HẬU PHÁC
HẬU PHÁC (厚朴)
Cortex Magnoliae Officinalis
Tên nước ngoài:
Officinal magnolia (Anh).
Tên khác:
Quế rừng, Cây de, Cây chành chành
Tên khoa học:
Magnolia officinalis Rehder & E.H.Wilson; Họ Mộc lan (Magnoliaceae).
Tên đồng nghĩa:
Houpoea officinalis (Rehder & E.H.Wilson) N.H.Xia & C.Y.Wu; Magnolia cathayana D.L.Fu & T.B.Chao; Magnolia officinalis var. glabra D.L.Fu, T.B.Chao & H.T.Dai; Magnolia officinalis var. officinalis; Magnolia officinalis subsp. officinalis; Magnolia officinalis var. pubescens C.Y.Deng
Mô tả:
Cây thân gỗ lớn, cao tới khoảng 6-15m, phần vỏ có màu nâu tím, cành khi còn non sẽ có lông bao phủ phía ngoài. Lá mọc so le nhau có cuống to và dài khoảng 2-5cm, không có lông. Phiến lá có hình trứng, thuôn và dài khoảng 22-40cm, rộng khoảng 10-20cm. Phần đầu hơi nhọn và hẹp dần về phía cuống. Hoa có màu trắng, mọc ở đầu cành, có mùi thơm dịu. Phần cuống hoa thô, đường kính hoa có thể lên đến 12cm. Quả kép, mọc tập trung với chiều dàu khoảng từ 9-12cm, đường kính 5-6,5cm và có chứa từ 1-2 hạt bên trong.
Bộ phận dùng:
Vỏ thân (Cortex Magnoliae Officinalis).
Phân bố:
Dược liệu hậu phác được sử dụng phổ biến được nhập từ Trung Quốc hay được khai thác từ vỏ một số loài từ các chi khác nhau, trong đó nhất định có một số loài cùng chi Magnolia L.
Hậu phác mọc ở vùng khí hậu ôn đới ấm hoặc cận nhiệt đới ở Trung Quốc. Cây có nhiều ở các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây và Hồ Nam. Cây rụng lá vào mùa đông; ra hoa quả nhiều và có thể trồng bằng hạt, theo kiểu trồng rừng.
Cây Hậu phác không có ở Việt Nam, dược liệu được nhập từ Trung Quốc
Thu hái, sơ chế:
Dược liệu được thu hái vào tiết lập thu tới hạ chí, chọn những cây có tuổi thọ trên 20 năm. Lấy phần vỏ tương tự như thu hoạch bỏ quế. Sau đó đem về và tiến hành sơ chế theo 2 cách phổ biến như sau:
Cách 1: Để cho phần vỏ cây đã thu hoạch đổ mồ hôi rồi đem phơi trong bóng râm. Có thể cuộn thành ống hay cán cho thẳng đều được.
Cách 2: Sau khi bóc vỏ thì đem phơi ở nơi mát cho khô. Sau đó nhúng vào nước sôi và lấy ra chất thành đống đến khi nước chảy hết rồi phơi khô. Tiếp tục đem hấp cho vỏ mềm rồi cuộn thành ống và phơi khô ở nơi thoáng mát.
Bảo quản:
Dược liệu khi đã được sơ chế khô cần để trong túi kín và bảo quản ở những nơi khô thoáng. Không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để tránh làm bay tinh dầu.
Thành phần hoá học:
Thành phần hoạt chất chính trong vỏ hậu phác là magnolol (I) và honokiol (II).
Hai chất trên bị giảm trong quá trình chế biến. Nếu đem sao lửa, sản phẩm sẽ bị giảm 20% hoạt chất.
Ngoài magnolol và honokiol, vỏ thân hậu phác còn có isomagnolol; piperitylmagnolol; piperitylhomokiol; dipiperitylmagnolol; magnatriol, machiol, p eudesmol, magnocurarin, mónoteipenyl magnolol magnotriol B., magnaldehyd.
18 hợp chất lignan đã được phân lập là các magnolignan A, B, C, D, E, F, G, H, I...
Chất monoterpenyl magnolol cũng được phân lập từ vỏ hậu phác.
Vỏ rễ hậu phác chứa các neolignan, magnolol, honokiol và các lignan, pinoresinol dimcether; lirioresinol B. dime-ether; và magnolin.
Tinh dầu hậu phác có eudesmol, 1- 4 cineol, α-limonen; caren 3; bisabolen; terpinel-4-ol; bornyl acetat, linalyl acetat, α-copanen, aromadendren, alloaromadendren, α-cederen, elemol, α-santalol, butyliden-ecyclohexane guaiol, guaizulene, globulol, cardinol...
Hàm lượng chất bay hơi giảm từ 26% đến 42% tuỳ theo cách chế biến. Gần đây, người ta đã tách được các dẫn xuất dehydrodieugenol từ hậu phác là o.methyl eugenol - 5.5’ di-2-propenyl-2-hydroxy - 3, 2, 3' trimethoxy l,1’ biphenyl và 4,4'-di-2-propenyl-3- 2' - 6' trimethoxy 1, 1’ diphenyl ether (Planta Medica 1992 58(6) 566,8).
6 alcaloid bậc 4 (+) - magnocurarin, (-) - magnoflorin; (+) - laurifolin, (+) - ol longin (+) - menisperin và (+) - xanthoplanin đã được tách từ hậu phác bằng phương pháp trao đổi ion.
Bằng phương pháp HPLC pha đảo các alcaloid bậc 4 như magnocurarin, salicifolin và magnosprengerin cũng đã được phân lập từ vỏ hậu phác.
Để chiết xuất magnolol từ vỏ rễ, người ta chiết bột dược liệu với dung dịch kiềm vô cơ, rồi xử lý bằng dung dịch acid và để kết tinh trong dung môi hữu cơ được một hỗn hợp tinh thể magnolol (I) và đồng phân của nó (II), vỏ hậu phác được cắt nhỏ, chiết với dung dịch NaOH 0,3 - 0,5%. Dịch chiết được acid hoá đến pH 1 - 2 với HCl 6N, lọc.
Tủa đem sấy, nghiền nhỏ và chiết với cyclohexan và phần dịch chiết để yên trong 12 giờ để kết tinh, sản phẩm chứa 98,86% magnolol. Hiệu suất 9,95%.
Tác dụng dược lý:
Nước sắc vỏ hậu phác có tác dụng ức chế sự phát triển các vi khuẩn: trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ, phảy khuẩn tả, tụ cầu, liên cầu. Alcaloid toàn phần từ vỏ hậu phác có tác dụng ức chế hoạt động tim và gây giãn mạch ngoại biên in vitro và gây hạ huyết áp in vivo trên động vật thí nghiệm, vỏ hậu phác có tác dụng giảm đau và lợi tiểu.
Magnolol và honokiol có hoạt tính ức chế rõ rệt vi khuẩn gram dương và nấm. Cao ether và methanol chứa 2 hoạt chất nêu trên có tác dụng ức chế mạnh vi khuẩn gây sâu răng Streptococcus mutans. Hai chất còn có tác dụng diệt vi khuẩn ở nồng độ ức chế tối thiểu 6,3µg/ml, tác dụng kháng khuẩn của 2 chất mạnh hơn berberin. Hai chất có hoạt tính giãn cơ kéo dài. Tiêm phúc mạc magnolol cho chuột nhắt trắng với liều l00mg/kg gây giãn cơ mạnh trong 2 giờ. Hai chất có tác dụng ức chế trên đáp ứng co của động mạch chủ ngực chuột cống trắng với nồng độ cao của K+ và Ca2+. Magnolol và honokiol cũng có tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
Magnolol và honokiol ức chế sự kết tập tiểu cầu thỏ gây bởi colagen với nồng độ ức chế 50% là 1,9x10-6M, khoảng 3 lần mạnh hơn asprin. Ngoài ra, magnolol có tác dụng dự phòng rõ rệt đối với loét dạ dày gây bởi stress do ngâm mình trong nước và chảy máu dạ dày gây bởi stress. Vì hoạt tính chống loét và chống tiết của magnolol không giống hoạt tính của atropin, cửnetidin và dimethylprostaglandin E2, có ý kiến gợi ý là tác dụng dự phòng của magnolol có thể một phần do tác dụng ức chế trung tâm.
Sau khi cho chuột cống trắng uống 14C vòng - magnolol phóng xạ, nồng độ hoạt tính phóng xạ trong máu có 2 đỉnh ở 15 phút và 8 giờ, tương ứng, gợi ý là magnolol và các chất chuyển hoá có sự tuần hoàn ruột gan. Nhận thấy hoạt tính phóng xạ có chủ yếu ở đường tiêu hoá và gan, và có ít ở thận, tuyến tuỵ và phổi. Chất chuyển hoá chủ yếu bài tiết trong mật là magnolol-2-O-glucuronid đánh dấu ở vòng. Phần lớn hoạt tứih phóng xạ được thải trừ trong phân và nước tiểu trong vòng 12 giờ đầu sau khi uống hoặc tiêm phúc mạc. Liều uống được thu hồi với mức lớn bơn ở phân (72% của hoạt tính phóng xạ đưa vào, so với ở nước tiểu (7,4%) trong 144 giờ; và liều tiêm phúc mạc được thu hồi tương tự ở phân (67%) và ở nước tiểu (12%).
Các hoạt chất của hậu phác: magnolol, honokiol và monoterpenyl - magnolol có tác dụng ức chế sự hoạt hoá siêu vi khuẩn Epstein-Barr gây bởi 12-O-tetradecanoylphorbol 13-acetat (TPA). Trong thử nghiệm này, đã sử dụng những nguyên bào lympho người mang bộ gen của siêu vi khuẩn Epstein - Barr.
Viên Bình vị bào chế từ các dược liệu hậu phác, sa nhân, trần bì, mộc hương nam, hoàng nàn chế đã được áp dụng trên lâm sàng chữa bệnh tiêu chảy cho trẻ em và người lớn có hiệu quả tốt.
Tính vị:
vị cay hơi đắng, tính ấm và không độc.
Quy kinh:
Tỳ, Vị, Đại trường, Kinh túc Quyết âm Can, túc Dương minh Vị, thủ Thiếu âm Tâm.
Công năng:
Ích khí, tiêu đờm, chỉ thống, ôn trung, tả nhiệt.
Công dụng:
Chữa chứng đau bụng, đầy bụng, ăn uống khó tiêu, nôn mửa, đại tiện bí, táo bón.
Cách dùng, liều lượng:
Dược liệu có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp chung với các vị thuốc khác. Cách dùng phổ biến nhất là tán thành bột hoặc sắc lấy nước uống. Liều dùng được khuyến cáo là khoảng từ 6-20g/ngày. Tuy nhiên có thể được điều chỉnh tùy theo từng bài thuốc nhất định.
Bài thuốc:
1. Chữa đau bụng do lạnh, đầy chướng bụng: 12g hậu phác, 8g trần bì, 4g gừng khô, 6g thảo đậu khấu, 12g xích phục linh, 4g mộc hương, 4g cam thảo, 12g gừng tươi, 12g đại táo. Đem hết các dược liệu trên vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng 1 thang thuốc/ngày.
2. Chữa tiêu chảy do thấp trệ: 6g hậu phác, 10g thương truật, 6g trần bì, 3g chích thảo. Đem tất cả dược liệu trên đây đi tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 4-8g uống chung với nước sắc đại táo và gừng tươi. Dùng với tần suất 2 lần/ngày.
3. Chữa chứng bụng kèm táo bón: 12g hậu phác, 12g đại hoàng, 8g chỉ thực. Các dược liệu trên cho vào ấm sắc cùng với 600ml nước trên lửa nhỏ. Lượng nước rút còn phân nửa là đạt. Chia làm 3 lần uống/ngày, dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
4. Chữa tỳ vị hư hàn, đầy chướng bụng: 8g hậu phác, 8g sinh khương, 12g bán hạ, 12g đảng sâm, 8g cam thảo. Tất cả dược liệu cho vào ấm sắc chung với 1 thăng nước đến khi còn phân nửa. Uống khi thuốc còn ấm nóng, sử dụng liều lượng 1 thang/ngày.
5. Chữa đại tiện khó, ăn kém, chướng bụng: 12g hậu phác, 15g chỉ thực, 15g hoàng liên, 3g gừng khô, 6g chích cam thảo, 6g mầm mạch, 6g phục linh, 6g bạch truật, 9g bán hạ khúc, 9g nhân sâm. Tất cả dược liệu đem nghiền thành bột mịn rồi làm hoàn. Mỗi lần sử dụng từ 8-12g, ngày dùng đúng 3 lần.
6. Chữa viêm phế quản mạn tính, hen suyễn: 8g hậu phác, 4g ma hoàng, 20g thạch cao sống, 12g hạnh nhân, 12g bán hạ, 4g ngũ vị tử, 2g gừng khô, 2g tế tân, 16g tiểu mạch. Đem tất cả các vị thuốc cho hết vào ấm sắc với 1 thăng nước đến khi còn 1 nửa. Chia làm nhiều lần uống khi thuốc còn ấm. Sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.
7. Chữa chứng tự toát mồ hôi, ngực đầy suyễn: 12g hậu phác, 12g quế chi, 12g bạch thược, 12g gừng tươi, 12g đại táo, 12g hạnh nhân, 4g cam thảo. Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng mỗi ngày 1 thang thuốc.
8. Chữa chứng đau bụng thông thường: Hậu phác với liều lượng tùy ý. Đem dược liệu đi tẩm nước gừng rồi tiến hành nướng hoặc sao vàng và tán thành bột mịn. Mỗi lần uống khoảng 4g với nước sôi ấm. Sử dụng với tần suất 2-3 lần/ngày.
9. Chữa viêm ruột, đau bụng: 6g hậu phác, 3g chỉ thực, 3g đại hoàng. Tất cả các dược liệu trên đem sắc với khoảng 600ml nước trên lửa nhỏ. Ngưng sắc khi lượng nước còn khoảng 300ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng với liều 1 thang/ngày.
10. Chữa ăn uống khó tiêu: 100g hậu phác, 100g thủy xương bồ, 100g củ sả, 100g cỏ gấu sao, 50g gừng khô, 100g vỏ quýt, 50g quế khâu. Tất cả các dược liệu đem tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 1 thìa cà phê vào sau bữa ăn và trước khi ngủ. Dùng với tần suất 2-3 lần/ngày.
11. Chữa nôn khan, ngực đầy tức: 40g hậu phác và 40g sinh khương. Hai vị thuốc trên đem đi tán thành bột mịn. Mỗi lần uống khoảng 8g chung với nước cơm.
12. Bài thuốc chữa kiết lỵ, đại tiện ra xác thức ăn: 120g hậu phác cùng với 120g hoàng liên. Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc chung với 300ml. Đến khi lượng nước còn 100ml là đạt. Uống lúc đói khi thuốc còn ấm. Mỗi ngày dùng với liều lượng 1 thang thuốc.
13. Chữa chứng nước tiểu đục: 40g hậu phác, 4g bạch phục linh. Cho hết dược liệu vào ấm sắc chung với 3 chén nước đến khi còn 1 chén. Uống khi nước thuốc còn ấm. Sử dụng với liều lượng mỗi ngày 1 thang.
14. Chữa vị hư kèm động kinh ở trẻ em: 40g hậu phác, 40g bán hạ. Hậu phác đem sắc 7 lần với bán hạ sau đó ngâm nước gừng 7 nửa ngày rồi phơi khô. Mỗi lần dùng lấy 4g đem ngâm với 300ml nước vo gạo trong nửa ngày. Tiếp tục phơi khô, bỏ hậu phác lấy bán hạ tán thành bột mịn. Mỗi lần cho trẻ uống 2-4g với nước sắc bạc hà.
15. Chữa đại trường khô táo: Hậu phác với liều lượng tùy ý. Hậu phác đem tán bột rồi trộn với ruột heo nấu nhừ và làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống đúng 30 viên cùng với nước sắc gừng.
16. Chữa đầy bụng kèm tiêu chảy: Hậu phác và can khương với liều lượng bằng nhau. Các dược liệu đem đi tán bột rồi trộn với mật để làm thành hoàn bằng hạt ngô. Mỗi lần uống đúng 50 viên chung với nước cơm.
17. Chữa kinh nguyệt không thông: 120g hậu phác. Đem sao dược liệu rồi thái lát và cho vào ấm sắc chung với 300ml nước. Lượng nước còn 100ml là đạt. Chia làm 2 lần uống trong ngày khi bụng đói. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
18. Chữa đau bụng, thổ tả: Hậu phác với liều lượng tùy ý. Đem sao dược liệu với nước cốt gừng rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần uống đúng 8g cùng với nước vừa múc ở dưới giếng lên.
19. Chữa trường vị thực nhiệt: 12g hậu phác, 12g đại hoàng, 8g chỉ xác. Cho tất cả các dược liệu vào ấm sắc chung với 1 thăng nước đến khi còn nửa thăng. Uống khi thuốc còn ấm nóng, mỗi ngày dùng đúng 1 thang.
20. Chữa rối loạn tiêu hóa: 10g hậu phác, 10g xích phục linh, 6g trần bì, 3g cam thảo, 3g mộc hương, 3g can khương, 5g thảo khấu, 10g sinh khương, 10g đại táo. Các dược liệu cho hết vào ấm sắc chung với 1 lít nước đến khi còn phân nửa. Chia làm nhiều lần uống trong ngày, dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
21. Hỗ trợ điều trị ung thư đại tràng: 10g hậu phác, 20g rau sam, 20g bại tương thảo, 20g khổ sâm, 20g thổ phục linh, 20g bạch thược, 20g kê nội kim, 8g hoàng liên, 12g hồng đằng, 10g tam lăng, 10g huyền hồ, 4g xạ hương, 6g cam thảo. Các dược liệu trên cho vào ấm sắc chung với 1 thăng nước trong khoảng 20 phút. Uống khi thuốc còn ấm nóng, sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.
Kiêng kỵ:
- Phụ nữ đang trong thai kỳ
- Tránh ăn đậu khi đang dùng hậu phác
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Dương đài - Balanophora laxiflora
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl