Logo Website

KÊ CỐT THẢO-Chữa vàng da, viêm gan

29/09/2020
Cây Cườm thảo mềm có tên khoa học: Abrus pulchellus subsp. mollis (Hance) Verdc., họ Đậu (Fabaceae). Công dụng: Chữa vàng da, viêm gan mãn tính

KÊ CỐT THẢO

Kê cốt thảo Abrus pulchellus subsp. mollis

Kê cốt thảo: Ảnh tudosobreplantas.wordpress.com and asia-medicinalplants.info

Tên khác: 

Cườm thảo mềm.

Tên khoa học: 

Abrus pulchellus subsp. mollis (Hance) Verdc., họ Đậu (Fabaceae). 

Tên đồng nghĩa

Abrus mollis Hance

Mô tả:

Dây leo 2-4m, có lông sát màu gỉ sắt. Lá dài 10-15cm, mang 12-18 cặp lá chét mỏng, dài hơn 1,5cm, mặt dưới có lông dày màu xám, hai đầu tròn hay như bị cắt ngang; lá kèm 3-4mm. Chùm hoa ở ngọn hay ở nách lá; hoa hồng nhạt cao 1cm, đài hình chuông, nhị 9. Quả đậu mỏng, dài 4-8 cm, có lông mịn; hạt 5-9, nâu hay đen.

Có quả tháng 11-2.

Phân bố, sinh thái:

Từ Lạng Sơn đến Sông Bé. Cây mọc tự nhiên trên đất lẫn đá.

Bộ phận dùng: 

Phần trên mặt đất.

Thành phần hoá học chính: 

Saponin, acid hữu cơ.

Một số hợp chất được phân lập từ phần trên mặt đất cây Cườm thảo mềm: β-sitosterol, stigmasterol, nonacosanyl caffeate, daucosterol, betulinic acid, vanillic acid, inositol methyl ether, sucrose, soyasaponin I, kaikasaponin III, và dehydrosoyasaponin I (XI).

Tính vị, tác dụng:

Vị ngọt và nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải thử.

Công dụng: 

Chữa vàng da, viêm gan mãn tính.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 15-30g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay kết hợp với các vị thuốc khác.

Ghi chú: 

Vị thuốc này thường dùng thay thế cam thảo dây, nhưng tác dụng không mạnh bằng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org

Wen, Jing & Shi, Hai-Ming & Tu, Peng-Fei. (2006). Chemical constituents of Abrus mollis Hance. Biochemical Systematics and Ecology - BIOCHEM SYST ECOL. 34. 177-179.