Logo Website

KHIÊN NGƯU TỬ-Chữa các chứng thũng

03/10/2020
Cây Khiên Ngưu có tên khoa học: Ipomoea nil (L.) Roth; họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Công dụng: Chữa bí đại tiểu tiện, phù thũng, hen, giun.

KHIÊN NGƯU TỬ (牽 牛 子)

Semen Pharbitidix

Khiên ngưu tử Ipomoea nil

Khiên Ngưu: Ipomoea nil (L.) Roth; Ảnh herbarium.gov.hk and pansari.pk

Tên khác:  

Hắc sửu, Bạch sửu, Bạch Khiên Ngưu, Bồn Tăng Thảo, Cẩu Nhĩ Thảo, Giả Quân Tử, Hắc Ngưu, Hắc Sửu, Nhị Sửu, Tam Bạch Thảo, Thảo Kim Linh, Thiên Gìa, Bìm Bìm Biếc, Lạt Bát Hoa Tử.

Tên khoa học: 

Ipomoea nil (L.) Roth; họ  Bìm bìm  (Convolvulaceae).

Tên đồng nghĩa

Batatas setosa (Ker Gawl.) Lindl.; Calonyction campanulatum Hallier f.; Calonyction pavonii (Choisy) Hallier f.; Calonyction setosum (Ker Gawl.) Hallier f.; Convolvulus hederaceus L.; Convolvulus nil L.; Convolvulus setosus (Ker Gawl.) Spreng.; Convolvulus tomentosus Vell.; Gomphipus setosus (Ker Gawl.) Raf.; Ipomoea cuspidata Ruiz & Pav.; Ipomoea desertorum House; Ipomoea hederacea (L.) Jacq.; Ipomoea hederacea var. integriuscula A. Gray; Ipomoea longicuspis Meisn.; Ipomoea melanotricha Brandegee; Ipomoea nil var. setosa (Ker Gawl.) Boerl.; Ipomoea pavonii Choisy; Ipomoea scabra Forssk.; Ipomoea setosa Ker Gawl.; Ipomoea setosa var. campanulata (Hallier f.) House; Ipomoea setosa var. pavonii (Choisy) House; Ipomoea trichocalyx Steud.; Ipomoea vaniotiana H.Lév.; Pharbitis cuspidata (Ruiz & Pav.) G. Don; Pharbitis githaginea Hochst.; Pharbitis hederacea (L.) Choisy; Pharbitis nil (L.) Choisy

Mô tả:

Dây leo bằng thân quấn, thân mảnh, có lông. Lá 3 thùy nhẵn và xanh ở mặt trên, xanh nhạt và có lông ở mặt dưới, dài 14cm, rộng 12cm, cuống dài 5-9cm. Hoa màu hồng tím hoặc lam nhạt. Quả nang, hình cầu nhẵn, có 3 ngăn, 2-4 hạt, 3 cạnh lưng khum, 2 bên dẹt nhẵn nhưng ở tễ hơi có lông, màu đen hoặc trắng tùy loại. 

Bộ phận dùng: 

Hạt phơi sấy khô của cây Khiên ngưu (Semen Pharbitidix). Hạt nhỏ hình cung dài 5 - 8 mm, rộng 3 - 5mm, mặt ngoài nâu đen (hắc sửu) hay vàng (bạch sửu), mặt lưng lồi lên, có một rãnh rộng, ơ phần dưới có rốn hạt hình điểm lõm xuống. liai bên hạt phảng, hơi có chỗ lồi lõm.

Phân bố, sinh thái:

Loài này có nguồn gốc ở Nam Mỹ, nhưng không rõ được nhập vào nước la từ khi nào. Hiện nay bìm bìm biếc mọc trong trạng thái hoang dại ở các bờ rào vườn, ven đường đi ở Tam Đảo, thị xã Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, và một số nơi khác.

Cây ưa ẩm, thường có hiện tượng tàn lụi vào mùa đông, ra hoa quả nhiều hàng  năm. Số cây con mọc từ hạt xung quanh cây mẹ thấy cũng nhiều. khi cây bị chặt phá nhiều lần trong năm, phần còn lại vẫn có khả năng tái sinh.

Thu hái, sơ chế

Thu hái vào các tháng 7-10. Hái quả chín về, đập lấy hạt phơi khô làm thuốc.

Thành phần hoá học:

Hạt bìm bìm biếc chứa 2% pharbitin, 11% chất béo, acid nilic, lysergol, chanoclavin, isof)eniclavin, elymoclavin.

Pharbitin được cấu tạo bởi acid pharbitic, acid tiglic, acid nilic (acid 1-⍺-methyl-ß- hydroxybutyric), acid d-⍺- methvlbutyric, acid valeric.

Acid pharbilic bao gồm các acid pharbiiic A, B, C, D trong đó 2 acid pharbitic C và D là chủ yếu.

Hạt bìm bìm biếc chứa 2% pharbitin (một glycosid có cấu tạo phức tạp, có tác dụng tẩy), 11% chất béo, nhựa (12%), acid nilic, tysergol, chanoclavin, isopeniciavin, elymoclavin.

Hạt chưa chín của bìm bìm biếc chứa giberelin A3, gibcrelin A5, giberelin A20, giberelin A26, giberelin A27, gibcrelin glucosid.

Hoa bìm bìm biếc chứa peonidin - 3 - sophorosid - 5 - glucosid, peonidin - 3 - [6 ” (4 - glucosyl - trans - cafeyl) sophorosid ] - 5 - glucosid.

Tác dụng dược lý:

- Dạng nước chiết hoặc chiết cồn hoặc hạt bìm bìm biếc thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường uống với liều 1,5 mg/kg có tác dụng tẩy xổ.

- Chất pharbitin chiết từ hạt có tác dụng kích thích co  bóp của ruột thỏ cô lập và tử cung cô lập chuột cống trắng. Với liều 1,0 mg/kg pharitin bằng đường tiêm tĩnh mạch (i/v) trên chó và thỏ gây mê không có ảnh hưởng đáng kể đối với huyết áp và hô hấp.

- Hạt bìm bìm biếc còn có tác dụng lợi tiểu, diệt ký sinh trùng đường ruột như giun đũa và có tác dụng gây sảy thai.

-  Tác Dụng Tẩy Xổ: chất Pharbitin có tác dụng tẩy xổ mạnh tương tự chất jalapin. Khi chất pharbitin vào ruột gặp mật và dịch ruột sẽ thủy phân thành Khiên ngưu tử tố kích thích ruột làm tăng nhu động gây ra tẩy xổ. Nước hoặc cồn chiết xuất Khiên ngưu đều có tác dụng gây tiêu chảy ở chuột nhắt nhưng nước sắc thì không có tác dụng đó.

- Tác Dụng Lên Thận: Khiên ngưu tử làm tăng độ lọc Inulin của Thận.

- Tác Dụng Diệt Giun: Khiên ngưu tử,  in vitro có tác dụng ức chế giun đũa (Trung Dược Học).

- Độc Tính: Độc tính của thuốc đối với chuột, liều LD50 là 37,5/kg. Ở người, có triệu chứng muốn nôn, nôn do thuốc kích thích trực tiếp lên đường tiêu hóa. Liều cao có thể ảnh hưởng đến Thận, dẫn đến tiểu ra máu cũng như các triệu chứng thần kinh(Trung Dược Học

Tính vị

Hạt bìm bìm biếc có vị dắng, tính hàn, hơi có độc, 

Quy kinh

Phế, thận, đại tràng

Công năng: 

Trục thủy, trục đờm ẩm, diệt giun, tiêu tích, thông trệ

Công dụng: 

Chữa bí đại tiểu tiện, phù thũng, hen, giun.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 4-8g, dưới dạng thuốc sắc, hoàn, tán.

1. Chữa các chứng thũng trướng: Khiên ngưu 10g, nước 300ml. Sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày, nếu tiểu tiện nhiều được thì khỏi. Có thể tăng liều uống cao hơn tùy theo bệnh, có thể uống tới 40g. Bài thuốc này có tác dụng chữa phù thũng, nằm ngồi không được (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

2. Chữa hàn thấp thủy sán, âm nang sưng, đại tiểu tiện không thông: Hắc sửu, Bạch sửu, Tiểu hồi. Thêm đường . tất cả tán bột. Ngày uống 4g lúc sáng sớm (Vũ Công Tán - Nho Môn Sự Thân).

3. Chữa giun đũa, giun kim: Khiên ngưu tử, Binh lang, Đại hoàng. Lượng bằng nhau, tán bột. Uống vào sáng sớm và tối, lúc đói bụng, mỗi lần 2-3g với nước sôi ấm (Ngưu Lang Hoàn - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

4. Chữa giun đũa: Khiên ngưu tử (sao) 20g, Tân lang (hạt quả cau) 4g, Sử quân tử (quả giun) 25g. Tất cả đem nghiền mịn, trộn đều, mỗi lần uống 6g, trẻ nhỏ giảm bớt liều (Thực dụng Trung dược thủ sách).

5. Chữa giun kim: Khiên ngưu tử 10g, Lôi hoàn 10g, Sinh địa 3g. Tán bột, chia làm 2 lần uống với nước sôi ấm (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

6. Chữa phù do viêm thận: Khiên ngưu tử 100g - nghiền mịn, hồng táo (táo tàu) 80g - hấp chín, bỏ hột, giã nát, gừng tươi 500g - giã nát vắt lấy nước, bỏ bã; tất cả đem trộn đều thành một thứ bột nhão, cho vào nồi hấp 30 phút, trộn đều, lại hấp thêm 30 phút nữa là được. Lượng thuốc trên chia đều thành 8 phần, ngày uống 3 lần: sáng - trưa - chiều, mỗi lần uống 1 phần, sau 2 - 5 ngày thì hết; kiêng muối trong 3 tháng (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

7. Chữa gan xơ, bụng nước hoặc thận viêm mạn: Khiên ngưu tử 120g, Hồi hương 30g. Tán bột mịn. Mỗi lần uống 6-8g lúc bụng đói với nước sôi nóng. Ngày 1 lần, liên tục trong 2-3 ngày (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

8. Chữa phù thũng: Khiên ngưu tử 10g, Xa tiền tử 8g, Gừng 2g, nước 300ml. Sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Nếu tiểu nhiều được thì tốt (Dược Liệu Việt Nam).

9. Chữa tinh thần phân liệt: Đại hoàng 12g, Hùng hoàng 12g, Hắc sửu 24g, Bạch sửu 24g, Mạch nha 16g. Tán bột, làm viên 2g. Ngày uống 4 viên. 1 đợt 15 ngày, nghỉ 7 ngày rồi lại tiếp tục (Y Học Thực Hành 1968, 154: 27-29).

10. Trị động kinh: Khoa thần kinh bệnh viện thủ đô Bắc Kinh thuộc Viện khoa học y học Trung Quốc dùng chiết xuất của Khiên ngưu làm được viên hoặc hoàn trị 115 cas động kinh trong 3 tháng. Tỉ lệ: có kết quả 56,7%. Hiệu quả trị bệnh của thuốc viên và hoàn như nhau. Đối với tất cả các thể bệnh đều có kết quả (Nội Khoa Trung Hoa Tạp Chí 1977, 6:323)

Chú ý:

- Người cơ thể hư nhược, phụ nữ đang có thai và những người đang ốm yếu không nên dùng. Bên cạnh đó, những người bị khí hư, tỳ hư cũng không nên dùng. Theo tài liệu cổ: không được dùng Khiên ngưu tử cùng với Ba đậu.

- Thu hái: Khi thu hái, cần phân biệt khiên ngưu với các loại bìm bìm khác.

Những câu chuyện về tên gọi khiên ngưu

Dân gian thì rẻ rúng bìm bìm như vậy nhưng trong y khoa thì một loại nhỏ của nó là bìm bìm biếc lại được xem là vị thuốc quý. Thậm chí, những truyền thuyết về tên gọi khiên ngưu – một tên gọi khác của bìm bìm biếc cũng đã ít nhiều cho thấy vẻ đẹp và dược tính quý giá của nó.

Có ý kiến cho rằng, bìm bìm biếc được gọi là Khiên Ngưu vì bên trong hoa có những hình hoa văn nhìn như ngôi sao, hơn nữa, hoa này lại nở rộ vào khoảng thời gian Ngưu Lang (hay còn gọi là Khiên Ngưu) và Chức Nữ gặp nhau. Vì vậy, nó gợi cho người ta liên tưởng đến sao Khiên Ngưu và được đặt cho cái tên như vậy.

Tuy nhiên, một câu chuyện khác về tác dụng làm thuốc của khiên ngưu thì lại có sức thuyết phục hơn. Theo công trình Danh y biệt lục (của Đào Hoằng Cảnh) thì trước đây, có một bác nông dân được dạy cho cách dùng loại quả này làm thuốc. Sau khi khỏi bệnh, bác nông dân ấy đã dẫn theo một con trâu để tạ ơn người chỉ dạy (trước đây, người nông dân rất quý trâu bò nói chung vì “con trâu là đầu cơ nghiệp”). Từ câu chuyện đó, bìm bìm biếc có thêm một tên gọi nữa là khiên ngưu (“khiên” nghĩa là chăn, dắt; “ngưu” là trâu, bò) và hạt của nó được gọi là khiên ngưu tử.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org