ĐẠI HỒI
ĐẠI HỒI (大回)
Fructus Anisi stellati
Tên khác: Bát giác hồi hương, hồi sao, mác chác, Tai vị, mác hồi (Tày), pit cóc (Dao)
Tên khoa học: Illicium verum Hook.f., họ Hồi (Illiciaceae).
Tên đồng nghĩa: Illicium san-ki Perr.; Illicium stellatum Makino
Mô tả:
Cây gỗ, cao 6- 10m. Cành dễ gãy, vỏ nhẵn. Lá thường tụ tập ở những mấu, nom như mọc vòng; phiến lá nguyên, dày, cứng, nhẵn bóng. Hoa màu hồng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá. Quả cấu tạo bởi 8 đại, có khi hơn, xếp thành hình sao, mỗi đại có 1 hạt. Toàn cây, nhất là quả có mùi thơm và vị nóng. Hoa: Tháng 5- 6; Quả: Tháng 7- 9.
Bộ phận dùng: Quả chin (Fructus Anisi stellati) phơi khô của cây Hồi (Illicium verum Hook.f.).
Phân bố, sinh thái:
Đại hồi có nguồn gốc ở vùng Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Hiện nay, hai khu vực này vẫn là nơi cung cấp tinh dầu Hồi chủ yếu cho thế giới, ở Việt Nam, cây có nhiều ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Gần đây phát triển rộng ra Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lai Châu và Hà Giang. Cây thích nghi với vùng đồi núi thấp, nhiệt độ trung bình 21 - 23°C; lượng mưa hàng năm vào khoảng 1450 - 1600 mm (hoặc 1800 mm). Cây được trồng trên loại đất feralit đỏ vàng, mới được khai phá, có pH : 4 - 5,5.
Trồng trọt:
Đại hồi là cây đặc sản quý của nước ta, được trồng chủ yếu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng.
Đại hồi hiện được nhân giống bằng hạt. Hạt được chọn từ quả hồi chính vụ (tháng 8 - 9) của cây mẹ khỏe mạnh, trên 10 tuổi, sai quả và phần lớn quả có 8 - 11 cánh. Khi quả chín chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ là thu hái được. Quả hái về trải thành một lớp mỏng nơi bóng râm thoáng mát qua 4 - 5 ngày để tách lấy hạt. Hạt thu xong không được phơi nắng mà phải bảo quản trong cát ẩm, cứ 2 tuần kiểm tra đảo hạt một lần, đến mùa xuân thì đem gieo trong vườn ươm.
Vườn ươm cần chọn đất sét nhẹ, đất đỏ, màu mỡ, đủ ẩm. Không chọn đất cát làm vườn ươm vì lúc nhỏ, cây hồi không chịu được nhiệt độ cao, đất cát lại dễ nóng lên về mùa hè, làm cho cây con dễ bị chết. Đất cần làm kỹ, bón lót 5 - 6 kg phân chuồng hoai cho mỗi mét vuông.
Hạt có thể gieo vãi hoặc gieo theo hàng với lượng 1 kg trên 50 - 100 m2. Gieo xong dùng rơm rạ phủ và tướiẩm. Sau10-15 ngày hạt nảy mầm, dỡ bỏ dần rơm rạ phủ và làm giàn che cao 0,5-0,6m. Lúc đầu che kín, sau khi cây lớn giảm dần độ che bóng, đến năm thứ hai duy trì ở mức 30 - 40%. Trước khi trồng 1 - 2 tháng cần bỏ giàn che. Vườn ươm cần giữ luôn sạch cỏ, bón thúc và phòng trừ nấm bệnh hại gốc cây con. Có thể dùng Bordaux tưới định kỳ 15 ngày một lần trong 3 tháng đầu với lượng 5 l/m2. Nếu để cây 2 tuổi mới trồng thì sau năm đầu cần mở rộng khoảng cách hoặc chuyển cây vào bầu. Bầu có đường kính 10 - 12 cm, cao 15 cm, gồm 90% đất và 10% phân chuồng mục.
Thời vụ trồng cây con là mùa xuân. Đất trồng hồi cần chọn chỗ có tầng đất mặt dày, giàu dinh dưỡng, độ pH 5-5,5. Cây có tán lá rậm, rễ cọc ăn nông, kém chịu gió bão nên ở đỉnh núi lộng gió và khe núi có gió lùa mạnh không thích hợp để trồng hồi. Khi trồng, đào hố sâu 50-60 cm, rộng 50-60 cm, khoảng cách giữa các hố 5 - 8m (mật độ 400 - 600 cây/ha), phát quang 0,7 - 0,8 m xung quanh hố, bót lót 15 - 20kg phân chuồng rồi đặt cây giống, lấp đất, tưới ẩm.
Thời kỳ còn nhỏ, cây hồi cần được che bóng, người ta không phát quang trước khi trồng mà giữ nguyên những cây rừng sẵn có để lợi dụng bóng mát. Về sau, khi cây hồi lớn đến đâu, dọn dần cây rừng và cỏ dại đến đó. Cũng có thể trồng xen khoai, sắn hoặc chè. Để có năng suất quả cao, hàng năm trước khi cây ra hoa và sau khi thu hoạch quả, cần phải bón thúc. Tốt nhất là dùng các loại phân hữu cơ có bổ sung thêm NPK, mỗi lần bón15- 20 kg cho 1 cây. Khi bón đào rãnh quanh tán cây, bón xong lấp đất.
Hàng năm, hồi ra hoa kết quả 2 vụ, vụ chính thu hoạch vào tháng 7 - 9, vụ muộn thu hoạch vào tháng 1 1 - 1 2 . Vụ muộn cho năng suất thấp hơn. Cây trồng sau 5 - 6 năm bắt đầu cho thu hoạch. Sau 15 năm, mỗi cây có thể cho 10 - 20 kg quả tươi/năm, sau 20 năm, năng suất tương đối ổn định ờ mức 20 - 30 kg/năm.
Có tác giả gần đây phát hiện thấy hồi nhân giống bằng hạt có quy luật ra hoa không giống nhau. Trong cùng một quần thể, có cây ra hoa 2 vụ, có cây chỉ ra hoa vụ chính, có cây chỉ ra hoa vụ muộn, có cây ra hoa cách năm và có cây không bao giờ ra hoa. Hiện tượng này có ảnh hưởng rất lớn tới năng suất của cây Hồi, cần được quan tâm nghiên cứu thêm. Hiện nay, các địa phương có lợi thế trồng hồi đang có kế hoạch phát triển hồi thành cây hàng hóa. Cây hồi xứng đáng được đầu tư nghiên cứu toàn diện hơn
Thu hái, sơ chế: Thu hái vào mùa thu. Phơi khô (tránh làm gãy cánh). Để nguyên dùng hoặc cất lấy tinh dầu. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.
Trên thị trường, có thể phân chia hồi thành 3 loại:
Loại 1 : quả có 8 cánh to, đều nhau, màu đỏ sẫm (hồi đại hồng).
Loại 2 : quả có cánh lép màu nâu đen.
Loại 3 : quả có 3 cánh trở lên bị lép màu nâu đen. Ngoài ra, còn loại hồi xô gồm lẫn lộn cả 3 loại trên.
Tinh dầu từ quả: Quả hái về đem phơi nắng nhẹ cho khô hẳn, rồi cất tinh dầu. Cũng có thể cất tinh dầu từ quả tươi.
Bảo quản: Bảo quản ở nơi tháng mát, cất trữ trong bọc kín tránh ẩm ướt hoặc lên móc.
Thành phần hoá học:
Quả hồi chứa catechin, protocatechin, tinh dầu, dầu béo, các chất vô cơ. Tinh dầu lấy từ phương pháp cất kéo hơi nước từ quả hồi tươi với hàm lượng 3 - 3,5%. Tinh dầu là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, mùi đặc biệt, kết tinh khi lạnh từ -2° đến +1°, nD20 1,5520 - 1,5602, αD - 1,77 đến 0,57.
Tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là anethol (80 - 85%), ngoài ra trong tinh dầu còn có β-pinen, limonen, α-phellandren, α -terpineol, farnesol và safrol.
Tác dụng dược lý:
Tinh dầu hồi được thử nghiệm với phương pháp khuếch tán trên môi trường đặc, có tác dụng ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn ở nồng độ tối thiểu như trực khuẩn lao (giảm độc, nồng độ 1: 1.500), trực khuẩn subtilis (nồng độ 1: 500), Candida albicans (1: 500), Salmonella typhi (1: 500), tụ cầu khuẩn vàng (1:250), Shigella flexneri (1: 100), Bacillus mycoides (1: 100).
Tinh dầu hồi có tác dụng diệt Entamoeba moshkowskii nuôi cấy trong môi trường với nồng độ tối thiểu ức chế 1:80.
Quả hồi có tác dụng dược lý như sau :
- Đối kháng với histamin và acetylcholin, làm giảm độ co thắt cơ trơn ruột cô lập chuột lang.
- Bảo vệ chống nọc độc rắn mang bành, nâng cao tỷ lệ sống hoặc kéo dài thời gian cầm cự của nhóm động vật được cho thuốc so với nhóm đối chứng.
Đại hồi và tinh dầu hồi, thử nghiệm trên chuột lang đặt trong buồng khí dung histamin, có tác dụng kéo dài thời gian chịu đựng của chuột, làm chậm xuất hiện triệu chứng khó thở của chuột lang được cho thuốc so với đối chứng.
Theò tài liệu nước ngoài, tinh dầu Đại hồi có những tác dụng:
- Kích thích tăng cường nhu động ruột, chữa đau bụng và tăng tiết dịch đường hô hấp, dùng làm thuốc khử đờm.
- Ức chế sự phát triển trực khuẩn lao và trực khuẩn subtilis.
Thành phần safrol chứa trong tinh dầu Đại hồi có tác dụng kích ứng da. Cao chiết từ Đại hồi có tác dụng ức chế sự phát triển các bào tử của nhiều loài nấm gây bệnh.
Tính vị: vị ngọt, cay, có mùi thơm, tính ấm.
Quy kinh: Can, Thận, Tỳ và Vị.
Công năng : Trừ hàn, kiện tỳ, khai vị, tiêu thực; sát trùng, kích thích tiêu hóa, lợi sữa, chỉ ẩu (chống nôn mửa).
Công dụng:
- Dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, bụng đầy trướng, thấp khớp và làm thuốc gây trung tiện, lợi sữa, chữa ngộ độc thức ăn.
- Làm gia vị, chế rượu mùi, cất tinh dầu làm hương liệu, chế anethol làm nguyên liệu tổng hợp hormon.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 4-8g dạng rượu thuốc.
Bài thuốc:
1. Chữa trúng phong, bại liệt một bên mình: Hồi 12g; quế chi 20g; đinh hương, rau sam, dây bìm bìm, cây nghệ, lá cây đậu gió, cây xương bồ, huyết giác, mỗi vị đều 12g. Tán nhỏ trộn với một bát rượu và một chén nước tiểu dùng xoa bóp.
2. Chữa phong thấp: Hồi, hồ tiêu, phèn chua, đều bằng nhau. Giã nhỏ, xoa bóp vào chỗ đau.
3. Chữa thủy thũng: Hồi 4g, hoàng nàn 40g (ngâm với nước đậu đen một ngày để bớt độc, hoặc nấu với đậu đen). Tán nhỏ, làm thành viên to bằng hạt đậu xanh, uống mỗi lần 3 viên, ngày 3 lần.
4. Chữa các loại đau về khí, đau tức xối lên tim, toái mồ hôi lạnh, suyễn thở: Hồi, ô dược, thanh bì, riềng, các vị đều nhau. Sao (trừ hồi và ô dược), tán nhỏ, uống với rượu đun nóng và đồng tiện.
5. Chữa đau lưng: Hồi (bỏ hạt) tẩm nước muối sao, tán nhỏ. Mỗi lần uống 6 – 10g với rượu. Ngoài dùng lá ngải cứu chườm, nóng vào lưng.
6. Làm chặt chân răng, chữa đau răng: Hồi, phèn chua, sáp ong, cà gai leo, lượng bằng nhau, muối một ít. Sắc lấy nước ngậm.
7. Chữa sai khớp, bong gân: Hồi, quế, đinh hương, vỏ sòi, vỏ núc nác, gừng sống, lá canh châu, dây đau xương, mủ xương rồng bà, lá thầu dầu tía, lá náng, lá kim cang, lá mua, huyết giác, nghệ, hạt trấp, hạt máu cho, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế (nếu có sưng thì bỏ lá đau xương, thêm giấm). Giã nhỏ, sao nóng, chườm.
8. Chữa đại tiểu tiện không lợi: Hồi 40g (tán nhỏ), hạt bìm bìm đen 160g (sao, tán nhỏ). Mỗi lần uống 4g với nước gừng.
9. Trừ rệp: Hồi 1 phần, bồ kết 2 phần. Tán nhỏ, hòa với nước điếu mà nhỏ vào chỗ khe giường.
10. Diệt chuột: Hồi (tán bột), tỏi (giã nhỏ). Trộn đều, làm thành viên. Ngoài dùng bột gạo nếp nhào với nước bọc lại thành bánh, để cho chuột ăn.
11. Chữa sai khớp, bong gân, chấn thương: Cao dán gồm những thành phần chính như tinh dầu hồi, quế, menthol, camphor, ngải cứu, cúc tần.
12. Chữa viêm cầu thận mạn tính: Hồi 8g, ý dĩ 30g; củ mài, biển đậu, mã đề, đậu đỏ,
mỗi vị 20g; gừng khô 8g; đăng tâm, nhục quế, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang.
13. Chữa đau lưng cấp khi vác nặng hay lệch tư thế: Cồn xoa bóp ngâm hồi, ô đầu sống, quế (chú ý nhãn thuốc để tránh ngộ độc).
14. Bài thuốc chữa cảm hàn, đau bụng: Dùng địa hồi đem tán tành bột mịn, sử dụng 2 gram/ lần cùng với rượu ấm, uống mỗi ngày 3 – 4 lần. Hoặc có thể dùng tinh dầu đại hồi, sử dụng 4 giọt/ lần, uống mỗi ngày 3 – 4 lần.
15. Bài thuốc chữa hôi miệng, hơi thở khó chịu: Dùng đại hồi nhai nát rồi nuốt vài cánh mỗi ngày.
Kiêng kỵ:
- Những người âm hư, hỏa vượng không dùng được.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc lương y trước khi sử dụng.
Ghi chú:
- Cây Hồi núi (Illicium griffithii Hook. et Thoms.) cho loại quả nhiều đại hơn. Tinh dầu Hồi núi thoảng mùi hạt tiêu. Trong Hồi núi có chất độc nên không dùng.
Cây hồi lá nhỏ (Illicium parvifolium Merr.) mới được phát hiện ở Quảng Nam - Đà Nẵng có thể nghiên cứu để thay thế.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Dương đài - Balanophora laxiflora
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl