Logo Website

DÂM BỤT

28/06/2020
Dâm bụt có tên khoa học: Hibiscus rosa-sinensis L., họ Bông (Malvaceae). Công dụng: Rễ dùng chữa: Viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc cấp; Viêm khí quản, viêm đường tiết niệu. Viêm cổ tử cung, bạch đới.

DÂM BỤT

Cortex Radicis seu Radix, Flos et Folium Hibisci Rosa Sinensis

Tên khác: Bông bụt, Bụp, Râm bụt, Phù tang, Hồng bút, Co ngần (Thái), Xuyên cân bỉ, Bióoc ngần (Tày), Phầy quấy pin (Dao).

Tên khoa học: Hibiscus rosa-sinensis L., họ Bông (Malvaceae).

Tên đồng nghĩaHibiscus arnottii Griff. ex Mast.; Hibiscus boryanus DC.; Hibiscus cooperi auct.; Hibiscus festalis Salisb.; Hibiscus liliiflorus Griff. ex Mast.; Hibiscus rosa-sinensis var. rosa-sinensisHibiscus rosiflorusStokes; Hibiscus storckii Seem.

Mô tả: Cây nhỡ, cao 4-6m. Lá hình bầu dục, nhọn đầu, tròn gốc, mép có răng to; lá kèm hình chỉ nhọn. Hoa ở nách lá, khá lớn, 6-7 mảnh đài nhỏ (tiểu đài) hình sợi; đài hợp màu lục dài gấp 2-3 lần đài nhỏ; tràng 5 cánh hoa màu đỏ; nhị nhiều, tập hợp trên một trụ đài; bầu hình trụ hay hình nón. Quả nang tròn, chứa nhiều hạt. Mùa hoa tháng 5-7. 

Phân bố: Trên thế giới cây phân bố ở Malaixia, Philipin, Inđônêxia, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở nhiều nơi, trồng làm hàng rào, trồng làm cảnh.

Thu hái, sơ chếBộ phận hoa hoa được thu hái vào mùa hè, còn rễ và lá thường được thu hái quanh năm. Sau khi thu hái, các bộ phận của cây được rửa sạch và loại bỏ  tạp chất nếu có. Cây có thể dùng tươi hoặc đem phơi sấy khô.

Bảo quảnCần bảo quản ở những nơi thoáng mát, khô ráo để tránh nấm mốc.

Bộ phận dùng: Lá, hoa, vỏ rễ (Cortex Radicis seu Radix, Flos et Folium Hibisci Rosa Sinensis).

Thành phần hoá học: 

- Có các nhóm chất: flavonoid, tanin, terpenoid, saponin, and alkaloid.

- Hoa có flavon như cyanidin-3,5-diglucosid, cyaniding-3-sophorosid 3-5- glucosid quercetin-3,5-diglucosid và quercetin-3,7diglucosid. Kaempferol-3-xylosylglucosid. Lá có acdt béo, carotene, cũng như acid gentisic, chất nhầy và catalase. Vỏ rễ có cyclopropenoid. Thân và lá có ß-sitosterol, teraxeryl acetate và acid malvalic.

- Hoa chứa thiamin, riboflavin, niacin và acid ascorbic. Hoa vò nát chữa sắc tố anthocyanin và cyanin diglucosid. Trong hoa có lá đều có chất nhầy.

Tác dụng dược lý:

- Tác dụng chống oxy hoá, hạ huyết áp, chống pyritic, chống viêm, chống ung thư, ức chế vi khuẩn, hạ đường huyết, chữa lành vết thương và tính động phá thai.

- Viêm kết mạc cấp.

- Viêm tuyến mang tai.

- Kinh nguyệt không đều, ngắn vòng hay ra nhiều máu, rong huyết, kinh sớm kỳ.

- Trúng khử cấm khẩu.

- Mụn nhọt sưng tấy

- Đại tiện ra máu, mủ, lỵ lâu ngày không khỏi

- Đái đỏ, đái buốt.

- Quai bị sưng đau.

- Nổi mẩn ngứa.

- Phụ nữ khí hư ra nhiều.

Tính vị

- Vỏ rễ tính bình, vị ngọt.

- Hoa và lá: tính bình và vị ngọt.

Quy kinh: Can, Đại tràng và Tỳ.

Công năng: Vỏ rễ Râm bụt có tác dụng điều kinh, chống ho, tiêu viêm. Hoa, lá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng, chỉ huyết, cố tinh, sát trùng. Ở Ấn Độ, hoa được xem như có tác dụng làm nhầy, làm dịu, làm mát, kích dục và điều kinh; còn lá làm dịu, an thần, tẩy nhẹ, nhuận tràng và rễ lại có tác dụng làm nhầy.

Công dụng: Rễ dùng chữa:

- Viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc cấp;

-  Viêm khí quản, viêm đường tiết niệu;

- Viêm cổ tử cung, bạch đới.

- Kinh nguyệt không đều, mất kinh. Hoa dùng chữa kinh nguyệt không đều, khó ngủ hồi hộp, đái đỏ. Lá dùng chữa viêm niêm mạc dạ dày - ruột, đại tiện ra máu, kiết lỵ, mụn nhọt, ghẻ lở, mộng tinh, đái hạ.

Cách dùng, liều lượng:

Vỏ rễ và lá 15-30g, hoa tươi 30g, dạng thuốc sắc, thuốc hãm. Lá và hoa thường dùng ngoài trị mụn nhọt, viêm mủ da, viêm vú, viêm hạch huyết. Dùng tươi đắp ngoài.

Bài thuốc:

1. Chữa viêm tuyến mang tai: Lá hoặc hoa tươi 30g sắc uống. Cũng dùng lá và hoa tươi cùng với lá Phù dung giã nát đắp ngoài. 

2. Chữa viêm kết mạc cấp: Rễ Râm bụt 30g sắc uống. 

3. Chữa trúng thử cấm khẩu: Lá râm bụt tươi, giã nát, thêm ít muối, vắt nước uống. 

4. Chữa kinh nguyệt không đều, thấy sớm kỳ, ngắn vòng hay ra nhiều máu, rong huyết: Vỏ rễ râm bụt, lá Huyết dụ mỗi vị 30g sắc uống. 

5. Chữa đơn độc, mụn nhọt sưng tấy: Lá và hoa Râm bụt tươi giã đắp.

6. Chữa chứng bồn chồn, khó ngủ, hồi hợp không rõ nguyên nhân: hoa Râm bụt phơi khô và rửa sạch trong bóng râm. Mỗi ngày lấy 3-5 gram cho vào cốc. Rót thêm 300ml nước đun sôi vào cùng và thực hiện hãm hoa khô trong 20 phút. Uống ngay khi còn ấm và uống thay trà mỗi ngày.

7. Chữa đại tiện ra máu, mủ, lỵ lâu ngày không khỏi: vỏ thân hoặc vỏ rễ cây Râm bụt khô (bỏ phần vỏ ngoài chỉ lấy lớp vỏ trắng) với liều lượng 50 gram vỏ tươi hoặc 20 gram vỏ khô. Dùng thêm 8 g gừng tươi, 8 g Trần bì (vỏ quýt để lâu ngày), 20 g khô hoặc 50 gram tươi lá và búp Táo chua (Táo ta). Mang lá Táo và vỏ dược liệu cho vào chảo sao vàng, hạ thổ. Gừng và Trần bì cùng với lá Táo và vỏ dược liệu đã sao cho vào nồi. Rót thêm 1 lít nước lọc. Thực hiện sắc kỹ các vị thuốc. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành 2-3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày trong 7 ngày.

8. Chữa đái đỏ, đái buốt: Dùng 10 g lá Bông bụt, 10 g Thài lài tía, 10 g Mã đề. Sau khi rửa sạch tất cả vị thuốc cùng với nước muối, cho thuốc vào cối và thực hiện giã nhỏ. Chế nước đun sôi để nguội vào thuốc. Dùng rây hoặc vải mùng chắt lấy phần nước thuốc. Uống ngay khi vừa thực hiện. Sử dụng 2-3 lần/ngày. 

9. Trị mẩn ngứa, giúp tiêu độc: Lá và hoa Bông bụt rửa sạch. Dược liệu phơi khô dưới bóng râm. Mỗi ngày lấy 3-5 g dược liệu cho vào cốc. Rót thêm 300ml nước đun sôi vào. Thực hiện hãm dược liệu trong 20 phút. Uống ngay khi còn ấm và uống thay trà mỗi ngày.

10. Chữa ung nhọt sưng đau, chữa đơn độc: Dùng một nắm lá Bông bụt, một nắm lá Trầu không, một nắm lá Thồm lồm. Tất cả vị thuốc rửa sạch cùng với nước muối. Cho các vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Sau khi vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ, đắp thuốc vào những vị trí bị mụn nhọt đang sưng mủ, sưng đau. Thực hiện từ 1-2 lần/ngày. Sử dụng từ 5-7 ngày sẽ nhận thấy các nốt mụn nhọt giảm sưng đau và giảm viêm.

11. Chữa ung nhọt sưng đau, chữa đơn độc (theo Bản Thảo Cương Mục): Lá và hoa Bông bụt rửa sạch với nước muối. Cho lá Bông bụt vào cối và thực hiện giã nát. Trộn đều thuốc cùng với mật ong. Vệ sinh vùng da bệnh sạch sẽ. Sau đó đắp thuốc vào những trị trí sưng và đau. Dùng từ 1-2 lần/ngày.

12. Chữa quai bị sưng đau: Dùng 30-40 gram lá Bông bột rửa sạch với nước muối. Dùng 5-10 củ hành củ bóc vỏ, rửa sạch và thái nhỏ. Cho các vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Chế nước sôi để nguội, khuấy đều và gạn lấy phần nước thuốc. Uống phần nước thuốc sau khi thực hiện bài thuốc. Phần bã đắp lên chỗ sưng đau. Sau đó dùng băng và băng cố định lại. Áp dụng 1 lần/ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.

13. Chữa khí hư (bạch đới) ra nhiều ở phụ nữ: Bài thuốc gồm một nắm lá Bông bụt, một nắm lá bấn (bạch đồng tử). Mang cả hai vị thuốc rửa sạch. Cho các vị thuốc vào nồi cùng với 800ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại một nửa. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc. Có thể chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày. Uống thay nước trà mỗi ngày.

14. Chữa phụ nữ sau khi sinh máu xấu nghịch lên gây chóng mặt, nhức đầu: Bài thuốc gồm 8 g hoa Bôngbụt khô, 10-12 gram gỗ Vang (Tô mộc), 5-7 lát Gừng tươi. Cho tất cả vị thuốc vào nồi. Rót thêm 600ml nước lọc vào cùng. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ trong 20 phút. Chắt lấy phần nước thuốc và uống ngay khi còn ấm. Sử dụng 1 thang/ngày.

Ghi chú:

- Tại Trung quốc và ở nước ta cũng có nơi dùng cây hồng cận biếc hay mộc cận (Hibiscus syriacus L. hoặc Hibiscus chinensis DC) với cùng một công dụng. Cây này là một cây nhỡ cao 3-5m. Lá hình trái xoan, 3 thùy cắt không đều, phía trên có răng cưa dài 8cm rộng 6cm. Hoa đơn độc, màutrắng hồng, tím hoặc tía.

- Tại Malaysia người ta dùng cây này pha nước để uống như pha chè để thông tiểu tiện và chữa mẩn ngứa.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Vin dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- OS Falade, MA Aderogba, O Kehinde, BA Akinpelu, BO Oyedapo, SR Adewusi; Studies on the chemical constituents, antioxidants and membrane stability activities of Hibiscus rosa-sinensis; Nigerian Journal of Natural Products and Medicine; Vol 13 (2009) 

-  Asmaa Missoum, An update review on Hibiscus rosa-sinensis phytochemistry and medicinal uses; Journal of Ayurvedic and Herbal Medicine 2018; 4(3): 135-146