HOÀNG ĐẰNG
HOÀNG ĐẰNG (黄藤)
Radix et Caulis Fibraurea
Tên khác:
Hoàng liên đằng, Dây vàng giang, Nam hoàng liên, khau khem (Tày), co lạc khem (Thái), viằng tằng (Dao), tốt choọc, t'rơng (K'Dong).
Tên khoa học:
Fibraurea recisa Pierre, họ Tiết dê (Menispermaceae).
Mô tả:
Cây:
Dây leo to có rễ và thân già màu vàng. Lá mọc so le, dài 9-20cm, rộng 4-10cm, cứng, nhẵn; phiến lá bầu dục, đầu nhọn, gốc lá tròn hay cắt ngang, có ba gân chính rõ, cuống dài, hơi gần trong phiến, phình lên ở hai đầu. Hoa nhỏ, màu vàng lục, đơn tính, khác gốc, mọc thành chuỳ dài ở kẽ lá đã rụng, phân nhánh hai lần, dài 30-40cm. Hoa có lá đài hình tam giác; hoa đực có 6 nhị, chỉ nhị hơi hẹp và dài hơn bao phấn; hoa cái có 3 lá noãn. Quả hạch hình trái xoan, khi chín màu vàng. Mùa hoa tháng 5-7.
Dược liệu:
Những đoạn thân và rễ hình trụ thẳng hoặc hơi cong, dài 10 - 30 cm, đường kính 1 - 3 cm, có khi tới 10 cm. Mặt ngoài màu nâu có nhiều vân dọc và sẹo của cuống lá (đoạn thân) hay sẹo của rễ con (đoạn rễ). Mặt cắt ngang có màu vàng gồm 3 phần rõ rệt: phần vỏ hẹp, phần gỗ có những tia ruột xếp thành hình nan hoa bánh xe, phần ruột ở giữa tròn và hẹp; thể chất cứng, khó bẻ gãy, vị đắng.
Bộ phận dùng:
Vị thuốc là thân già và rễ phơi khô (Radix et Caulis Fibraurea) của cây Hoàng đằng
Phân bố, sinh thái:
Trên thế giới Hoàng đằng có ở vùng Đông Dương và Malaixia
Ở Việt Nam, đều thấy có ở hầu hết các tỉnh miền nứi và trung du. Tuy nhiên loài F. tinctoria Lour, có vùng phân bố rải rác cả ở các tỉnh miền Bắc và miền Nam. Còn loài F. recisa Pierre lại gặp nhiều hơn ở các tỉnh phía nam. Các tỉnh có nguồn hoàng đằng phong phú là Yên Bái; Lào Cai (các huyện vùng núi thấp); Tuyên Quang; Lai Châu; Sơĩì La; Bắc Kạn, Thái Nguyên; Hoà Bình, Thanh Hóa; Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (các huyện phía tây); Quảng Nam; Lâm Đồng; Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên.
Hoàng đằng là cây ưa bóng khi còn nhỏ, sau có thể chịu sáng một phần hoặc hoàn toàn. Cây thường mọc ở rừng kín thường xanh, còn ngiiyên sinh hay đã trở nên thứ sinh. Kiểu rừng có nhiều hoàng đằng là loại hình xen tre nứa với độ cao từ vài trăm đến 1000 m. Ở các tỉnh Tây Nguyên hoặc Đông Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên), hoàng đằng có nhiều trong các quần hệ sau nương rẫy. Đa số là những cây tái sinh chồi còn sót lại trong quá trình rừng bị chặt phá. Hoàng đằng ra hoa quả hàng năm, trên thân và cành già. Trong tự nhiên, cây mang hoa cái ít hơn nhiều so với cây đực. Tuy nhiên, cây có hoa quả thường có đường kính thân 1 - 1,5 cm trở lên. ở Vườn quốc gia Bến En, có những cây hoàng đằng với kích thước rất lớn, chiều dài thân leo tới hơn 10 m, đường kính 7 - 12 cm. Quả hoàng đằng chín vào mùa mưa nên dễ bị nước cuốn trôi. Lượng cây con trong tự nhiên không nhiều.
Hoàng đằng có khả năng tái sinh cây chồi sau khi bị chặt. Những phần rễ còn sót lại sau khi làm nương rẫy cũng có thể mọc thành cây mới. Do có hệ thống rễ phát triển, cây chịu được qua các đợt cháy rừng hoặc đốt nương.
Hoàng đằng là một cây thuốc quý ở Việt Nam. Trong những năm 1960 - 1990, cây mới được khai thác một cách hạn chế để làm thuốc trong phạm vi y học cổ truyền. Nhưng từ năm 1994, cây bị khai thác ồ ạt, lấy nguyên liệu chiết xuất palmatin hoặc bán qua biên giới, ở các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra, ước tính mỗi năm đã khai thác 200 - 400 tấn. Cùng với nạn phá rừng làm nương rẫy hoặc trồng cây côĩig nghiệp, đã làm cho nguồn hoàng đằng ở nước ta mau cạn kiệt, ở tất cả những vùng rừng qiia khai thác, hiện nay không còn cây gieo giống tự nhiên. Qua nghiên cứu của Viện Dược liệu, có thể trồng hoàng đằng bằng hạt, các đoạn thân hay rễ.
Thu hái, sơ chế:
Rễ và thân cây vào tháng 8-9, cạo sạch lớp bần bên ngoài, chặt từng đoạn, phơi khô hay sấy khô.
Bảo quản:
Dược liệu sau khi đã được sơ chế khô cần để trong túi kín và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hoá học:
Alcaloid (3%), chủ yếu là palmatin 1-3,5% ngoài ra còn có jatrorrhizin, columbamin và berberin.
Chiết xuất palmatin:
1. Phương phấp dùng ethanol: Rễ và thân hoàng đằng chạt thành miếng nhỏ, sấy khô, tán thành bột. Cân 200g bột dược liệu thêm 1,2 lít ethanol 95% ngâm cách đêm ở nhiệt độ phòng.
Hôm sau, đun cách thủy hồi lưu trong một giờ. Lọc được dung dịch màu vàng sẫm. Thêm 1,2 lít cồn vào bã dược liệu ngâm trong một giờ như trên, lọc làm như vậy hai lần. Gộp các dịch chiết lại, thu hổi dung môi, được cặn màu vàng sẫm. Thêm 400 ml nước vào cặn, đun nóng, cô bớt nước còn 50 ml, để nguội tới 40°C, thêm acid cilorhydric đến pH = 1 - 2. Để nguội, cho vào tủ lạnh để cách đêm, sẽ được khối kết tinh màu vàng. Lọc lấy tủa, đun kết tinh lại trong cồĩi. Rửa cho hết acid sẽ được tinh thể chlorua palmatin, độ chảy 220°C.
2. Phương phấp dùng nước: Rễ và thân hoàng đằng phơi khô, xay nhỏ. Cân 1 kg dược liệu thêm 6 lít nước, trong đó có 60 ml acid clorhydric đặc, ngâm cách đêm. Lọc thêm 2 lít nước vào bã, ngâm tiếp 2 giờ, lọc làm như vậy hai lần. Gộp nước lọc lại được dung dịch màu vàng sẫm thêm 20 ml acid clorhydric đặc và 800g muối ăn. Khuấy kỹ cho tan hết để cách đêm. Lọc lấy tủa sấy khô. Kết tinh lại trong cồn được tinh thể clorua palmatin hình kim.
3. Chế tạo tetrahydropaỉmatin: Hoà tan bột clorua palmatin trong nước, khử hóa bằng kẽm trong môi trường H2SO4, CH3COOH. Bột kết tinh vô định hình màu trắng độ chảy 215°C.
Tác dụng dược lý:
1. Tác dụng kháng khuẩn: Palmatin có tác dụng ức chế sự phát triển của Streptococcus hemoiyticus và Staphylococcus aureus ở nồng độ 0,05% và 0,1%; còn đối với các loại vi khuẩn khác, thí nghiệm trên ống kính không thấy có kết quả rõ rệt. Tác dụng kháng khuẩn của palmatiĩi kém so với các loại kháng sinh thường dùng. Palmatin còn có tác đụng chống nấm như nấm gây viêm âm đạo.
2. Tác dụng kháng trypanosoma: Palmatin với nồng độ 1:4000 và 1:2000 đối với Trypanosoma Lewisi kentức chế được 75 - 100%, còn với nồng độ thấp hơn (1: 8000) thì ức chế được khoảng 50 - 70%.
3. Đối với hệ thẩn kinh trung ương: Palmatin thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, tiêm xoang bụng với liều 25 - 50 mg/kg có tác dụng ức chế hoạt động tự nhiên và hoạt động phản xạ của chuột nhưng không làm giảm trương lực cơ nếu tăng liều (100 mg/kg) thì tác dụng giảm trương lực cơ xuất hiện.
4. Tác dụng đối với hệ tim mạch: Palmatin và jatrorrhizin tiêm tĩnh mạch đều có tác dụng hạ huyết áp, tác dụng này của palmatin mạnh hơn jatroưhizin. Trên thỏ thí nghiệm, palmatin tiêm tĩnh mạch với liều 10 mg/kg làm huyết áp hạ tới 70% và kéo dài trong 5 giờ; không có hiện tượng quen thuốc. Trên mèo gây mê, palmatin tiêm tĩnh mạch với liều 2 mg/kg có tác dụng đối kháng với hiện tượng tăng áp do adrenalin và noradrenalin gây nên. Trên tiêu bản tuần hoàn chi sau của ếch, palmatin hoàn toàn đối kháng được tác dụng co mạch do adrenalin gây nên. Trên chuột cống trắng gây thiếu máu cơ tứn thực nghiệm bằng cách thắt động mạch vành tim, palmatin tiêm tĩnh mạch với liều 10 mg/kg có tác dụng giảm tần suất xuất hiện rối loạn nhịp tứn và giảm tỷ lệ tử vong của súc vật thí nghiệm.
Palmatin có tác dụng đối kháng với loạn nhịp tim trên các mô hình do cloroform gây nên trên chuột nhắt trắng, do ouabain gây nên trên chuột lang và do aconitin gây nên trên chuột cống trắng. Jatroưhizin có tác dụng phong bế thụ thể α1, còn đối với thụ thể α2 thì có tác dụng 2 chiều. Trên chuột cống trắng thắt động mạch vành thực nghiệm; jatroưhizin có tác dụng rút ngắn thời gian loạn nhịp tim, giảm tần suất xuất hiện loạn nhịp và giảm tỷ lệ tử vong súc vật thí nghiệm. Trên thỏ gây thiếu máu cơ tim, jatrorrhizim tiêm tĩnh mạch với liều 0,75 mg/kg có thể thu nhỏ phạm vi cơ tim bị hoại tử.
Tính vị:
vị đắng và tính hàn.
Quy kinh:
Can, Phế, Tỳ
Công năng:
Thanh nhiệt, tiêu viêm, sát trùng. Palmatin có tác dụng ức chế đối với các vi khuẩn đường ruột.
Công dụng:
Làm giảm viêm, chữa viêm ruột, viêm bàng quang, viêm gan, đau mắt, mụn nhọt, sốt nóng, kiết lỵ, hồi hộp, mất ngủ. Làm nguyên liệu chiết palmatin.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 6-12g, dạng thuốc sắc. Ngoài ra còn dụng dạng bột và dịch nhỏ mắt.
Bài thuốc:
1. Chữa viêm đường tiết niệu, viêm gam virus, viêm âm đạo, bạch đới, viêm tai trong và hội chứng lỵ: Hoàng đằng, Mộc thông, Huyết dụ, mỗi vị 10-12g, sắc uống.
2. Viêm tai có mủ: Bột Hoàng đằng 20g trộn với phèn chua 10g, thổi dần vào tai ngày 2-3 lần.
3. Mắt sưng đỏ hoặc có màng: Hoàng đằng 4g, phèn chua chút ít, tán nhỏ, chưng cách thuỷ gạn lấy nước trong mà nhỏ mắt. Hoặc dùng bột palmatin chlorhydrat pha chế thành thuốc nước để nhỏ mắt. Có khi người ta phối hợp Hoàng đằng với Hoàng liên nấu thành thuốc chữa đau mắt.
4. Người ta còn dùng bột Hoàng đằng và cao Mức hoa trắng, hoặc phối hợp cao Hoàng đằng và cao Cỏ sữa lá lớn làm thuốc viên chữa kiết lỵ.
5. Chữa vàng da do bệnh gan: 25g hoàng đằng và 25g cây xạ vàng. Các vị thuốc đem cho vào ấm sắc lấy nước uống như nước lọc hằng ngày. Sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.
6. Chữa kiết lỵ, tiêu chảy: Phần rễ hoàng đằng với lượng tùy ý: Đem tán dược liệu thành bột mịn. Có thể hoàn thành dạng viên cho dễ dùng. Mỗi ngày sử dụng khoảng 10g và uống chung với nước sôi ấm.
7. Chữa tiêu chảy, sốt rét, kiết lỵ: 10 – 15g hoàng đằng. Cho dược liệu vào ấm sắc cùng với khoảng 600ml nước trên lửa nhỏ. Lượng nước còn khoảng 200ml là đạt. Chia làm 2 lần uống khi còn ấm, chỉ dùng 1 thang/ngày.
8. Chữa kẽ chân viêm lở chảy nước: 15g hoàng đằng và 10g kha tử. Các vị thuốc trên đem giã nhỏ rồi cho vào ấm sắc lấy nước đặc. Sử dụng nước này để ngâm chân với tần suất 1 – 2 lần/ngày.
9. Chữa đau mắt sưng đỏ kèm chảy nước mắt: 8g hoàng đằng, 9g mật mông, 4g cúc hoa, 4g kinh giới, 4g long đởm thảo, 4g phòng phong, 4g bạch chỉ, 2g cam thảo. Tất cả vị thuốc trên cho vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày, duy trì đều đặn 3 – 5 ngày.
10. Chữa nổi mụn nhiều do nóng trong người ở trẻ em: 1 ít hoàng đằng. Dùng dược liệu nấu lấy nước và tắm cho trẻ từ 1 – 2 lần/ngày. Cần duy trì đều đặn đến khi các triệu chứng khỏi hẳn.
Kiêng kỵ:
- Bệnh thuộc hàn không nên dùng.
- Cần cẩn trọng khi dùng dược liệu chế thành thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc. Bởi thực hiện bài thuốc này ở nhà sẽ không đảm bảo vô khuẩn và rất dễ gây ra tình trạng bội nhiễm.
Chú ý:
- Một số tỉnh miền núi phía nam sử dụng thân cây Cyclea bicristata (Girff.) Diels., họ Tiết dê với tên gọi Hoàng đằng hay Hoàng đằng lá to. Cây này có thành phần hoá học, công dụng tương tự Hoàng đằng.
- Ngoài ra còn có loài Fibraurea tinctoria Lour. Khác loài trên ở chỗ: Lá có mũi nhọn rõ. Cụm hoa ngắn hơn, ít phân nhánh. Lá đài ngoài hình tam giác, mép nham nhở; nhị 6, chỉ nhị dài hơn bao phấn. Mùa hoa quả của cả hai loài: tháng 3-7.
- Cây dễ nhầm lẫn: Dây bánh nem và vàng đắng.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza