HOÀNG BÁ NAM
HOÀNG BÁ NAM
Cortex Oroxyli
Tên khác:
Vỏ Núc nác, Nam hoàng bá, Mộc hồ điệp, Ngúc nác, Ngòng pắng điặng (Dao), Mạy cả (Tày), Co ca liên (Thái), Psơ lụng (Kho).
Tên nước ngoài:
Indian trumpet flower, broke bones, midday marvel (Anh); oroxyle, calosanthe (Pháp)
Tên khoa học:
Oroxylum indicum (L.) Kurz, họ Chùm ớt (Bignoniaceae).
Tên đồng nghĩa:
Arthrophyllum ceylanicum Miq.; Arthrophyllum reticulatum Blume ex Miq.; Bignonia indica L.; Bignonia lugubris Salisb.; Bignonia pentandra Lour.; Bignonia quadripinnata Blanco; Bignonia tripinnata Noronha; Bignonia tuberculata Roxb. ex DC.; Calosanthes indica (L.) Blume; Hippoxylon indica (L.) Raf.; Oroxylum flavum Rehder; Spathodea indica (L.) Pers.
Mô tả:
Cây:
Cây nhỡ, cao 5-13m. Thân nhẵn, ít phân cành, vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng. Lá xẻ 2-3 lần lông chim, dài tới 1,5m. Hoa màu nâu đỏ sẫm mọc thành chùm dài ở ngọn thân. Đài hình ống, cứng, dày, có 5 khía nông. Tràng hình chuông, phình rộng, có 5 thuỳ họp thành hai môi, 5 nhị, có chỉ nhị có lông ở gốc. Đĩa mật có 5 thuỳ rõ, cao 4-5mm, đường kính 12-14mm. Quả thõng, dài 40-120cm, rộng 5-10cm, các mảnh vỏ hoá gỗ. Hạt dài 4-9cm, rộng 3-4cm, kể cả cánh mỏng bao quanh. Hoa nở về đêm, thụ phấn nhờ dơi. Hoa và quả từng lúc quanh năm. Các quả chín vẫn ở trên cây khá lâu vào mùa khô khi cây rụng hết lá.
Dược liệu:
Vỏ cuộn lại thành hình ống hay hình cung, dày 0,6 - 1,3 cm, dài ngắn không nhất định. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, nhăn nheo, có nhiều đường vân dọc, ngang. Mặt trong nhẵn, màu vàng xám hay vàng lục. Mặt bẻ ngang có lớp bần mỏng. Mô mềm vỏ lổn nhổn như có nhiều sạn, trong cùng có lớp sợi dễ tách theo chiều dọc.
Phân bố, sinh thái:
Trên thế giới, núc nác phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Srilanaca, Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Philippin, đảo Selip và Timor của Indonesia. Ở Việt Nam, núc nác cũng là cây phổ biến từ vùng núi có độ cao khoảng 1300m (ở xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) đến các tỉnh trung du và đồng bằng ven biển. Cây còn được dùng làm giá thể cho trầu không và hồ tiêu leo (Vùng Quảng Bình đến Quảng Nam).
Núc nác thuộc loại cây gỗ mọc nhanh, thường thấy ở ven rừng núi đá vôi, rừng thứ sinh, đất sau nương rẫy và dọc theo hai bên bờ thượng nguồn các dòng sông (Hồng, Chảy, Gâm….). Cây ưa mọc trên đất tơi xốp có tầng đất mặt sâu, dễ thấm nước. Ở các tỉnh miền Trung, núc nác mọc được ở cả trên loại đất pha cát của vùng ven biển. Cây có khả năng chịu hạn và chịu nóng tốt.
Khi bị cháy rừng, cây có thể tồn tại do có lớp vỏ thân dày và hệ thống rễ phát triển. Ra hoa quả hàng năm, tuy nhiên tỷ lệ hoa đậu quả chỉ khoảng 10-30%. Hạt núc nác có cánh màng, phát tán xa nhờ gió. Tuy nhiên chỉ có một số ít hạt nảy mầm khi rơi được xuống mặt đất; còn phần lớn bị mắc trên cành cây hoặc đám cỏ không có cơ hội nảy mầm. Phần gốc thân khi bị chặt có thể tái sinh cây chồi.
Nguồn núc nác ở Việt Nam tương đối dồi dào. Các tỉnh có trữ lượng lớn hiện nay là Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa… Ở mỗi tỉnh ước tính có thể khai thác được hàng trăm tấn nguyên liệu.
Trồng trọt:
Núc nác được nhân giống dễ dàng bằng hạt hoặc bằng cành. Thời vụ gieo trồng vào mùa. xuân. Hạt chín được thu vào lúc quả chuyển sang màu vàng. Nếu để quả quá già tự tách hạt sẽ văng ra và bay theo gió. Hạt phơi xong đem phơi khô và bảo quản đến mùa xuân năm sau thì gieo trong vườn ươm, sau đó đánh cây con đi trồng. Nếu không cần nhiều cây giống, dùng cách giâm cành. Chỉ cần cắm cành xuống đất và giữ ẩm là được. Còn có thể thu gom cây con mọc từ hạt để trồng.
Núc nác không kén đất nhưng ưa nơi ẩm, mát. Khi trồng, đào hố 40 x 40 x 40 cm khoảng cách 2x2 m, bón lót ít phân chuồng, đặt cây và giữ ẩm 7-10 ngày. Có thể trồng xen với các cây lưu niên khác. Cây không cần chăm sóc đặc biệt.
Bộ phận dùng:
Vị thuốc là vỏ thân (Cortex Oroxyli) đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác.
Thu hái, sơ chế:
Thu hái quả nang chín màu nâu vào mùa thu và đông, phơi khô ngoài nắng cho vỏ nứt hạt, tách lấy hạt và phơi tiếp cho đến khô. Vỏ cây thu hái quanh năm; khi cần thiết, đẽo vỏ trên cây, thái phiến dài 2-5 cm, phơi hay sấy khô.
Bào chế:
Loại bỏ tạp chất, cạo bỏ lớp bần, rửa sạch, thái phiến chiều dài 2- 5 cm, bề dày 1-3 mm, phơi khô, hoặc sao nhỏ lửa cho đến khi bề mặt dược liệu có màu vàng.
Bảo quản:
Bảo quản ở nơi thoáng gió, khô ráo. Thỉnh thoảng có thể mang dược liệu phơi nắng để tránh ẩm mốc và côn trùng.
Thành phần hoá học:
- Vỏ thân Núc nác chứa một ít alcaloid, tanin và một số dẫn xuất flavonoid ở dạng tự do hay heterosid.
- Những chất flavonoid thường thấy là:
Oroxylin A: Công thức thô C6H12O5 cấu trúc là 5-7 dihydroxy 9-methoxy flavon, trọng lượng phân tử 284. Tinh thể màu vàng chanh, độ chảy 230-2320C, tan trong cồn, aceton, benzen nóng, trong kiềm, ether, acid acetic đặc.
Baicalein hay noroxylin: 5-6-7 trihydroxyflavon, công thức phân tử C5H10O5, trọng lượng phân tử 270.20, tinh thể màu vàng, hình lăng trụ, độ chảy 264 – 265 oC, tan trong ethanol, methanol, ether, aceton, etylacetat, acid acetic đặc, trong kiềm loãng và cho màu vàng thẫm, acid sunfuric đặc cho màu vàng có huỳnh quang lục. Ít tan trong cloroform, nitrobenzen.
Crysin: 5-7 dihydroxyflavon công thức thô C15H10O4, trọng lượng phân tử 254.23 có tinh thể màu vàng nhạt, chứa trong vỏ rễ, độ chảy 276oC. Không tan trong nước, tan trong dung dich kiềm. Ít tan trong cồn cloroform, ether. Có thể thăng hoa được.
Tetuin: là baicalein kết hợp với glucose ở vị trí 6. Có tinh thể màu vàng nhạt, độ chảy 112-114oC.
Hạt Núc nác có chứa một chất kiềm màu vàng, một chất dầu béo chứa 80,4% acid oleic, các acid panmitic, stearic, và có thể cả acid lignoxeric. Ngoài ra, hạt có chứa ellagic acid. (Vasanth et al., 1991). Yan R et al., (2011) đã báo cáo có 19 hợp chất khác nhau được phân lập từ hạt.
Vỏ rễ chứa chrysin, baicalein, biochanin-A, và acid ellagic. Oroxylin A, chrysin, triterpene acid cacboxylic và acid ursolic được tìm thấy trong vỏ quả (Suratwadee et al. 2002).
1. Flavonoid:
Tetuin (1), chrysin (2), oroxylin A (3), baicalein (4), scutellarein (5), baicalein-7-O-glucuronide (6), scutellarein-7-O-rutinoside (7), baicalein-6-O- glucuronide (8), scutellarein-7-O-glucuronide (9), prunetin (10), oroxindin (11), baicalein-7-O-glucoside (12), baicalein-7-O-diglucoside (oroxylin B) (13), chrysin- 7-O-diglucoside (14), 2,5-dihydroxy-6,7-dimethoxyflavone (15), 3,7,3’,5’- tetramethoxy-4-hydroxyflavone (16), isokaemferide (17), 8,8’-bisbaicalein (18), 6- hydroxyluteolin (19), 6-methoxyluteolin (20), baicalein-7-O-caffeate (21), chrysin- 7-O-glucuronide (22), chrysin-diglucoside (23), biochanin-A (24), dihydrooroxylin A-7-O-methylglucuronide (25), 5-hydroxy-7,2’-dimethoxy-6’-O-α-L- glucopyranosylflavone (26), 7-O-methylchrysin (27), 5-hydroxy-4’,7- dimethoxyflavone (28), dihydrooroxylin A (29), pinostrobin (30), 5,7-dihydroxy-3- methoxyflavone (31) 3,5,7-trihydroxyflavone (32), 3,5,7,4’-tetrahydroxyflavone (33), 5,7,4’-trihydroxyflavone (34), chrysin-6-C-β-D-glucopyranosyl-7-O-β-D- glucuronopyranoside (35), baicalein-7-O-β-D-glucuronopyranosyl-(1→3)-[β-D- glucopyranosyl-(1→6)]-β-D-glucopyranoside (36), scutellarein-7-O-β-D- glucopyranosyl-(1→6)-β-D-glucopyranoside (37), scutellarein-7-O- glucopyranoside (38), chrysin-6-C-β-D-glucopyranosyl-8-C-α-L-arabinopyranoside (39), pinocembrin (40), pinobanksin (41)...
2. Steroid:
β-Sitosterol (42), stigmast-7-ene-3-ol (43)...
3. Triterpenoid:
Lupeol (44), 2α-hydroxyllupeol (45)...
4. Acid:
Oleic acid, palmitic acid, stearic acid, lignoceric acid (50), ellagic acid
5. Ngoài ra còn một số chất khác:
Aloe emodin (55), echinulin (56), adenosine (57), dimethylsulfone (58)...
Tác dụng dược lý, lâm sàng:
Vỏ núc nác đã được nghiên cứu thực nghiệm thấy có tác dụng rõ rệt chống dị ứng và làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân độc hại. Nó làm giảm độ thấm của mạch máu ở chuột đã gây mẩn cảm bằng lòng trắng trứng hoặc ở nơi tiêm trong da chất formalin và histamin cho chuột bình thường. Núc nác có tác dụng ức chế giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm, tác dụng này thể hiện mạnh hơn ở động vật đã được gây mẫn cảm. Độc tính của vỏ núc nác rất thấp. Flavonoid chiết xuất từ cây núc nác có tác dụng chống choáng phản vệ gây bằng lòng trắng trứng trên thỏ và chuột lang và không có tác dụng bảo vệ đối với choáng gây bằng histamin trên chuột lang. Chất này có tác dụng ức chế phù gây bằng lòng trắng trứng trên tai thỏ và không gây độc đối với động vật thí nghiệm.
Chế phẩm nunacin bào chế từ flavonoid toàn phần chiết ở vỏ núc nác đã được dùng điều trị 37 bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Số ngày điều trị cho mỗi bệnh nhân là 54 – 191 ngày. Kết quả: 14 bệnh nhân khỏi, 18 bệnh nhân đỡ nhiều, 5 trường hợp không có kết quả. Có 20 trong số 30 bệnh nhân nói trên đã được điều trị phối hợp với mỡ salicylic bôi ngoài da.
Nunacin còn được dùng trong những trường hợp sau:
Điều trị 62 trẻ em bị bệnh hen phế quản, có 41 bệnh nhân thu được kết quả tốt hoặc khá, chiếm tỷ lệ 66.1% và 21 bệnh nhân không có kết quả, tỷ lệ 33.9 % (trong đó 10 bệnh nhân nặng). Trong thời gian điều trị từ 3 đến 12 tháng, không trường hợp nào có biểu hiện độc hại.
Điều trị 23 bệnh nhân bị tổ đỉa phối hợp với bôi thuốc tây y ngoài da. Kết quả: 18/21 khỏi nhiễm trùng, 2/21 đỡ nhiều, 1/21 không khỏi nhiễm trùng. Về khỏi mụn nước đạt 5/23, đỡ nhiều 7/23, đỡ ít 7/23, không khỏi 4/23.
Điều trị 50 bệnh nhân mày đay với kết quả khỏi 58%, đỡ 28% và không kết quả 14%.
Chế phẩm Oroxin là cao toàn phần của vỏ núc nác để điều trị 30 bệnh nhân mày đay. Kết quả: khỏi 56%, đỡ nhiều 16,6%, đỡ ít 6,6%, không đỡ 20%. So với nunacin, oroxin tác dụng không được bền vững và tái phát nhiều hơn sau khi ngưng thuốc. Oroxin cũng như nunacin không gây tác dụng phụ khi dùng dài ngày trên lâm sàng.
Vỏ và quả núc nác có tác dụng ức chế co thắt gây bởi acetylcholin và histamin trên hồi 1.2.1. Hoạt tính chống viêm
Chiết xuất dung dịch nước từ lá Oroxylum indicum có khả năng chống viêm. Hoạt tính chống viêm đã được nghiên cứu trên mô hình cơ thể chuột phù chân. Dung dịch nước chiết xuất từ lá Oroxylum indicum có hoạt tính chống viêm đáng kể ở liều lượng 150 mg/kg và 300 mg/kg trọng lượng cơ thể. Với liều lượng 300 mg/kg trọng lượng cơ thể cho thấy hoạt động chống viêm là tối đa. Thông qua những nghiên cứu chỉ ra rằng Oroxylum indicum có thể hữu ích trong điều trị bệnh viêm mạn tính như chứng viêm khớp.
1. Hoạt tính chống độc ở gan
Trong y học Ấn Độ, lá Oroxylum indicum được sử dụng rộng rãi như cách phòng các rối loạn gan. Các dịch trích khác nhau của Oroxylum indicum đều có hoạt tính chống độc gan. Các dịch trích petroleum ether, chloroform, ethanol và dung dịch nước được tiêm vào chuột nhiễm bệnh với liều 300 mg/kg trọng lượng cơ thể. Thử nghiệm cho thấy chuột được điều trị và dịch trích ethanol có hiệu quả đáng kể nhất.
2. Hoạt tính tẩy giun sán
Năm 2000, Downing JE đánh giá hoạt tính tẩy giun sán của Oroxylum indicum chống trứng giun lươn của ngựa trong ống nghiệm và so sánh nó với Ivermectin – một trong những thuốc tẩy giun hiệu quả. Sử dụng Oroxylum indicum với nồng độ 2×10-5 g/mL hoặc lớn hơn ngăn chặn được quá trình nở trứng của giun lươn. Với nồng độ Oroxylum indicum 2×10-1 g/mL thì quá trình nở đạt 0%. Tại nồng độ 2×10-4 g/mL hoặc lớn hơn thì khả năng sống của trứng và ấu trùng giun lươn là 0%. Kết quả của nghiên cứu cho rằng Oroxylum indicum có thể là một chất tẩy giun thích hợp chống lại giun lươn của ngựa.
3. Hoạt tính chống ung thư
Năm 1992, Tepsuwan A cùng các cộng sự công bố hoạt tính gây độc gen và hoạt tính phát triển tế bào niêm mạc dạ dày của chuột đực F344 bằng phương pháp ngắn hạn trong cơ thể sau khi uống một phần nhỏ nitroso hóa của Oroxylum indicum Vent. Kết quả cho thấy nitroso hóa của Oroxylum indicum có tính gây độc gen và phát triển tế bào ở niêm mạc dạ dày trong cơ thể chuột.
Năm 2001, Nakahara K cùng các cộng sự đã báo cáo rằng chiết xuất methanol của Oroxylum indicum ức chế mạnh mẽ sự đột biến của TRP-P-1 trong một thử nghiệm Ames. Thành phần chính kháng đột biến được xác định là baicalein với giá trị IC50 là 2,78 ± 0,15 microM. Sự kháng đột biến mạnh của chiết xuất với hàm lượng cao baicalein (3,95 ± 0,43%, trọng lượng khô). Baicalein có tác dụng như chất giảm đột biến vì nó ức chế N-hydroxyl của TRP-P-2.
Năm 2006, Narisa K cùng các cộng sự đã thử nghiệm hoạt tính gây độc tế bào trên chiết xuất ethanol 95% của Oroxylum indicum. Các hoạt động gây độc tế bào xác định bởi tác dụng chống tăng sinh dòng tế bào Hep-2. Kết quả chiết xuất ethanol biểu hiện hoạt tính động gây độc tế bào chống lại dòng tế bào Hep-2 ở nồng độ 2,5 μg/ml.
Năm 2007, Roy MK cùng các cộng sự chỉ ra rằng baicalein có tác dụng chống khối u trên các tế bào ung thư ở người và chiết xuất Oroxylum indicum có thể được sử dụng trong điều trị ung thư bổ sung.
Nghiên cứu 11 cây thuốc được dùng trị bệnh trong dân gian ở Bangladesh, kết quả cho thấy dịch núc nác cho hoạt tính độc tế bào mạnh nhất với tất cả tế bào khối u. Giá trị IC50 là 19,6 mg mL-1 với CEM, 14,2 mg mL-1 với HL-60, 17,2 mg mL-1 với B-16 và với HCT-8 là 32,5 mg mL-1.
4. Hoạt tính bảo vệ dạ dày
Năm 2007, Zaveri M cùng các cộng sự báo cáo hoạt tính bảo vệ dạ dày của chiết xuất cồn 50% từ vỏ, rễ cây Oroxylum indicum và các phân đoạn khác: petroleum ether, chloroform, ethyl acetate và n-butanol. Trong đó, phân đoạn n- butanol cho sự ức chế hiệu quả tối đa đối với tổn thương dạ dày.
Năm 2010, Hari Babu T cùng các cộng sự đã công bố các flavonoid trong Oroxylum indicum Vent. đã được cô lập như chrysin, baicalein, oroxylin có nhiệm vụ bảo vệ dạ dày.
5. Hoạt tính kháng khuẩn
Năm 1998, Ali R. M. cùng các cộng sự đã nghiên cứu tác dụng của chiết xuất dichloromethane Oroxylum indicum chống lại các các loại nấm da và nấm thối gỗ và báo cáo hoạt tính động kháng nấm mạnh mẽ trong chiết xuất dichloromethane Oroxylum indicum.
Năm 2003, Kawsar U cùng các cộng sự đã công bố hoạt tính động chống vi khuẩn của các chiết xuất khác nhau của Oroxylum indicum đã được sàng lọc chống lại 14 loại vi khuẩn gây bệnh (5 vi khuẩn gram dương và 9 vi khuẩn gram âm) và 7 loại nấm gây bệnh bằng cách sử dụng phương pháp khuếch tán đĩa. Nồng độ ức chế tối thiểu của hai hợp chất flavonoid được cô lập từ Oroxylum indicum được xác định chống lại vi khuẩn hình que, tụ cầu khuẩn, Escherichia coli và vi khuẩn bệnh lị Shigella có giá trị khoảng 64-128 μg/ml. Đến năm 2008, một nghiên cứu của Thatoi HN cùng cộng sự tiếp tục khẳng định hoạt tính kháng khuẩn của cây núc nác bằng cách sử dụng các chủng vi khuẩn khác nhau.
6. Ức chế tăng sinh tế bào
Dịch ethanol của vỏ thân núc nác cho hoạt tính ức chế tăng sinh với một số tế bào như erythleukemic K 562 (IC50 = 30,77 ± 0,32 mg mL-1), lympho B Raji (IC50 = 23,20 ± 9,6 mg mL-1), lympho T Jurkat (IC50 = 4,11 ± 0,10 mg mL-1). tràng cô lập chuột lang.
Tính vị:
vị đắng, tính mát
Quy kinh:
Tỳ và Bàng quang.
Công năng:
Hạt có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, chống ho, giảm đau, vỏ thân có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Các flavonoid trong vỏ cây và hạt có tác dụng đối với bệnh mày đay và mẩn ngứa và còn có tính kháng trùng.
Công dụng:
Lá hoa và quả khi còn non đều ăn được sau khi đun nấu. Người ta thường lùi quả non vào trong tro than rồi đem bóc bỏ vỏ ngoài, lấy phần trong của quả xào ăn. Hạt, vỏ thân thường được dùng làm thuốc.
Hạt dùng trị: 1. Viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ; 2. Viêm phế quản cấp và ho gà; 3. Đau vùng thượng vị, đau sườn.
Vỏ thân được dùng trị: viêm gan vàng da, viêm bàng quang, viêm họng, khô họng, ho khan tiếng, đau dạ dày, dị ứng trẻ em ban trái, sởi. Cũng dùng chữa dị ứng sơn, trị bệnh vẩy nến, hen phế quản trẻ em. Trong dân gian dùng thay Hoàng bá.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 8 - 16g, dạng thuốc sắc, hoàn tán.
1,5-3g hạt, 8-16g vỏ thân, dạng thuốc sắc. Có thể nấu thành cao hay chế dạng bột. Dùng ngoài nấu nước rửa hoặc dùng cao bôi.
Ở nước ta Viện Dược liệu đã sản xuất nunaxin viên 0,25g từ hỗn hợp các flavonoid để chữa mày đay và mẩn ngứa, dùng vỏ Núc nác làm viên Habanin kháng trùng và một loại viên kết hợp 2 dạng thuốc trên.
Bài thuốc:
1. Ngoài da lở ngứa, bệnh tổ đĩa ngứa giữa lòng bàn tay, bệnh giang mai lở loét: Vỏ Núc nác, Khúc khắc, mỗi vị 30g, sắc uống hàng ngày.
2. Chữa đau dạ dày: Dùng vỏ núc nác, sấy khô tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-3g (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
3. Chữa kiết lỵ, đau dạ dày ợ hơi, ợ chua: Dùng hạt núc nác phơi khô, tán thành bột mịn, hoặc sắc uống mỗi ngày 8-10g (Trồng hái và dùng cây thuốc).
4. Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày: Mộc hồ điệp 10g, đường phèn hay kẹo mạch nha 30g, nước 300ml sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
5. Viêm đường tiết niệu, đái buốt ra máu: Vỏ núc nác, rễ Cỏ tranh, Mã đề mỗi thứ một nắm, sắc nước uống.
6. Ho lâu ngày: 5-10g hạt, sắc nước hoặc tán bột uống.
7. Lở do dị ứng sơn: Vỏ Núc nác nấu cao, dùng uống và bôi vào chỗ lở.
8. Chữa viêm khí quản cấp tính, ho gà: Dùng mộc hồ điệp 4g, an nam tử 12g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 12g, khoản đông hoa 12g. Sắc lấy nước, thêm 60g đường phèn vào hòa tan, chia uống nhiều lần trong ngày (Hiện đại thực dụng trung dược). "An nam tử" là tên dùng trong đơn thuốc của vị "bạng đại hải", tức là hạt "lười ươi" (Sterculia lychnophora Hance.), có mọc ở Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Ðịnh, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị...
9. Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang: Dùng vỏ núc nác 16g, chi tử (quả dành dành) 20g, mã đề thảo (lá và bông mã đề) 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, quế chi 4g, cam thảo đất 20g; Sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng (Thuốc Nam và Châm cứu).
10. Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu buốt ra máu: Núc nác, Mã đề, rễ Cỏ tranh, mỗi vị một nắm tay, sắc thành thuốc uống mỗi ngày.
11. Chữa đau tức sườn bên phải, nước tiểu đo do can khí uất kết, vàng da:
Bài 1: Núc nác 16g, Cối xay 16g, Sài hồ 12 g, Chó đẻ răng cưa 16g, Thành bì 12g, Tam thất 10g, Cơm rượu 16 g, Xa tiền 12 g, rễ Cỏ tranh 16g, Cam thảo 12 g, sắc thành thuốc, chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày một thang thuốc.
Bài 2: Núc nác 16g, Chi tử (Hạt dành), Đan bì, Bạch thược, Nhân trần, Xa Tiền, Cam thảo mỗi vị 12g, Sài Hồ 16g, Cọ nhọ nồi 16g sắc thành thuốc uống, chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày một thang.
12. Chữa viêm da dị ứng, dị ứng da, mụn nhọt, mề đay mẩn ngứa
Bài 1: vỏ Núc nác sao vàng 16g, Kim ngân hoa 16g, Phòng phong 10 g, hạt Dành dành 10g, Sài hồ, Sài đất, lá Cơm rượu mỗi vị 16g, Uất kim, Cam thảo mỗi vị 10g, sắc thành thuốc chia thành 2 lần uống trong ngày.
Bài 2: vỏ Núc nác 16g, Lá Đơn tướng quân, Ké đầu ngựa 14g, Kim ngân hoa 16g, Tô mộc, Trần bì mội vị 10g, Cú hoa 12g, sắc thành thuốc chia 2 lần uống trong ngày.
13. Chữa ban trái, sởi ở trẻ em: vỏ Núc nác 6g, Kim ngân hoa, Mã đề, Hồng hoa Bạch, Sài hồ, Đương quy mỗi vị 4g, Liên kiều, Kinh giới mỗi vị 6g, Sài đất 5g sắc thành thuốc chia 3-4 lần uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
14. Bài thuốc ngâm rửa điều trị các bệnh lý ngoài da: vỏ 50g vỏ Núc nác, lá Kinh giới 30g, lá Đinh lăng 30g sắc thành nước dùng rửa hoặc thoa ngoài da, mỗi ngày 2 lần.
15. Chữa bệnh lỵ: Hoàng bá nam, Khổ sâm, Hoa hòe (sao đen), Ngũ gia bì, Cỏ ngũ sắc mỗi vị 16 g, Búp ổi, Bạch truật, Hoàng đằng, Chích cam thảo mỗi vị 12 g, Đinh lăng, Cỏ sữa mỗi vị 20g sắc thành thuốc, dùng uống 2 lần trong ngày.
16. Chữa vú có cục sưng đau, rắn cắn: Hoàng bá nam, Hương nhu, Táo nhân (sao đen), Đinh lăng, Huyên sâm, Cát căn mỗi vị 16g, Trinh nữ hoàng cung 6g, Uất kim 10g, Hoa hòe (sao vàng) 20 g, Hoàng kỳ 2g, Xuyên khung, Tam thất, Xương Bồ, Chích cam thảo mỗi vị 12g, mang sắc thành thuốc dùng uống 1 ngày 2 lần. Sử dụng liên tục trong 10 – 30 ngày là một liệu trình.
17. Chữa phong hàn, tam tiêu tích nhiệt: Đại hoàng, Hoàng liên, Hoàng bá nam phân lượng mỗi vị bằng nhau, tán thành bột mịn, làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi lần sử dụng 20-30 viên với nước ấm.
18. Chữa liệt dương do viêm nhiễm sỏi tiết niệu lâu ngày ở vùng sinh dục: Hoàng bá nam, Mạch môn, Ý dĩ, Kỷ tử, Thục địa, Huyết đằng, Hà thủ ô mỗi vị 12 g kết hợp với Trâu cổ, Phá cổ chỉ mỗi vị 8g sắc thành thuốc dùng uống trong ngày.
19. Chữa sốt xuất huyết có kèm mẩn ngứa: Vỏ núc nác 20 g, rau má 30g, cỏ nhọ nồi 30g, bông mã đề 20g.Tất cả dùng tươi, giã nát, thêm nước, gạn uống hoặc sắc uống.
20. Chữa đái rắt buốt do nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Vỏ núc nác 12g; rau má 20g; thạch hộc, quả dành dành, mỗi vị 12g, nhục quế 4g. Sắc uống ngày một thang, nếu nặng có thể 2 thang/ ngày.
21. Chữa bỏng (kết hợp với cấp cứu ngoại khoa): Vỏ núc nác 12g, bồ công anh 20g, hoàng liên, kim ngân hoa, sinh địa, mạch môn, thạch hộc, mỗi vị 16g, chi tử 8g. Sắc uống ngày một thang.
Kiêng kỵ:
- Người hư hàn gây đau bụng, đầy bụng tiêu chảy không dùng.
- Ngoài ra bệnh nhân cảm lạnh gây ho, nóng sốt, chảy nước mũi hạn chế dùng.
Ghi chú:
Hạt Núc nác cũng là vị thuốc, có tên là Mộc hồ điệp, có tác dụng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, đau dạ dày.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum
- Công dụng của cây Cánh diều - Melanolepis multiglandulosa
- Công dụng của cây Sang sóc - Schima wallichii
- Công dụng của cây Tường anh - Parietaria micranta
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens