Logo Website

HẠ KHÔ THẢO

31/07/2020
Hạ khô thảo có tên khoa học: Prunella vulgaris L., họ Bạc hà (Lamiaceae). Công dụng: Mắt đỏ sưng đau, nhức đầu, chóng mặt, bướu cổ, tràng nhạc, tuyến vú tăng sinh, nhọt vú sưng đau, huyết áp cao.

HẠ KHÔ THẢO (夏枯草)

Spica Prunellae

Tên khác: Yến diện, Thiết tuyến hạ khô, Nãi đông, Tịch cú, Mạch tuệ hạ khô thảo, Mạch hạ khô, Bổng trụ đầu hoa, Thiết sắc thảo

Tên khoa học: Prunella  vulgaris L., họ Bạc hà (Lamiaceae). 

Tên đồng nghĩaPrunella aequinoctialis Kunth; Prunella algeriensis Noë; Prunella alpina Schur; Prunella angustifolia Wender.; Prunella asiatica var. albiflora (Koidz.) Nakai; Prunella australasica Moric. ex Buch.-Ham.; Prunella australis Sweet; Prunella browniana Penny ex G.Don; Prunella caerulea Gueldenst. ex Ledeb.; Prunella capitellata Beck; Prunella cordata Raf.; Prunella dissecta Wender.; Prunella elongata Douglas ex Benth.; Prunella fischeriana Buch.-Ham.; Prunella gracillicaulia A.P.Khokhr.; Prunella heterophyla Raf.; Prunella hirsutaWender.; Prunella hirta Bernh. ex Steud.; Prunella incisa Link; Prunella latifolia Donn; Prunella longifolia Pers.; Prunella mariquitensis Willd. ex Benth.; Prunella microphylla Raf.; Prunella novae-angliae Mill.; Prunella obtusifolia Raf.; Prunella officinalis Crantz; Prunella ovata Pers.; Prunella parviflora Lej.; Prunella pennsylvanicaBigelow; Prunella pennsylvanica var. ovata W.P.C.Barton; Prunella petiolaris Raf.; Prunella pratensis Schur; Prunella purpurea Gueldenst. ex Ledeb.; Prunella reptans Dumort.; Prunella reticulata Raf.; Prunella roseaRaf.; Prunella scaberrima auct.; Prunella sessilifolia Raf.; Prunella vulgaris var. albiflora Tinant; Prunella vulgaris var. atropurpurea Fernald; Prunella vulgaris var. calvescens Fernald; Prunella vulgaris var. capitellata(Beck) Nyman; Prunella vulgaris var. japonica Kudô; Prunella vulgaris var. leucantha Schur ex L.H.Bailey; Prunella vulgaris var. parviflora (Lej.) Lej.; Prunella vulgaris var. recta Tinant; Prunella vulgaris subsp. vulgaris;Prunella vulgaris var. vulgarisPrunella vulgaris f. vulgaris

Mô tả:                                          

Cây: Cây thảo, sống nhiều năm, cao 20-40 cm, có thể tới 70cm, thân vuông, màu tím đỏ, có lông. Lá mọc đối, hình trứng hay hình ngọn giáo, dài 1,5-5cm, rộng 1-2,5cm mép hoặc hơi khía răng. Cụm hoa bông gồm nhiều xim co ở đầu cành, dài 2-6cm; lá bắc có màu tím đỏ ở mép; hoa nhỏ, màu lam đậm hay tím nhạt, có cuống ngắn; đài hình ống có 2 môi; tràng đều chia 2 môi, môi trên dựng đứng, vòm lên như cái mũ, môi dưới 3 thuỳ, thuỳ giữa lớn hơn, có răng; nhị 4, thò ra ngoài tràng hoa. Quả bế nhỏ, cứng, có 4 ô. Mùa hoa tháng 4-6, quả tháng 7-8. 

Dược liệu: hình chuỳ do bị ép nên hơi dẹt, dài 1,5-8 cm, đường kính 0,8-1,5 cm; màu từ nâu nhạt đến nâu đỏ. Toàn cụm quả có hơn 10 vòng đài còn lại và lá bắc, mỗi vòng lại có hai lá bắc mọc đối trên cuống hoa hay quả như hình quạt, đỉnh nhọn, có gân gợn rõ, mặt ngoài phủ lông trắng. Mỗi lá bắc có 3 hoa nhỏ, tràng hoa thường bị rụng, đài có 2 môi, với 4 quả hạch nhỏ hình trứng, màu nâu với vết lồi trắng ở đầu nhọn. Thể nhẹ, chất giòn, mùi nhẹ, vị nhạt.

Bộ phận dùng: Cụm quả (Spica Prunellae) đã phơi hay sấy khô của cây Hạ khô thảo (Prunella  vulgaris L.)

Phân bố, sinh thái:

Ở Việt Nam, chi Prunella có 1 loài là Hạ khô thảo. Hạ khô thảo phân bố chủ yếu ở một số vùng thuộc ẤnĐộ, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Australia. Ở Việt Nam, cây cũng chỉ gặp ở một số nơi thuộc vùng núi cao, từ l000 m trở lên như Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Sa Pa, Mường Khương, Bát Sát, Bắc Hà (Lào Cai); Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang); Sìn Hồ, Tủa Chùa (Lai Châu); Mù Cang Chải (Yên Bái)...

Hạ khô thảo là cây ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc thành đám trên đất ẩm, nhiều mùn gần bò suối, trong thung lũng. Cây thích nghi với điều kiện khí hậu ẩm mát quanh năm, ở vùng nhiệt đới núi cao; nhiệt độ trung bình dưới 20°C, về mùa đông, phần thân cành trên mặt đất tàn lụi, phần thân rễ nằm sát mặt đất có thể chịu đựng được nhiệt độ thấp tới 0°C, đến tháng 3 - 4 năm sau, tái sinh chồi trở lại. Hạ khô thảo ra hoa quả hàng năm. Quả già tự mở, hạt thoát ra ngoài, rơi xuống đất và sẽ nảy mầm vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm sau. Hạ khô thảo có khả năng đẻ nhánh nhiều từ thân rễ. Do đó, trong tự nhiên cây thường mọc thành đám bò lan trên mặt đất, khó phân biệt thành từng cá thể.

Nguồn hạ khô thảo dùng làm thuốc ở Việt Nam khá phong phú. Hàng năm cây chỉ được khai thác với khối lượng nhỏ. Tuy nhiên, cây cũng bị tàn phá nhiều do việc mở rộng đất canh tác. Cây trồng được bằng hạt, đoạn thân mang lá hoặc thân rễ.

Trồng trọt:

Hạ khô thảo được trồng ở miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Cây ưa khí hậu ôn hoà, mưa nhiều, không chịu được nắng nóng và quá lạnh, ở miền núi, trồng một vụ vào tháng 3-4, ở trung du và đồng bằng có thể trồng 2 vụ: vụ đông xuân gieo vào tháng 9-10 và vụ xuân hè tháng 1-2.

Nhân giống hạ khô thảo bằng hạt. Hạt được gieo thẳng, gieo vãi hoặc gieo theo hàng. Hạt giống thu ở cây già bằng cách cắt cả cây phơi trong nong, nia, đập lấy hạt tốt, sàng sảy, phơi khô, bảo quản trong lọ sành đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát.

Đất trồng hạ khô thảo cần làm tơi nhỏ, để ải. Ở miền núi hoặc chỗ đất dốc thoát nước, không cần lên luống mà cắt ruộng thành băng dài 5m, rộng 3m theo đường đồng mức để tránh xói mòn và giữ ẩm. ở đồng bằng, có thể lên luống cao 20cm, rộng 70 - 80cm. Mỗi hecta bón lót 10 tấn phân chuồng hoai mục. Trộn đều phân với đất rồi san phẳng mặt luống hoặc cuốc thành rạch sâu 5cm, cách nhau 20cm (nếu gieo theo rạch). Sau đó gieo hạt. Hạt hạ khô thảo nhỏ, gieo xong không cần lấp đất mà tưới nhẹ, sau đó tưới hàng ngày đến khi cây mọc (khoảng 10 ~15 ngày). Khi cây cao 5 - 7cm, tiến hành tỉa định cây. Tỉa 2-3 lần, để lại khoảng cách giữa các cây 15 - 20cm. Sau khi tỉa cây, tiến hành bón thúc đợt thứ nhất. Dùng 100 - 150kg urê, chia làm 2 - 3 lần để tưới cho một hecta, cách 20 ngày tưới một lần. Có thể dùng nước phân chuồng, nước giải pha loãng để thay một phần hoặc toàn bộ đạm. Trồng hạ khô thảo không cần chăm sóc nhiều. Chỉ cần tưới ẩm sau khi gieo và diệt trừ sâu xám, sâu xanh hại cây con, hại lá.

Sau khi trồng 75-90 ngày, cây bắt đầu ra hoa. Khi hoa sang màu nâu, cắt cả cây về phơi tái, bó thành bó rồi ép thật nặng, lại phơi cho đến khô. Chú ý không để rơi rụng lá và hoa. Mỗi hecta có thể cho 10 tấn thân lá khô.

Thu hái: Sau khi trồng 75-90 ngày, cây ra hoa. Khi nào hoa ngả sang màu nâu (thường thu hái vào mùa hè), thì thu hái phần ngọn cây mang hoa, mang về phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.   

Chế biếnĐem phơi hoặc sấy khô. Cây hạ khô thảo sau khi đã qua chế biến có chùy hơi dẹp, dài khoảng 1,5-8cm, đường kính rộng từ 0,8-1,5cm, có màu nâu hoặc nâu đỏ. Dược liệu hạ khô thảo nhẹ, có mùi thơm, vị nhạt và giòn.

Bảo quảnNơi khô thoáng.  

Tác dụng dược lý:  

1. Tác dụng hạ huyết áp: Hạ khô thảo có tác dụng hạ huyết áp khá mạnh trên động vật bình thường hoặc đã được gây cao huyết áp thực nghiệm, đồng thòi có tác dụng co mạch. Tác dụng này không bị ảnh hưởng bởi atropin.

Tác dụng hạ áp: trên thực nghiệm, chích nước sắc Hạ khô thảo cho thỏ có tác dụng gây hạ huyết áp. Trên lâm sàng cũng quan sát thấy thuốc có tác dụng hạ áp đối với người mắc bệnh huyết áp cao và làm giảm nhẹ triệu chứng.

Các chất tan trong nước của hạ khô thảo có tác dụng hạ huyết áp lâu dài trên bệnh nhân và làm hết các triệu chứng của bệnh cao huyết áp.

2. Tác dụng lợi tiểu: Các muối vô cơ trong nước sắc hạ khô thảo, tiêm tĩnh mạch cho thỏ, gây hạ huyết áp, kích thích hô hấp và có tác dụng lợi tiểu.

Tác dụng lợi tiểu, tăng hô hấp: Thí nghiệm thực hiện lấy các muối vô cơ trong nước sắc từ cây hạ khô thảo, đem tiêm vào tĩnh mạch thỏ nhận thấy huyết áp giảm rõ rệt, lợi tiểu, hô hấp tăng lên (theo Hòa hán dược dụng thực vật).

3. Tác dụng an thần: Hạ khô thảo còn có tác dụng an thần. Cao toàn phần và bộ phận không thể xà phòng hoá của toàn cây hạ khô thảo không có tác dụng kích thích hoạt tính thực bào của hệ lưới - nội mô ở chuột nhắt gây nhiễm với Escherichia coli.

4. Tác dụng chống ung thư: Trong khi nghiên cứu hoạt tính chống đột biến của các thuốc thảo mộc chống ung thư dùng trong y học Trung Quốc, bằng cách sử dụng hệ thống Salmonella - vi tiểu thể với sự hiện diện của acid picrolonic hoặc benzo (α) pyren để thử nghiệm xem chúng có chứa những chất kháng đột biến trực tiếp hoặc gián tiếp, người ta thấy dịch chiết hạ khô thảo sống được sắc với nước sôi trong 2 giờ theo phương pháp bào chế thông thường có hoạt tính kháng đột biến ờ mức độ vừa phải đối với sự đột biến gây bởi acid picrolonic và có khả năng ức chế hoàn toàn tính chất gây đột biến của benzo (α) pyren.

Acid ursolic chiết xuất từ hạ khô thảo có tậc dụng độc hại tế bào đối với những tế bào P-388 và L-1210 trong bệnh bạch cầu lympho và với tế bào A-549 trong bệnh ung thư biểu mô phổi. Nó cũng có tính chất độchại tế bào đối với những tế bào HCT-8 trong ung thư kết tràng, và Mcf-7 trong ung thư vú người. Việc ester hoá nhóm hydroxyl ở C-3 và carboxyl ở C-17 dẫn đến những hợp chất có tính độc hại tế bào giảm đối với những dòng tế bào ung thư người, nhưng có hoạt tính đối kháng tương đương hoặc hơi tăng đối với sự phát triển của những tế bào L-1210 và P-388 trong bệnh bạch cầu.

Qua nghiên cứu thực nghiệm bước đầu nhận xét thấy có tác dụng chống sự tăng trưởng của tế bào ung thư di căn (thử nghiệm trên ung thư cổ tử cung của chuột nhắt).

5. Tác dụng kháng khuẩnin vitro, thuốc có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn dung huyết, vi khuẩn phẩy hoắc loạn, trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn lao, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn đại trường.

Các chất tan trong hạ khô thảo có tác dụng hạ huyết và làm giảm các triệu chứng ở bệnh nhân cao huyết áp (theo báo Y học Liên Xô kỳ 6 năm thứ bảy, 1951 và Y dược học quyển số 4 kỳ 6, 1951).

6. Tác dụng chống viêm: Tiêm dịch từ hạ khô hảo vào xoang bụng chuột con nhận thấy tác dụng chống viêm rõ rệt (theo Trung Dược Học).

Thành phần hoá học: 

Hạ khô thảo chứa alcaloid tan trong nước, muối vô cơ 3,5% chủ yếu là muối KCl, tinh dầu có chứa camphor, D-fenchon, ít alcol fenchilic, một glucosid đắng là prunelin mà phần không đường là acid ursolic. Ngoài ra, còn có delphinidin, cyanidin.

Ở Pháp, ngưòi ta xác định trong cây có nhựa, chất đắng, tanin, tinh dầu, chất béo, lypase, một glucosid tan trong nước 0,7g/kg dược liệu khô, 1 saponosid acid 1,10g (Theo Võ Văn Chi - Từ điển cây thuốc Việt Nam ttang 538 và Từ điển bách khoa dược học trang 282).

Người ta đã tách được từ toàn cây hạ khô thảo các chất acid oleanolic; β-amyrin; (22E, 22S, 24S) stigmata-7-22-dien-3-on; α-spinasterol; β-sitosterol, daucosterol; 3β hydroxy-olean-12en-28ald-3E-hydroxy; urson-12-en-28ald; olean-12-en-28ald-3β- 28diol và urson-12en-3β-28diol.

Hai chất ursan glucosid pruvulosid A và B cùng với các chất nigaichigosid F2; sericosid, quercetin, quercetin-3-glucosid; kaempferol-3-O-glucosid và hỗn hợp nigaichigosid F1 và arjunglucosid I cũng đã được phân lập từ dịch chiết methanol của loài hạ khô thảo thu thập ở Pháp.

Hai chất triterpẹnoid hexacylic dưới dạng methyl ester đã được phân lập từ rễ hạ khô thảo là:

Acid (IIR, 13S)-2α-3α-24 trihydroxy-12-13-cyclotaraxer-14-en-28 oic và acid (13S, 14R) 2α-3α-24 trihydroxy-13-14-cyclo olean-11en-28 oic.

Thành phần hoá học của tinh dầu chiết từ quả được xác định bằng GC/MS có 17 cấu tử, trong đó acid hexadecenoic là thành phần chủ yếu chiếm 17,16% 

Prunelin là dẫn xuất từ galactosamin có thành phần đường chủ yếu là glucose và lactose cùng vói một lượng nhỏ xylose và acid aldonic.

Prunelin có tác dụng anti HIV. 

Tính vị: vị cay, đắng, tính hàn, không độc.

Qui kinh: Can, Đởm.

Công năng: Thanh hoả, minh mục, tán kết, tiêu thũng.

Công dụng: Mắt đỏ sưng đau, nhức đầu, chóng mặt, bướu cổ, tràng nhạc, tuyến vú tăng sinh, nhọt vú sưng đau, huyết áp cao.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc:

1. Chữa tràng nhạc, lở loét: Hạ khô thảo 200g sắc đặc, uống trước bữa ăn 2 giờ. Hoặc dùng Hạ khô thảo 8g, Cam thảo 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. 

2. Thông tiểu tiện: Hạ khô thảo 8g, Hương phụ 2g, Cam thảo 1g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. 

3. Chữa cao huyết áp: Hạ khô thảo rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ 40g, sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày, sau hai bữa cơm. Uống liên tục 10 ngày, nghỉ 7 ngày, rồi uống tiếp tục như thế từ 2-4 đợt tuỳ bệnh nặng nhẹ. Hoặc dùng Hạ khô thảo, Bồ công anh, Hạt muồng ngủ sao, mỗi vị 20g; Hoa cúc, lá Mã đề, mỗi vị 12g, sắc uống.

4. Chữa xích bạch đới: Dùng hạ khô thảo tán nhỏ. Mỗi lần dùng 8g với nước cơm.

5. Chữa vết bầm, vết thương: Dùng hạ khô thảo giã và đắp vào vết thương.

6. Chữa mụn nhọt:

6.1. Mụn nhọt sưng tấy: Hạ khô thảo 12g, kim ngân 12g, sài đất 12g, bồ công anh 12g, vòi voi l0g, ké đầu ngựa 12g, sinh địa 12g, ngưu tất 12g, cam thảo đất 8g. Sắc uống ngày một thang.

6.2. Mụn nhọt kéo dài: Hạ khô thảo 12g, sinh địa 12g, vòi voi 12g, mạch môn 12g, cỏ nhọ nồi 12g, kim ngân 12g, sài đất 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày một thang.

7. Chữa tổ đỉa: Hạ khô thảo 50g, vỏ núc nác 30g, quả ké 50g, thổ phục linh 50g, sinh địa 20g, hạt dành dành 15g, khổ sâm 30g. Làm thành dạng viên, ngày uống 20 - 25g.

8. Chữa viêm gan virus:

8.1. Thể cấp tính: Hạ khô thảo 40g, thổ phục linh 12g, nghệ vàng l0g, mã để 40g, rau má 40g. sắc uống ngày một thang.

8.2. Thể mạn tính: Hạ khô thảo 30g, ý dĩ 20g, gừng khô 3 lát, dành dành 12g, hoài sơn 20g, thổ phục linh 12g, sâm bố chính 20g, mã đề l0g, trần bì 6g. sắc uống ngày một thang. Nếu cần thiết điều ừị kết hợp vói y học hiện đại.

Ghi chú: Hạ khô thảo nam là cành mang lá, hoa của cây cải trời (Blumea subcapitata DC.), họ Cúc (Asteraceae).

Kiêng kỵ: Người Tỳ Vị hư yếu không nên dùng hạ khô thảo.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org