Logo Website

ĐẠI TÁO

12/07/2020
Đại táo có tên khoa học: Ziziphus jujuba Mill., họ Táo (Rhamnaceae). Công dụng: Chữa lo âu, mất ngủ, tỳ vị hư nhược

ĐẠI TÁO (大 棗)

Fructus Zizyphi jujubae

Tên khác: Táo tàu, Táo tàu, táo đen, táo đỏ

Tên khoa học: Ziziphus jujuba Mill., họ Táo (Rhamnaceae).

Tên đồng nghĩaPaliurus mairei H. Lév.; Rhamnus jujuba L.; Rhamnus soporifera Lour.; Rhamnus zizyphus L.; Ziziphus jujuba var. jujubaZiziphus mauritiana Lam.; Ziziphus mauritiana var. deserticola A.Chev.; Ziziphus mauritiana var. muratiana (Maire) A.Chev.; Ziziphus mauritiana subsp. orthacantha (DC.) A.Chev.; Ziziphus mauritiana var. orthacantha (DC.) A.Chev.; Ziziphus muratiana Maire; Ziziphus nitida Roxb.; Ziziphus orthacantha DC.; Ziziphus poiretii G.Don; Ziziphus rotundata DC.; Ziziphus sativa Gaertn.; Ziziphus sinensisLam.; Ziziphus soporifera (Lour.) Stokes; Ziziphus tomentosa Poir.; Ziziphus trinervia Roth; Ziziphus vulgarisLam.; Ziziphus zizyphus (L.) H.Karst.; Zizyphon jujubum St.-Lag.

Mô tả: 

Cây: Là cây vừa hoặc cao, có thể cao đến 10m. Lá mọc so le, lá kèm thường biến thành gai, cuống ngắn 0,5-1cm, phiến lá hình trứng dài 3-7cm, rộng 2-3,5cm, mép có răng cưa thô, trên mặt rõ 3 gân chính, gân phụ cũng nổi rõ. Hoa nhỏ, mọc thành tán ở kẽ lá, mỗi tán gồm 7-8 hoa. Cánh hoa mầu vàng, xanh nhạt. Quả hình cầu hoặc hình trứng, khi còn xanh mầu nâu nhạt hoặc xanh nhạt, khi chín mầu đỏ sẫm. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 7-9.

Dược liệu: Quả khô biểu hiện hình viên chùy, dài chừng 18mm - 32mm, thô chừng 15 - 18mm, bên ngoài có màu đỏ nâu hoặc nâu tím. Có trái có vết nhăn nheo rất sâu, cuối quả có lõm vào, có vết  tồn tại của cuống quả hoặc vết sẹo hình tròn, chất mềm mà nhẹ, bên ngoài vỏ quả mỏng, nhăn rúm, chất thịt màu nâu nhạt, có dầu dẻo, hạt quả hai đầu nhọn dài chừng 9mm - 12mm, vỏ cứng, đập ra có nhân cứng màu trắng.

Bộ phận dùng: Là quả chín (Fructus Zizyphi jujubae) đã chế biến phơi hay sấy khô của cây Táo.

Phân bố, sinh thái: Đại táo vốn lá cây sống ở vùng ôn đới ẩm Trung Quốc, được trồng ở nhiều nơi như Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Phúc Kiến. Thiên Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam. Cây còn có ở Nhật Bản. Đại táo trồng ở Sa Pa sinh trưởng tốt, ra hoa tháng năm nhưng không thấy có quả. Theo các cán bộ ở đây, sở dĩ không cỏ quả, có lẽ do mùa hoa của cây thường đúng vào thời kỳ có mưa. Trong khi đó, một số cây đại táo tương tự trồng ở vườn mỗi gia đình ở xã Cao Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn (giống lấy từ Trung Quốc), cứ cách 1-2 năm lại đậu quả một lần. Quả nhỏ, khi chín ăn ngon (kết quả điều tra năm 1986). Cây trồng ở Việt Nam rụng lá vào mùa đông, mùa xuân có hoa sau khi đã mọc nhiều lá non. Đại táo có khả năng sinh nhiều cây chồi rễ. Loại cây chồi này là nguồn chính để gây giống.

Loại táo này chưa thấy ở nước ta, vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.

Trồng trọt:

Đại táo là cây thuốc nhập nội, có nguồn gốc ôn đới. Cây đã được trồng ở các Trại thuốc Sa Pa, Tam Đảo và một số nơi khác nhưng hiệu quá chưa cao. Vị thuốc Đại táo chính hiệu hiện nay vẫn phải nhập. Dưới đây xin giới thiệu kinh nghiệm trồng di thực để tham khảo

Cây chủ yếu được nhân giống bằng hạt. Ngoài ra, có thể dùng đoạn rễ đã nảy chồi để trồng. Hạt được gieo trong vườn ươm, khi cây cao chừng 50-70cm, đánh đi trồng. Thời vụ trồng thích hợp vào tháng 2-4. Nếu thời tiết rét đậm và kéo dài thì nên trồng muộn để tránh rét.

Đất trồng đại táo cần chọn đất núi có màu vàng đỏ, nhẹ, tầng canh tác dày, cao ráo, thoát nước, đào thành hố xâu 40-50cm, rộng 70cm, cách nhau 5-6m. Mỗi hố cần bón lót 25-30kg phân chuồng hoại mục. Có thể trộn thêm một ít lân và tro bếp. Trộn đều phân với đất rồi đặt cây, lấp đất, dần chặt và tưới nước. Có thể dùng rơm, rạ, cỏ khô để phủ xung quanh gốc. Giữa các hàng cây có thể trồng xen các khóm rau đậu. Chú ý trồng cách xa gốc cây khoảng 1m để tránh làm đứt rễ cây.

Mỗi năm cần bón thúc cho cây 2-3 lần. Lần thứ nhất vào trước khi ra hoa, lần thứ hai bón khi cây bắt đầu có quả và lần thứ ba bón vào đầu vụ đông. Có thể dùng phân chuồng, phân xanh, khô dầu, phân khoáng v.v bón vào rãnh đào sẵn sâu 20-30cm dưới rìa tán cây. Rắc phân xong lấp đất lại.

Đại táo thường hay bị các loại sâu hại lá, đục thân gây hại.

Cần nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nhân giống, đốn tỉa đối vớn táo ta vào việc trồng đại táo.

Thu hái, sơ chế: Thu hái vào mùa thu đông, khi quả chín hái về  ăn hay phơi sấy khô làm thuốc.

Hai cách sơ chế chính:

- Hồng táo: Khi quả chín đem hái về rồi phơi hay sấy khô theo cách thông thường. Lúc này dược liệu sẽ có màu hồng.

- Hắc táo: Táo khi chín vàng được thu hái về và dể cho hơi nhăn rồi đem chi quay trong thùng có gai. Sau đó tiến hành sắc chung với rễ con cùng thân lá của cây địa hoàng, cô thêm lượng đường vừa đủ. Sau đó đem phơi cho đến khi không còn cảm giác dính tay. Hắc táo thường sẽ có vị ngọt hơn nhiều so với hồng táo.

Bảo quản: Dược liệu đã qua sơ chế cần bảo quản trong túi kín hoặc hũ có nắp đậy nơi thoáng mát để tránh ẩm mốc, mối mọt, chuột, gián…

Thành phần hoá học: Carbohydrat, protid, chất béo, vitamin C, chất khoáng.

Quả chứa :

- Vitamin: vitamin A, vitamin B2, vitamin C 0,6-0,8%, vitamin C ở dạng kết hợp 0,3%

- Triterpen: acid betulinic, acid alphitolic; acid netulonic, acid olcanonic. actd maslinic, acid oleanolic, acid ursolic, các ester của acid p-coumaric và acid alphnolic và acid maslinic.

- Flavonoid: kaempferol, myricetin

- Alcaloid: zizyphusin, stepharin, asimilobin, N-nor-nuciferin, dachucyclopeptid

- Nucleotid đóng vòng adenosin-3', 5’- monophosphat 100-500 nmol/g, guanosin-3', 5’- monophosphat 30 - 50 nmol/g

- Acid hữu cơ: acid malic, acid tartric 

- Acid amin tự do

- Nguyên tố (vết)

Hạt chứa :

- Saponin (0,2%) : jujubosid A, jujubosid B, ziziphin (ziziphin có khả nămg ức chế độ ngọt). Cả 3 chất này đều có sapogenin là jujubogenin.

- Flavonoid: swertisin, spinosin, feruloylspinosin, p-coumaroylspinosin

Lá chứa:

- Alcaloid: coclaurin, isoboldin, norisoboldin, asimilobin, yuziphin.

- Flavonoid: rutin

Vỏ thân chứa các cyclopeptid alcaloid mauritin A, mucronin D, antphibin H, numularin A, numularin B, jubanin A, jujuhanin B, frangulofolin.

Tác dụng dược lý:

Thịt quả:

1. Tác dụng tăng trọng: Cho chuột nhắt trắng uống nước sắc quả đại táo 3 tuần thấy thân trọng của chuột tăng nhiều hơn so với lô chứng có ý nghĩa thống kê

2. Tác dụng tăng lực: Dùng thí nghiệm chuột bơi thấy thời gian bơi của chuột ở lô dùng đại táo dài hơn so với lô đối chứng.

3. Tác dụng hảo vệ gan: Gây tổn thương gan thực nghiệm bằng carbon tetraclorid ở chuột nhắt trắng, đồng thời cho uống nước sắc quả đại táo, hàng ngày trong một tuần. Kết quả ở lô dùng đại táo, hàm lượng protein, albumin cao hơn sơ với lô đối chứng, chứng tỏ đại táo có tác dụng bảo vệ gan.

4. Tác dụng trên AMP vòng: Đã xác định được trong đại táo có một hàm lượng nhất định AMP vòng. Ngoài ra, trong thực nghiệm cho chuột uống đại táo hoặc các bài thuốc bổ trong y học cổ truyền có đại táo, hàm lượng AMP vòng trong tế bào bạch cầu tăng hơn nhiều so với chuột đối chứng, AMP vòng có vai trò rất quan trọng trong quá trình phosphoryl hoá và điều hoà sự chuyển đổi các protein trong tế bào.

5. Tác dụng đối kháng với serotonin và histamin, do đó đại táo có tác dụng chống dị ứng

Nhân hạt đại táo:

1. Tác dụng trên aldose reductase Nhân hạt đại táo dùng với nồng độ 25 µg/ml có tác dụng ức chế rất mạnh.

2. Tác dụng an thần: Spinosin của nhân hạt đại táo có tác dụng an thần, cùng với một chất khác có tác dụng hạ huyết áp.

Lá:

1. Tác dụng gây tê: bị tê mất cảm giác, không thấy vị ngọt của đường hoặc vị đắng của quinin. Tác dụng gây tê kéo dài 5-10 phút.

2. Tác dụng trên não, tim mạch, hô hấp: Tiêm tĩnh mạch cho chó, nước sắc 10% lá đại táo gây ra tác dụng ức chế vỏ đại não, làm tăng nhịp tim, giảm biên độ co tim, hạ huyết áp và giảm hô hấp. Dùng atropin từ trước không làm thay đổi tác dụng của lá đại táo trên hệ tim mạch. Trên tim ếch cô lập, nước sắc 10% pha loãng 1:10 và 1:20 lại làm giảm nhịp tim và tăng biên độ co bóp cơ tim. Trên hệ mạch bụng ếch và hệ mạch tai thỏ cố lập dung dịch 10% và 20% có tác dụng giãn mạch.

Tính vị: vị ngọt, tính bình.

Quy kinh: kinh Vị và Tỳ.

Công năng: Kiện tỳ, ích khí, dưỡng vị sinh tân dịch, điều hoà dinh vệ, hoà giải các vị thuốc khác.

Công dụng: Chữa lo âu, mất ngủ, tỳ vị hư nhược.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 8 - 14g, thường phối hợp trong các bài thuốc bổ, sắc hoặc ngâm rượu uống.

Bài thuốc:

1. Chữa chứng bồn chồn không ngủ được: 14 quả đại táo, 7 củ hành trắng với 3 thăng nước, sắc bài thuốc khi còn 1 thăng thì uống.

2. Chữa lở loét không lành: Táo 3 thăng, sắc lấy nước rửa vết thương ngoài da .

3. Bổ thận, an thai: 10 trái đại táo, 100g gạo nếp cùng với 16g đỗ trọng. Táo cùng đỗ trọng đem nấu lấy nước và lọc bỏ phần bã đi. Sau đó cho gạo nếp vào hầm nhừ thành cháo. Chia làm 2 lần ăn/ngày vào buổi sáng và buổi chiều khi bụng đói.

4. Chữa điếc tai, mất thính giác: Đại táo loại bỏ phần vỏ và hạt, đem giã nát với 300 hạt Tỳ ma tử. Cho tất cả vào trong một túi bông nhét vào tai, mũi một lần mỗi ngày.

5. Chữa buồn bực, khó ngủ: Nấu chín và ăn 14 quả đại táo, 210 gam long nhãn.

6. Chữa suy nhược, khó ngủ: Ngâm 40g long nhãn, 40g mạch môn, 20g đỗ trọng, ngưu tất, 40g đương quy, 20g xuyên khung với rượu, uống trước khi ngủ.

7. Chữa tiêu chảy lâu ngày, hư hàn, đầy bụng: Đem tán thành bột và trộn đều Nhục đậu khấu, Phá cố chỉ mỗi thứ 12g, Mộc hương 6g, tóa nhục, vo thành viên. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 12 gam, kèm với nước gừng.

8. Chữa miệng khô, cổ đau:  Giã nát và trộn đều với mật các nguyên liệu gồm: 20 quả đại táo và 10 quả ô mao, ngậm trong nhiều ngày.

Kiêng kỵ:

Người bị đờm nhiệt, đau răng, đầy bụng không nên dùng đại táo.

Người bị đau dạ dày do khí bế, trẻ em bị nhiệt cam, đau bụng do giun không nên dùng.

Tương kỵ: Không dùng đại táo đồng thời với vị thuốc Bạch vi, Nguyên sâm

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org