Logo Website

DỰ PHÒNG UNG THƯ

05/12/2020

III. DỰ PHÒNG UNG THƯ 

Mặc dầu đã có những tiến bộ rất lớn trong lĩnh vực điều trị ung thư trong hai thập kỷ qua, nhưng ung thư vẫn còn là một bệnh khó có thể điều trị khỏi. 

Tuy vậy khoảng 50% trường hợp bệnh ung thư có thể phòng tránh được. Dự phòng ung thư là một vai trò mới rất quan trọng đối với tất cả các thầy thuốc trong thế kỷ 21. Để chủ động phòng chống ung thư, thầy thuốc phải tính đến khía cạnh luân lý và tự do cá nhân, các chính sách phòng chống tích cực phải dựa vào cơ sở kiến thức khoa học. 

1. Vai trò của thuốc lá 

Người ta đã chứng minh được thuốc lá gây ra nhiều loại ung thư: 

+ Bằng các nghiên cứu về dịch tễ học. 

+ Bằng những nghiên cứu về thành phần chứa trong thuốc lá. 

+ Bằng sự khám phá ra sự thương tổn gen đặc hiệu của tế bào khối u và tế bào bình thường ở những người hút thuốc. 

+ Bằng sự phát triển những kiến thức cơ bản về sự chuyển hóa của amines của thuốc lá. 

Qua nghiên cứu dịch tễ học và sinh học có sự liên quan rõ rệt giữa thuốc lá và các ung thư sau đây: 

+ Phổi
+ Thanh quản
+ Khoang miệng + Vòm mũi họng + Bàng quang 

Nghiên cứu về thành phần chứa trong thuốc lá người ta đã tìm thấy hơn 4000 loại hóa chất, một số hóa chất chính gây ra ung thư: 

+ Polycyclic aromatic hydrocarbons 

+ Nitrosamines 

+ Heterocyclic hydrocarbons 

+ Benzen

+ Radioactive 210-polonium 

Tất cả những hóa chất độc trên có thể gây ra sự khởi đầu và thúc đẩy quá trình sinh ung thư. Phương pháp dự phòng tích cực nhất là không nên hút thuốc lá đối với những người chưa hút đặc biệt là trẻ em, với những người đã hút phải có hình thức hỗ trợ để người hút thuốc từ bỏ thuốc lá và các biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá như cấm hút thuốc nơi công cộng, in hình logo lên bao thuốc.v.v. 

2. Yếu tố di truyền 

Tư vấn về di truyền: là một phương pháp mới trong điều trị ung thư. Người ta phải xem xét nhiều khía cạnh khác nhau để có thái độ xử lý đúng đắn. Mục đích của thăm khám di truyền trong ung thư là: 

+  Đánh giá nguy cơ di truyền của ung thư với mục đích xác định có hay không có 

+  Đưa ra những chính sách sàng lọc phù hợp với nguy cơ ung thư đó. 

+  Khi có chỉ định có thể thực hiện nghiên cứu phân tử về gen di truyền. 

+  Giải quyết yếu tố tâm lý lo lắng của bệnh nhân về nguy cơ di truyền. 

+  Có kế hoạch theo dõi thời gian dài cho cá nhân và gia đình của họ. 

3. Hoá dự phòng trong ung thư 

Người ta nhận thấy rằng một số loại thuốc giúp dự phòng ung thư: 

+ Sử dụng Tamoxifen (anti-estrogen) dự phòng ung thư vú trường hợp có nguy cơ cao về yếu tố gia đình. Nghiên cứu lớn ở Hoa kỳ cho kết quả tốt. (NSABP Breast cancer prevention trial P-1) 

+ Sử dụng một số loại thuốc kháng oestrogen khác (raloxifen) để phòng loãng xương ở những phụ nữ mãn kinh giúp dự phòng ung thư nội mạc tử cung (ASCO 2005). 

+ Sử dụng các thuốc kháng androgen (finasteride) để dự phòng ung thư tiền liệt tuyến. 

+ Sử dụng các thuốc kháng viêm non-steroid để dự phòng ung thư đại tràng. 

Nguồn trích: Phùng Phướng, Nguyễn Văn Cầu, Nguyễn Trần Thúc Huân, Bệnh học ung thư