ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO
ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO (冬 蟲 夏 草)
Cordyceps
Tên khác: Trùng thảo, Hạ thảo Đông trùng.
Tên khoa học: Cordyceps sinensis (Berk) Sacc., họ Nhục toà khuẩn (Hypocreaceae), thuộc bộ Nang khuẩn (Ascomycetes).
Tên đồng nghĩa:
Sphaeria sinensis Berk., London Journal of Botany 2: 207 (1843)
Ophiocordyceps sinensis (Berk.) G.H. Sung, J.M. Sung, Hywel-Jones & Spatafora, Studies in Mycology 57: 46 (2007)
Mô tả:
Đông trùng hạ thảo là một loại khuẩn ký sinh trên một phức thể, gồm một loài côn trùng và một loài nấm (tọa khuẩn) họp thành, côn trùng thuộc họ Lân sí mục. Sâu non trông giống con tằm già, dài 3-5cm, lớn 7-10mm, sau khi khô thì bên ngoài có màu vàng kim hoặc màu vàng. Mình sâu non có vân ngang rõ rệt, gần đầu có nhiều vân vòng nhỏ, toàn thân có 3 đôi chân ở ngực, 4 đôi chân ở bụng, 1 đôi ở đuôi, nhưng chỉ có 4 đôi chân ở bụng là rõ, đầu có chất sừng màu đỏ nâu. Sau khi sấy khô, sâu non rất giòn dễ gẫy, thịt màu trắng, rắn và có mùi thơm. Phần khuẩn toạ thường dài hơn sâu non, và dài tới 7cm, màu nâu sẫm hoặc nâu, thường ký sinh trên đầu sâu non, phần đầu hơi phình to ra, như hình trụ tròn, dài và thẳng đứng, ngoài có vân dọc nhỏ, khi sấy khô khuẩn tọa dẻo, dai, khó bẻ gẫy, bên trong màu nâu nhạt. Phần đầu giống hình cái gậy, màu đen tím hơi sẫm, bên ngoài xù xì, có nhiều hạt nhỏ nổi lên gọi là cầu quả, hình trứng, hoặc hình bầu dục tròn. Quan sát dưới kính hiển vi thì thấy mỗi quả cầu bên trong có nhiều tử nang hình dài, mỗi nang tử có nang bào tử cách mô đó là công cụ truyền ty khuẩn cho thế hệ sau. Đỉnh khuẩn tỏa nhọn, không có cầu quả, màu nâu xám hoặc nâu đen.
Trước đây, người ta cho rằng đây là vị thuốc mà mùa đông hóa thành sâu, mùa hè trở thành cây cỏ. Thật ra đó là một thứ nấm mọc ký sinh trên sâu non của một loại cây như đã mô tả trên. Về mùa đông sâu nằm im dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân sâu để hút chất bổ dưỡng trong con sâu làm cho sâu chết. Đến mùa hè, nấm sinh ra cơ chất mọc chồi khỏi mặt đất, nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu của con sâu. Khi nào người ta đào lấy cả sâu và nấm để dùng.
Dược liệu: Vị thuốc gồm nấm và sâu non dài, chừng 2-3cm, đường kính chừng 3-5mm biểu hiện màu vàng nâu hay màu xám nâu. Tự đầu của con sâu mọc ra một thân nấm hình trụ (đặc biệt có khi 2 hay 3 con sâu). Thân nấm thường dài 3-6cm, có khi tới 11cm. Phía dưới thân nấm có đường kính 1,5-4mm, phía trên to phình ra, cuối cùng là thon nhon, cả phần này dài 10-45mm, đường kính 2-6mm, nếu còn non thì đặc, già thì thân rỗng.
Bộ phận dùng: Khuẩn toạ, khuẩn ty và xác ấu trùng.
Phân bố: Chỉ phát hiện được Đông trùng hạ thảo vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3500 đến 5000m. Đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam...
Thu hái, sơ chế:
Đông trùng hạ thảo được thu hoạch vào mùa hè từ tháng từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm. Sau khi thu hoạch, trùng thảo được mang đi rửa sạch và sấy khô.
Bào chế:
Cách dùng đông trùng hạ thảo phổ biến nhất đó là ngâm rượu. Ngoài ra, người ta còn bào chế nguyên liệu thành viên nang để thuận tiện cho việc bảo quản và sử dụng.
Bảo quản:
– Cách 1: Cho đông trùng hạ thảo vào túi nhựa kín gió để tránh không khí bay vào. Sau đó, bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh với nhiệt độ tầm 4oC.
– Cách 2: Phơi khô nguyên liệu, sau đó cho vào túi nhựa bảo quản. Mỗi túi đông trùng có thể cho thêm 1 ít tiêu khô sau đó cho vào những nơi khô thoáng và có ánh nắng mặt trời.
– Cách 3: Đem Đông trùng hạ thảo ngâm rượu gạo nguyên chất khoảng 3 tháng thì có thể dùng được. Ngâm rượu theo tỷ lệ 1:1.
Thành phần hoá học: Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối (biomass) của Đông trùng hạ thảo có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...). Các cordiceptic acid, cordycepin, adenosine, hydroxyethyl-adenosin. Vitamin B12; vitamin A; vitamin C; vitamin B2(riboflavin), vitamin E, vitamin K...)
Tác dụng dược lý:
- Bồi bổ, chống suy nhược:
Một số nghiên cứu đã chỉ ra, việc sử dụng đông trùng hạ thảo có thể cung cấp cho cơ thể lượng lớn axit amin, khoáng chất và một số nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho việc phục hồi cơ thể suy nhược. Đồng thời, đông trùng hạ thảo còn kích thích sản sinh ATP và oxy tăng cường trao đổi chất, làm giảm triệu chứng mỏi mệt. Vì vậy, đông trùng hạ thảo còn được sử dụng nhiều cho người suy nhược, người thường xuyên thức khuya làm việc, người bị gầy yếu…
- Tăng cường hệ miễn dịch:
Đông trùng hạ thảo còn chứa Selen – chất hiếm có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và tạo hàng rào ngăn ngừa một số tác nhân gây bệnh. Nghiên cứu năm 1996 đã khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc khi phát hiện ra khả năng ức chế hệ miễn dịch của đông trùng hạ thảo.
- Làm giảm lượng chất béo dư thừa gây hại trong máu:
Có bằng chứng cho thấy, đông trùng hạ thảo có tác dụng trong việc làm giảm lượng chất béo dư thừa gây hại trong máu và thường được sử dụng cho người mắc bệnh mỡ máu, bệnh nhân béo phì.
- Tác dụng của đông trùng hạ thảo là cải thiện chức năng sinh lý:
Nghiên cứu ban đầu cho thấy, trong đông trùng hạ thảo có chứa một loại hợp chất có khả năng cải thiện ham muốn tình dục ở cả nam và nữ giới. Ngoài ra, nó còn có khả năng điều hòa nội tiết tố, cải thiện chứng lạnh tử cung, bất lực, vô sinh…
- Kiểm soát tiểu đường, ổn định đường huyết
Một công dụng nữa của đông trùng hạ thảo đó là điều tiết và cân bằng lượng đường huyết trong cơ thể. Các cuộc thử nghiệm đã chỉ ra, có khoảng 90% bệnh nhân điều trị tiểu đường có dấu hiệu chuyển biến sau khi sử dụng đông trùng hạ thảo mỗi ngày.
- Khắc phục các bệnh liên quan đến thận:
Đông trùng hạ thảo có khả năngkích thích phục hồi chức năng thận và một số bệnh lý liên quan. Người bị suy thận mãn tính, tổn thương thận, suy giảm chức năng thận cũng có thể sử dụng loại đông dược này để khắc phục bệnh.
- Cải thiện các triệu chứng về phổi:
Đông dược này còn có khả năng tăng cường oxy cho phổi, bên cạnh đó với đặc tính ấm, nó còn được dùng trong các bài thuốc cải thiện các bệnh lý có liên quan đến hệ hô hấp. Bao gồm một số bệnh nghiêm trọng như hen suyễn, viêm phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính…
- Tác động đến hệ tim mạch:
Đông trùng hạ thảo có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh và ổn định nhịp tim. Ngoài ra, còn có công năng giãn nở cơ tim, mạch máu, điều chỉnh lượng mỡ thừa trong máy nên rất cần thiết cho hệ tim mạch, thần kinh.
- Tác động đến một số bệnh lý về gan:
Ngoài ra, công dụng của đông trùng hạ thảo đối với bệnh gan cũng được rất nhiều người biết đến. Hơn nữa, loại đông dược này còn giúp làm tăng hiệu quả hoạt động của gan, điều trị các bệnh về gan, đào thải virus viêm gan…
- Làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư:
Thành phần Selen trong đông trùng hạ thảo vừa có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và đồng thời còn làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Các nghiên cứu lâm sàng tại Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã chỉ ra bệnh nhân ung thư đang hóa trị và kết hợp tiêm khoảng 6g đông trùng hạ thảo mỗi ngày có thể làm giảm kích thước khối u một cách đáng kể.
- Chống lão hóa, làm đẹp da:
Sau tuổi 30, làn da và cơ thể người phụ nữ bắt đầu có dấu hiệu lão hóa nhanh, đặc biệt là những phụ nữ sau sinh. Do đó, việc sử dụng đông trùng hạ thảo mỗi ngày còn giúp làm chậm quá trình oxy hóa, tái tạo làn da và ngăn chặn các dấu hiệu lão hóa da như nám, tàn nhang, sạm da… Bên cạnh đó, loại đông dược này còn có tác dụng làm chậm quá trình tiền mãn kinh, cân bằng nội tiết tố, chống suy nhược cơ thể…
Tính vị: vị ngọt, tính ấm.
Quy kinh: thận và phế.
Công năng: Bổ Phế và Thận, ích khí, chỉ huyết và trừ đờm.
Công dụng: Chữa ho lâu ngày, yếu mệt, thổ huyết, nhiều mồ hôi, di tinh, đau lưng mỏi gối.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g dùng dạng rượu thuốc.
Bài thuốc:
1. Bồi bổ sau bệnh nặng, sau nhiều lần giao hợp: Đông trùng thảo 15 con, Vịt già 1 con làm xong sạch sẽ, bỏ lòng ruột, chẻ đôi đầu vịt ra cho Đông trùng thảo vào cột chặt gài đầu vào bụng cho gia vị vào, thêm hột sen, chưng tiềm cho nhừ ăn hết thịt và nước. (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
2. Chữa liệt dương, hoạt tinh, di tinh: 6g đông trùng hạ thảo, 8g dâm dương hoắc, 12g ba kích, 12g hà thủ ô. Tán mịn đông trùng hạ thảo, để riêng trong chén sạch. Các nguyên liệu còn lại đem sắc nước cho đến khi còn khoảng 300ml. Hòa bột đông trùng hạ thảo vào hỗn hợp trên và chia thành 2-3 lần, uống hết trong ngày.
3. Dùng đông trùng hạ thảo cho người thiếu máu, liệt dương, di tinh: 10g trùng thảo, 100g thịt nạc. Thịt heo đem rửa sạch, thái lát, ướp gia vị. Cho thịt, trùng thảo vào nồi đem ninh nhừ và nếm gia vị cho vừa ăn.Chia thành 1-2 lần ăn trong ngày.
4. Viêm khí quản mãn tính, bồi bổ cho người già, dùng Đông trùng thảo 6g, Khoản đông hoa 4,5g, Tạng bạch bì 6g, Cam thảo 3g, Tiểu hồi hương 3g sắc uống (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
5. Chữa đau lưng, mỏi gối, hen suyễn khó thở: 8g đông trùng hạ thảo, 8 con chim cút, gia vị. Sơ chế chim cút và đem đi ngâm với nước sôi khoảng 1 phút, vớt ra để nguội. Chia trùng thảo ra thành 8 phần bằng nhau, sau đó cho vào bụng chim cút và khâu chặt lại. Đặt chim cút vào nồi nước để luộc với gia vị, muối tiêu và đậy kín, ninh khoảng 40 phút là được. Chia thành các phần nhỏ và ăn dần.
6. Chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh: 30g Đông trùng hạ thảo, 500ml rượu trắng 40o. Cho trùng thảo và bình ngâm với rượu khoảng 15-30 ngày thì có thể dùng được. Mỗi bữa ăn dùng khoảng 20ml, ngày dùng khoảng 2-3 lần.
7. Chữa hen suyễn, suy nhược cơ thể thời gian dài: 5-10 con Đông trùng hạ thảo, 1 con vịt. Rửa sạch vịt, sau đó rạch vùng cổ và cho trùng thảo vào, khâu kín. Cho vịt vào nồi cùng gia vị, chút rượu, giấm và ninh nhừ với lửa vừa. Dùng món này mỗi khi đói.
8. Cải thiện chứng lao phổi, suy nhược lâu ngày: 100g thịt gà, 15g hoài sơn, 15g đômg trùng hạ thảo. Thịt gà sau khi sơ chế thì đem ướp gia vị, cho vào nồi cùng sơn dược, trùng thảo và nước để nấu cho đến khi nhừ.Nêm gia vị và dùng món ăn khi còn nóng.
9. Bổ thận, dưỡng âm, tăng cường khí huyết: 5g đông trùng hạ thảo, 500g nước ngọt, 10 quả táo đỏ, bỏ hạt, vài lát gừng tươi. Chế biến sạch cá, sau đó ướp gia vị và cho vào nồi hấp cách thủy cùng các nguyên liệu còn lại. Sau khi cá chín thì nêm gia vị cho vừa ăn và nhắc xuống để dùng.
10. Cải thiện chứng mệt mỏi, tinh thần kém minh mẫn, thận hư: 9g đông trùng hạ thảo, 12g nhân sâm, 12g đương quy, 12g kỷ tử, 100g sườn heo, gia vị. Sườn heo đem đi rửa sạch, ướp gia vị. Sau đó cho các nguyên liệu vào chung nồi và hầm chín. Chia thành 2 – 3 lần và ăn hết trong ngày.
11. Chữa chứng tiểu đêm, hoạt tinh, tinh loãng: 18g đông trùng hạ thảo, 500g thịt dê, 40g hoài sơn. 4 lát gừng tươi, 15g câu kỷ tử, 4 quả chà là, gia vị. Thịt dê đem rửa sạch, cắt lát và trụng qua nước sôi để khử mùi. Các nguyên liệu còn lại sau khi rửa sạch thì cho vào nồi đất với lượng nước vừa đủ và hầm với lửa nhỏ.Hầm trong khoảng 2 giờ thì nêm gia vị cho vừa ăn và nhắc xuống. Mỗi tuần dùng món này khoảng 2 – 3 lần.
12. Cải thiện triệu chứng viêm đau dạ dày, phế thận lưỡng hư: 1 con ba ba, 10g đông trùng hạ thảo, 10 quả đại táo.Gia vị: hành lá, gừng, tỏi, hạt nêm, muối, đường.. Ba ba cắt bỏ đầu, chia thành 4 miếng và cho vào nồi luộc với nước sôi. Sau đó, cho ba ba vào cùng bát với đông trùng hạ thảo, đại táo, gừng, hành, tỏi và cho vào nồi hấp cách thủy khoảng 2 tiếng. Dùng món ăn này trong ngày và nên ăn ngay khi còn nóng.
13. Cải thiện tỳ vị, suy nhược, máu nhiễm mỡ: 3g đông trùng hạ thảo, 20g hoài sơn, 20g hoàng kỳ, 100g gạo nếp. Hoàng kỳ đem sắc lấy nước, lọc bỏ bã. Sau đó cho trùng thảo, sơn dược và gạo nếp vào nước thuốc để nấu thành cháo. Nên dùng món cháo này vào buổi sáng hoặc tối để cải thiện tỳ vị, chống mệt mỏi.
14. Dưỡng nhan, tăng cường gân cốt, điều hòa âm dương: 5g Đông trùng thảo, 1 con gà ác, 100g hồ đào bỏ hạt, 30g táo đỏ, 4 lát gừng tươi. Gà ác sau khi sơ chế thì đem ướp gia vị. Cho các nguyên liệu còn lại vào rồi nấu chung với nước cho đến khi gà chín. Thêm gia vị cho vừa ăn và dùng khi còn nóng.
Kiêng kỵ, chú ý:
- Chứng thuộc huyết và phế có nhiệt thì cấm dùng.
- Không nên chế biến dược liệu quá lâu trên lửa lớn.
- Dùng nồi đất hoặc nồi sứ để chế biến thuốc.
- Sử dụng dược liệu theo liều lượng được chỉ định.
- Kiêng thực phẩm cay, nóng trong thời kỳ sử dụng đông trùng.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt thì không nên sử dụng thuốc.
Chú ý: Ở Việt Nam có sử dụng con sâu sống trong thân cây Chít (Thysanoloena maxima O. Kuntze), họ Lúa (Poaceae) với tên Đông trùng hạ thảo.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica
- Công dụng của cây Cau đất - Tropidia curculigoides Lindl.
- Công dụng của cây Điền điển phao - Sesbania javanica
- Công dụng của cây Mâm xôi đen - Rubus fruticosus
- Công dụng của cây Xương rồng trụ - Cereus jamacaru
- Công dụng của cây Bướm đêm đa hoa - Middletonia multiflora
- Công dụng của cây Ngọc nữ lá chân vịt - Clerodendrum palmatolobatum
- Công dụng của cây Bướm bạc một hoa - Mussaenda uniflora
- Công dụng của cây Tàu muối - Vatica odorata
- Công dụng của cây Hổ nhĩ lá đồng tiền - Pilea nummulariifolia
- Công dụng của cây Sổ trai - Dillenia ovata
- Công dụng của cây Nghệ mảnh - Curcuma gracillima
- Công dụng của cây Lô ba lùn - Globba marantina