HƯƠU, NAI-Thuốc bổ, chữa mệt mỏi, làm việc quá sức
HƯƠU, NAI
Tên khoa học:
Cervus nippon Temminck - Con hươu; Cervus unicolor Cuv. - Con nai, họ Hươu (Cervidae).
Mô tả:
Hươu: Cỡ trung bình trọng lượng cơ thể 60 - 80kg. Lông ngắn, mịn, màu vàng hung, có 6 - 8 hàng chấm trắng như sao dọc 2 bên thân. Con đực có sừng 2 - 4 nhánh, nhỏ hơn sừng nai.
Nai: là loài lớn nhất trong họ hươu nai Cervidae, nặng 150 - 200 kg, dài thân 1.800 - 2.000mm. Bộ lông dày, sợi lông nhỏ, dài, nâu ở hông và mông, xám hay xám đen ở lưng và ngực, trắng bẩn ở bụng và mặt trong các chi. Nai đực có sừng (gạc) ba nhánh. Nhánh thứ nhất tạo với nhánh chính một góc nhọn lớn. Sừng to, thô, nhiều nhánh và nhiều đốt sần.
Bộ phận dùng:
Sừng ở các giai đoạn khác nhau: Lộc nhung (Mê nhung) - sừng non của con Hươu, Nai; Lộc giác (gạc) - sừng già; Lộc giác giao = Cao ban long - Cao nấu từ gạc.
Phân bố, sinh thái:
Nai: Thế giới Nai phân bố ở các nơi: Đông nam Á, Trung Quốc, Assam, Nêpan, ấn Độ, Xây Lan, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaixia, Xumatra, Java, Borneo, Philippines. Ở Việt Nam: trước đây Nai gặp khắp các tỉnh có rừng, hiện nay chỉ còn dọc theo biên giới phía Tây, từ Tây bắc đến Đông nam bộ.
Hươu sao, hươu vàng, nai và nai cà tông đều phân bố ở các nước thuộc châu Á; trong đó, hươu sao có diện phân bố hẹp và số lượng cá thể ít hơn. ở Việt Nam, hươu sao đã trở nên hiếm gặp và từ lâu đã được thuần dưỡng lẻ tẻ trong phạm vi gia đình ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, ở Vườn quốc gia Cúc Phương, vườn thú Hà Nội và Thảo cầm viên thành phố Hồ Chí Minh. Nai mới được phát triển gần đây ở Phú Yên, Đồng Nai. Nai cũng trong tình trạng như hươu sao, theo nhận định của người Xơ Đăng, Kơ Tu ở Quảng Nam và người K’hor ở Quảng Ngãi: ” Cái con nai, con mang thời trước, dân mình ăn không hết, phải phơi khô trên giàn bếp để ăn dần. Nay thì hết rồi, sục cái rừng này sang cái rừng khác, đôi ba năm mới bắn được một con, chỉ đủ chia cho dân làng ăn một bữa là hết...”
Hươu, nai sống ở rừng thưa, rừng thứ sinh vùng núi đất thành bầy đàn. Chúng nhanh nhẹn và nhút nhát, chỉ một tiếng động nhỏ, có khi tiếng lá xào xạc cũng làm cho chúng chạy xa. Thức ăn chủ yếu là cỏ non, lá cây, chồi mầm, quả dại. Ghép đôi vào mùa sinh sản.
Chế biến:
Cách chế biến nhung hươu, nai: Nhung hươu, nai lấy được (nếu là nhung hươu, nai nuôi thì cưa chứ không chặt) đem đặt ngược để máu không chảy ra. Rang cát cho nóng vừa phải (nóng quá làm nhung bị nứt, kém phẩm chất), đổ vào nhung cho ngập đến chỗ mặt cắt. Khi cát nguội, đổ ra, rang tiếp rồi lại đổ vào nhung. Làm nhiều lần đến khi nhung khô thì thôi. Thường mất khoảng 2-3 ngày. Có thể chỉ sấy nhung ở nhiệt độ 70- 80°C trong 2-3 giờ cho khô. Có nơi lại ngâm nhung vào nước sôi (chừa mặt cắt) trong 2- 3 phút (lần đầu), vớt ra để nguội, ngâm tiếp nước sôi khoảng 5-6 phút (những lần sau) đến khi nhung rắn lại, rồi phơi hoặc sấy khô.
Hoặc đem nhung hơ lửa cho sạch lông, lấy mảnh thuỷ tinh cạo sạch, dùng vải bọc xung quanh, rồi lấy rượu nóng dội vào những lỗ ở dưới đến khi nhung mềm thì ép cho phẳng, phơi khô là được (Dược điển đông y Trung Quốc).
Nhung hươu, nai cần được chế biến ngay, vì để lâu nhung sẽ bị thối hỏng. Khi dùng, tẩm nhung vào rượu cho mềm, thái mỏng, sấy khô, tán bột. Đựng bột nhung trong hộp kín, có chất hút ẩm, chống sâu mọt.
Cách chế biến cao ban long và lộc giác sương:
Cao ban long (lộc giác giao) được chế biến bằng cách nấu sừng (gạc) hươu, nai đã cưa và chẻ nhỏ với nhiều lần nước, rồi cô đặc lại như cách nấu của các loại cao xương động vật. Nhưng phải luộc sừng trước bằng nước phèn 1% trong 10-15 phút, rồi cạo hoặc đánh rửa bằng bàn chải sắt cho sạch hết lớp đen vàng bám bên ngoài, đến khi sừng trắng ra. Nếu nấu chung cả sừng hươu với sừng nai thì được sản phẩm cao là “Mê lộc đồng công”. Cao thường được đóng thành bánh hình vuông hoặc chữ nhật, với trọng lượng 50g đến l00g.
Lộc giác sương lại được chế bằng cách đốt sừng (gạc) hươu, nai cho đen lại, tán nhỏ hoặc dùng bã sừng đã nấu cao ban long, tẩm với mật rồi sao vàng, tán bột.
Thành phần hoá học:
Trong thịt hươu, nai có 19% protid, 2% lipid, 10,8mg% Ca, 200,9mg% P 33mg% Mg, 2,7mg% Fe, 4,8mg% Zn, 0,44mg% Cu, các vitamin B1 0,26mg%, vitamin B2 0,6mg%, vitamin PP 5,lmg% (Viện Dinh dưỡng).
Nhung và gạc hươu, nai chứa 52,5% protiđ, 2,5% lipid, chất keo (keratin), muối khoáng 34% gồm Ca và amoni dưới dạng phosphat, carbonat, Fe, Mg, chất đạm và một chất nội tiết tố (hormon) gọi là lộc nhung tinh.
Tính vị, quy kinh:
Nhung hươu, nai: vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, vào 3 kinh thận, can, tâm.
Cao ban long có vị ngọt, mặn, tính ấm.
Lộc giác sương có vị mặn, hơi dính lưỡi, mùi vôi, tính ôn.
Huyết hươu, nai có vị mặn, tính ấm, không độc.
Công năng:
+ Nhung Hươu, Nai: có tác dụng bổ dưỡng, sinh tinh, ích huyết, mạnh gân xương, làm lành vết thương.
+ Cao ban long: Có tác dụng bổ trung, ích khí, chỉ huyết, hoạt huyết, giảm đau.
+ Lộc giác sương: Có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích tinh
+ Huyết Hươu, Nai: Có tác dụng bổ, tráng dương, chỉ huyết, giải độc.
Công dụng:
Thuốc bổ, chữa mệt mỏi, làm việc quá sức, huyết áp thấp...
+ Lộc nhung: Chữa đau lưng mỏi gối, váng đầu, ù tai, mờ mắt, chữa lở loét, sưng đau do ứ huyết, nhọt độc.
+ Cao ban long: Dùng trong trường hợp thiếu máu, chảy máu, rong kinh, ho ra máu, nôn ra máu.
+ Lộc giác sương: Chữa huyết hư, cơ thể suy nhược, gầy yếu, bạch đới.
+ Huyết Hươu, Nai: Hứng được khi cưa nhung dùng uống ngay chữa ngộ độc thức ăn và thuốc; nếu pha vào rượu uống chữa liệt dương, đau bụng, đau lưng, mẩn ngứa.
Cách dùng, liều lượng:
- Lộc nhung ngày 4 -12g, làm thành bột uống với nước hay nước gừng
- Lộc giác đốt thành than hoà dấm bôi vào nhọt độc sau lưng, ở vú và các nơi khác.
- Lộc giác đốt tồn tính, tán bột uống chữa gân xương đau nhức.
- Cao ban long: Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 0,3-1g, có thể dùng dạng cao ngâm rượu.
Bài thuốc:
1. Chữa liệt dương, xuất tinh sớm, tiểu lắt nhắt, thai khó đậu, tứ chi lạnh, thắt lưng đau, gối mỏi: Nhung hươu 40 g (thái mỏng, giã nát), hoài sơn 40 g (giã nát). Cho vào túi vải, ngâm với 1 lít rượu trong 7 ngày, uống 10-20 ml/ngày. Khi hết rượu lấy bã tán mịn, vò viên uống.
2. Chữa tinh huyết khô kiệt, tai điếc, miệng khát, đau lưng, tiểu như nước vo gạo: Nhung hươu 40 g, đương qui 40 g, cả 2 sao khô, tán bột. Lấy thịt ô mai nấu thành cao trộn với bột trên, vo viên bằng hạt bắp, người lớn uống 50 viên/ngày, chia thành 2-3 lần, uống với nước cơm còn ấm.
3. Chữa trẻ em chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng: Bột nhung 0,5 g x 2 lần/ngày.
Giúp kéo dài tuổi thọ (dùng thường xuyên và đúng chỉ định): Bột nhung 0,3-1 g x 2-3 lần/ngày.
4. Thuốc bổ dùng cho người cao tuổi đang trong thể trạng suy yếu: Cao ban long và long nhãn, mỗi thứ 50g. Long nhãn cắt nhỏ, sắc với nước rồi cho cao ban long đã thái mỏng vào. Đun tiếp và khuấy đều cho tan cao. Để nguội, uống mỗi lần 10g vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. (Cao “nhị long ẩm”, thuốc bổ cổ điển của Hải Thượng Lãn Ông).
5. Thuốc cho người lao lực, mệt mỏi, mới ốm khỏi, ra mồ hôi trộm, phụ nữ sau khi đẻ: Cao ban long 0,02g, cao ngũ gia bì chân chim 0,05g, mật ong 0,02g, triphosphat calci 0,07g, cho một viên. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3-4 viên đối với người lớn; 2-3 viên cho trẻ em tùy tuổi (viên tăng lực của xí nghiệp dược phẩm).
6. Chữa nôn ra máu, thổ huyết, dạ dày và ruột chảy máu, tử cung xuất huyết, kinh nguyệt nhiều: Cao ban long 4g, bồ hoàng (phấn hoa cỏ nến) 5g, cam thảo 5g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
7. Chữa trẻ em còi xương, gầy yếu, ăn kém tiêu: Lộc giác sương 10g (sao với Gừng), Đậu nành 20g (sao thơm), hạt Sen 10g, hạt Bí đỏ 10g, vỏ Quýt 5g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 10g. Có thể làm viêm với mật ong (Kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Rừng-Đắk Lắk)
Chú ý:
Nhiều bộ phận khác của Hươu, Nai cũng được dùng làm thuốc:
- Hươu bao tử, Lộc thai (Embryo Cervi) sấy khô tán bột hoặc ngâm rượu làm thuốc bổ.
- Lộc cân (Ligamentum Cervi) - Gân ở chân con Hươu, Nai bổ gân xương, giúp cho các chỗ gẫy, đứt chóng lành.
- Lộc vĩ (Cauda Cervi) - đuôi Hươu, Nai sấy khô tán bột hoặc ngâm rượu làm thuốc bổ.
- Lộc huyết (Sanguis Cervi) - Huyết Hươu, Nai phơi khô chữa bệnh liệt dương, trừ độc của thuốc hay thức ăn...
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza