DÂY THÌA CANH-chữa tiểu đường
DÂY THÌA CANH
Dây thìa canh: Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex Sm.; Ảnh jireh-exports.com and senthuherbals.blogspot.com
Tên khác:
Dây muôi, Lừa ty rừng.
Tên khoa học:
Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex Sm., Họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Tên đồng nghĩa:
Apocynum alterniflorum Lour.; Asclepias geminata Roxb.; Cynanchum lanceolatum Poir.; Cynanchum subvolubile Schumach. & Thonn.; Gymnema affine Decne.; Gymnema alterniflorum (Lour.) Merr.; Gymnema formosanum Schltr.; Gymnema geminatum R.Br.; Gymnema humile Decne.; Gymnema melicidaEdgew.; Gymnema mkenii Harv.; Gymnema parvifolium Wall.; Gymnema subvolubile Decne.; Gymnema sylvestre var. affine (Decne.) Tsiang; Gymnema sylvestre var. ceylanica Hook. f.; Gymnema sylvestre var. ceylanicum Hook.f.; Gymnema sylvestre var. chinense Benth.; Marsdenia geminata (R. Br.) P.I. Forst.; Marsdenia sylvestris (Retz.) P.I.Forst.; Periploca sylvestris Retz.; Periploca tenuifolia Willd. ex Schult.; Strophanthus alterniflorus (Lour.) Spreng.; Vincetoxicum lanceolatum Kuntze
Mô tả:
Dây leo, cao từ 3-5 m. Thân non màu xanh, phủ lông mịn; thân già màu nâu, có lỗ vỏ, đường kính lỗ vỏ từ 0,5-1 mm. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng hay hơi vàng. Lá mọc đối. Cuống dài 3-5 mm; đường kính 2-3mm; phiến hình bầu dục, trứng hay trứng ngược, dài 6-7cm, rộng 2,5-5cm, gốc thuôn, mép nguyên, ngọn nhọn; có 4-6 cặp gân phụ, rõ ở mặt dưới. Hoa nhỏ màu trắng hơi vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, dài 8mm, rộng 12-15mm. Đài chia 5, các thuỳ dài 1mm, có lông mịn và rìa lông. Tràng 5, dính nhau thành ống, dài 1,8-2 mm, mặt ngoài nhẵn; tràng phụ gắn với tràng, có 5 răng, dính với họng tràng. Cột nhị nhụy hình trụ, dài khoảng 1,5mm, rộng 0,8-1mm. Bộ nhị có bao phấn ngắn; khối phấn gồm hai thùy, dài khoảng 0,2mm, liên kết với nhau nhờ trung đới màu vàng nâu. Bộ nhụy có vòi với đầu rộng hình nón, vượt quá bao phấn. Quả đại dài 5-6cm, rộng ở dưới, đường kính chỗ lớn nhất khoảng 1,5cm. Hạt dẹp, dài 3mm, có mào lông màu trắng, dài khoảng 3-3,5cm, thường có khoảng 40 hạt trong một quả.
Phân bố:
Dây thìa canh được ghi nhận đầu tiên ở Ấn Độ, từ 2000 năm trước, người Ấn Độ đã biết sử dụng loại cây này để trị bệnh, đặc biệt là bệnh tiểu đường. Nó phát triển nhất ở thung lũng Paltacot miền Trung Nam Ấn Độ. Ngoài ra, cây còn có ở Nam Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia..
Ở Việt Na,, dây thìa canh được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2006 tại một số nơi ở các tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa. Người tìm ra loài cây này chính là PGS.TS. Trần Văn Ơn - bộ môn Thực vật – Đại học dược Hà Nội. Từ những vùng được tìm thấy đầu tiên, hiện nay loại cây này đã được quy hoạch và trồng thành vùng tại các tỉnh Thái Nguyên, Nam Định.
Bộ phận dùng:
Toàn than và lá.
Thu hái:
Dây thìa canh có thể thu hái vào bất kỳ thời gian nào trong năm.
Chế biến:
Có thể sử dụng ở cả dạng tươi và dạng khô. Nếu dùng ở dạng khô, dây thìa canh sau khi được thu hái sẽ đem rửa sạch, cắt nhỏ, phơi khô rồi cho vào túi nilon kín để dùng dần.
Thành phần hóa học:
Cây chứa một chất glucosid là acid gymnemic, rất gần với acid chrysophanic nhưng khác về một số tính chất. Lá chứa những hợp chất hữu cơ, 2 hydratcarbon, chlorophyll a và b, phytol, nhựa, acid tartric, inositol, các hợp chất anthraquinolic và acid gymnemic.
Ngoài ra, cây còn có 2 resin (một tan trong rượu), saponin, stigmasterol, quercitol, các dẫn xuất acid amin betain, choline và trimethylamine
Tác dụng dược lý:
Tác dụng hạ đường huyết
Tác dụng hạ đường huyết của bột lá khô Dây thìa canh đã được ghi nhận trên thỏ được gây đái tháo đường thực nghiệm bằng alloxan do làm giảm hoạt tính của enzym tân tạo đường và đảo ngược quá trình biến đổi thể trạng ở gan trong suốt giai đoạn tăng đường huyết.
Chế độ ăn có chứa bột lá với liều 500 mg/chuột trong 10 ngày có tác dụng bảo vệ đáng kể đối với chuột gây đái tháo đường thực nghiệm bằng beryllium nitrat và đưa mức đường huyết trở về mức bình thường trong 4 ngày so với 10 ngày ở lô chuột không được dùng Dây thìa canh. Tuy nhiên, ở lô chuột bình thường được cho ăn bột lá Dây thìa canh trong 25 ngày lại không thấy hạ đường huyết có ý nghĩa.
Dịch chiết nước của lá Dây thìa canh với liều 20 mg/ngày trong 20-60 ngày làm cân bằng mức đường huyết ở chuột cống được gây Đái tháo đườn thực ngiệm bằng STZ do phục hồi tế bào õ đảo tụy. Dịch chiết Dây thìa canh đã làm tăng gấp đôi số lượng đảo tụy và tế bào β.
Tác dụng hạ lipid máu:
Dịch chiết Dây thìa canh có tác động lên chuyển hóa lipid, làm giảm có ý nghĩa các chất béo tiêu hóa được, làm tăng bài tiết các sterol trung tính và sterol acid qua phân, ngoài ra còn làm giảm tổng lượng cholesterol toàn phần và mức triglycerid trong huyết tương.
Hỗ trợ giảm cân an toàn:
Trong lá thuốc có chứa GS4, đây là thành phần giúp giảm cholesterol xấu và chất béo trung tính trong cơ thể. Bạn có thể lấy 40-50g cây khô nấu với 1 lít nước uống mỗi ngày.
Một số chuyên gia còn cho rằng, việc chỉ sử dụng thành phần GS4 cho việc giảm cân sẽ cho hiệu quả nhanh hơn. Cụ thể bạn có thể sử dụng GS4 dạng thuốc viên và có liều dùng vào khoảng từ 200 mg đến 600 mg mỗi ngày.
Bên cạnh đó, dịch chiết của cây còn giúp loại bỏ những chất có hại cho cơ thể như: giảm lượng đường glucose, lepin, insulin, LDH, apolipoprotein B,…Từ đó, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, hạn chế bệnh tật tối đa.
Ngăn ngừa xơ vữa động mạch:
Nếu lần đầu bạn nghe tới tên dây thìa canh thì chắc hẳn bạn sẽ nghĩ tới câu hỏi “cây thìa canh chữa bệnh gì?”. Một trong những câu trả lời đó là chúng có thể ngăn ngừa xơ vữa động mạch do khả năng chuyển hóa lipid và đào thải nhanh chóng qua phân của dịch chiết từ cây thìa canh.
Tác dụng làm mất đi cảm giác ngọt
Tác dụng này do Gurmarin, polypeptid phân lập được từ Dây thìa canh gây ra. Nó làm ức chế chọn lọc cảm giác ngọt mà không ảnh hưởng đến các vị giác khác ở chuột cống. Cơ chế của gurmarin được cho là tác dụng trên thần kinh cảm giác của chuột. Tác dụng mất cảm giác ngọt của gurmarin kéo dài khá lâu 2-3h, tác dụng này sẽ mất đi nhanh chóng dưới tác dụng của chất kháng gurmarin trong huyết tương hoặc β-cyclodextrin trên chuột nhắt C57BL.
Ngoài ra, cây thìa canh còn có một số tác dụng khác như:
Hỗ trợ tiêu hoá dễ dàng, tăng cường chức năng tiêu hoá
Giảm bớt và điều trị đau nhức xương khớp, tê liệt chân tay
Cải thiện tình trạng viêm mạch máu
Chống độc khi bị rắn cắn
Có thể làm mất đi vị đắng của thuốc trong vài giờ
Tính vị:
Vị đắng, tính hàn.
Quy kinh:
Phế, tỳ, thận.
Công năng:
Rễ cây có tác dụng gây nôn và long đờm, trị phong thấp tê bại. Lá có tác dụng hạ đường huyết.
Công dụng:
Rễ sử dụng trong trường hợp viêm mạch máu, rắn độc cắn, trĩ và các vết thương do dao, đạn; còn dùng diệt chấy rận.
Lá thường dùng trị đái tháo đường, liều 4g lá khô đủ để làm ngưng glucose niệu Thuốc có tác dụng gián tiếp lên sự tiết insulin của tụy, làm giảm glucose niệu, làm mất vị ngọt của đường, vị đắng của thuốc vẫn còn trong một vài giờ. Lá làm kích thích tim và hệ thống tuần hoàn, gây bài tiết nước tiểu. Lá cũng có tính chất nhuận tràng do có các dẫn xuất anthraquinon; còn có tính gây nôn. Lá dùng dễ làm thuốc tiêu hóa, còn dùng tán thành bột để chống độc.
Đối tượng sử dụng:
Người bị bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiền tiểu đường, có biểu hiện tăng đường huyết.
Những người bị huyết áp cao
Người béo phì hoặc có ý định giảm cân
Ngộ độc
Liều dùng, cách dùng:
Ngày 8-10g dạng thuốc sắc hoặc hãm với nước.
Dạng thuốc sắc:
Với cách này, bệnh nhân chỉ cần chuẩn bị 4 – 6g dây thìa canh khô, đem sắc với khoảng 1 lít nước để uống hàng ngày. Nó có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và giải độc. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả chữa bệnh tiểu đường và ổn định đường huyết, có thể kết hợp với cây Nở ngày đất. Ngoài ra nước sắc từ rễ của vị thuốc này cũng có tác dụng đáng kể trong việc khắc phục các triệu chứng bệnh trĩ, viêm mạch máu.
Nước sắc của vị thuốc này có mùi thơm, dễ uống nên rất phù hợp để sử dụng cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng nên lưu ý là chỉ dùng đúng theo liều lượng đã được chỉ định. Bởi nếu sử dụng quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể.
Dạng thuốc đắp:
Nếu bị vết thương ngoài da, rắn cắn, bệnh nhân có thể dùng cây thìa canh để điều trị theo cách sau: Lấy lá dây muôi tươi đem về sạch, giã nát rồi đắp lên vết thương. Thực hiện thường xuyên để mang lại hiệu quả tốt.
Dạng bột:
Lá của dây thìa canh còn được điều chế thành dạng bột để giải độc.
Trên đây là các thông tin cần biết về thảo dược dây thìa canh và cách sử dụng. Vì đa số các loại thảo dược tự nhiên chưa được kiểm nghiệm một cách chính xác về công dụng cũng như mức độ hiệu quả chữa bệnh. Do đó, khi bị có biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên đi khám và được chỉ định điều trị bằng các cách hiệu quả hơn để bảo đảm an toàn.
Bài thuốc:
1. Chữa bệnh tiểu đường:
Bài 1
Chuẩn bị khoảng 1-6 g dây thìa canh dạng khô, rửa sạch với nước rồi đun trong nồi đất với khoảng 1 lít nước.
Đun sôi trong khoảng 20 phút rồi chắt lấy nước uống hàng ngày.
Nên sử dụng thuốc sắc này sau khi ăn xong 15-20 phút để hạ đường huyết nhanh nhất.
Cách này thời gian làm khá nhanh mà các hoạt chất trong dây thìa canh hầu như đã ra hết. Vì vậy, nếu ai có thời gian họ sẽ ưu tiên thực hiện phương pháp này nhiều hơn.
Bài 2
Chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm 20g dây thìa canh khô, 50g cây xạ đen.
Rửa sạch 2 loại dược liệu trên bằng nước rồi sau đó cho chúng vào nồi đun với 2 lít nước. Sau khi đun sôi hạ nhỏ lửa đun trong vòng 30 phút.
Sử dụng hàng ngày sau ăn khoảng 10 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài 3
Nguyên liệu gồm 50g dây thìa canh, bình giữ nhiệt hoặc tích pha trà tươi, 1 lít nước sôi
Lấy 10g dây thìa canh khô rửa sạch rồi bỏ vào bình hãm. Đổ khoảng 200ml nước sôi vào để làm sạch dây thìa canh, sau đó đổ bỏ nước đó đi.
Chế 800ml nước sôi vào bình hãm rồi đậy kín, ủ trong 30-40 phút là có thể uống được ngay.
Sau mỗi bữa ăn 30 phút là bạn có thể bỏ ra uống giống như uống trà.
Ngoài ra, với phương pháp này bạn có thể kết hợp cùng với cây nở để tăng hiệu quả trị bệnh. Về liều lượng, bạn nên tham khảo bác sĩ để được tư vấn tốt nhất.
Phương pháp này có một ưu điểm đó là chúng rất thích hợp dành cho những người bận rộn, không có thời gian đun nấu nhiều. Tuy nhiên, có thể các hoạt chất vẫn còn đọng lại ở dây thìa canh mà chưa ra hết nếu ngâm trong khoảng 30 phút. Vì vậy, bạn có thể hãm thuốc thêm lần nữa để tiết kiệm thuốc.
2. Sử dụng cây thìa canh dạng bột chữa tiểu đường:
Một cách sử dụng khác của dây thìa canh đó là uống bột nhuyễn của cây. Cách dùng này có tác dụng tương đương với việc sử dụng lá cây phơi khô. Tuy nhiên thuốc dạng bột có giá thành cao hơn một chút, tùy vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của người dùng để chọn lựa. Cách làm như sau:
Mang dây thìa canh đi phơi khô rồi bào chế nhuyễn đến khi thành bột. Sau đó pha bột thìa canh với nước ấm uống mỗi ngày, có thể thay nước lọc đều được.
Bạn cũng có thể lấy 20g bột cho vào túi lọc rồi đổ một chút nước tráng qua cho sạch, đổ khoảng 1,2 lít nước sôi vào đợi khoảng 15 phút là dùng được
Chú ý bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm thấp gây hỏng thuốc và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
3. Dùng cây thìa canh làm thuốc giải độc:
Dược liệu này có thể dụng để giải độc, đặc biệt khi bị rắn cắn. Cụ thể, bạn lấy lá thìa canh tươi đem về rửa sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên vết thương. Bạn cần phải đắp liên tục cho tới khi vết thương lành hẳn.
Chú ý khi sử dụng:
Không nên tự ý thu hái thìa canh vì có hơn 3000 cây có hình dáng tương tự dây thìa canh.
Chọn dây thìa canh chuẩn bằng cách nhai thử lá tươi rồi ăn đồ ngọt, nếu bị mất vị ngọt thì đó là dây thìa canh chuẩn.
Nếu cảm thấy váng đầu, hoa mắt, nguyên nhân của tình trạng này là do người dùng sử dụng quá liều khiến đường huyết bị giảm quá nhanh. Trường hợp này tốt nhất bạn hãy ngừng sử dụng thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc.
Đầy bụng, khó chịu do người bệnh dùng nước sắc thìa canh để qua đêm dẫn đến thuốc bị hỏng, biến chất. Vì vậy, hãy bảo quản chúng trong tủ lạnh nếu chưa có nhu cầu sử dụng nhé.
Thời gian sử dụng dây thìa canh tốt nhất trong ngày đó là sau bữa ăn khoảng 20 phút vì lúc này con người mới hấp thụ một lượng lớn đường vào cơ thể làm cho lượng đường trong máu tăng cao. Dây thìa canh sẽ có tác dụng ổn định đường huyết trong máu.
Bạn nên sử dụng thìa canh dạng khô đun lên làm trà hay tán bột sẽ đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí nhất.
Những đối tượng không nên sử dụng là phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh, trẻ nhỏ dưới 16 tuổi, người bị tiêu chảy.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 200
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica
- Công dụng của cây Cau đất - Tropidia curculigoides Lindl.
- Công dụng của cây Điền điển phao - Sesbania javanica
- Công dụng của cây Mâm xôi đen - Rubus fruticosus
- Công dụng của cây Xương rồng trụ - Cereus jamacaru
- Công dụng của cây Bướm đêm đa hoa - Middletonia multiflora
- Công dụng của cây Ngọc nữ lá chân vịt - Clerodendrum palmatolobatum
- Công dụng của cây Bướm bạc một hoa - Mussaenda uniflora
- Công dụng của cây Tàu muối - Vatica odorata
- Công dụng của cây Hổ nhĩ lá đồng tiền - Pilea nummulariifolia
- Công dụng của cây Sổ trai - Dillenia ovata
- Công dụng của cây Nghệ mảnh - Curcuma gracillima