DÂY ĐAU XƯƠNG
DÂY ĐAU XƯƠNG
Caulis Tinosporae sinensae
Tên khác: Khoan cân đằng (寬 筋 藤), Tục cốt đằng, Tục cốt đằng, Cây đau xương, Khau năng cấp.
Tên khoa học: Tinospora sinensis (Lour.) Merr., họ Tiết dê (Menispermaceae).
Tên đồng nghĩa: Campylus sinensis Lour.; Cocculus tomentosus Colebr.; Menispermum cordifolium Willd.; Menispermum malabaricum Lam.; Menispermum tomentosum (Colebr.) Roxb.; Tinospora cordifolia (Willd.) Miers; Tinospora malabarica (Lam.) Hook. f. & Thomson; Tinospora tomentosa (Colebr.) Hook. f. & Thomson
Mô tả: Dây leo bằng thân quấn, dài 8-10m. Thân màu xám, lúc đầu có lông, sau nhẵn, có lỗ bì sần sùi. Lá mọc so le, hình tim, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông tơ, gân lá hình chân vịt. Hoa màu vàng lục, mọc thành chùm ở nách lá, có lông màu trắng nhạt. Quả hình bầu dục hoặc tròn, khi chín có màu đỏ. Mùa hoa quả tháng 2-4.
Bộ phận dùng: Thân (Caulis Tinosporae sinensae) đã thái phiến phơi khô của Dây đau xương.
Phân bố: Cây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và Australia, ở châu Á, có Ân Độ, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào, Việt Nam và Nam Trung Quốc, ở Việt Nam, dây đau xương phân bố rải rác khắp vùng đồng bằng, trung du và vùng núi, leo lên các cây nhỡ hay cây gỗ.
Sinh thái: Mọc ở độ cao dưới 800m, Dây đau xương thuộc loại dây leo gỗ, rụng lá về mùa đông, ưa ẩm và hơi chịu bóng, mọc lẫn trong các bụi cây quanh làng bản, ven rừng, đồi, bờ nương rẫy, gần các nguồn nước. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa xuân-hè, có khả năng tái sinh vô tính mạnh. Trồng dễ dàng bằng các đoạn thân và cành.
Trồng trọt:
Dây đau xương được nhân giống bằng cành. Vào tháng 2-3, chọn cành bánh tẻ, khoẻ mạnh, cắt thành từng đoạn 40-50cm để làm giống. Có thể dùng đoạn dây dài hơn và cuộn tròn lại để trồng.
Cây trồng trên mọi loại đất, nhưng cần cao ráo, thoát nước, không bị úng ngập. Thường trồng cạnh các cây to để lợi dụng làm giá thể cho cây leo. Có thể đào thành hố sâu 30-40cm, rộng 30-50cm hoặc đánh rạch như cách trồng khoai lang. Sau đó đặt hom giống hơi nghiêng, lấp đất sâu 20-30cm, dận chặt và tưới nước. Nếu dùng hom giống dài, cuộn tròn thì lấp đất khoảng 2/3 vòng, để 1/3 thò lên khỏi mặt đất.
Để cây sinh trưởng tốt, cần bón lót cho mỗi hốc 5- 7kg phân chuồng và dùng nước giải, nước phân hoặc phân mục để bón thúc. Năm đầu, bón thúc một đợt vào tháng 6-7. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm nên bón thúc 2 đợt, vào các tháng 2-3 và 5-6.
Cây có sức đề kháng cao, ít sâu bệnh. Cây 2 ĩiăm tuổi có thể cho 20kg thân lá.
Thu hái, sơ chế: Có thể thu hái quanh năm. Đối với thân già, cắt thành từng đoạn dài 20-30cm rồi phơi hay sấy khô. Dùng sống hay tẩm rượu sao.
Bảo quản: Bảo quản ở nơi thoáng mát.
Tác dụng dược lý :
- Một bài thuốc bổ Thận gồm 9 vị, trong đó có Khoan cân đằng, dùng trong YHDT để trị lưng đau, mỏi gối, đã được thử tác dụng nội tiết bằng cách cho chuột nhắt cái thiến uống thấy có tác dụng gây động dục.
- Một bài thuốc trị viêm khớp gồm 5 vị trong đó có Khoan cân đằng, trên thử j5m dược lý lâm sàng đã được xác minh hiệu lực kháng viêm.
- Khoan cân đằng có tác dụng ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn của histamin và Acetylcholin trong thí nghiệm ruột cô lập.
- Khoan cân đằng có ảnh hưởng trên huyết áp súc vật thí nghiệm, có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, biểu hiện trên các hiện tượng quan sát bên ngoài của súc vật, có tác dụng hiệp đồng với thuốc ngủ, tác dụng an thần và lợi tiểu (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Thành phần hoá học : alcaloid
- Toàn cây dây đau xương có alcaloid.
- Trong dây đau xương, người ta đã tách và xác định cấu trúc một glucosid phenolic là tinosinen (I).
(E)-1-(3 hydroxy-1-propenyl)-3-5-dimethoxyphenyl) 4-0-ß-D apio furanosyl-(1-3) ß-D glucopyranosid
Tính vị: vị đắng, tính mát.
Quy kinh: Can.
Công năng: Khu phong, hoạt huyết, trừ thấp, lợi gân cốt.
Công dụng: Chữa tê bại, xương khớp đau nhức, chấn thương tụ máu, sốt rét kinh niên. Lá tươi cũng dùng đắp lên các chỗ nhức trong gân cốt và trị rắn cắn.
Cách dùng, liều lượng: Mỗi ngày dùng 15-30g đun sôi trong nước uống. Cũng có thể ngâm rượu uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với hạt Cốt khí và Đậu đen xanh lòng (kinh nghiệm dân gian). Cũng có thể ngâm rượu với tỷ lệ 1/5, uống ngày 3 lần, mỗi lần một cốc con. Lá thường dùng giã nhỏ vắt lấy nước cốt uống, lấy bã đắp trị rắn cắn, hoặc trộn với rượu để đắp lên chỗ sưng đau.
Bài thuốc:
1. Đau dây thần kinh hông: Dùng Dây đau xương, Lấu bò, Kê huyết đằng, Ngũ vị, Kim ngân, mỗi vị 15g. Đun sôi lấy nước uống.
2. Phong thấp gân xương đau nhức, chân gối rủ mỏi: Dùng Dây đau xương, Bưởi bung, Đơn gối hạc, Cỏ xước, Gấc (rễ), mỗi vị 20-30g sắc uống.
3. Trị lưng đau, gối mỏi do Thận hư : Dây đau xương 12g, Cẩu tích 20g, Rễ gối hạc 12g, Củ mài 20g, Rễ cỏ xước 12g, Bổ cốt toái 16g, Thỏ ty tử 12g, Tỳ giải 16g, Đỗ trọng 16g. Sắc hoặc ngâm rrượu uống (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
4. Đòn ngã tổn thương hoặc đi chạy nhiều sưng chân hay phong thấp sưng đầu gối: Dùng lá Dây đau xương giã nát chế rượu (hoặc giấm hay nước tiểu trẻ em) vào, vắt lấy nước cốt uống, bã thì chưng nóng bóp và đắp vào chỗ đau.
5.Trị rắn cắn : Lá dây đau xương, Lá thài lài, Lá thuốc lào, Lá tía tô, Rau sam. Dùng tươi, giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp (Hành Giản Trân Nhu).
6. Chữa sai khớp xương, bong gân (Hải Thượng Lãn ông): Lá dây đau xương, Quế, Hồi hương, Đinh hương, vỏ Sòi, vỏ Núc nác, Gừng sống, lá Canh châu, mủ Xương rồng bà (Opuntia dillenii), lá Thầu dầu tía, lá Náng, lá Kim cang, lá Mua, huyết giác, củ Nghệ, hạt Trấp, hạt Máu chó, lá Bưởi bung, lá Tầm gửi cây khế. Các vị trên giã nhỏ, sao nóng và chườm.
7. Chữa rắn cắn (Hải Thượng Lãn ông): Lá Dây đau xương 20g, lá Thài lài 30g, lá Tía tô 20g, Rau sam 50g. Dùng tươi, giã nhỏ, vắt lấy nước uống, bã đắp.
8. Chữa thấp khớp: Cao bào chế từ 2 vị: dây đau xương, củ kim cang, lượng bằng nhau. Ngày uống 6g cao.
Cao chế từ các vị dây đau xương, độc lực, hoàng lực, thổ phục linh, huyết giác, lá lốt, bưởi bung, tầm xuân, hoàng nàn chế, kê huyết đằng, ngưu tất.
9. Trị đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu: Dây đau xương 12g, Cẩu tích 20g, Củ mài 20g, Tỳ giải 16g, Đỗ trọng 16g, Bổ cốt toái 16g, Thỏ ty tử 12g, rễ Cỏ xước 12g. sắc hoặc ngâm rượu uống.
Chý ý:
- Thận trọng khi dùng cho người có tạng hàn.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum