Logo Website

HOÀNG NÀN

29/08/2020
Cây Hoàng nàn có tên khoa học: Strychnos wallichiana Steud. ex A. DC., họ Mã tiền (Loganiaceae). Công dụng: Chữa phong hàn, tê thấp, đau nhức lưng, mình, chân tay, sau khi co quắp không vận động được, đau bụng thổ tả, phù thũng.

HOÀNG NÀN (黃 檀)

Cortex Strichni wallichianae

Tên khác: 

Hoàng đàn, Vỏ doãn, Vỏ dãn, Mã tiền, Lá quế, Vỏ doãn, Mã tiền lá quế., Cao chó.

Tên khoa học: 

Strychnos wallichiana Steud. ex A. DC., họ Mã tiền (Loganiaceae). 

Tên đồng nghĩa

Strychnos bourdillonii Brandis; Strychnos cinnamomifolia Thwaites; Strychnos cinnamomifolia var. wightii A.W. Hill; Strychnos cirrhosa Stokes; Strychnos gauthierana Pierre ex Dop; Strychnos pierriana A.W. Hill; Strychnos rheedei C.B. Clarke; Strychnos tubiflora A.W. Hill

Mô tả:

Cây: 

Cây nhỡ mọc leo. Cành mảnh, nhẵn, có những tua cuốn đơn hoặc kép, đầu phình, mọc đối ở những đầu cành non. Thân có vỏ xám với những đám màu vàng đỏ. Lá mọc đối, mép nguyên, dai, có 3 gân nỗi rõ ở mặt dưới. Hoa mọc thành chùy, dạng ngù ở đầu cành, phủ lông màu hồng nâu. Lá bắc nhọn. Hoa không cuống, đài 5 đính liền ở phía dưới thành ống, phía dưới ở mặt trong ống có lông, thùy của tràng nhẵn, hơi gợn sóng ở mặt trong. Nhị 5, dính ở phía dưới của họng ống tràng, vòi nhụy nhẵn, đầu nhụy hình đầu. Quả mọng hình cầu, vỏ quả ngoài cứng, nhiều hạt hình đĩa.

Dược liệu: 

Vỏ là những mảnh khô hình dạng không cuộn hoặc cuộn lại thành ống, dài 5-12cm, rộng ngoài sần sùi, màu xanh đen hoặc hơi vàng đỏ, mặt trong màu xám nhạt hoặc xám đen, có vân dọc. Mặt bẻ gẫy không có sợi, chia thành 2 lớp rõ ràng, cách nhau bởi một đường nhạt hơn.

Bộ phận dùng: 

Vỏ thân phơi hay sấy khô của cây Hoàng nàn (Cortex Strichni wallichianae)

Phân bố, sinh thái:

Loài hoàng nàn mọc tự nhiên chủ yếu ở Việt Nam, Lào và Nam Trung Quốc.

Ở Việt Nam, hoàng nàn có vùng phân bố tập trung ở các tỉnh phía bắc, từ Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn đến Nghệ An, Hà Tĩnh; độ cao khoảng l000m. Cây thường mọc ở rừng núi đá vôi, leo lên các vách đá hay cây gỗ to, ra hoa quả nhiều hàng năm. ở dưới tán rừng và xung quanh gốc cây mẹ, có thể gặp cây con mọc từ hạt. Khi cây bị chạt phá, phần thân và cành còn lại vẫn mọc lên nhiều chồi.

Nguồn hoàng nàn ở Việt Nam trước năm 1980, còn tương đối phong phú. Nạn phá rừng và khai thác rừng bừa bãi làm cho vùng phân bố của cây bị thu hẹp nhanh chóng. Nhiều vùng rừng núi đá vôi ở cẩm Phả (Quảng Ninh); Hữu Lũng, Đồng Mỏ (Lạng Sơn)l; Kỳ Sơn, Kim Bôi, (Hoà Bình)... trước đây có nhiều hoàng nàn, nay đã bị mất đi hoặc chỉ còn những cây tái sinh không có khả năng khai thác.

Hoàng nàn là cây thuốc quý ở Việt Nam, cần lưu ý để bảo vệ.

Thu hái, sơ chế: 

Thường chặt cả cành mang về cắt thành từng đoạn bóc vỏ. Vỏ cây thu hái quanh năm phơi khô dùng làm thuốc.

Bào chế:

Trước hết cạo bỏ lần vỏ vàng bên ngoài cho thật kỹ, cho đến lần vỏ đen bên trong thì thôi. Muốn cạo cho dễ có 3 cách:

- Đồ lên rồi cạo.

- Ngâm nước thường độ nửa ngày cho đủ mềm rồi cạo.

- Ngâm nước vo gạo đặc một đêm rồi cạo.

Sau đó lại ngâm nước vo gạo đặc lần nữa trong 3 ngày đêm, mỗi ngày thay nước vo gạo một lần (cứ 100g vỏ hoàng nàn ngâm với 700ml nước vo gạo). Rửa sạch, thái nhỏ 1 - 2 ly, phơi khô, đựng lọ kín. Trước khi dùng đem sao qua, có người đem tẩm dầu mè rồi mới sao qua.

Bột hoàng nàn sau khi đã bào chế (rây bằng rây thường) có màu nâu nhạt, vị rất đắng, dùng trong hoàn tán.

Bảo quản:

Hoàng nàn ở dạng thô hay đã tán nhuyễn thành bột đều cần được bảo quản ở nơi khô ráo để không bị ẩm mốc. Chú ý tránh xa tầm tay với của trẻ em và thú nuôi trong nhà.

Thành phần hoá học: 

Hạt hoàng nàn chứa 1,5 - 5% alcaloid toàn phần trong đó có strychnin, brucin, colubrin, 16 - hydroxycolubrin, pseudostrychnin, vomicin, loganin, protostrychnin, 4 - hydroxy - 3 - methoxy strychnin, isostrychnin, 15 -hydroxystrychnin, 3 methoxyicajin, cuchilosid.

Vỏ rễ chứa 9% alcaloid toàn phần gồm strychnin (chủ yếu), brucin, colubrin, vomicin, maracurin 0,12%, ít pseudostrychnin.

Lá chứa vomicin, novacin, icajin, brucin, colubrin (Trung dược Từ Hải I, 660).

Theo tài liệu khác, hoàng nàn chứa 5,23% alcaloid toàn phần trong đó có strychnin 2,37 - 2,43% và bmcin 2,81% (Đỗ Tất Lợi, 1997 và 1999).

Tác dụng dược lý:

1. Tác dụng kích thích: ở liều rất thấp, hoàng nàn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và ngoại vi, nhưng dễ gây ra co giật, nôn mửa, sợ ánh sáng.

2. Độc tính: Hoàng nàn rất độc, cần chế biến để giảm độc. Hoàng nàn chế vẫn rất độc, liều dùng tối đa một lần là 0,100g và 24 giờ là 0,400g. Thuốc độc bảng B.

Tính vị

Vị rất đắng, tính hơi hàn, rất độc.

Quy kinh:

Vào 3 kinh tỳ, can và tâm.

Công năng: 

Có tác dụng trừ phong hàn, thông kinh lạc, giảm đau. Cũng có hiệu quả trong việc làm tê liệt thần kinh ngoại biên.

Công dụng: 

Chữa phong hàn, tê thấp, đau nhức lưng, mình, chân tay, sau khi co quắp không vận động được, đau bụng thổ tả, phù thũng.

Cách dùng, liều lượng: 

Liều uống tối đa 1 lần 0,1g, liều trong 24giờ 0.4g. Không dùng quá liều. Thuốc độc A. Hoàng nàn còn dùng để chiết strychnin. Ở Malaixia, người ta dùng tẩm tên độc.

Độc tính:

Hoàng nàn là dược liệu có tính độc mạnh. Hoàng nàn sống được xếp vào nhóm thuốc độc ở bảng A, tức rất độc, có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe cũng như tính mạng người sử dụng.

Các chất gây độc trong hoàng nàn là alkaloid và strychnin. Sau khi được chế biến bằng cách ngâm trong nước vo gạo, độc tính trong hoàng nàn đã giảm rõ rệt do một phần chất độc đã bị hòa tan trong dung dịch ngâm. Tuy nhiên, hoàng nàn chế vẫn được xếp vào nhóm thuốc độc bảng B.

Bài thuốc:

1. Chữa phong tê thấp, dùng Hoàng nàn 600g, Hương phụ tử chế 160g, Thảo quả (sống) bỏ vỏ lấy hạt 20g, Đại hồi (bỏ hạt) 20g. Tán bột, uống sau khi ăn nửa giờ 2-3g với nước hoặc Rượu, nếu có phản ứng giảm lui. Người huyết áp cao không dùng. Sau khi uống thì nằm, dùng để chữa nhức xương đau đầu gối, tê thấp. Có khi uống vào chuyển đau hơn nhưng sau đó lại khỏi (Kinh Nghiệm Dân Gian).

2. Chữa bệnh sốt rét có biểu hiện nóng nhiều hơn rét: Áp dụng bài thuốc viên thương sơn binh lang. Cách làm thuốc như sau: 110g hoàng nàn chế, 173g hạt cau, 150g thảo quả nhãn, 78g cúc tần biển, 449g lá thường sơn, 78g bột lưu thạch, 100g bột hồ. Lá thường sơn đem bỏ gân, sao vàng chung với một ít giấm. Trừ bột hoạt thạch và bột hồ, các dược liệu còn lại đem sấy khô, tán thành bột. Cuối cùng đem tất cả các vị trộn chung với bột hồ, vo viên hoàn nhỏ trọng lượng khoảng 0,25g. Lấy bột hoạt thạch áo bên ngoài viên thuốc. Để chữa sốt rét người trưởng thành có thể uống 4 lần trong ngày, mỗi lần uống 1 viên.

3. Chữa lở loét, mụn ghẻ: Hoàng nàn chế tán thành bột đem ngâm chung với rượu . Lấy rượu thuốc bôi trực tiếp vào tổn thương mỗi ngày 1-2 lần.

4. Điều trị bệnh ho gió, ho nhiều đờm đặc hoặc loãng, ho do cảm lạnh, ngứa trong cổ họng: 12g hoàng nàn chế, 80g củ nghệ vàng, 20g hạt tiêu và 160g phèn chua phi. Nghệ đem sao vàng, hạt tiêu cũng sao thơm. Tất cả đem nghiền bột, trộn chung với lượng hồ vừa đủ để làm thành viên hoàn có trọng lượng 0,25g/viên. Người trưởng thành dùng liều 4-6 viên/ lần x 2 lần trong ngày. Uống thuốc với nước đun sôi để nguội.

5. Chữa đau bụng lâu ngày, sôi bụng, tiêu chảy, ăn không tiêu:

Hoàng nàn chế 200g, vỏ rụt sao l00g, hương phụ tứ chế l00g, nhân thảo quả sao 50g, nhân hạt vải 60g. Tất cả làm khô, tán nhỏ, rây lấy bột mịn, trộn với hồ làm viên 0,10g. Người lớn uống mỗi lần 3 viên với nước ấm. Ngày 2 lần. Người không có kinh nghiệm, phụ nữ có thai, trẻ em không nên dùng.

Viên "Bình vị" của Bệnh viện Thường Tín, Hà Tây để chữa tiêu chảy cho trẻ em và người lớn gồm có 5 vị hoàng nàn chế, hậu phác, sa nhân, trần bì, mộc hương.

Kiêng kỵ:

- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú kiêng dùng

- Hoàng nàn có tính độc mạnh nên cần thận trọng trong khâu bảo quản lẫn sử dụng. 

- Việc dùng dược liệu chữa bệnh cần có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi các thầy thuốc, bác sĩ để đảm bảo an toàn.

- Trường hợp bị ngộ độc hoàng nàn, hãy giã rau muống lấy nước uống mỗi lần  100 – 200 liên tục đến khi các triệu chứng xấu không còn. Hoặc có thể thay thế bằng cách lấy 30g rễ cây khế sắc uống 50-100ml/lần.

Chú ý: 

Hạt của cây Hoàng nàn cũng được dùng với tên gọi hạt Mã tiền.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org