Logo Website

Dựa vào biểu hiện lâm sàng, sự rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ có thể được chia thành mấy loại?

11/07/2020

Dựa vào biểu hiện lâm sàng, sự rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ có thể được chia thành mấy loại? 

Rối loạn kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều là chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trước khi đến bệnh viện khám, những người này nên nhớ lại một số chi tiết: 

- Kinh nguyệt bắt đầu rối loạn từ khi nào? 

- Trước khi phát bệnh có những bất thường gì (ví dụ như bị khủng hoảng tinh thần, thay đổi thể trọng, thay đổi môi trường sống, bệnh tật hoặc phẫu thuật)? 

- Chu kỳ kinh nguyệt và số ngày thấy kinh kéo dài ra hay là rút ngắn lại? 

- Có bị xuất huyết ngoài những ngày thấy kinh hay không? 

- Trong kỳ kinh nguyệt có đau bụng dưới hay không và mức độđau như thếnào? 

- Từ khi phát bệnh đã điều trị bằng biện pháp gì chưa? 

Tất cả những điều trên giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh tật, tránh nhầm lẫn một cách đáng tiếc. Thông thường biểu hiện rối loạn kinh nguyệt được chia thành 6 loại: 

Chu kỳ kinh ngắn, nhiều, kéo dài: 

Chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 21 ngày gọi là "chu kỳ kinh ngắn", ngày hành kinh kéo dài bảy ngày gọi là "kỳ kinh kéo dài". Còn về lượng kinh nguyệt thì thông thường chỉ có thể dựa vào số băng vệ sinh dùng để phán đoán. Nếu máu hành kinh chảy ra quá nhiều, có những cục máu lớn; sau chu kỳ kinh, mức độ huyết sắc tố thấp hơn mức bình thường (120g/l) thì được coi là lượng kinh nguyệt nhiều. 

Xuất huyết không theo quy luật: 

Kinh nguyệt hoàn toàn không có tính quy luật, thời gian giữa hai kỳ kinh có thể kéo dài vài tháng mà cùng có thể là dăm ngày. Lượng kinh nguyệt có lúc nhiều nhưng cũng có lúc ít. 

Xuất huyết giữa kỳ kinh: 

Thường bị xuất huyết vài ngày trong thời gian giãn cách giữa hai chu kỳ (lượng máu thường là tương đối ít). 

Kinh nguyệt thưa, ít: 

Chu kỳ kinh nguyệt ở trong khoảng từ 36 ngày đến 6 tháng thì gọi là kinh nguyệt thưa. Thời gian hành kinh ít hơn 3 ngày, lượng băng vệ sinh dùng rất ít hoặc thậm chí không cần dùng thì gọi là kinh nguyệt ít (dân gian còn gọi máu bồ câu). 

Vô kinh: 

Chỉ kinh nguyệt ngừng từ 6 tháng trở lên. 

Thống kinh: 

Trong thời kỳ kinh nguyệt, bụng dưới đau dữ dội, ảnh hưởng đến công tác và sinh hoạt.

Trước khi vào viện, nếu người bệnh đã uống một loại thuốc gì và liều lượng ra sao thì cần phải nói rõ với bác sĩ, bởi vì có một số loại thuốc hoóc môn nếu dùng không đúng sẽ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. 

Nguồn: Ngô Đức Khải (2008), Các vấn đề liên quan đến phụ nữ, Sưu tầm và biên tập

Bài viết Phụ nữ khác