HẮC CHI MA
黑芝麻)
HẮC CHI MA (Semen Sesami
Tên khác: Hạt vừng đen, Mè Đen, Vừng Đen, Kén ma nga (Thái), Hồ ma, Ngà (Tày)
Tên khoa học: Sesamum indicum L., họ Vừng (Pedaliaceae).
Tên đồng nghĩa: Dysosmon amoenum Raf.; Sesamum africanum Tod.; Sesamum occidentalis Heer & Regel; Sesamum oleiferum Sm.; Sesamum orientale L.; Volkameria orientalis (L.) Kuntze
Mô tả: Cây thảo có lông mềm, cao 60-100cm. Lá mọc đối, đơn, nguyên, có cuống, hình bầu dục, thon hẹp ở hai đầu. Hoa trắng, mọc đơn độc ở nách, có cuống ngắn. Quả nang kép dài, có lông mềm, có 4 ô mở từ gốc lên. Hạt nhiều, thuôn, vàng nâu hay đen, hơi bị ép dẹp, hầu như nhẵn, có nội nhũ. Hoa tháng 5-9, quả tháng 7-9.
Bộ phận dùng: Hạt già phơi khô của cây Vừng (Sesamum indicum L.).
Phân bố, sinh thái:
Vừng là cây trồng từ cổ xưa ở vùng nhiệt đới châu Á. Tại các tỉnh phía nam Trung Quốc (cả đảo Hải Nam), Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào và Viêt Nam...
Cây ưa sáng và ưa ẩm; sinh trưởng mạnh trong mùa xuân - hè, khi thời tiết chưa nắng - nóng, nhiệt độ không khí trung bình dưới 28°C. Đến giữa hoặc cuối mùa hè, nhiệt độ lên cao, cây đã có quả già và hoàn thành chu trình sống trong thời gian từ 3 đến 3,5 tháng. Vừng ra hoa quả nhiều; hoa nở từ dưới lên dần phía ngọn, thụ phấn nhờ côn trùng. Khi cây có lá bắt đầu vàng úa cũng là lúc quả già, gặp thời tiết khô và nắng, quả sẽ tự tách ra thành nhiều mảnh, phát tán hạt ra ngoài.
Vừng được trồng phổ biến ở khắp các miền quê Việt Nam trừ vùng núi cao lạnh. Vừng có nhiều giống. Có loại cho hạt màu đen, thường được trồng ở các tỉnh phía nam và hạt màu trắng vàng, được trồng rộng rãi khắp nơi; cây thích nghi với cả những vùng có khí hậu cận nhiệt đới ở Trung quốc. Tổng sản lượng vừng ở châu Á mỗi năm có thể đến vài trăm ngàn tấn.
Trồng trọt:
Vừng vừa là cây thực phẩm, vừa là cây làm thuốc được trồng khắp nơi ở Việt Nam. Vừng đen là giống có giá trị hơn.
Vừng được gieo trồng bằng hạt, thưòng gieo thẳng. Không nên tưới nước sau khi gieo mà cần tháo ngấm toàn bộ hoặc tưới ẩm đất trước khi gieo. Gieo xong, dùng tro hoặc đất bột phủ mỏng lên hạt. Thời vụ gieo chủ yếu ở miền Bắc là tháng 3 (khi nhiệt độ ngày cao trên 20°C và không còn gió mùa đông bắc). Vụ này thu hoạch vào tháng 6. Ngoài ra, còn vụ hè, gieo tháng 5 - 6, thu hoạch vào tháng 9-10.
Vừng không kén đất, nhưng phải thoát nước tốt và không bị nhiễm chua mặn. Đất cần cày, bừa để ải, đập thật nhỏ, lên luống cao 15-20 cm, rộng 1 - l,2m. Đất cao, đất dốc không cần lên luống mà có thể gieo thành băng theo đưòng đồng mức. Có thể gieo vãi trên mặt luống hoặc gieo thành rạch, cách nhau 20 cm. Khi cây mọc cao 5 - 1 0 cm, tỉa bớt, giữ lại khoảng cách các cây là 7 - 10 cm.
Vừng không đòi hỏi nhiều phân, nhưng vì thời gian sinh trưởng ngắn (80 - 100 ngày, tuỳ giống) nên cần bón sớm. Trung bình, bón lót cho mỗi hecta 5 - 6 tấn phân chuồng, 200 - 300 kg supe lân, 100 - 200 kg kali. Nếu có tro bếp, nên dùng phủ hạt, vừa làm đất xốp, vừa thay thế cho kali. Nếu đất chua, bón thêm vôi, cũng cần bón lót trước khi gieo. Sau khi tỉa cây và khi cây ra nụ, cần bón thúc tương ứng cho 1 ha là 20 kg và 20 - 30kg urê.
Vừng chịu hạn tốt và rất sợ úng, vì vậy, chỉ cần tưới khi độ ẩm đất xuống thấp dưới 65%.
Vừng bị nhiều sâu (sâu cuốn lá, sâu xanh, sâu khoang, giòi đục thân, rộp, sâu đục quả...) và bệnh (lở cổ rễ, thán thư) gây hại. Chú ý phòng trừ kịp thòi.
Quả vừng chín từ dưới lên trên, nhưng vỏ quả dày lâu bị tách làm rụng hạt. Có thể chờ quả chín gần hết mới thu hoạch. Khi thu, cắt cả cây, phơi khô, đập lấy hạt. Năng suất vừng nói chung thấp, chỉ đạt 300 - 450 kg hạt/ha. Một số giống mới có thể đạt 1000 - 1200 kg/ha.
Thu hái, sơ chế: Thu hái cây vào tháng 6-8. Cắt toàn cây, phơi khô, đập lấy hạt rồi lại phơi khô. Khi dùng, đồ thật kỹ, phơi khô sao vàng. Ngoài ra còn ép lấy dầu vừng.
Bảo quản: Để dược liệu ở nơi khô ráo.
Thành phần hoá học: Hạt vừng chứa 40-55% dầu béo màu vàng, 5-8% nước, 20-22% protein, 5% tro (trong đó có 1,7 mg đồng) 1% calci oxalat, 6,3-8,8% chất không có nitơ có các chất: sesamin, sesamolin, sesamol, pedaliin planteose, sesamose. Dầu Vừng chứa khoảng 12-16% acid đặc và 75-80% acid loãng, 0,9-1,7% phần không xà phòng hóa; khoảng 1% lexitin. Trong dầu có chất sesamin với tỷ lệ chừng 0,25-1% và chất sesamol là một phenol, chừng 0,1%.
Tác dụng dược lý:
Hoạt chất sesamin trọng dầu vừng có tác dụng chống tăng huyết áp trong mô hình gây tăng huyết áp do bọc ép thận và chống sợ giãn nở to của tim. Sesaminol phân lập từ hạt vừng có tác dụng ức chế mạnh sự peroxy hoá lipid. Vừng có hoạt tính hạ đường máu trên chuột cống trắng. Glycosid phân lập từ vừng được chứng minh có tác dụng chống ung thư. Trong một thử nghiệm lâm sàng, dầu vừng được nhỏ lên vùng trán của bệnh nhân thành một dòng chảy nhỏ, thẳng và liên tục. Khoảng l00ml dầu được cho chảy xuống trong 20 - 30 phút hàng ngày trong 10 ngày. Những triệu chứng cai nghiện rượu như lo lắng, kích thích, bồn chồn, phản ứng hoảng sợ, ảo giác, nhức đầu, chuột rút và run mất định hướng bắt đầu giảm sau 4 -5 ngày điều trị và hết sau 10 ngày.
+ Dầu Mè bôi lên niêm mạc có tác dụng làm giảm kích thích, chống viêm.
+ Có tác dụng giảm lượng cholesterol máu, phòng trị xơ cứng động mạch.
+ Dầu mè đen có tác dụng nhuận trường.
+ Là thức ăn nhiều chất dinh dưỡng đối với cơ thể.
Thoa dầu mè lên vùng da có tác dụng chống viêm và hạn chế kích thích.
Mè có tác dụng giảm cholesterol trong máu và phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch.
Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể và có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón,…
Tác dụng hạ huyết áp: Các nghiên cứu cho thấy, hàm lượng vitamin E, magie và chất chống oxy hóa trong vừng có tác dụng làm sạch mạch máu và duy trì huyết áp ở mức ổn định.
Tác dụng bảo vệ sức khỏe xương khớp: Hàm lượng canxi, kẽm, mangan và magie trong mè có tác dụng nuôi dưỡng xương khớp.
Vừng có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa tình trạng viêm, kiểm soát béo phì và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim, thận,…
Vitamin B6, sắt và đồng trong hạt mè có tác dụng cung cấp oxy và tái tạo hồng cầu.
Chất béo lành mạnh, pinoresinol và các thành phần chống oxy hóa trong hạt mè có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra mè còn cung cấp cho cơ thể các vi chất dinh dưỡng cần thiết như sắt, đồng, selen, kẽm, vitamin E và vitamin B6,… có tác dụng tăng cường chức năng của hệ miễn dịch.
Hàm lượng selen trong hạt mè có tác dụng kích thích hormone tuyến giáp và hỗ trợ điều trị bệnh suy giáp.
Phytoestrogen trong hạt vừng có tác dụng tương tự hormone estrogen trong cơ thể nữ giới. Vì vậy bổ sung vừng có thể giảm các triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh như bốc hỏa, da khô sạm, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ,…
Tính vị: Vị ngọt, béo, tính bình và không có độc.
Qui kinh: Thận và Can.
Công năng: Tư bổ can thận, ích tinh huyết, nhuận tràng, thông sữa.
Công dụng: Chữa can thận yếu, váng đầu hoa mắt, tê bại chân tay, đại tiện táo kết, sữa xuống không đều.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4 - 12g, dạng thuốc sắc, hoàn, tán.
Bài thuốc:
1. Chữa đạm niệu: dùng 500g Mè đen, Hạch đào nhân 500g, tán bột mịn, mỗi lần uống 20g với nước ấm và ăn 7 quả táo, ngày 3 lần, uống hết thuốc là 1 liệu trình. Đã trị nhiều ca viêm thận mạn, thận hư nhiễm mỡ, thường là hết đạm niệu sau 1 liệu trình (Mã chiêm Thúc, Chi ma đào nhân trị đạm niệu, Báo Trung y Hà bắc 1985,6:21).
2. Chữa cao huyết áp, xơ cứng động mạch, suy nhược thần kinh: có triệu chứng can thận âm hư như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, huyết hư, chân tay tê dại, âm hư hiếp thống, tiện táo, dùng bài: Tang chi ma: Tang diệp 1 cân ( tán bột mịn), Mè đen 4 lạng (chưng chín giã nát), dùng nước làm hoàn, mỗi lần uống 6 - 12g.
3. Chữa táo bón do khí hư: Mè đen sao tán bột 1 - 2 muỗng canh, trứng gà 1 quả, trộn đều, đỏ nước sôi thành hồ, thêm ít đường mật trộn vào uống. Trị chứng thận hư.
4. Chữa chứng táo bón và khó khăn khi đại tiện
4.1: Hà thủ ô đỏ, long nhãn, bá tử nhân, kỷ tử, quả dâu tằm mỗi vị 100g, 1 ít mật ong và vừng đen 200g. Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó luyện với mật ong làm thành viên. Ngày dùng từ 10-20 viên hoặc có thể sắc thuốc uống.
4.2. Bá tử nhân, đại táo, xuyên khung, vừng đen và bá tử nhân mỗi vị 8, bạch thược và thục địa mỗi vị 12g. Đem các dược liệu cho vào ấm và sắc uống ngày 1 thang.
5. Chữa cao huyết áp: Mè đen, Hà thủ ô, Ngưu tất lượng bằng nhau, tán nhỏ, dùng mật viên, ngày uống 10g x 3 lần.
6. Lợi sữa:
- Mè đen sao qua, giã nhỏ cho thêm ít muối ăn hàng ngày cho lợi sữa, Có thuốc gia Hoàng kỳ, Đương qui, Đảng sâm, Xuyên sơn giáp, Vương bất lưu hành.
- Gạo tẻ 50-60g và vừng đen 30g. Nấu nhừ thành cháo, ăn hằng ngày có tác dụng lợi sữa và hạn chế chứng táo bón sau khi sinh.
- Tằm rang khô 10g (nghiền vụn) và vừng 30g (giã nhỏ). Sau đó trộn đều 2 nguyên liệu và cho thêm đường đỏ vào, đổ nước sôi, đậy kín trong vòng 10 phút. Dùng 1 lần/ ngày khi bụng đói.
- Dùng 1 quả trứng gà, 1 ít muối ăn và 1 lượng vừng đen vừa đủ. Rang vừng cho thơm, sau đó tán nhuyễn và nêm thêm 1 ít muối. Đem trứng gà luộc chín và chấm với muối mè, ngày ăn 1 lần.
- Giò heo 2 -3 cái, gia vị và mè đen 250g. Đem mè đen rang và tán nhuyễn, mỗi lần dùng 15g uống cùng với giò heo hầm canh, ngày dùng 3 lần.
7. Chữa trẻ con Xích bạch lỵ: Dầu mè 5 - 10g tùy theo tuổi, hòa với mật ong uống.
8. Giúp đẹp da và ngăn ngừa tóc rụng, bạc: Vừng đen 500g. Đem phơi khô, sao cho chín, tác thành bột mịn và bảo quản trong lọ. Mỗi lần dùng 1-2 thìa cho vào bát, thêm đường phèn và đổ nước sôi vào khuấy thành chè.
9. Chữa đầy chướng bụng và ăn không tiêu: Một ít vừng đen. Giã nát và đem nấu với cháo, thêm 1 vỏ quýt khô (trần bì). Khi ăn, nêm nếm cho vừa miệng, dùng 2-3 lần là khỏi.
10. Chữa viêm mũi mãn tính: Một ít dầu vừng. Đem dầu vừng đun sôi nhẹ trong vòng 10-15 phút. Sau đó để nguội và đổ dầu vào lọ sạch có nắp. Mỗi lần dùng 2-3 giọt nhỏ vào mũi (có thể tăng lên 4-5 giọt), thực hiện ngày 3 lần trong 14 ngày. Lưu ý: Sau khi nhỏ nên hạn chế vận động trong 3-5 phút nhằm giúp dầu có thời gian đi sâu vào các niêm mạc bên trong mũi.
11. Chữa chứng đau buốt chân tay: Hạt vừng đen 40g và rượu. Rang vừng cho thơm, sau đó tán bột và ngâm với rượu trong 1 đêm. Sau đó chia rượu thành nhiều lần uống và dùng liên tục trong nhiều ngày.
12. Chữa tiểu ra đạm và viêm thận mãn tính: Vừng đen và quả óc hỗ mỗi thứ 500g, 1 ít táo đỏ. Dùng các nguyên liệu tán thành bôt mịn. Mỗi lần dùng 20g uống với nước, sau đó nhai thêm 7 quả táo, ngày thực hiện 3 lần.
13. Phòng ngừa cận thị: Câu kỷ tử 30g, mè đen 50g và gạo tẻ 60g. Thêm nước vào và nấu nhừ thành cháo, mỗi ngày ăn 1 lần khi cháo còn ấm.
14. Chữa suy nội tạng: Một lượng vừng đen và gạo tẻ. Hấp chín mè, sau đó đem phơi và nấu thành cháo.
15. Chữa chứng khí huyết cùng suy: Lá vừng đen tươi 1 bó. Rửa sạch và hãm với nước sôi, uống thay nước trà.
16. Chữa lưng đau gối mỏi và tay chân sức yếu: Bo bo, rượu, thục địa và vừng. Bọc dược liệu trong túi vải và ngâm với rượu trong 1 tuần và uống khi bụng đói.
17. Chữa nổi mề đay: Đậu đen, vừng đen và táo đen mỗi thứ 10g. Sắc uống ngày 1 thang và uống đều đặn cho đến khi khỏi.
18. Giúp chữa táo bón, tăng cường chức năng gan, thận và dưỡng da: Lá dâu và mè đen bằng lượng nhau, 1 ít nếp. Nấu cháo nhừ và ăn hằng ngày.
19. Chữa hen suyễn ở người cao tuổi: Gừng tươi 120g, mật ong và đường phèn mỗi thứ 100g, mè đen (sao) 250g. Gừng tươi giã, vắt lấy nước, sau đó trộn đều với mè và rang cho thơm. Trong khi đó, đun chảy mật ong và đường phèn, sau đó trộn chung với mè và bảo quản trong hũ kín. Mỗi lần dùng 1 muỗng canh, dùng mỗi sáng.
20. Chữa tăng huyết áp: Giấm 30ml, mật ong 30g và vừng đen 30g. Trộn đều uống, ngày dùng 3 lần và dùng liên tục trong 3 ngày.
21. Chữa chứng đại tiện táo và mất ngủ do thận suy: 1 ít đường trắng, lá dâu 60g, hạch đào nhân 60g và vừng đen 20g. Đem tất cả dược liệu tán nhuyễn, sau đó thêm đường trắng vào. Chia thành 2 – 3 lần uống, sử dụng 1 lần/ ngày trước khi đi ngủ và dùng liên tục cho đến khi khỏi.
22. Chữa thiếu máu: Câu kỷ tử và vừng đen mỗi thứ 15g, đảng sâm 30g, bạch thược và đương quy mỗi thứ 10g, thục địa 20g. Đem các vị sắc uống, ngày dùng từ 1-2 lần.
23. Chữa chứng tăng mỡ máu: Gạo tẻ 30g, 1 ít đường trắng mè đen và quả dâu mỗi thứ 60g. Để đường trắng riêng, đem các nguyên liệu còn lại rửa sạch và giã nát. Sau đó cho 3 chén nước vào nồi nấu sôi, gia thêm đường trắng và đổ các nguyên liệu còn lại vào. Nấu cho đến khi chuyển sang dạng hồ và ăn khi còn nóng.
24. Chữa chứng mất ngủ, hay quên và suy giảm trí nhớ: Đường đen 0,5kg, nhân hạch đào 250g và vừng 250g. Cho đường đen vào nồi, thêm nước và nấu với lửa nhỏ cho đến khi đường chảy và keo lại. Sau đó cho quả óc chó và mè đen đã rang chín vào, trộn đều và đổ ra khuôn. Đợi nguội và cắt thành từng miếng nhỏ, mỗi lần dùng 15g, ngày dùng 3 lần.
25. Chữa da nổi mề đay mẩn ngứa: Đường trắng, vừng đen và rượu đế một lượng vừa đủ: Rang sơ mè đan, sau đó tán nhuyễn và thêm đường trắng vào. Mỗi lần 1 ít bột mè đen trộn với 2 thìa rượu đế, trộn đều và chưng cách thủy trong 20 phút. Dùng bài thuốc này sau khi ăn 2 tiếng hoặc dùng sáng khi bụng đói, ngày sử dụng 2 lần.
26. Chữa viêm thận mãn tính: Đường trắng và mè đen một lượng vừa đủ. Rang chín mè đen, tán thành bột mịn và trộn đều với đường trắng. Mỗi lần dùng 1 thìa uống cùng với nước đun sôi, ngày sử dụng 2 lần.
27. Chữa thận suy yếu sớm: Mật ong, quả óc chó và vừng đen, mỗi thứ một lượng vừa đủ. Rang mè đen cho thơm và thêm quả óc chó vào, tán nhuyễn. Mỗi lần dùng 2 thìa uống với nước mật ong, ngày dùng 2 lần (sáng và chiều).
28. Chữa bệnh trĩ ra máu: Đường đen 0,5kg và vừng đen 600g. Rang cháy mè đen sau đó trộn với đường, ăn trực tiếp, ngày ăn vài lần.
29. Chữa chứng ho gà ở trẻ em: Mật ong 50ml, đậu phộng 30g và mè đen 50g. Cho các nguyên liệu vào nồi, thêm nước và nấu thành canh. Ăn ngay sau khi canh chín, ngày dùng 1 lần và dùng liên tục trong 3-5 ngày.
30. Hỗ trợ điều trị sa tử cung: Ruột heo 300g, thăng ma 10 và vừng đen 150g. Rửa sạch ruột heo, bọc thăng ma trong túi vải, sau đó nhét vào ruột heo cùng với mè đen. Thêm nước vào nồi đất và hầm như ruột nhừ, bỏ thăng ma và nêm thêm gia vị vào. Chia thành 2-3 lần ăn, dùng hết trong ngày và sử dụng liên tục trong 3 tuần.
31. Chữa viêm đại tràng mãn tính: 1 bát mật mía và mè đen 40g. Dùng 1 mè đen trộn đều với 1/3 thìa mật mía, dùng trực tiếp. Mỗi ngày uống 2 lần và sử dụng liên tục trong 30 ngày.
32. Chữa vết rết cắn: 1 ít mè. Nhai nhuyễn mè và đắp vào vết cắn.
33. Làm giảm buồn nôn và nôn mửa: 1 bát vừng đen. Giã nát vừng đen, sau đó thêm nước sôi vào để nguội. Ép lấy nước cốt và uống trực tiếp (hoặc pha thêm 1 muối).
34. Chữa bỏng nước sôi nhẹ: 1 ít dầu mè hoặc 1 ít hạt mè đen. Giã nát mè đen và đắp lên chỗ bỏng hoặc thoa trực tiếp dầu mè ngay sau khi bị bỏng.
35. Chữa nhũ ung (áp-xe vú): 1 ít hạt mè tươi. Nhai nhuyễn hạt mè rồi đắp lên vùng vú sưng đau. Thực hiện vài lần/ ngày cho đến khi khỏi hẳn.
36. Chữa kiết lỵ mới phát: 30g mè đen. Ăn sống 30g mè đen/ngày liên tục trong 3 ngày.
37. Chữa tóc bạc sớm: Táo nhục và vừng đen bằng lượng nhau. Đem các vị sấy khô, tán bột và làm thành viên nhỏ. Mỗi lần dùng 20 viên, ngày dùng 2 lần (sáng-tối).
38. Chữa mụn nhọt, lở loét: 1 muỗng canh mè đen. Rang mè đen, sau đón tán nhỏ. Vệ sinh máu mủ trên nhọt với nước muối ấm, sau đó đắp bột mè lên vết nhọt. Thực hiện vài lần cho đến khi khỏi.
39. Chữa thương hàn: 1 ít mè đen tươi. Ép mè đen láy 1 tách dầu, sau đó trộn đều với 1 lòng trắng trứng và ½ tách nước, khuấy đều các nguyên liệu và uống trực tiếp. Ngày dùng 1 lần và uống khỏi 3-4 lần là khỏi hẳn.
40. Chữa lang ben trắng: 1 ít rượu và 1 ít dầu mè. Hòa rượu với dầu mè, uống mỗi ngày 3 lần và duy trì bài thuốc cho đến khi khỏi. Lưu ý: Khi áp dụng bài thuốc, nên hạn chế đồ lạnh, tỏi, thịt lợn và thịt gà.
41. Chữa tai ù: 1 ít dầu mè. Nhỏ một ít dầu mè vào bên trong tai, ngày nhỏ 2 – 3 lần và duy trì cho đến khi khỏi hẳn.
42. Mạnh gân xương và bồi bổ sức khỏe: Lá dâu non rửa sạch 50g (phơi nắng nhẹ cho khô, vò nát bỏ gân lá, sấy khô) và hạt vừng đen 300g (đồ chín, sấy khô và sao vàng). Tán bột 2 nguyên liệu riêng biệt, rây thành bột mịn rồi trộn đều và thêm mật ong vào, làm thành hoàn khoảng 1g. Người lớn dùng 10-20g và trẻ em dùng 5-10g, ngày dùng 2 lần và dùng sau khi ăn.
43. Gây ngủ và an thần: Lá dâu non, hạt đỗ đen, hạt mè đen và lá vông mỗi thứ 40g, lạc tiên và hạt muồng sao mỗi thứ 20g, vỏ núc nác (sao với rượu) 12g. Phơi khô các nguyên liệu, sau đó giã nhỏ và thêm đường vào, luyện với hồ làm thành viên (viên to bằng hạt ngô). Mỗi lần dùng 20g, ngày dùng 2 lần.
44. Giúp bồi bổ khí huyết, tăng cường tuổi thọ và giúp da sắn chắc, mịn màng: Tiểu hồi 150g, gừng khô 30g, vừng đen 375g, đậu đỏ, đậu xanh và đậu tương mỗi thứ 700g, gạo tẻ 750g, muối tinh 30g, chè búp 500g và hoa tiêu 75g. Đem các dược liệu sao vàng, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 60 – 10g hãm với nước sôi uống, ngày dùng 1 lần.
Kiêng kỵ: Trường hợp tiêu chảy không nên dùng. Thận trọng khi sử dụng vừng cho người âm suy và cơ thể khô ráo.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza