Logo Website

CỦ MÀI

22/06/2020
Cây củ mài có tên khoa học: Dioscorea hamiltonii Hook.f., họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Công dụng: Củ mài còn là nguồn cung cấp tinh bột có giá trị bổ dưỡng cao. Nhân dân vùng núi thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn; có thể dùng ghế cơm để ăn như các loại khoai. Củ mài được sử dụng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương.

CỦ MÀI

Radix Dioscoreae

Tên khác: Hoài sơn (山 藥), Sơn dược, Củ chụp, Khoai mài, mằn chèn (Tày), mán địu, co mằn kép (Thái), mằn ôn (Nùng), hìa dòi (Dao), gờ lờn (K’Dong)

Tên khoa học: Dioscorea hamiltonii Hook.f., họ Củ nâu (Dioscoreaceae).

Tên đồng nghĩaDioscorea persimilis Prain & Burkill; Dioscorea persimilis var. pubescens C.T.Ting & M.C.Chang; Dioscorea persimilis var. wukangensis Hand.-Mazz.; Dioscorea raishaensis Hayata

Mô tả: Dây leo quấn phải; thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá (dái mài). Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét, hơi phình ở phía gốc, vỏ ngoài có màu nâu xám, thịt mềm màu trắng. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim, đôi khi hình mũi tên, không lông, dài 10cm, rộng 8cm, nhẵn, chóp nhọn, có 5-7 gân gốc. Cụm hoa đơn tính gồm các bông khúc khuỷu, dài 40cm, mang 20-40 hoa nhỏ màu vàng; hoa đực có 6 nhị. Quả nang có 3 cánh rộng 2cm. Hạt có cánh mào.

Bộ phận dùng: Rễ củ (Radix Dioscoreae) đã chế biến khô của cây Củ mài

Phân bố: Cây mọc hoang phổ biến ở miền Bắc và miền Trung của nước ta cho tới Huế. Còn phân bố ở Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia. Cũng được trồng nhiều ở đồng bằng để đáp ứng nhu cầu lớn về dược liệu; có thể trồng bằng gốc rễ hoặc dái mài về mùa xuân.

Sinh tháiCây ưa sáng, thường leo trùm lên các loài cây bụi và dây leo khác. Cây có thể chịu được hạn, do có phần củ nằm sâu dưới mặt đất. Củ mài ưa mọc trên các loại đất tơi xốp, dễ thấm nước, như đất feralit đỏ - vàng, vàng – đỏ trên núi hoặc loại đất đỏ bazan.

Củ mài là cây mọc nhanh, phần thân leo thường tàn lụi vào mùa đồng hay mùa khô ở Miền Nam. Cây có hoa đơn tính khác gốc; thụ phấn chủ yếu nhờ gió và côn trùng. Tái sinh tự nhiên bằng hạt. Ngoài ra, cây còn có khả năng tái sinh vô tính bởi các truyền thể (dái mài, thiên hoài) hoặc phần đầu củ.

Trồng trọt

1. Kỹ thuật nhân giống, gieo trồng:

Củ mài được trồng hiện nay có nguồn gốc từ cây mọc tự nhiên, nhưng đã qua quá trình chọn giống và thuần hóa.

2. Giống để trồng: 

Được cắt từ phần đầu của củ (các phần khác của củ không có khả năng nảy mầm) và các “dái mài” (các củ nhỏ mọc ra từ nách lá của thân leo).

3. Thời vụ trồng: 

Tháng 2 – 3 (sau Tết âm lịch).

4. Đất trồng: 

Ruộng cao hay nương rẫy, được cày bừa kỹ, lên luống cao 50 – 60 cm, bề ngang 50 – 60 cm; mỗi luống trồng 1 hàng, cự ly giữa các khóm 70 – 80 cm.

5. Cách trồng:

Cuốc hố sâu 30 cm; bón lót phân chuồng mục và tro bếp (khoảng 10 – 15 tấn / ha). Mỗi hố đặt 1 – 2 mầm giống, lấp chặt đất; phủ rơm rạ; tưới nước; sau khoảng 20 ngày nảy mầm.

6. Chăm sóc:

Chủ yếu làm cỏ và vun gốc, sau khi nảy mầm cần cắm giá thể cho cây leo.

Cây trồng sau 11 – 12 tháng cho thu hoạch. Năng suất khoảng 5 tấn củ một hecta.

Thu hái, sơ chế: Đào củ vào mùa hè - thu khi cây đã lụi, mang về rửa sạch, gọt vỏ và ngâm phèn chua 2% từ 2 – 4 giờ. Sau đó vớt ra rửa sạch, cho vào lò sấy lưu huỳnh đến khi củ mềm ra. Tiếp tục đem củ đi phơi hoặc sấy cho se lại rồi sấy lưu huỳnh trong 24 giờ. Cuối cùng đem đi phơi hoặc sấy ở nhiệt độ 50 – 60ºC cho đến khi khô.

Bảo quản: Nên cất dược liệu ở bao hoặc túi kín, để ở nơi khô ráo thoáng mát để tránh mốc, sâu, mọt.

Thành phần hoá học : Củ mài chứa tinh bột 63,25%, protid 6,75% và glucid 0,45%. Còn có mucin là một protein nhớt, và một số chất khác như allantoin, cholin, arginin, men maltose, saponin có nhân sterol, dioscin.

Tác Dụng Dược lý :

1. Tăng đồng hóa và hướng sinh dục (Gonodotrope):  

- Thí nghiệm trên chuột cống trắng còn non, có cân nặng 45-60g, gồm cả đực và cái, cho ăn Hoài sơn dưới dạng bột với liều 20g/kg liên tiếp trong 28 ngày, lô chuột đối chứng cho ăn bột gọa. Đến ngày cuối cùng, cân lại trọng lượng chuột, giết chuột, bóc tách tử cung, buồng trứng ở chuột cống cái và tinh hoàn, tiền liệt tuyến, cơ nâng hậu môn ở chuột cống đực, cân tươi ngay trọng lượng các cơ quan trên và tiến hành so sánh trị số trung bình của lô dùng thuốc với lô đối chứng. Kết quả thí nghiệm cho thấy: với liều lượng dùng trên, Hoài sơn thể hiện các tác dụng sau :

- Trên chuột cái  còn non : trọng lượng tử cung tăng 1 cách đáng kể so với lô chứng là 66% ( P< 0,001), còn đối với trọng lượng buồng trứng tuy có tăng (17,5%) nhưng không có ý nghĩa về mặt sác xuất thống kê.

- Trên chuột cống đực, Hoài sơn còn có tác dụng làm tăng trọng lượng cơ nâng hậu môn 1 cách có ý nghĩa, so với đối chứng tăng 372% ( P< 0,001).

- Đối với trọng lượng cơ thể chuột (cả cái lẫn đực), Hoài sơn đều không có ảnh hưởng rõ rệt.

- Căn cứ vào những kết quả trên cho thấy Hoài sơn có tác dụng làm tăng đồng hóa và hướng sinh dục trên chuột cống đực.

2. Tác dụng chữa suy nhược cơ thể: vì trong củ mài chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như protid, glucid, lipid nên nó giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu.

3. Tác dụng chữa bệnh suy dinh dưỡng: trong củ mài chứa rất nhiều nước, tinh bột, protein, các loại vitamin như E, A, D, acid béo và photphat giúp bổ sung dinh dưỡng ở trẻ em chán ăn. Ngoài ra, thành phần lipid còn kích thích sự thèm ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

4. Tác dụng chữa bệnh khó tiêu: những dưỡng chất như acit amin, dioscin, glucid, allantoin, chất nhầy, protid… có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các loại virus gây bệnh và áp chế lực trong dạ dày, tăng cường tuần hoàn máu. Điều này rất có lợi cho chứng bệnh khó tiêu.

Tính vị: Vị ngọt, tính bình. Quy kinh vào các kinh.

Quy kinh: Tỳ, vị, phế, thận

Công năng: Kiện tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ.

Công dụng:

- Củ mài còn là nguồn cung cấp tinh bột có giá trị bổ dưỡng cao. Nhân dân vùng núi thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn; có thể dùng ghế cơm để ăn như các loại khoai. Củ mài được sử dụng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương và dùng chữa: 

- Dùng cho người có cơ thể suy nhược; 

- Chữa bệnh đường ruột, ỉa chảy, lỵ lâu ngày; 

- Chữa bệnh tiêu khát;

- Chữa di tinh, mộng tinh và hoạt tinh;

- Chữa viêm tử cung (bạch đới); 

- Chữa thận suy, mỏi lưng, đi tiểu luôn, chóng mặt, hoa mắt; 

- Chữa ra mồ hôi trộm.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 12-24g hay hơn sắc uống hoặc tán bột uống. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc:

1. Chữa trẻ em gầy yếu, nhác ăn, phụ nữ có mang mỏi mệt chán cơm hay người có bệnh đái đường gầy róc, dùng Hoài sơn thái miếng đồ lên, sao già tán bột, uống mỗi lần 6-10g; ngày uống 2-3 lần vào giữa buổi lúc đói. Hoặc dùng củ mài luộc ăn. 

2. Chữa trẻ em ỉa chảy kéo dài, hoặc ỉa phân nhầy có mùi, lỵ mạn tính, phụ nữ bạch đới, nam giới di tinh, đau lưng suy yếu; dùng Củ mài 200g, Củ súng, Hạt sen, Ý dĩ sao, đều 100g, sấy khô tán bột uống mỗi ngày 20g với nước cơm. 

3. Thuốc bổ dưỡng: Hoài sơn, Quả tơ hồng, Hà thủ ô, Huyết giác, Đỗ đen sao cháy mỗi loại 1kg, Vừng đen 300g, Ngải cứu 200g, gạo nếp rang 100g, muối rang 5g, tán bột, làm viên, uống mỗi ngày 10-20g (viên Kiến thiết của Hợp tác xã Hợp châu).

4. Chữa tỳ vị hư nhược, ăn ít, tiểu nhiều, tiêu chảy lâu không khỏi: Hoài sơn 60g, Ngũ vị tử 180g, Nhục thung dung 120g, Đỗ trọng 90g đem sao vàng, Thần phục 30g, Ba kích 30g, Thục địa 30g, Ngưu tất 30g, Trạch tả 30g, Xích thạch chỉ 30g. Đem tất cả các dược liệu trên nghiền thành bột rồi trộn với hồ để vò viên, nên làm viên khoảng bằng hạt đậu đen. Mỗi lần uống từ 20 – 30 viên.

5. Dùng cho trẻ em biếng ăn: Bài thuốc Phi nhi hoàn: Hoài sơn 60g đem sao vàng, Bạch biển đậu 45g đem sao vàng, Sơn tra 45g, Mạch nha 45g, Thần khúc 45g, Đương quy 45g, Bạch truật 30g sao vàng, Trần bì 30g, Sử quân tử 30g, Hoàng liên 20g, Cam thảo 20g. Đem các dược liệu trên đi tán mịn thành bột sau đó trộn với mật ong để vò thành từng viên như hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3g thuốc, mỗi ngày uống 2 – 3 lần.

6. Chữa di mộng tinh: Đem Hoài sơm và quả chốc xôi đi sao vàng rồi sắc nước uống.

7. Chữa tiểu đường: Hoài sơn 180g, Liên tử 90g, Phục linh 40g, Ngũ vị tử 350g, Thỏ ty tử 300g. Đem các dược liệu trên nghiền thành bột mịn rồi trộn với rượu và hồ để vò thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần sử dụng hãy uống 50 viên với nước cơm.

8. Chữa suy dinh dưỡng kèm tiêu chảy ở trẻ em: Hoài sơn 100g, Phòng đẳng sâm 50g, Ý dĩ 100g, Bạch truật 50g, Mạch nha 100g, Hạt cau 25g, vỏ Quýt 25g. Đem tất cả các dược liệu trên đi sao vàng, sau đó tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi ngày lấy khoảng 16 – 20g bột ra để uống.

9. Chữa bệnh dương ủy, lưng đau: Hoài sơn 10 phần, Ba kích 12 phần, Đỗ trọng 12 phần, Ngưu tất 12 phần, Quế tâm 8 phàn, Cẩu tích 8 phần, Độc hoạt 8 phần, Ngũ gia bì 8 phần, Sơn thù du 10 phần, Phòng phong 6 phần. Tất cả các nguyên liệu trên nghiền thành bột mịn, trộn đều và thêm mật ong vào để vò thành viên. Nên uống vào lúc đói, mỗi lần uống khoảng 10 viên.

Chú ý: Trên thực tế người ta còn chế biến Hoài sơn từ một số loài khác thuộc chi Dioscorea như Củ cọc, Củ mỡ... tác dụng của chúng so với Hoài sơn chưa có tài liệu công bố.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org