HUYỀN SÂM-giải độc tiêu viêm
HUYỀN SÂM (玄参)
Radix Scrophulariae
Tên khác:
Hắc sâm, Nguyên sâm, Ô nguyên sâm
Tên khoa học:
Scrophularia ningpoensis Hemsl.; họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Tên đồng nghĩa:
Scrophularia microdonta Franch.; Scrophularia silvestrii Bonati & Pamp.
Mô tả:
Cây: Cây thảo sống nhiều năm, cao 1,5-2m. Rễ củ hình trụ dài 5-15cm, đường kính 0,6-3cm, vỏ ngoài màu vàng xám. Thân vuông màu lục, có rãnh dọc. Lá mọc đối, hình trứng hay hình mác, dài 10-17cm, mép có răng cưa nhỏ, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt, có ít lông nhỏ rải rác. Cụm hoa là những xim tán họp thành chuỳ to, thưa hoa ở nách lá và ngọn cành, hoa màu vàng nâu hoặc tím đỏ có 5 lá đài hàn liền nhau, 5 cánh hoa họp thành tràng hoa hình chén có môi trên dài hơn môi dưới, nhị 4 có 2 cái dài, 2 cái ngắn. Quả nang hình trứng, dài 8-9mm mang đài tồn tại, chứa nhiều hạt nhỏ màu đen. Mùa hoa tháng 6-10.
Dược liệu: Thân rễ củ nguyên, phần trên hơi phình to, phần dưới thuôn nhỏ dần, một số rễ hơi cong, dài 3 - 15 cm, đường kính 0,5 - 1,5 cm. Mặt ngoài màu nâu đen, có nếp nhăn và rãnh lộn xộn, nhiều lỗ bì nằm ngang và nhiều vết tích của rễ con hay đoạn rễ nhỏ còn lại. Mặt cắt ngang màu đen, phía ngoài cùng có lớp bần mỏng, phía trong có nhiều vân toả ra (bó libe - gỗ). Mùi đặc biệt giống mùi đường cháy, vị hơi ngọt và hơi đắng.
Bộ phận dùng:
Rễ đã phơi hay sấy khô (Radix Scrophulariae)
Phân bố, sinh thái:
Loài cây của Trung Quốc được di thực vào nước ta vào những năm 1960. Ban đầu được trồng ở Sapa, Bắc Hà (tỉnh Lào cai) và Phó Bảng (Hà Giang) sau đó được nghiên cứu trồng ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ và đem vào trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng).
Cây trồng ở Việt Nam tỏ ra thích nghi với khí hậu của vùng nhiệt đới núi cao từ 1000 đến 1700 m. Nhiệt độ trung bình khoảng 15 - 18°C, lượng mưa 1500 - 2800 mm/năm; độ ẩm 80%. Cây sinh trưởng mạnh trong vụ xuân - hè, ra hoa quả nhiều. Hạt phát tán xuống đất có khả năng tái sinh tự nhiên khỏe, ở các vùng trước kia trồng nhiều huyền sâm như Pà Cò (Hoà Bình); Phó Bảng (Hà Giang) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Cây đã trở nên hoang dại hóa, mọc lẫn với nhiều loại cây cỏ khác ở ven rừng, ven đường đi và bờ nương rẫy.
Dược liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Trồng trọt:
Huyền sâm thích nghi rộng rãi với nhiều vòng khí hậu, đất đai và phân bón. Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt được gieo vào tháng 10 - 11 ở đồng bằng và trung du, hoặc tháng 2 - 3 ở miền núi. Có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm rồi đánh cây con đi trồng. Gieo thẳng tốn công chăm sóc nhưng củ ít nhánh, có, giá trị thương phẩm cao hơn gieo ươm. Cả 2 cách đều được áp dụng trong sản xuất, tùy điều kiện và tập quán ở từng nơi. Mỗi hecta gieo trồng cần khoảng 1 kg hạt giống.
Khi gieo thẳng, thường gieo thành rạch cách nhau 30 cm để tiện chăm sóc. Khi cây mọc, tỉa định cây, giữ lại khoảng cách giữa các cây từ 10 đến 20 cm. Nếu gieo trong vườn ươm, thường gieo vãi. Đất gieo hạt cần làm nhỏ, chú ý chống kiến, giun, dế phá hoại. Nếu thời tiết thuận lợi, hạt nảy mầm chỉ sau 4 - 6 ngày. Khi câycon có 6-8 lá thật, cao 7-10cm, đánh đi trồng. Cây con thường trồng với khoảng cách 30 x 30 cm hoặc 30 x 40cm.
Đất trồng huyền sâm cần bố trí ở nơi cao ráo, thoát nước, nhiều mùn. Đất pha cát, đất thịt nhẹ không bị úng ngập ở đồng bằng hoặc đất có tầng đất mặt dày, màu mỡ ở miền núi rất thích hợp để trồng huyền sâm. Sau khi cày bừa kỹ, ở đất bằng cần lên luống để dễ thoát nước, ở chỗ đất dốc có thể írồĩig thành vạt hoặc theo đường đồng mửc. Là cây có củ, huyền sâm cần được bón lót 15 - 20 tấn phân chuồng, 300 - 400 kg supe lân, 100 = 150 kg sulfat kali hoặc tro bếp.
Ruộng huyền sâm phải thường xuyên đảm bảo đủ ẩm, đất tơi xốp và sạch cỏ. Cứ 20 - 25 ngày, làm cỏ xới xáo kết hợp bón thúc một lần. Mỗi lần bón thúc, dùng 50 kg urê để tưới cho 1 ha. Cũng có thể dùng phân nước hoặc nước giải để thay íhế một phần hoặc toàn bộ lượng phân đạm. Khi cây cao 50 - 60 cm, cần chú ý ngắt bớt mầm, tỉa cành để tập trung chất dinh dưỡng cho củ.
Thu hái:
Có thể thu hoạch rễ Huyền sâm vào tháng 7-8 ở đồng bằng và tháng 10-11 ở miền núi.
Bào chế:
Đào lấy rễ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cắt đầu chồi thừa 3 mm, tách riêng từng rễ, phân loại to nhỏ. Phơi hoặc sấy ở 50 - 60oC đến gần khô. Đem ủ 5 - 10 ngày đến khi trong ruột có màu đen hoặc nâu đen, rồi tiếp tục phơi đến khô.
Cách ủ: Dược liệu sau khi phơi gần khô đem tãi ra trong nong nia thành một lớp dày chừng 15 cm, để chỗ mát, hàng ngày đảo vài lần, có thể đậy lên trên bằng một lớp rơm mỏng hay bằng một cái nong hoặc nia khác. Trong khi ủ phải đảo luôn, không để dày quá, không đậy kín quá dễ bị hấp hơi, hỏng thối.
Khi dùng rửa sạch, ủ mềm, thái lát phơi khô.
Bảo quản:
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng. Người ta thường phân biệt loại tốt là loại củ mập màu đen, mềm, có dầu; loại kém rễ nhỏ, xơ, màu nhạt.
Thành phần hoá học:
Thân rễ chứa harpagid, chất này không bến vững, dễ bị chuyển hoá thành dẫn xuất màu đen. Còn có scrophularin, asparagin, phytosterol, tinh dầu, acid béo, chất đường.
Một số thành phần khác cũng có trong rễ như alcaloid, đường, steroid, acid amin (L. asparagin), acid béo (acid oleic, acid stearic), tinh dầu (vết), caroten, 17 nguyên tố vi lượng.
Tác dụng dược lý:
Năm 1936, hai tác giả Kinh Lợi Bân, Thạch Nguyên Cao có chế cao lỏng huyền sâm (rượu) rồi nghiên cứu tác dụng trên tim, huyết quản, huyết áp, hô hấp, huyết đường và giảm sốt đối với động vật, thu được những kết quả sau đây:
1. Tác dụng trên tim: Pha cao lỏng huyền sâm với nước Locke Ringer rồi cho tác dụng trên tim ếch cô lập với nồng độ thấp (0,01-0,02%) thấy sức bóp của tim mạnh lên, với nồng độ trung bình (0,1%) thấy lực của tim yếu đi, nhịp đập trở nên chậm, với nồng độ cao (10%) làm cho tim ngừng đập.
2. Tác dụng lên mạch máu: Huyền sâm gây dãn mạch.
3. Tác dụng giảm sốt.
4. Tác dụng trên lượng huyết đường: Định lượng huyết đường của thỏ bằng phương pháp Denigea, sau tiêm dung dịch huyền sâm vào dưới da, (5ml/kg thể trọng) sau đó cách mỗi giờ định lượng đường trong máu một lần. làm như vậy 5 lần: Thí nghiệm trên 4 con thỏ tiêm huyền sâm, thấy lượng đường huyết thấp hơn so với mức đường trong máu bình thường là 15mg/100m) máu.
5. Tác dụng kháng sinh: Theo Trịnh Vũ Phi (Trung Hoa y học tạp chí, 1952) huyền sâm có tác dụng kháng sinh đối với nhiều loài vi trùng bệnh ngoài da.
Tính vị:
Vị đắng mặn, tinh hàn.
Qui kinh:
Phế, Vị, Thận.
Công năng:
Tư âm, giáng hoả, sinh tân dịch, chống khô khát, lương huyết, giải độc, nhuận táo, hoạt trường.
Công dụng:
Thường dùng làm thuốc chữa sốt nóng, nóng âm ỉ, sốt về chiều, khát nước, chống viêm, điều trị bệnh tinh hồng nhiệt, viêm họng, viêm thanh quản, viêm miệng, viêm lợi, viêm kết mạc. Còn được dùng trị táo bón, mụn nhọt, lở loét.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 10 -12g, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc:
1. Chữa viêm amygdal, viêm cổ họng, ho: Huyền sâm 10g, Cam thảo 3g, Cát cánh 5g, Mạch môn 8g, Thăng ma 3g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3-4 lần uống trong ngày (hoặc ngậm và súc miệng).
2. Chữa các bệnh viêm não cấp, sốt xuất huyết, sốt phát ban, sốt đỏ da, sốt, bại liệt ở trẻ em cùng các chứng sốt cao co giật, sốt cơn (không rét), nóng âm kéo dài, mê sảng, táo bón, khô khát (mất nước), sưng họng viêm phổi: Huyền sâm, Mạch môn, Ngưu tất, Hạt muồng sao, mỗi vị 20g, Dành dành 12g, sắc uống ngày một thang.
2. Chữa viêm tắc mạch máu ở chân tay: Huyền sâm 24g, Đương quy, Cam thảo dây, Huyết giác, Ngưu tất đều 10g sắc uống.
3. Chữa huyết áp cao, nhức đầu chóng mặt, ù tai, đau mắt khó ngủ, xuất huyết dạng thấp, chảy máu dưới da, trẻ em chảy máu mũi, hấp nóng, mô hôi trộm, đau cơ, rút gân, nhức nhối, đại tiện ra máu: Huyền sâm 16g, Muồng sao 12g, Trắc bá sao, Kim anh, Hoa Hòe sao, Ngưu tất, Mạch môn đều 10g, sắc uống.
4. Chữa viêm hạch, lao hạch, nổi hạch ở cổ, ở vú và lao màng bụng nổi cục: Huyền sâm 20g, Nghệ đen, Rễ quạt, Bồ công anh, Mộc thông đều 10g, sắc uống.
5. Dùng cho người lao phổi: huyền sâm, sa sâm, mạch môn, sinh địa mỗi vị 12g; thiên môn, a giao, bách bộ mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 3 - 4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại liệu trình nữa.
6. Chữa sốt cao, mụn nhọt, mẩn ngứa: huyền sâm, sinh địa, kim ngân hoa, liên kiều, bột sừng trâu, mạch môn mỗi vị 12g; đạm trúc diệp 10g; đan sâm 8g; hoàng liên 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống tới khi hết các triệu chứng.
7. Chữa u, nhọt kết thành khối rắn: huyền sâm, liên kiều mỗi vị 16g; mẫu lệ, hạ khô thảo mỗi vị 12g; bối mẫu 8g. Uống ngày 1 thang, uống liền tới khi hết các triệu chứng.
8. Chữa viêm hạch, lao hạch, nhọt vú: huyền sâm 20g; nga truật, xạ can, bồ công anh, mộc thông mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm
9. Chữa tiểu đường có khát nhiều, táo nhiều: huyền sâm 16g; sinh địa, thiên hoa phấn mỗi vị 20g; mạch môn, tri mẫu mỗi vị 12g, thạch cao 40g; hoàng liên 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 3-4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại.
10. Chữa tiểu đường mà phế, vị đều nhiệt: huyền sâm 15g; hoàng cầm, hoàng liên, mần tưới mỗi vị 6g; thương truật 9g; hạnh nhân 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 3 - 4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại.
11. Chữa loét miệng: huyền sâm 12g; sinh địa, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g; sa sâm, mạch môn, hoàng bá, ngọc trúc mỗi vị 12g; tri mẫu, đan bì mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Kiêng kỵ:
Do vị thuốc có tính lạnh nên không dùng cho những người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng. Không dùng chung với Lê lô.
Chú ý:
Không dùng Huyền sâm đối với người có huyết áp thấp hoặc tạng hàn ỉa chảy. Cần uống thuốc lúc còn ấm, không uống thuốc nguội dễ bị ỉa chảy. Trong khi uống thuốc, kiêng các thứ đắng lạnh như mướp đắng, ốc, hến.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza