DẠ CẨM
DẠ CẨM
Herba Hediotis capitellatae
Tên khác: Cây loét mồm, Đất lượt, Cây đất lượt, Cây đứt lướt, Cây chạm khẩu cắm. Ngón lợn, Dây ngón cúi, Cha khẩu cẩm, Sán công mía (Dao).
Tên khoa học: Hedyotis capitellata Wall. ex G.Don, họ Cà phê (Rubiaceae).
Tên đồng nghĩa: Hedyotis capitellata var. capitellata; Hedyotis capitellata var. subpubescens Kurz; Oldenlandia capitellata (Wall. ex G.Don) Kuntze; Oldenlandia capitellata var. glabra Pit.; Oldenlandia capitellatavar. ovoidea Pit.; Oldenlandia capitellata var. pedicellata Pit.; Oldenlandia capitellata var. pubescens Pit.; Oldenlandia rubioides Miq.
Mô tả:
Cây: Cây bụi leo bằng thân quấn. Thân hình trụ, phình ra ở các đốt. Lá mọc đối, mặt trên lục sẫm, mặt dưới nhạt. Lá kèm hình sợi. Hoa trắng hoặc trắng vàng mọc thành xim chuỳ ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả nhỏ, chứa nhiều hạt. Toàn cây có lông mịn. Thứ thân màu tím được dùng nhiều hơn. Mùa quả tháng 5-7.
Trên thực tế hiện nay người ta dùng 4 loại cây dạ cẩm, có thể là tác dụng của loài mô tả trên: Cây dạ cẩm thân tím và cây dạ cẩm thân xanh (có khi gọi là thân trắng); mỗi loại lại thấy có 2 loại: loại nhiều lông nhìn rõ và loại ít lông trông không rõ. Loại thân tím có đốt cách thưa nhau, thân xanh hay thân trắng có đốt mọc xít nhau hơn.
Vi phẫu
- Lá: Biểu bì trên và dưới là một lớp tế bào nhỏ, tương đối đều nhau, mang lông che chở đa bào. Phần gân lá có mô dày gồm những tế bào thành dày xếp đều đặn dưới lớp tế bào biểu bì ở phía lõm và phía lồi của gân chính. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn hay hình đa giác xếp lộn xộn, kích thước không đều nhau, thành mỏng. Bó lie-gỗ hình cung nằm ở giữa gân lá, cung libe ở ngoài ôm lấy gỗ ở trong. Phiến lá: sau lớp biểu bì trên là 2 hàng tế bào mô giậu xếp vuông góc với biểu bì trên. Mô khuyết.
- Thân: Ngoài cùng là lớp biểu bì có lông che chở đa bào. Mô dày gồm 2 -3 lớp tế bào thành dày xếp sát lớp biểu bì (ở thân già thì ngoài cùng là lớp bần, không có mô dày). Mô mềm vỏ gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng xếp lộn xộn. các bó libe xếp sát nhau thành vòng liên tục, tầng phát sinh libe-gỗ, mô mềm gỗ tạo thành vòng. Tế bào mô mềm ruột to, tròn.
Bột: Màu xanh lục, soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì là những tế bào hình chữ nhật tương đối đều nhau, có đính lông che chở đa bào. Mảnh mô mềm gồm những tế bào đa giác thành mỏng. Bó sợi dài. Tinh thể calci oxalat hình kim. Mảnh mạch mạng, mạch xoắn.
Bộ phận dùng: Toàn cây bỏ rễ của cây Dạ cẩm (Herba Hediotis capitellatae).
Phân bố: Trên thế giới cây có ở các nước Trung, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi từ Lạng Sơn Hòa Bình tới Khánh Hoà, Kon Tum, Lâm Đồng và Đồng Nai. Gặp nhiều trên đất sau nương rẫy bỏ hoang.
Thu hái, sơ chế: Thu hái cây quanh năm, chọn những dây có nhiều lá, rửa sạch, chặt thành đoạn 5-6 cmrồi phơi hay sấy khô.
Bảo quản: Cần bảo quản dược liệu đã được làm khô trong túi hoặc bao kín, đặt ở nói khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.
Thành phần hoá học: Lá có tanin, alcaloid, saponin, anthraquinones.
Anthraquinones: Thân dạ cẩm: 2-hydroxymethyl-3,4-[2'-(1-hydroxy-1-methylethyl)-dihydrofurano]-8-hydroxyanthraquinone, 2-hydroxymethyl-3,4-[1'-hydroxy-2'-(1-hydroxy-1-methylethyl)-dihydrofurano]-8-hydroxyanthraquinone, 2-hydroxymethyl-3,4-[2'-1-hydroxy-1-methylethyl)-dihydrofurano]anthraquinone và 2-methyl-3,4-[2'-(1-hydroxy-1-methylethyl)-dihydrofurano] anthraquinone hoặc capitellataquinone A-D, rubiadin, anthragallol 2-methyl ether, alizarin 1-methyl ether digiferruginol, scopoletin
Tính vị: Vị ngọt, hơi đắng, tính bình.
Quy kinh: Tỳ và vị.
Công năng: Thanh nhiệt, giải độc, làm dịu cơn đau, tiêu viêm, lợi tiểu.
Công dụng:
Cây Dạ cẩm được dùng điều trị các bệnh lở loét miệng lưỡi, loét dạ dày, viêm họng, lở loét ngoài da, chữa vết thương do làm chóng lên da non. Chữa lở loét miệng lưỡi bằng cách lấy toàn thân cây băm nhỏ, nấu cao lỏng, trộn mật ong, bôi hàng ngày.
Dựa trên cơ sở tác dụng này, năm 1962, bệnh viện Lạng Sơn đã dùng Dạ cẩm chữa loét dạ dày, với tác dụng làm giảm đau, trung hòa acid trong dạ dày, bớt ợ chua, làm vết loét se lại.
Ngoài công dụng trên, nhân dân còn dùng ngọn non Dạ cẩm phối hợp với hoa cỏ Bạc đầu và lá cây Răng cưa, giã đắp chữa đau mắt; phối hợp với vỏ cây Đỗ trọng nam, đắp bó chữa bong gân.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 20-40g, dạng thuốc sắc, thuốc hãm, thuốc cao, thuốc bột hoặc cốm, chia làm hai lần uống trong ngày vào lúc đau hoặc trước khi ăn. Trẻ em dùng liều thấp hơn. Chữa vết thương làm chóng lên da non: lá tươi dã với muối đắp. Ngoài ra có thể dùng dưới dạng cao, cồn, bột.
Bài thuốc:
1. Chữa loét dạ dày, ợ chua:
- Dạng thuốc sắc: Dùng 10 - 25g là và ngọn khô, thêm nước vào sắc, thêm đường cho đủ ngọt, chia 2 hoặc 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn hay vào lúc đau.
- Cao dạ cẩm: Lá dạ cẩm khô 7kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg. Nấu lá dạ cẩm với nước thành cao, cho 2kg đường vào đánh tan, cô lại. Cuối cùng cho nốt 1kg mật ong, đóng thành chai. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 15g (1 thìa to), uống trước khi ăn hoặc khi đau.
- Cốm dạ cẩm: Bột dạ cẩm 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, tá dược vừa đủ dính (hồ, nếp) thêm đường và sacarin vừa đủ ngọt. Ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc khi đang đau, mỗi lần dùng 10 đến 15g, trẻ em dưới 18 tuổi 5 đến 10g.
2. Chữa lở loét miệng lưỡi: Dùng cao lỏng Dạ cẩm trộn với mật ong, bôi hàng ngày.
3. Chữa vết thương, làm chóng lên da non: Dùng lá Dạ cẩm tươi giã đắp.
Chú ý: Dạ cẩm là vị thuốc lành tính, ít gây tác dụng phụ, tuy nhiên đối với những phụ nữ đang mang thai không được tự ý sử dụng mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Vin dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- Rohaya Ahmad, Khozirah Shaari, Nordin Hj Lajis, Ahmad Sazali Hamzah, Nor Hadiani Ismail, Mariko Kitajima; Anthraquinones from Hedyotis capitellata, Phytochemistry, 2005; 66(10):1141-7.
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza
- Công dụng của cây A kê - Blighia sapida
- Công dụng của cây Âm địa quyết - Botrychium ternatum
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata
- Cây Hài nhi cúc - Aster indicus L. chữa viêm tinh hoàn
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus