CỎ NGỌT
CỎ NGỌT
Tên khác: Cỏ đường, Cúc ngọt, cỏ mật.
Tên khoa học: Stevia rebaudiana (Bertoni) Bertoni, họ Cúc (Asteraceae).
Tên đồng nghĩa: Eupatorium rebaudianum Bertoni; Stevia rebaudiana (Bertoni) Hemsl.
Mô tả: Thuộc loại cỏ sống lâu năm, sau 6 tháng sau khi trồng; gốc bắt đầu hoá gỗ, mỗi gốc có nhiều cành (nếu để mọc tự nhiên cây có thể cao khoảng 1 m). Cành non và lá đều phủ lông trắng mịn, lá mọc đối, hình mũi mác, dài 30-60 mm, rộng 15-30mm, có 3 gân chính xuất phát từ cuống lá. Mép lá có răng cưa ở nửa phần trên. Cụm hoa hình đầu, mỗi tổng bao có chứa 5 hoa nhỏ, tràng hình ống, màu trắng ngà, có 5 cánh nhỏ. Hoa dài 10-12mm. Có hai vòi nhuỵ dài thò ra ngoài. Hoa có mùi thơm nhẹ (hình dáng giống hoa cỏ Lào(Chromolaena odorata), nhưng nhỏ hơn nhiều). Mùa hoa từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau (theo dương lịch). Toàn thân có vị ngọt, nhiều nhất ở lá, lá già chết khô ở dưới nhưng cuống rất dai nên không rụng (vẫn còn vị ngọt).
Phân bố: Cây có nguồn gốc ở thung lũng Rio Monday, đông bắc Panama, thuộc địa phận Trung Mỹ và Ấn Độ. Ngày nay, cây được trồng nhiều nơi trên thế giới như Brazil, Argentina, Nhật bản, Paraguay, Mexico, Hoa Kỳ, Israel, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Cây được đưa vào trồng ở Việt Nam trước năm 1990. Từ năm 1990 Công ty Dược liệu TWI hướng dẫn kỹ thuật trồng trên diện tích sản xuất để cung ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất.
Thu hái và sơ chế: Dược liệu được thu hái quanh năm nhưng phổ biến nhất là tháng tám hằng năm. Cây thường được cắt phần lá non và ngọn cây, sàng lọc và loại bỏ lá úa trước khi đem phơi khô để làm thuốc, trà.
Bảo quản: Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm và ánh sáng chiếu trực tiếp.
Bào chế: Khi cây sắp ra hoa, cắt cành ở khoảng cách trên mặt đất 10 - 20 cm, hái lấy lá, loại bỏ lá già úa, đem phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở 30 - 40 oC đến khô.
Thành phần hoá học: Lá chứa các glycosid diterpenic: steviosid, rebaudiosid và dulcosid. Steviosid có vị ngọt gấp 160-290 lần cao hơn saccharose.
Tác dụng dược lý:
- Phòng thí nghiệm đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm của Bộ Y tế Trung Quốc đã tiến hành thử nghiên chiết xuất cỏ ngọt trên cơ thể chuột thí nghiệm nhằm đánh giá độc tính của chiết xuất ethanol của lá cỏ ngọt. Kết quả sau 90 ngày không gây ra thay đổi đáng kể về hành vi, huyết học, lâm sàng hoặc mô bệnh học ở chuột.
Kết quả đã chứng minh rằng chiết xuất cỏ ngọt rất giàu acid isochlorogen, không có tác dụng phụ, an toàn trong nghiên cứu này, mở ra tiềm năng lớn sử dụng loại cỏ này trong ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.
- Giảm nhu đầu tinh bột và đường của cơ thể người bệnh, giảm đau đầu, mất ngủ.
- Dùng cùng với nhân trần, cam thảo, lá trà khô atiso giúp giải khát, thanh nhiệt cho cơ thể.
- Làm đường thay thế chất tạo ngọt trong các loại thực phẩm.
- Cân bằng huyết áp, hạ mỡ máu, điều hòa lượng đường có trong máu.
- Phòng bệnh tim mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
- Tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng làm việc nhẹ.
- Giảm cảm giác thèm ngọt ở người bị béo phì.
Công năng: Tiêu khát, lợi tiểu, hạ huyết áp.
Công dụng: Thay thế đường cho các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, đái nhạt, bí tiểu tiện, huyết áp cao. Dùng trong công nghiệp thực phẩm.
Đối tượng sử dụng:
- Người bệnh đái tháo đường ăn kiêng. Dùng 2 lần/ ngày, mỗi lần 2,5 gam cỏ phơi khô, đem sắc với 200 ml. Khi nước cô lại còn khoảng 50 ml thì tắt bếp và chia ra dùng trong ngày.
- Người thừa cân chứ không phải để điều trị bệnh.
- Người béo phì. Sắc uống 7,5 gam cỏ ngọt khô. Dùng liên tục.
- Dùng hàng ngày để tăng cường sức khỏe và giúp da mịn màng, sáng đẹp.
Cách dùng, liều lượng: Nếu ngửi thấy có mùi ngái, cần khử mùi ngái; phơi sấy khô, cắt nhỏ Cỏ ngọt để phối hợp với loại thuốc cần tạo vị ngọt. Ví dụ: Hoa hoè, Nhân trần, Actisô... khi pha trà hoặc sắc thuốc. Tuỳ khẩu vị từng người mà điều chỉnh lượng Cỏ ngọt cho vừa miệng.
Cách sử dụng cỏ ngọt cho bệnh nhân bị đái tháo đường.
- Cỏ ngọt rửa sạch phơi khô. Mỗi lần sử dụng 2,5g lá cỏ ngọt phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống làm một lần. Ngày có thể uống 2 lần.
Cỏ ngọt có khả năng làm giảm nhu cầu chất đường và chất bột của người bệnh. Dược liệu được dùng thay đường cho những người mắc bệnh phải kiêng hoặc giảm ăn đường như bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch.
- Bột lá cỏ ngọt Stevia: lá khô tán mịn thành dạng bột, có thể chỉ đơn giản được sử dụng thay thế đường bằng những cách khác nhau, chẳng hạn rưới như một chất làm ngọt vào thực phẩm, trong đồ uống nóng, hoặc trong nhiều công thức nấu ăn.
- Dịch chiết xuất: chiết xuất glycerin có sẵn, thường được chuẩn hóa với thành phần chủ yếu của lá Stevia. Một vài giọt các chất chiết xuất có thể được thêm vào thực phẩm như một chất làm ngọt.
Bài thuốc:
1. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Lá cỏ ngọt phơi khô 2,5g sắc với 200ml nước còn lại 50ml, thực hiện 2 lần/ngày trong thời gian dài.
2. Chữa tăng huyết áp: Lá cây cỏ ngọt 6g, hoa hòe (sao vàng) 10g, hoa cúc 4g và quyết minh tử (sao cháy) 12g. Rửa sạch và sắc uống hằng ngày.
3. Hỗ trợ giúp kiểm soát cân nặng và phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch: Lá cỏ ngọt phơi khô 7,5g. Sắc uống và chia thành nhiều lần uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng nhiều ngày.
Chú ý: Cách khử mùi ngái: Cỏ ngọt mới làm khô sau thu hoạch thường có mùi ngái, gây khó chịu cho một số người. Cách làm như sau: Phun nước vào Cỏ ngọt khô để làm ẩm đều. Cho vào túi kín, ủ trong 2-3 ngày rồi đem phơi hoặc sấy khô sẽ hết mùi ngái mà không giảm độ ngọt.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- Qiannan Zhang, HuiYang, YongningLi, HaiboLiu, XudongJia; Toxicological evaluation of ethanolic extract from Stevia rebaudiana Bertoni leaves: Genotoxicity and subchronic oral toxicity; Regulatory Toxicology and Pharmacology Volume 86, June 2017, Pages 253-259
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza