LIÊN KIỀU-Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa
LIÊN KIỀU (連 翹)
Fructus Forsythiae
Liên kiều: Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl; tcmwiki.com, blog.seniorennet.be and plantsoftheworldonline.org
Tên khác:
Lão kiều, Thanh kiều, Hạn liên tử, Hoàng thọ đan, Trúc căn, Weeping forsuthia (Anh).
Tên khoa học:
Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl, họ Nhài (Oleaceae).
Tên đồng nghĩa:
Forsythia fortunei Lindl.; Forsythia giraldiana f. pubescens (Rehder) C.S.Niu; Forsythia sieboldii (Zabel) Dippel; Forsythia suspensa f. atrocaulis Rehder; Forsythia suspensa f. aureovariegata Koehne; Forsythia suspensa f. decipiens Koehne; Forsythia suspensa var. fortunei (Lindl.) Rehder; Forsythia suspensavar. latifolia Rehder; Forsythia suspensa f. pallida Koehne; Forsythia suspensa f. pubescens Rehder; Forsythia suspensa var. pubescens (Rehder) Lingelsh.; Forsythia suspensa var. sieboldii Zabel; Forsythia suspensa f. variegata Butz. ex Rehder; Ligustrum suspensum Thunb.; Lilac perpensa Lam.; Rangium suspensum (Thunb.) Ohwi; Syringa suspensa Thunb.
Mô tả:
Cây: Cây bụi nhỏ, rụng lá, cao 2-3m. Thân cành mảnh, mọc thẳng hoặc xòe ngang, cành non có cạnh, cành già hình trụ. Lá mọc đối, xuất hiện sau khi cây ra hoa, hình trứng nhẵn, dài 4-7cm, rộng 2-3cm, đầu nhọn, mép khía răng. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm 1-3 hoa gần như không cuống, mầu vàng; đài 4 răng hình bầu dục-mũi mác, dài bằng nửa tràng; tràng 4 cánh mỏng đầu tù ; nhị 2, bầu 2 ô. Quả nang, hình trứng, đầu nhọn, vỏ cứng mầu nâu nhạt, có rãnh rọc, khi chín mở theo rãnh thành 2 mảnh loe ra như mỏ chim ; hạt nhỏ dài, mầu nâu. Mùa hoa: tháng 3-6 ; mùa quả: tháng 7-9.
Dược liệu: Quả hình trứng dài, đến hình trứng, hơi dẹt, dài 1,5 - 2,5 cm, đường kính 0,5 - 1,3 cm. Mặt ngoài có vết nhăn dọc không đều và nhiều chấm nhỏ nhô lên. Mỗi mặt có một rãnh dọc. Đỉnh nhỏ, nhọn, đáy có cuống quả nhỏ hoặc vết cuống đã rụng. Có hai loại quả Liên kiều là Thanh kiều và Lão Kiều. Thanh kiều thường không nứt ra, màu nâu lục, chấm nhỏ màu trắng sáng nhô lên ít, chất cứng, hạt nhiều, màu vàng lục, nhỏ dài, một bên có cánh. Lão kiều nứt ra từ đỉnh hoặc nứt thành hai mảnh, mặt ngoài màu nâu vàng hoặc nâu đỏ, mặt trong màu vàng nâu nhạt, trơn phẳng, có một vách ngăn dọc. Chất giòn dễ vỡ. Hạt màu nâu, dài 5 - 7 mm, một bên có cánh, phần lớn đã rụng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.
Bộ phận dùng:
Quả chín khô của cây Liên kiều (Fructus Forsythiae). Thanh kiều là quả mới chín hái về, đồ rồi phơi khô. Lão kiều là quả chín già phơi khô bỏ hạt.
Phân bố, sinh thái:
Liên kiều mọc tự nhiên ở miền trung Trung Quốc, gồm các tỉnh Hồ Nam, Cam Túc, Hồ Bắc, Hà Bắc, Sơn Tây. Cây cũng phân bố ở Nhật Bản.
Liên kiều có hiện tượng bán tàn lụi vào mùa đông và sẽ sinh trưởng phát triển nhanh trong điều kiện ấm áp của vụ xuân - hè. Quả liên kiều có nhiều hạt nhỏ, khi già thường tách dọc thành 2 mảnh cho hạt thoát ra ngoài. Cây trồng được bằng hạt, lấy quả làm thuốc đồng thời cũng để làm cảnh.
Vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.
Thu hái, sơ chế:
Thu hoạch Liên kiều vào mùa thu, thu hái quả chín còn màu lục, loại bỏ tạp chất, đồ chín, phơi khô gọi là Thanh kiều. Thu hái quả chín nục, loại bỏ tạp chất, phơi khô gọi là Lão kiều.
Chế biến:
Quả xanh đem nhúng nước sôi, sau đó phơi cho khô. Quả già chỉ cần phơi khô và dùng dần.
Bảo quản:
Cần bảo quản dược liệu Liên kiều tránh ẩm thấp.
Thành phần hoá học:
Saponin, alcaloid, tinh dầu.
+ Trong Liên kiều có: Forsythin (phillyrin), matairesinoside, oleanolic acid (Trung Dược Học).
+ Trong Liên kiều có phenol Liên kiều (C15H18O7) (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).
+ Trong Liên kiều có chừng 4,89 Saponin và 0,2% alcaloid (Viện Nghiên Cứu Y Học Bắc Kinh).
+ Forsythin, phillyrin (Tây Bộ Tam Tiêu, Dược Học Tạp Chí
(Nhật Bản), 1977, 31 (2): 131).
+ Pinoresinol, betulinic acid, oleanolic acid (Tây Bộ Tam Tiêu, Dược Học Tạp Chí
(Nhật Bản), 1977, 97 (10): 1134). pinoresinol-β-D-glucosid (Thiên Diệp Chân Lý Tử, Sinh Dược Học Tạp Chí (Nhật Bản) 1978, 32 (3): 194).
+ Rutin (Khuông Mai Học, Trung Dược Thông Báo 1988, 13 (7): 416).
+ Forsythoside A, C, D, E, salidrosid, cornosid, rengyol, Isorengyol, rengyoxid, rengyolon, rengyoisd A, B, C (Endo K và cộng sự, Tetrahedron, 1989, 45 (12): 3673).
+ Suspensasid (Kitagawa S và cộng sự, Phytochemistry 1984, 23 (8): 194).
Tác dụng dược lý:
1. Tác dụng kháng khuẩn rộng:
Phenol Liên kiều có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, thương hàn, lao, ho gà, bạch hầu, leptospira, hebdomadis, virus cúm, rhinovirus, với mức độ khác nhau.
Các chất forsythosid A, C và D có tác dụng diệt khuẩn đối với Staphylococcus aureus ở nồng độ nhỏ hơn 2mM. Tinh dầu từ hạt liên kiểu thí nghiệm trên ống kính với nồng độ 1:1021 có tác dụng ức chế Staphylococcus aureus, vởi nồng độ 1: 512 ức chế các chủng: Diplococcus pneumoniae, Streptococcus A, B, Bacillus dysenteriae, B. paratyphi A và với nồng độ 1: 256 ức chế Enterococcus. Nước sắc quả liên kiều cũng có tác dụng ức chế các chủng Staphylococcus aureus, Steptococcus hemolyticus. Bacillus dysenteriae, B. pestis, B. tuberculosis, B diphtheriae. Thí nghiệm trên phôi gà, tinh dầu hạt liên kiều vói nồng độ 1: 32 có tác dụng ức chế sự phát triển của virus cúm.
2. Tác dụng kháng nấm:
Thí nghiệm in vitro, tinh dầu hạt liên kiêu với nồng độ 1: 1024 có tác dụng ức chế nấm Candida albicans và một số nấm khác gây bệnh ngoài da.
3. Tác dụng chống viêm:
Khu trú trạng thái viêm mà không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tế bào nên cổ nhân gọi Liên kiều là "sang gia thần dược", tăng tác dụng thực bào của bạch cầu.
Dạng chiết cồn của liên kiều dùng với liều 20 mg/kg tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng, có tác dụng chống hiện tượng thẩm thấu tăng của các mao mạch ở vùng gây viêm thực nghiệm. Dịch tiêm chiết từ liên kiều dùng với liều 3 - 4g/kg (tính theo dược liệu), tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng, có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột do avalbumin gây nên.
4. Tác dụng hạ huyết áp, làm giãn mạch, tăng lưu lượng tuần hoàn, cải thiện vi tuần hoàn.
5. Tác dụng bảo vệ gan, giải nhiệt, cầm nôn, lợi tiểu, cường tim.
6. Tác dụng hạ sốt:
Nước sắc liên kiều dùng với liều 4g/kg bằng đường uống thí nghiệm trên thỏ gây sốt thực nghiệm, có tác đụng hạ sốt rõ rệt, thân nhiệt sau khi hồi phục bình thường còn có thể tiếp tuc giảm xuống dưới mức bình thường.
7. Tác dụng chống nôn:
Nước sắc liên kiều dùng bằng đường uống thí nghiệm trên bồ câu, có tác dụng ức chế nôn do tiêm tĩnh mạch chế phẩm digitalis gây nên, trên chế ức chế nôn do tiêm dưới da apomorphin gây nên. Tác dụng ức chế nôn tương đương với tác dụng của chlorpromazin sau khi dùng thuốc 2 giờ.
8. Tác dụng lợi tiểu:
Dịch tiêm chế từ liên kiều (100%) dùng với liều 0,25 g/kg, tiêm tĩnh mạch cho chó gây mê, có tác dụng lợi tiểu rõ rệt, sau khi dùng thuốc 30,60 phút, lượng nước tiểu tăng gấp 2,2 và 1,6 lần so với đối chứng.
7. Tác dụng đối với tim mạch:
Acid oleanolic chiết tách từ liên kiều có tác dụng cường tim nhẹ. Dịch tiêm chế từ liên kiều dùng với liều 0,25 g/kg tiêm tĩnh mạch cho chó gây mê, có tác dụng hạ huyết áp, dùng vói liều 0,5 g/kg tiêm tĩnh mạch cho thỏ gây mê thì huyết áp hạ rất nhanh, nhưng không ảnh hưỏng đến hô hấp, dùng nhiều lần không có hiện tượng quen thuốc. 8. Tác dụng khác: Các chất pinoresinol và pinoresinol glucosid đã được chứng minh có tác dụng ức chế men C.AMP phosphodiesterase. Các chất này có mối liên quan chặt chẽ giữa cấu trúc và tác dụng, ương các chất tương tự pinoresinol thì cấu trúc của 2 vòng benzen là rất quan trọng đối với tác dụng gây ức chế trên. Dạng cao chiết bằng chloroform từ quả liên kiều cũng có tác đụng ức chế men phosphodiesterase. Các chất caffeoylglycosid có tác dụng ức chế sự hình thành acid 5 - hydroxy - 6, 8, 11, 14 - eicosatetraenoic từ acid arachidonic trong các tế bào ở xoang bụng chuột cống trắng. Thành phần B chiết từ liên kiều, acid oleanolic và acid ursolic (có trong liên kiều) thí nghiệm trên mô hìah gây tổn thương gan thực nghiệm bằng tetrachlorur carbon, đêu có tác dụng làm giảm sự tăng cao của men transaminase.
Tính vị:
Vị đắng, hơi chua, không độc và có tính mát/hàn.
Qui kinh:
Vị, Thận, Phế, Tâm, Đởm, Can, Tam tiêu, Đại trường và Bàng quang.
Công năng:
Thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, tán kết.
Công dụng:
Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, tràng nhạc, ban sởi. Cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh mới phát, sốt cao bứt rứt khát nước, phát ban, tiểu đỏ nóng, bí tiểu tiện.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 6 -12g, dạng sắc hoặc hoàn tán phối hợp với các vị thuốc khác.
Bào chế:
Loại bỏ tạp chất và cành, sát cho nứt quả, bỏ hạt, sàng bỏ lõi, phơi hay sấy khô.
Bài thuốc:
1. Chữa bệnh nhiễm như viêm họng, viêm amidan: sưng đỏ, đau dùng bài Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều biện) gồm Liên kiều, Kim ngân hoa, Cát cánh, Bạc hà, Trúc diệp, Cam thảo, Kinh giới, Đạm đậu xị, Ngưu bàng tử có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Hoặc dùng các bài thuốc sau:
+ Ngưu bàng giải cơ thang (Thương khoa tâm đắc tập): Ngưu bàng tử 12g, Liên kiều 12g, Kinh giới 12g, Bạc hà 8g (cho sau), Chi tử 8g, Đơn bì 8g, Thạch hộc 12g, Huyền sâm 12g, Hạ khô thảo 12g sắc uống.
+ Chứng ngoại cảm phong nhiệt: đau đầu, gáy cứng, họng sưng đau trị rất tốt: Liên kiều 12g, Kim ngân hoa 12g, Đại thanh diệp 16g, Bản lam căn 16g, Bạc hà 8g, Kinh giới 8g (Cho sau), sắc uống.
2. Chữa mụn nhọt, đơn độc, ban chẩn: có thể dùng các bài thuốc trên hoặc các bài sau:
+ Liên kiều, Bồ công anh, Kim ngân hoa mỗi thứ 12g, Cúc hoa dại 12g, sắc uống. Đối với nhọt to sưng tấy dùng các vị thuốc tươi trong bài giã đắp ngoài. Có thể dùng chữa ban chẩn dị ứng.
3. Chữa lao hạch: dùng bài:
+ Liên kiều, Hạ khô thảo, Huyền sâm mỗi thứ 12g, Mẫu lệ 20g, sắc uống.
+ Liên kiều, Mè đen mỗi thứ 100 - 150g, tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 4 - 8g, ngày 2 lần.
4. Chữa viêm cầu thận cấp, lao thận: Mỗi ngày dùng Liên kiều 30g, cho nước vừa đủ sắc nhỏ lửa còn 150ml, chia 3 lần trong ngày uống trước bữa ăn, trẻ em giảm liều, uống liên tục trong 5 - 10 ngày. Kiêng ăn mặn và cay (Báo Y dược Giang tây 1961,7:18).
5. Trị ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Liên kiều 30g, gia nước vừa đủ sắc, còn 150ml chia 3 lần trong ngày uống trước bữa ăn (Trung y Quảng đông 1960,10:469).
6. Chữa hạc tất phong, đầu gối sưng đau, đi lại khó khăn: Liên kiều, Phòng phong, Kinh giới (sao), Đương quy, Tang phiêu tiêu (sao nước muối) mỗi vị 9g; Ba kích thiên (sao nước muối) 15g; Xuyên khung (sao), Ngưu tất, mỗi vị 4,5g; Thông bạch (nõn hành) 10cm. Sắc nước uống (Liên kiều tiêu thũng thang).
7. Chữa loa lịch không tiêu và bệnh lao hạch: Dùng cù mạch, liên kiều, quỷ tiễn vũ và chích thảo bằng lượng nhau. Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng 8g với nước cơm. Ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi bệnh.
8. Chữa trẻ nhỏ bị nhiệt: Dùng phòng phong, sơn chi tử, liên kiều và chích thảo bằng lượng nhau. Đem các dược liệu tán bột, mỗi lần sử dụng 8g sắc với 1 chén nước. Sắc đến khi nước còn 7 phân, đem lọc bã và uống khi còn ấm.
9. Chữa vú có hạch, đau nhức: Dùng hùng thử phân, xuyên bối mẫu, liên kiều và bồ công anh mỗi thứ 8g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
10. Chữa vú sưng: Dùng bồ công anh 12g, bồ kết thích 4g, liên kiều 16g với kim ngân hoa 5g. Đem sắc với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia thành 3 lần uống.
11. Chữa ban xuất huyết: Sắc liên kiều 30g với một ít nước, còn lại 150ml. Chia thành 3 lần uống, dùng trước bữa ăn và uống hết trong ngày.
12. Chữa tà khí ở Phế, khát nước vào sáng sớm, thái âm ôn bệnh mới phát và sốt nhưng không sợ lạnh: Dùng kim ngân hoa 40g, bạc hà 24g, trúc diệp 16g, kinh giới tuệ 16g, ngưu bàng tử 24g, liên kiều 40g, khổ cát cánh 24g, cam thảo sống 20g, đạm đậu xị 20g. Đem các dược liệu tán thành bột, mỗi lần dùng 24g uống chung với nước sắc vi căn tươi.
Kiêng kỵ:
Tỳ vị hư yếu, phân lỏng, âm hư, nội nhiệt, nhọt đã vỡ không dùng.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza
- Công dụng của cây A kê - Blighia sapida
- Công dụng của cây Âm địa quyết - Botrychium ternatum
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata
- Cây Hài nhi cúc - Aster indicus L. chữa viêm tinh hoàn
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus