Logo Website

HÚNG QUẾ

13/09/2020
Cây Húng quế có tên khoa học: Ocimum basilicum L. var. basilicum; họ Bạc hà (Lamiaceae). Công dụng: Cành lá được dùng chữa: 1. sổ mũi, đau đầu; 2. đau dạ dày, đầy bụng; 3. kém tiêu hoá, viêm ruột, ỉa chảy; 4. kinh nguyệt không đều; 5. chấn thương bầm giập, thấp khớp, tạng khớp. Dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị rắn cắn và sâu bọ đốt, eczema, viêm da

HÚNG QUẾ

Tên khác: 

Húng giổi, Húng chó, Rau quế, É quế, Hương thái.

Tên khoa học: 

Ocimum basilicum L. var. basilicum; họ Bạc hà (Lamiaceae). 

Tên đồng nghĩa

Ocimum basilicum L.

Mô tả: 

Cây bụi nhỏ, cao tới 50-80cm, có mùi thơm đặc biệt. Cành vuông. Lá đơn, mọc đối, màu lục bóng, hơi khía răng ở mép. Hoa mọc thành chùm đơn, dài đến 20cm, gồm những vòng 5-6 hoa cách xa nhau. Hoa nhỏ, có tràng hoa màu trắng hay hồng, chia hai môi; môi dưới hơi tròn, còn môi trên chia thành 4 thuỳ đều nhau. Quả bế tư, rời nhau, mỗi quả chứa 1 hạt đen, bóng có vân mạng.

Bộ phận dùng: 

Lá, cành mang hoa.

Phân bố, sinh thái: 

Cây được trồng làm gia vị ở khắp nơi trong nước ta

Húng quế là loài cây cổ nhiệt đới, hiện được trồng khá phổ biến ở các nước nhiệt đới Đông - Nam Á và Nam Á. Ở Việt Nam, húng quế là cây gia vị quen thuộc, được trồng rộng rãi trong nhân dân, ở vườn gia đình và trên đồng ruộng.

Húng quế là cây ưa sáng và ưa ẩm, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm. Song với kỹ thuật canh tác hiện nay, người nông dân ở xung quanh Hà Nội, có thể trồng được húng giổi gần như quanh năm, kể cả mùa đông là thòi kỳ tàn lụi của cây. Húng quế ra hoa quả nhiều. Hạt gieo nảy mầm tốt. Tuy nhiên để sớm được thu hoạch, người ta thường trồng bằng cành. Cây có khả năng mọc chồi nhanh sau khi bị ngắt ngọn. Tốc độ sinh trưởng của chồi có thể đạt 1 - l,5cm/ngày.

Thu hái, sơ chế

Có thể được thu hái quanh năm, nhưng mùa thu hái phổ biến vẫn là mùa hè thu, rửa sạch và phơi khô.

Bảo quản: 

Dược liệu trong trường hợp đã được sơ chế khô cần cho vào túi kín và để ở những nơi khô thoáng, tránh ẩm ướt, nấm mốc.

Thành phần hoá học : 

Toàn cây chứa tinh dầu (0,02 – 0,08%) có hàm lượng cao nhất lúc cây đã ra hoa. Tinh dầu có mùi thơm của Sả và Chanh. Trong tinh dầu có linalol (60%), cineol, estragol methyl - chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác.

Tác dụng dược lý:

Chống ho, làm long đờm, điều chỉnh khả năng miễn dịch. Đáp ứng tốt với các triệu chứng của bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, ho, viêm phế quản…

Các hợp chất như camphene, eugenol và cineole dồi dào trong tinh dầu hũng quế giúp làm dịu tình trạng sung huyết. Đồng thời còn có khả năng chống nấm và kháng khuẩn giúp ức chế tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến những rắc rối ở đường hô hấp.

Dược liệu còn có tác dụng lợi tiểu, thêm vào đó là làm giảm lượng acid uric trong máu và khử độc rất tốt cho thận.

Một kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ ghi nhận rằng húng quế giúp duy trì mức bình thường của cortisol – hormon gây stress trong cơ thể. Dược liệu này có thể làm dịu thần kinh và điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu, đồn thời đánh bại các gốc tự do vốn là 1 yếu tố gây stress rất phổ biến.

Hàm lượng chất oxy hóa dồi dào trong húng quế được cho là có thể hỗ trợ ngăn cản quá trình phát triển bệnh ung thư vú và ung thư miệng. Hợp chất có trong dược liệu sẽ tấn công các mạch máu nuôi sống khối u.

Tinh dầu húng quế có tác dụng ức chế vi khuẩn gram-dương mạnh hơn so với vi khuẩn gram-âm trong thử nghiệm in vitro bằng phương pháp khuếch tán. Tinh dầu húng quế ức chố sự phát triển các phẩy khuẩn tả Eltor, Inaba và Ogawa khá mạnh in vitro, đồng thời có tính kháng nấm, ức chế mạnh sự nẩy mầm của bào tử nấm và men. Có tác dụng diệt và xua côn trùng, có hiệu quả chống ruồi nhà, và muỗi. Cao nước của hạt có tác dụng chống vi khuẩn gram - dương và Mycobacterium. Cao cồn của hạt ức chế hoạt tính của enzym coagulase (men làm đông) của tụ cầu vàng. Trong thử nghiệm gây co thắt ruột với histamin, tinh dầu húng giổi với nồng độ trong dịch nuôi ruột cô lập 1/18.000 đến 1/1.800, đã có tác dụng làm giảm mức độ co thắt ruột 62%. Điều đó chứng tỏ tinh dầu có tác dụng kháng histamin trên cơ trơn. Rễ, vỏ và lá có tính tạo acid hydrocyanic.

Tính vị:

Có vị cay, mùi thơm và tính ấm.

Quy kinh

vào 2 kinh là Phế và Tâm.

Công năng: 

Kích thích sự hấp thụ, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, lương huyết, giảm đau. Quả có vị ngọt và cay, tính mát; kích thích thị lực. Hoa có tính chất lợi tiểu, bổ thần kinh.

Công dụng:  

+ Cành lá được dùng trị: 1. sổ mũi, đau đầu; 2. đau dạ dày, đầy bụng; 3. kém tiêu hoá, viêm ruột, ỉa chảy; 4. kinh nguyệt không đều; 5. chấn thương bầm giập, thấp khớp, tạng khớp. Dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị rắn cắn và sâu bọ đốt, eczema, viêm da. Giã lá tươi để đắp ngoài hoặc nấu nước rửa. Quả dùng trị đau mắt, mờ đục giác mạc. Dùng dạng thuốc sắc. Hoa dùng tốt cho những người bị bệnh thần kinh, trẻ em ít ngủ, người lớn bị đau đầu, chóng mặt, đau bụng, viêm họng và ho, trẻ em ho gà. Cũng dùng tốt cho các chứng đau có nguồn gốc thần kinh hay dạ dày. Ngoài ra còn kích thích sự tiết sữa ở các bà mẹ mới đẻ thiếu sữa.

+ Làm gia vị, làm nguyên liệu cất tinh dầu.

Cách dùng, liều lượng: 

Cành, lá sắc uống mỗi ngày uống 10-15g.

1. Chữa ho: Húng quế, húng chanh, xương sông. Giã giập với ít muối và ngậm.

2. Chữa chứng bồn chồn, lo âu, đau đầu, ho, viêm họng: dùng 20-40 nhúm lá Húng quế và hoa khô hãm trong 1 lít nước sôi. Ngày uống 2-3 ly. 

3. Lợi sữa: sắc một nắm lá Húng quế trong 1 lít nước, ngày dùng 2 ly. 

4. Sổ mũi, khó tiêu, ỉa chảy: 15g cành lá Húng quế sắc nước uống. 

5. Chữa mẩn ngứa, dị ứng: Lá Húng quế (cả hoa, quả, hạt càng tốt) giã nhỏ vắt lấy nước uống, còn bã đem xát lên chỗ đau.

6. Chiết xuất tinh dầu: Toàn cây húng quế được dùng chiết xuất tinh dầu và thường thu hái vào thời điểm cây có hoa (lúc này sẽ cho lượng tinh dầu cao nhất). Ở Ấn Độ, tinh dầu húng quế còn được dùng như chất tạo hương cho bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm răng miệng.

7. Giúp dễ tiêu, thông tiểu và làm ra mồ hôi, hạ sốt: lấy thân nhánh và lá húng quế, sắc lấy nước uống (mỗi ngày uống từ 10 – 25 g).

8. Chữa lỵ: Lấy hạt húng quế tán với nước cho thành bột nhão mịn và uống, mỗi lần uống từ 5 – 6 g, ngày uống 3 lần.

9. Chữa lở loét da: Lấy hạt húng quế giã nát (có thể hòa với chút nước cho nhão) rồi đắp lên da.

10. Chữa đau răng: 15g cành và lá húng quế tươi. Cho vào ấm sắc đặc rồi lấy nước sắc súc miệng mỗi ngày.

Chú ý:

- Rau húng quế là loại rau gia vị phổ biến, được dùng hàng ngày và không được chú ý về liều lượng vì không ai ăn rau quế lấy no bao giờ. Tuy nhiên, dùng nhiều rau húng quế quá sẽ làm lượng đường huyết trong máu hạ xuống thấp và làm máu loãng hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là những người đang bị các bệnh liên quan đến đường huyết. Chưa kể, trong húng quế có chất eugenol và dùng quá liều chất này sẽ gây hại cho cơ thể.

- Tinh dầu từ húng quế nếu dùng với liều cao thường sẽ kích hoạt các phản ứng gây ra hiện tượng co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai, gây loãng máu hay làm hạ đường huyết. Vì vậy, cần hết sức lưu ý khi dùng dược liệu cho phụ nữ mang thai, người mắc bệnh máu khó đông hay bệnh nhân bị hạ đường huyết. Khi dùng cho trẻ em cần dùng với liều thấp và theo dõi sát sao biểu hiện cơ thể trẻ trong suốt quá trình sử dụng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org