Logo Website

DẦU GIUN

01/07/2020
Cây Dầu giun có tên khoa học: Dysphania ambrosioides (L.) Mosyakin & Clemants, họ Rau muối (Chenopodiaceae). Công dụng: Tinh dầu giun dùng trị bệnh giun đũa, giun móc. Không có tác dụng với giun kim và sán. Lá dầu giun dùng uống trong có hiệu quả điều trị đau dạ dày và nuối hơi ở trẻ con đang bú. Lá còn dùng hãm uống trị bệnh đau thần kinh.

DẦU GIUN

Tên khác:  Cây thanh hao dại, Thổ kinh giới, Rau muối dại, cây Cỏ hôi, cây Thanh hao dại.

Tên khoa học:  Dysphania ambrosioides (L.) Mosyakin & Clemants, họ Rau muối (Chenopodiaceae). 

Tên đồng nghĩaAmbrina ambrosioides (L.) Spach; Ambrina ambrosioides var. anthelmintica (L.) Moldenke; Ambrina anthelmintica (L.) Spach; Ambrina incisa Moq.; Ambrina parvula Phil.; Ambrina spathulataMoq.; Atriplex ambrosioides (L.) Crantz; Atriplex ambrosioides f. minus Aellen; Atriplex anthelmintica (L.) Crantz      ; Blitum ambrosioides (L.) Beck; Botrys ambrosioides (L.) Nieuwl.; Botrys anthelmintica (L.) Nieuwl.; Chenopodium album subsp. ambrosioides (L.) H.J.Coste & A.Reyn.; Chenopodium amboanum (Murr) Aellen; Chenopodium ambrosioides L.; Chenopodium ambrosioides var. angustifolium Sieber ex Moq.; Chenopodium ambrosioides f. angustifolium (Pav. ex Moq.) Aellen; Chenopodium ambrosioides var. anthelminticum (L.) Aellen; Chenopodium ambrosioides var. comosum Willk.; Chenopodium ambrosioides var. costei Aellen; Chenopodium ambrosioides var. dentatum Fenzl; Chenopodium ambrosioides f. dentatum (Fenzl) Aellen; Chenopodium ambrosioides var. integrifolium Fenzl; Chenopodium ambrosioides f. integrifolium (Fenzl) Aellen; Chenopodium ambrosioides f. minus (Murr) Aellen; Chenopodium ambrosioides var. obovata Speg.; Chenopodium ambrosioides var. obovatum (Moq.) Speg.; Chenopodium ambrosioides f. pinnatifidum (Willk.) Aellen; Chenopodium ambrosioides var. pinnatifidum Willk.; Chenopodium ambrosioides var. pubescensMakino; Chenopodium ambrosioides var. querciforme (Murr) Aellen; Chenopodium ambrosioides f. rotundatumAellen; Chenopodium ambrosioides f. spathulatum (Moq.) Aellen; Chenopodium ambrosioides var. suffruticosum (Willd.) Graebn.; Chenopodium ambrosioides subsp. suffruticosum (Willd.) Thell.; Chenopodium ambrosioides var. suffruticosum (Willd.) Aellen ; Chenopodium ambrosioides f. suffruticosum (Willd.) Aellen; Chenopodium ambrosioides var. vagans (Standl.) J.T.Howell; Chenopodium angustifolium Pav. ex Moq.; Chenopodium anthelminticum L.; Chenopodium anthelminticum var. glabratum Fenzl; Chenopodium anthelminticum var. hastatum Moq.; Chenopodium anthelminticum var. subhirsutum Fenzl; Chenopodium citriodorum Steud.; Chenopodium cuneifolium Vent. ex Moq.; Chenopodium integrifolium Vorosch.; Chenopodium integrifolium subsp. ramosissimum Vorosch.; Chenopodium integrifolium subsp. ramosissimumWorosh. ex Just; Chenopodium opulifolium subsp. amboanum Murr; Chenopodium querciforme Murr; Chenopodium querciforme var. minus Murr; Chenopodium sancta-maria Vell.; Chenopodium santamaria Vell.; Chenopodium spathulatum (Moq.) Sieber ex Moq.; Chenopodium spathulatum var. angustifolium Moq.; Chenopodium spathulatum var. platyphyllum Moq.; Chenopodium suffruticosum Willd.; Chenopodium vagansStandl.; Chenopodium variegatum Gouan; Dysphania anthelmintica (L.) Mosyakin & Clemants; Orthosporum ambrosioides (L.) Kostel.; Orthosporum anthelminticum Kostel.; Orthosporum suffruticosum Kostel.; Roubieva anthelmintica (L.) Hook. & Arn.; Teloxys ambrosioides (L.) W.A. Weber; Vulvaria ambrosioides (L.) Bubani

Mô tả: Cây thảo sống hằng năm hay lưu niên, cao 0,5-1m. Thân có khía dọc, màu lục hoặc tím tía. Lá mọc so le, có cuống ngắn, phiến lá thuôn hình ngọn giáo, dài 5,5-7,5cm, rộng 1-2cm, khía răng không đều, đầu răng nhọn, hai mặt lá có màu lục nhạt, có lông trên gân lá ở mặt dưới; các lá ở ngọn có phiến hẹp và gần như nguyên. Cụm hoa là những bông kép mang lá ở nách hoặc ở ngọn thân; hoa nhỏ màu xanh xanh. Quả bế, hình cầu, màu lục nhạt. Hạt nhỏ màu đen bóng. Mùa hoa quả: Tháng 5-7.

Phân bố: Loài cây của Mỹ châu nhiệt đới, thuần hoá trong các xứ ôn đới. Ở nước ta, dầu giun rất thông thường ở Hà Nội và Đà Lạt, còn gặp ở các tỉnh đồng bằng, miền núi và trung du của miền Bắc, thường gặp mọc tập trung trên các bãi bồi ven sông như sông Hồng, sông Đuống, sông Lô, sông Đà, sông Đáy... trên các ruộng hoặc nương rẫy mới bỏ hoang, ven các đường đi.

Sinh thái: Dầu giun ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc nhiều ở các bãi sông (sông Hồng, sông Lô, sông Thương, sông Chu, sông Mã, sông Lam...), dọc theo các bờ kênh, ruộng cao trồng hoa màu và cả ở những bãi hoang quanh làng bản. Cây mọc từ hạt xuất hiện vào tháng 3-4, sinh trưởng nhanh trong mùa hè, ra hoa quả vào mùa thu, đến mùa đông tàn lụi. Những cây mọc quá muộn, không kịp ra hoa quả thường tồn tại qua mùa đông. Hạt có thể phát tán nhờ dòng nước.

Trồng trọt: Dầu giun được nhân giống bằng hạt và thường áp dụng cách gieo thẳng. Thời vụ gieo từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Nếu đủ ẩm, sau 10-20 ngày, hạt sẽ nảy mầm.

Đất trồng có cấu trúc nhẹ, tốt nhất là đất phù sa ven sông, không bị úng ngập. Sau khi cày bừa, vơ sạch cỏ, có thể bón lót 5-10 tấn phân chuồng hoại mục và 150-200kg supe lân cho 1 ha. Nếu đất thoát nước tốt, không cần lên luống mà đánh rạch để gieo hạt. Gieo bằng tay, mỗi rạch cách nhau 40-50 cm, nếu gieo bằng máy, mỗi rạch cách nhau 60-70 cm. Gieo xong, cần tưới giữ ẩm thường xuyên. Khi cây cao 10-15 cm, tiến hành tỉa và dặm cây, đảm bảo khoảng cách giữa các cây là 20-30cm. Khi cây cao 20-25cm, dùng 100- 150 kg urê pha loãng để bón thúc cho 1 ha. Đợt bón thúc này rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới năng suất thân lá dầu giun.

Cũng có thể gieo hạt trong vườn ươm, rồi đánh cây con cao 10-15cm đi trồng. Nếu trồng theo cách này, nên bón phân lót theo hốc. Khoảng cách trồng cũng tương tự như cách gieo thẳng.

Việc chăm sóc dầu giun quan trọng nhất là đảm bảo đủ ẩm sau khi gieo, tỉa dặm đúng lúc với mật độ thích hợp để cây phát triển nhiều cành và cho nhiều hoa quả. Trong thời kỳ sinh trưởng vào mùa xuân, có thể bón thúc thêm kali để tăng tỷ lệ ascaridol.

Dầu giun là cây hoang dại, có sức chống chịu cao, nhưng khi đưa vào trồng trọt, vẫn có một số sâu hại như sâu xám, dế chũi hại cây con, rệp đen, sâu xanh hại lá non khi cây sắp ra hoa.

Việc thu hoạch dầu giun làm giống phải đúng lúc. Khi cây bắt đầu rụng lá, hạt màu nâu đen thì tuốt lấy quả ở 2/3 số cành phía dưới. Nếu để muộn chờ cho quả phía ngọn chín già mới hái thì quả tốt phía gốc rụng hết. Hạt thu xong, phơi khô trong nắng nhẹ, bảo quản trong chum sành có lót tro bếp khô ở đáy, trên cũng lại phủ một lớp tro dày 3-5cm, đậy nắp kín và để nơi khô ráo. Mỗi hecta cây có thể cho 150-200kg hạt giống.

Dầu giun được thu hoạch vào tháng 5-6, khi cây chuyển sang màu vàng, quả chín khoảng 50-70% Trong trường hợp trồng nhiều hoặc để tránh lũ, có thể thu hái sớm hơn, khi quả chín khoảng 30%. Nếu gieo sớm vào tháng 12, có thể thu hoạch 2 đợt. Đợt đầu vào tháng 4, cắt lấy thân lá và chừa lại 20 cm gốc. Sau đó tiếp tục chăm sóc, cây nảy chồi mới, đến tháng 6-7 lại có thể thu hoạch. Bước đầu nghiên cứu cho thấy hàm lượng ascaridol ở đợt sau cao hơn đợt trước. Cần chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Không thu hái ngay sau khi mưa hoặc lúc còn sương. Khi vận chuyển tránh để rơi rụng hoa, quả. Dầu giun thu xong nên cất tinh dầu ngay. Nếu không kịp, có thể tãi ra phơi trong râm mát, tránh để thành đống. Cây trồng trên đất phù sa mới, có phân bón và thu vào tháng 6 cho tinh dầu tốt nhất. Hàm lượng tinh dầu của hoa và hạt cao hơn thân lá. Trung bình 1 ha đạt 3-4 tấn thân lá tươi. Trồng tốt có thể đạt 10 tấn.

Thu hái: Thu hái vào tháng 5-6. Vào thời gian này, hàm lượng tinh dầu và hàm lượng ascaridol đều cao. Cây non cho ít tinh dầu, hàm lượng ascaridol lại thấp. Cây già có hàm lượng ascaridol cao hơn so với cây bánh tẻ, nhưng hàm lượng tinh dầu lại thấp, đồng thời hoa và hạt rụng đi nhiều. Đối với cây già chỉ thu hái được một lần. Nguyên liệu thu hái vào những ngày khô ráo sẽ cho nhiều tinh dầu. Tránh thu hái vào những ngày mưa gió. Với mỗi cây, có thể thu hái 2-3 lần. Lần đầu, người ta dùng liềm hoặc hái sắc để cắt 2/3 cây. Với kiểu thu hái này, cây sẽ tiếp tục nảy chồi, mọc thêm cành, lá và ra hoa, kết quả. Sau một tháng, có thể thu hoạch lần thứ hai. Lần này, cắt như lần thứ nhất, và sau đó, có thể cắt lần thứ 3. Trong trường hợp cần thu hoạch để tránh nước lũ tràn ngập, nên cắt cả cây, nhưng không cắt sát gốc.

Bộ phận dùng: Cành, lá.

Thành phần hoá học: Cây chứa tinh dầu với tỉ lệ 0,30-0,40% ở nguyên liệu tươi, 0,05-1% ở hạt và 0,35% ở lá. Tinh dầu giun là chất lỏng trong màu vàng đến vàng cam, mùi khó chịu, vị đắng. Tinh dầu này chứa 60-80% ascaridol là hoạt chất chủ yếu; 20% p-cymen, l-limonen, d-camphor. Rễ chứa saponin. Lá chứa kaempferol-7-rhamnosid. Lá và hạt chứa acid oxalic, acid citric, muối vô cơ; ngoài ra còn có chenopodiosid B. 

Quả chứa kaempferol 3 - rhamnosid - 4’ - xylosid, kaempferol - 3 - rhamnosid - 7- xylosid, kaempferol, isorhamnetin và quercetin.

Lá và hạt chứa acid oxalic, acid citric, muối vô cơ. Ngoài ra, còn có chenopodiosid B, trong đó aglycon là acid echinosistic, đường là acid glucuronic, rhamnose, xylose, arabinose.

Bảo quản : tinh dầu (bảng B), đựng trong lọ thuỷ tinh màu vàng, nút kín, để nơi mát, tránh ánh sáng.

Tác dụng dược lý:

Tinh dầu giun là một thuốc tẩy giun cổ điển đã được dùng ở nhiều nước. Nhưng hiện nay đã có những thuốc tẩy giun khác thay thế tinh dầu giun vừa có hiệu quả cao vừa an toàn hơn. Hoạt chất chính cho tác dụng diệt giun là ascaridol, do đó tinh dầu giun dùng trong điều trị phải có hàm lượng ascaridol đạt > 60%. Về tác dụng diệt giun, ascaridol mạnh gấp hai lần so với tinh dầu giun. Đối với giun đũa thí nghiệm trên ống kính, tinh dầu giun ở giai đoạn đầu có tác dụng kích thích sau đó làm tê liệt giun hoàn toàn. Một dung dịch nuôi giun có nồng độ tinh dầu giun 1:5000 cũng đủ làm tê liệt giun. Trên liêu bản thần kinh-cơ của đỉa, dưới tác dụng của tinh dầu giun ban đầu cơ có hiện tượng kích thích tiếp theo xuất hiện tê liệt. Trên tim ếch cô lập với nồng độ 1:10000, tinh dầu giun gây nên những tổn thương nhẹ, có thể hồi phục được. Trên tiêu bản cô lập ruột và tử cung, tinh dầu giun khởi đầu bằng tác dụng kích thích co bóp sau đó gây tê liệt.

Tinh dầu giun sản xuất ở Việt Nam đã được thử nghiệm về tác dụng diệt giun trên giun đũa lợn (Ascaris suum) là loại giun về mặt hình thái và tổ chức học gần giống với giun đũa ở người (Ascaris lumbricoides). Tinh dầu được chọn 3 mẫu có hàm lượng ascaridol khác nhau (80,44; 62,38; 43,21%) pha loãng trong dầu lạc trung tính hoặc trong nước nuôi giun. Kết quả thí nghiệm cho thấy cả 3 mẫu tinh dầu đều có tác dụng diệt giun và cường độ tác dụng diệt giun có liên quan đến hàm lượng ascaridol. Mẫu tinh dầu có hàm lượng ascaridol cao làm giun chết nhanh, còn ở mẫu có hàm lượng ascaridol thấp, giun chết chậm, với nồng độ 1:100 pha loãng trong dầu lạc trung tính, mẫu có hàm lượng ascaridol 80,44% làm chết giun trung bình sau 1 giờ kể từ khi tiếp xúc, mẫu có hàm lượng ascaridol 62,38% sau 1 giờ 30 phút và mẫu có hàm lượng 43,21% sau 2 giờ.

Về mặt độc tính, đối với động vật máu nóng, tinh dầu giun có độc rõ rệt, liều gây chết bằng đường tiêm dưới da là 0,2-0,3g/kg, bằng đường uống là 0,5g/kg. Tinh dầu giun có hàm lượng ascaridol khác nhau, trên súc vật thí nghiệm có liều gây chết không giống nhau, trên chuột nhắt trắng bằng đường uống liều gây chết của 3 mẫu tinh dầu có hàm lượng ascaridol 80,44; 62,38 và 43,21% tương ứng với 375,5mg/kg, 450mg/kg và 870mg/kg. Điều đó chứng tỏ độ độc của tinh dầu giun có liên quan mật thiết đến hàm lượng ascaridol.

Là một thuốc diệt giun có độ độc cao, nên khi dùng liều lớn thường gây ngộ độc. Những triệu chứng ngộ độc cấp lính ban đầu là ù tai, rối loạn thị giác, da đỏ, bồn chồn không yên, nôn mửa sau đó, nếu trầm trọng là xuất hiện hôn mê, co giật, liệt hô hấp dẫn đến tử vong. Có khi nhiễm độc qua khỏi, nhưng thường để lại tổn thương về thính giác có thể dẫn đến điếc hoàn loàn. Trên súc vật thí nghiệm, người ta đã chứng minh tinh dầu giun với liều chưa gây nên tổn thương cho hệ thần kinh trung ương đã có thể gây tổn thương đặc hiệu về thính giác. Ngoài ra, liều cao tinh dầu giun gây thoái hoá tế bào ở gan, thận, gây xung huyết ở não và viêm nghiêm trọng ở niêm mạc ruột. Trên những súc vật có chức năng gan bị rối loạn, độc tính của tinh dầu giun tăng lên rõ rệt. Người ta cho rằng hàm lượng glycogen ở gan có một vai trò nhất định, do đó một chế độ ăn uống giàu carbon hydrat sẽ nâng cao được tính chịu đựng của cơ thể với những liều lượng gây độc của ascaridol. Điều trị ngộ độc ascaridol hay tinh dầu giun có thể coi như không có thuốc đối kháng đặc hiệu. Bên cạnh những biện pháp hỗ trợ như dùng thuốc tăng lực hồi sức và cho thở oxygen, cần tìm cách đưa phần thuốc còn lưu lại trong dạ dày-ruột ra ngoài bằng cách dùng thuốc tẩy muối, và đồng thời điều trị bảo vệ gan như dùng glucose, methionin, insulin.

Ở ruột, tinh dầu giun được hấp thu dễ dàng và sau đó làm tê liệt nhu động ruột gây nên táo bón. Một phần của tinh dầu giun đã được hấp thu bài tiết qua phổi, do đó trong hơi thở có mùi khó chịu đặc biệt của tinh dầu.

Tính vị: vị cay, đắng, tính ôn, có độc,

Công năng: Chữa giun; làm trà uống (Thé du Mexique); lợi trung tiện.

Công dụng: Tinh dầu giun dùng trị bệnh giun đũa, giun móc. Không có tác dụng với giun kim và sán. Lá dầu giun dùng uống trong có hiệu quả điều trị đau dạ dày và nuối hơi ở trẻ con đang bú. Lá còn dùng hãm uống trị bệnh đau thần kinh.

Cách dùng, liều lượng:

Người lớn uống 1ml tinh dầu giun pha trong 30ml dầu thầu dầu, hoặc dạng viên nang, sau đó uống thuốc tẩy magnesium sulfat. Dùng cho trẻ em trên 5 tuổi, liều tính theo tuổi, từ 10-20 giọt tinh dầu giun. Không uống lúc đói; không dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Tác dụng phụ, chú ý:

- Thuốc có độc, dùng phải cẩn thận.

- Tinh dầu của cây dầu giun có chứa một hàm lượng các chất gây độc nhằm tiêu diệt các loại giun. Trong một số trường hợp không kiểm soát tốt thì loại độc tố này cũng có ảnh hưởng tới người dùng như: gây hạ huyết áp, rối loạn tuần hoàn máu và rối loạn nhịp thở. Sử dụng tinh dầu cây dầu giun quá liều cũng khiến người bệnh dễ bị buồn nôn, chóng mặt, lạnh chân tay…. Đối với những trường hợp nặng có thể dẫn tới tê liệt trung khu hô hấp ở thân não, khả năng dẫn tới tử vong. 

Những tác dụng phụ người dùng có thể gặp phải khi cơ thể không tiếp nhận tinh dầu cây dầu giun gồm: tiêu chảy, những vấn đề về mắt, các vấn đề về thận, tình trạng co giật cơ. Nếu như không được cấp cứu kịp thời, người dùng có thể bị đe dọa đến tính mạng. Thực tế, đến nay vẫn chưa có thông có đủ thông tin về những ảnh hưởng của việc sử dụng cây dầu giun trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thảo dược này.

Cây dầu giun chứa nhiều độc tố đòi hỏi quá trình điều chế thuốc đúng cách, đúng quy trình. Đây chưa phải là tất các tác dụng phụ của thảo dược này. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tác dụng phụ, bạn hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org