Eleusine gonantha Schrank; Eleusine gouinii E.Fourn.; Eleusine inaequalisE.Fourn.; Eleusine indica subsp. indicaEleusine indica var. major E.Fourn.; Eleusine indica var. monostachyaF.M.Bailey; Eleusine indica var. oligostachya Honda; Eleusine japonica Steud.; Eleusine macrosperma Stokes; Eleusine marginata Lindl.; Eleusine polydactyla Steud.; Eleusine rigidifolia E.Fourn.; Eleusine scabra E.Fourn.; Eleusine textilis Welw.; Juncus loureiroana Schult. & Schult.f.; Leptochloa pectinata (Lam.) Kunth; Paspalum dissectum Kniph.; Poa spicata Willd. ex Steud.; Triticum geminatum Spreng.

Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, cao 15-90cm, có rễ mọc khỏe. Thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5-7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1-2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có ba cạnh. 

Cây ra hoa từ tháng 3-11.

Bộ phận dùng: Toàn cây

Phân bố

Cỏ mần trầu mọc hoang ở bãi cỏ, vệ đường, bờ ruộng, ven đường, bãi hoang ở khắp nước ta. Trên thế giới, cây có ở Cămpuchia, Lào, Trung Quốc và các nước nhiệt đới và Á nhiệt đới khác.

Thu hái, sơ chế:  Thu hái vào mùa khô, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.

Bảo quản: Bảo quản dược liệu ở nhiệt độ phòng, không gian khô thoáng và không ẩm ướt.

Thành phần hóa học:

- Phần trên mặt đất chứa: 3-0-β-D-Glucopy ranosyl-β-sitosterol và dẫn chất 6’-0-palmitoyl. Cành lá tươi có flavonoid.

- Savithramma (2013) và Banglacod cùng cộng sự (2012) định tính thành phần cỏ mần trầu có các thành phần: Coumarin, saponin, phenol, tanin, steroid, alcaloid và flavonoid.

Tác dụng dược lý

Dịch chiết ethanol của có hoạt tính chống co thắt ở chuột bị nhiễm Plasmodium berghei cũng như tác dụng hạ đường huyết ở chuột mắc bệnh tiểu đường do alloxan gây ra.

Tính vị: tính bình, vị đắng và không độc.

Công dụng: Thường được dùng chữa cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và tiểu tiện ít một. Còn dùng cho phụ nữ có thai hỏa nhiệt táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng. Cũng dùng uống trị mụn nhọt, các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi. 

Ở Trung Quốc, thường dùng chữa: 

1. Ðề phòng chứng viêm não truyền nhiễm; 

2. Thống phong; 

3. Viêm gan vàng da; 

4. Viêm ruột, lỵ; 

5. Viêm niệu đạo, viêm thận, viêm tinh hoàn. 

Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, cầm máu chó cắn.

Cách dùng, liều lượng: 60 - 100g cỏ khô hoặc 300 - 500g cỏ tươi, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc:

1. Chữa cao huyết áp: dùng toàn cây Cỏ mần trầu, rửa sạch cắt nhỏ, cân 500g, giã nát, thêm chừng 1 bát nước sôi để nguội, vắt lấy nước cốt, lọc qua vải, thêm chút đường, ngày có thể uống 1 lần sáng và chiều. 

2. Phòng viêm não truyền nhiễm: Cỏ mần trầu 30g, dùng như trà uống trong 3 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày uống tiếp 3 ngày nữa. 

3. Viêm gan vàng da: Cỏ mần trầu tươi 60g, rễ tổ kén đực (Một loài thuộc chi Helicteres) 30g sắc uống. 

4. Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: Cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống

5. Viêm tinh hoàn: Cỏ mần trầu tươi 60g, thêm 10 cùi vải, sắc uống. 

6. Chữa cảm sốt nóng, khắp người mẩn đỏ, đi đái ít, dùng 16g Cỏ mần trầu phối hợp với 16g rễ Cỏ tranh, sắc nước uống.

7. Chữa sốt cao co giật, hôn mê: Cỏ mần trầu 120g. Sắc với 600 ml nước, còn 400 ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.

8. Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít. Mần trầu 16g, cỏ tranh 16g.  Sắc uống.

9. Kích thích tiêu hóa và giải độc gan: Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, cỏ mần trâu kết hợp với các vị thuốc tự nhiên giúp giải độc gan và kích thích hệ tiêu hóa. Cụ thể: Dùng cam thảo, cỏ mần trâu, cỏ mực, cây ké đầu ngựa, cây cỏ tranh, mơ tam thể, mỗi vị 8 g. Kết hợp với 2 g sinh khương, 4 g trần bì và củ sả. Cho tất cả các vị thuốc vào ấm và đun sôi chung với 400 ml nước. Sau khoảng 15 phút, lọc lấy nước và chia đều ra uống trong ngày.

10. Chữa sỏi tiết niệu (Lương y Lê Mậu Biền): Sử dụng 40 g cỏ mần trầu, 20 g lá tre, 8 g cam thảo, 16 g sinh địa, 12 g hương phụ chế, 20 g bông mã đề và 8 g chi tử. Sắc mỗi ngày 2 thang, chia đều nước thuốc uống 3 lần trong ngày. Dùng liên tục 10 ngày.

11. Chữa táo bón, thai phụ bị động thai: Dùng 12 g cỏ mần trầu khô sắc với 500 ml nước. Khi thuốc cạn còn 300 ml, chia thuốc uống 2-3 lần trong ngày.

12. Chữa viêm thận cấp và mạn tính: Cây tầm gửi, cỏ mần trâu mỗi vị 40 g kết hợp với râu mèo, cây cỏ xước, kim tiền thảo, mỗi vị 20 g. Sắc thuốc và uống liên tục trong vòng 1 tháng.

13. Dự phòng viêm não di truyền: Sử dụng 30 g cây cỏ mần trầu khô đem hãm như trà và uống mỗi ngày. Uống liên tục trong 3 ngày và dừng 10 ngày, rồi tiếp tục liệu trình.

14. Chữa băng huyết (theo Lương y Vương Đăng): 1 nắm cỏ mần trầu sắc chung với cây ké, rễ tranh, cỏ mực, rau má, cam thảo nam, 10 lá ngải cứu, vỏ của một quả quýt, 10 củ sả thái, cây muồng trâu thái nhỏ, 10 lát gừng. Đun sôi cho đến khi nước cạn còn 2 bát, chia đều ra uống trong ngày.

15. Chữa đau sưng vú ở phụ nữ cho con bú (Lương y Nguyễn Hữu Chi): Dùng cỏ mần trầu, măng sậy, mướp đắng, lá vông nem, rễ tranh, cây cỏ mực, mỗi vị 40 g. Kết hợp chung với rau sam, củ cỏ ống, thổ phục linh, dây hoàng đằng, lá ớt, măng tre già, mỗi thứ 20 g. Đồng thời, thêm 12 g cỏ the, 16 g dây cườm thảo, 16 g me đất và 16 g cây chó đẻ răng cưa. Tất cả cho vào ấm và sắc lấy khoảng 2 bát nước, chia làm 3 lần và uống trong ngày.

16. Điều trị chứng tóc khô cứng, gãy và bạc (theo Lương y Hoàng Duy Tân): Sử dụng 40 – 50 g cây cỏ mần trầu đun sôi với nước và dùng gội đầu mỗi ngày. Kiên trì thực hiện liên tục trong 2 tuần sẽ nhận được kết quả như mong muốn.

17. Chữa đái dầm ở trẻ: Dùng 20 g cây cỏ mần trầu cùng với 20 g mùi tàu, 20 g rau ngổ và 10 g cỏ sữa lá nhỏ đem rửa sạch, thái nhỏ và nấu nước. Cho con trẻ uống nước thuốc vào mỗi bữa chiều sau khi ăn. Chỉ vài lần uống, triệu chứng đái dầm sẽ thuyên giảm.

18. Chữa nổi mụn trong miệng (Lương y Nguyễn Văn Phấn):  Cỏ mần trầu, rễ cỏ tranh, rau má, cây muồng trâu, rau sam, cỏ mực, rau dền trắng, cây đậu săng, rau ngót, cây ké, cam thảo nam, mỗi thứ 1 nắm. Thêm vào 2 khoanh mỏng bí đao, 10 lát củ sả, 1 vỏ quýt, 3 lát gừng. Cho nước vào ngập 1 lóng ngón tay và sắc còn 1 bát. Mỗi ngày uống 2 – 3 bát.

19. Chữa nóng sứt môi và bị chứng tưa lưỡi: Hái 1 nắm lá cỏ mần trầu, rau ngót, rau má, cỏ mực, rễ tranh, cây ké, rau sam, cây muồng trâu cùng với 1 muỗng đậu xanh to và 2 khoanh bí đao. Sắc thuốc và chia ra uống 2 lần trong ngày.

Chú ý: Khi sử dụng cây cỏ mần trầu để làm thuốc chữa bệnh, người bệnh nên tìm cây sạch, không chứa thuốc bảo vệ thực vật như thuốc sâu, thuốc diệt cỏ,… Bên cạnh đó, liều lượng và thời gian sử dụng cần đúng theo quy định của thầy thuốc. Không nên tự ý dùng, tránh tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- Okokon, J. E., Odomena C. S., Imabong effiong, Obot J, Udobang J. A; Antiplasmodial and antidiabetic activities of Eleusine indica; International Journal of Drug Development & Research;; 2010 2(3):493-500