Logo Website

LONG NÃO-nguồn nguyên liệu giàu camphor, linalol và cineol

20/10/2020
Cây Long não có Tên khoa học: Cinnamomum camphora (L.) J.Presl, họ Long não (Lauraceae).Công dụng: Lá Long não có thể nấu nước xông chữa cảm. Tinh dầu có tác dụng trị bỏng, xua muỗi, tẩy uế, chế dầu cao xoa bóp. Camphor dùng ngoài làm thuốc sát trùng, tiêu viêm, dùng trong dưới dạng thuốc tiêm (Dung dịch camphor 10-20% trong dầu) chữa truỵ tim. Cây long não còn làm cây bóng mát, có tán rộng, lá xanh tốt quanh năm, ngoài ra lá có khả năng hấp thụ các ion kim loại nặng (như chì) làm sạch môi trường. Lá cây long não có thể khai thác quanh năm là nguồn nguyên liệu giàu camphor, linalol và cineol.

LONG NÃO (龍 腦)

Long não Cinnamomum camphora

Long não: Cinnamomum camphora (L.) J.Presl; weeds.brisbane.qld.gov.au and tokyonaturalist.com

Tên khác: 

Dã hương, Rã hương, Chương não, Triều não, Não tử, Mạy khảo khuông (Tày), Cà chăng điẳng (Dao), Camphor tree (Anh), laurier à camphre (Pháp).

Tên khoa học: 

Cinnamomum camphora (L.) J.Presl, họ Long não (Lauraceae). 

Tên đồng nghĩa

Camphora camphora (L.) H.Karst.; Camphora hahnemannii Lukman.; Camphora hippocratei Lukman.; Camphora officinarum Nees; Camphora officinarum var. glaucescens A.Braun; Camphora vera Raf.; Camphorina camphora (L.) Farw.; Cinnamomum camphora var. cyclophyllum Nakai; Cinnamomum camphora var. glaucescens (A.Br.) Meisn.; Cinnamomum camphora var. hosyo (Hatus.) J.C.Liao; Cinnamomum camphora var. linaloolifera Y.Fujita; Cinnamomum camphora f. linaloolifera (Y.Fujita) Sugim.; Cinnamomum camphora f. parvifolia Miq.; Cinnamomum camphora var. rotundifolia Makino; Cinnamomum camphoriferumSt.-Lag.; Cinnamomum camphoroides Hayata; Cinnamomum nominale (Hats. & Hayata) Hayata; Cinnamomum officinarum Nees ex Steud.; Laurus camphora L.; Laurus camphorifera Salisb.; Laurus gracilis G.Don; Laurus sumatrensis J.F.Gmel.; Persea camfora (L.) Spreng.; Persea camphora (L.) Spreng.

Mô tả:

Cây gỗ, cao đến 15m, vỏ thân dày nứt nẻ. Tán lá rộng. Lá mọc so le có cuống dài, ở kẽ gân chính và gân 2 bên nổi lên 2 tuyến nhỏ. Hoa nhỏ màu vàng lục mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả mọng khi chín có màu đen.

Vị thuốc Long não là một chất rắn kết tinh màu trắng hay trong suốt giống như sáp với mùi thơm hăng mạnh đặc trưng.

Bộ phận dùng: 

Gỗ (Lignum Cinnamomi Camphorae) thường gọi tên là Chương mộc, Lá, cành và quả.

Phân bố, sinh thái:

Long não có nguồn gốc ở Nhật Bảa và Trung Quốc; hiện được trồng rộng rãi ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và á nhiệt đới châu Á, nhu Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Philippin, Indonesia, Malaysia, Sri Lanca, và cả Australia để lấy gỗ, làm cây bóng mát và cất tinh dầu làm thuốc.

Ở Việt Nam, long não được ưồng từ lâu đời. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 19, người Pháp mới tiến hành trồng nhiều cây này à các đô thị, xung quanh các dinh thự. Ở Ba Vì, cây được trồng thành rừng, ở thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, vẫn còn những cây long não lớn, ước tính đến trên 100 năm tuổi, ở Đài Loan và Nhật Bản có những cây long não có tuổi thọ từ 1200 đến 1400 năm.

Long não là loại cây gỗ lớn, ưa khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới hay á nhiệt đới. Cây sống được trên nhiều loại đất, thường hơi rụng lá vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân; lá non xuất hiện đổng loạt vào cuối mùa xuân; Ra hoa quả nhiều, Quả chín vào mùa thu, sau khi rụng, có thể tổn tại 4 - 6 tháng mới nảy mầm. Long não còn có khả năng tái sinh cây chồi sau khi chặt. Cây chồi rẽ và cành cũng là nguồn cây giống để trồng.

Trồng trọt:

Long não được trồng nhiều ỏ các tỉnh phía bắc từ Trung Bộ trở ra.

Trồng long não bằng hạt, gieo trong vườn ươm hoặc trong bầu, sau đó đánh cây con đi trồng. Hạt gieo vào tháng 2-3, đến mùa xuân năm sau, khi cây cao 0,5 - 1,5 m đánh đi trồng. Hạt long não có thể bảo quản qua một năm vẫn mọc tốt. Khi trồng, đào hố có kích thước 50 X 50 X 50 cm, bón lót 10 - 15 kg phân chuồng rồi đặt cây, lấp đất và tưới nước. Khoảng cách trồng thường từ 7 đến 10 m. Có nơi trồng dày hơn, khoảng 5 m. Thời gian đầu, thỉnh thoảng làm cỏ, xới xáo, bón thêm phân, về sau không cần chăm sóc. Cây không có sâu bệnh đáng kể.

Gần đây, người ta phát hiện cây long não trồng bằng hạt bị phân ly khá lớn về mặt hóa học. Tinh dầu của những cây trồng từ hạt lấy từ cùng một cây mẹ có thành phần rất khác nhau. Cần nghiên cứu biện pháp nhân vô tính để có thành phần tinh dầu ổn định.

Thu hái, sơ chế:

Thường khai thác gỗ những cây đã già (trên 25 tuổi). Lá có thể khai thác quanh năm.

Sau khi thu hoạch, tiến hành cất gỗ, rễ, lá cây Lõng não để thu tinh dầu và tinh thể Băng phiến. Các bào chế vị thuốc Long não như sau:

Cách 1: Cắt nhỏ cành cây, cành lá và rễ để chưng cất, thu về Băng phiến thô. Sau đó thăng hoa tinh chế thêm một lần nữa để thu bột Băng phiến tinh chế. Cho bột tinh chế vào khuôn để thu về những khối Long não ở thể rắn.

Cách 2: Cắt nhỏ cành, thân, rễ mang đi cất với nước sạch để thu được tinh dầu Long não. (theo Dược Liệu Việt Nam).

Cách 3: Ngâm Dã hương với cồn 600 theo tỷ lệ 1:1 sẽ thu về dung dịch ngâm Dã hương, dùng để xoa bóp ngoài da (theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Ngoài ra, ở Trung Quốc và Nhật Bản có thể dùng lá, cành để đun sôi, dùng xông giải cảm.

Bảo quản:

Long não sau khi cất, nén viên cần bảo quản trong lọ kín, tránh để tiếp xúc với không khí. Có thể cho thêm Đăng tâm để không làm mất mùi hương.

Thành phần hoá học: 

Tinh dầu.

+ Gỗ của cây long não trưởng thành có chứa 4,4% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là camphor (64,1%), ngoài ra còn có cineol, terpineol, safrol, nerolidol. Hàm lượng tinh dầu trong gỗ giảm dần từ gốc lên ngọn.

+ Lá có chứa 1,3% tinh dầu, trong đó camphor chiếm 81,5%, ngoài ra cineol (4,9%). Trong công nghiệp khi cất long não, thường thu được phần đặc (long não) và phần lỏng (tinh dầu long não). DĐVN qui đinh hàm lượng camphor trong tinh dầu long não không dưới 35%.

Tác dụng dược lý:

1. Long não có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, tăng cường hô hấp và tuần hoàn, nhất là trung khu thần kinh đang ở trạng thái ức chế thì tác dụng càng rõ. Cơ chế tác dụng là lúc chích dưới da thuốc kích thích tại chỗ gây phản xạ hưng phấn.

2.  Liều thường dùng không có tác dụng đối với cơ tim, liều cao chỉ khi nào gây suy tim thuốc mới có tác dụng hưng phấn. Đối với trung khu mạch máu chỉ khi nào chức năng suy kiệt mới có tác dụng hưng phấn.

3.  Bôi vào da, thuốc gây cảm giác mát do thuốc kích thích vào thụ thể cảm giác lạnh và có tác dụng giảm đau, giảm ngứa, gây tê nhẹ, chống thối.

4.  Thuốc có tác dụng kích thích đường ruột gây cảm giác ấm áp dễ chịu đối với bao tử, liều cao gây buồn nôn, nôn.

5.  Long não được hấp thu dễ nhanh qua da niêm mạc bất kỳ nơi nào trên cơ thể kể cả niêm mạc bao tử. Thuốc bị oxy hóa ở gan thành thành campherenol, sau đó qua chuyển hóa kết hợp với glucoronic và bài tiết ra nước tiểu.

6.   Đối với hệ tuần hoàn: long não đã được sử dụng như một thuốc kích thích tim, có tác dụng trong trường hợp suy tuần hoàn hoặc suy tim cấp (có một số tác giả còn hoài nghi tác dụng này của long não). Thuốc không có tác dụng cường tim kiểu digitalis hoặc adrenalin. Trên cơ tữa bình thường, thuốc không có tác dụng, chỉ khi tạo nên trạng thái suy tim, long não mới có tác dụng kích thích. Đối vối trung khu vận mạch, khi bị ức chế mạnh long não có tác dụng gây hưng phấn làm cho các mạch máu nội tạng co bóp, huyết áp tăng cao. Trong cơ thể động vật, long não tạo thành một chất chuyển hóa tan trong nước, có tác dụng cường tim rõ rệt, làm tăng huyết áp và kích thích hô hấp.

7. Chuyển hóa trong cơ thể: long não được hấp thu dễ dàng qua niêm mạc da và bắp thịt; uống cũng được hấp thu nhanh chóng; chuyển hóa ở gan và bài tiết qua nước tiểu.

8. Độc tính của thuốc: Liều uống 0,5 - 1g có thể gây hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, cảm giác nóng, gây kích thích, nói sảng, uống trên 2g dẫn đến yên tĩnh nhất thời và tiếp theo là vỏ não bị kích thích gây co giật, cuối cùng suy hô hấp và tử vong. Uống 7 - 15g và chích bắp 4g gây chết. Cấp cứu chủ yếu là điều trị triệu chứng, vì thuốc được cơ thể giải độc nhanh và thường được cứu sống.

Tính vị:

Vị cay, tính nóng, chứa độc.

Quy kinh:

Vào tinh Tâm, Tỳ.

Công năng: 

Có tác dụng khư phong thấp, thông kinh lạc, chỉ thống tiêu thực, làm long đờm, lợi trung tiện, chống đầy hơi, làm ra mồ hôi, trừ lỵ. Dầu từ gỗ có tác dụng tiêu viêm, giải độc.

Công dụng:

+ Lá Long não có thể nấu nước xông chữa cảm. Tinh dầu có tác dụng trị bỏng, xua muỗi, tẩy uế, chế dầu cao xoa bóp. Camphor dùng ngoài làm thuốc sát trùng, tiêu viêm, dùng trong dưới dạng thuốc tiêm (Dung dịch camphor 10-20% trong dầu) chữa truỵ tim.

+ Cây long não còn làm cây bóng mát, có tán rộng, lá xanh tốt quanh năm, ngoài ra lá có khả năng hấp thụ các ion kim loại nặng (như chì) làm sạch môi trường. Lá cây long não có thể khai thác quanh năm là nguồn nguyên liệu giàu camphor, linalol và cineol.

Cách dùng, liều lượng: 

Dùng rễ, thân 15-30g, quả 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài giã lá tươi và cành nhỏ để đắp ngoài hoặc nấu nước rửa. Người ta dùng rễ, gỗ cất tinh dầu dùng tiêm có tác dụng hồi sức tim, chữa truỵ tim, dùng thuốc viêm dầu long não hoặc natri camphosulfonat. Dùng uống chữa đau bụng, sốt, viêm họng, liệt dương. Dùng ngoài sát khuẩn, tiêu viêm, giảm đau, trị mụn lở ngứa, đau dây thần kinh, thấp khớp, tê dại; dùng long não pha cồn 10% để xoa bóp.

Bài thuốc: 

Dùng bột Long não phối hợp với các vị thuốc sau

1. Chữa hắc lào: 

Long lão đặc 12g, rễ bạch hạc 10g, chanh 1 quả. Rễ bạch hạc giã nhỏ trộn với dịch chanh và long não. Bôi hàng ngày.

2. Chữa bong gân, chấn thương, sai khớp: 

Dùng dạng cao dán gồm long não đặc, tinh dầu hồi, ngải cứu, cúc tần, quế, menthol.

3. Chữa hôi nách: 

Long não đặc 0,4g, gừng sống một miếng, giã nát trộn đều, xoa vào nách ngày vài lần.

4. Chữa viêm họng, ho đờm khò khè: 

Long não đặc 1,5g, phèn chua 7g. Tất cả tán nhỏ, hòa tan trong ít cồn, rồi thêm nước ấm cho được 30ml. Khi dùng lấy tăm bông tẩm thuốc bôi vào họng, ngày làm vài lần.

5. Chữa tiêu chảy thể hàn: 

Long não đặc 25g, gừng tươi 25g, đại hoàng 20g, quế 10g, đại hồi 10g. Tất cả tán nhỏ, ngâm trong rượu 70o để được 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25-30 giọt hoà với nước nguội (Biệt dược tế chúng thủy).

6. Phòng trị chứng loét do đồ lót (tã lót) nằm lâu:

Long não, Não sa mỗi thứ 2g, trường hợp chưa lóet, dùng cồn 75%, 200ml chế thành tinctura bôi vào. Nếu đã lóet, dùng cao mềm Hoàng liên tố phối hợp thuốc bôi ngoài.

7. Trị hậu môn thấp chẩn lở ngứa: 

Long não, Minh phàn đều 2g, Mang tiêu 20g, hòa vào nước sôi 600ml đợi ấm ngâm đít vào 10 phút, ngày 2 lần.

8. Chữa chàm ở chân bội nhiễm hoặc loét: 

Long não 3g Đậu hủ ( đậu phụ 2 miếng) trộn nát đắp ngoài.

9. Chữa giun kim: 

Long não 1g, Hắc bạch sữu 3g, Binh lang ( hạt cau) 6g, tất cả tán bột mịn. Trước lúc ngủ, lấy nước sôi 100ml, hòa thuốc đợi ấm 30 độ C, lấy bơm chích hút thuốc bơm vào đít, liên tục 3 - 5 lượt kết quả tốt (Tào Mỹ Hoa, Tạp chí Trung y dược Thượng hải 1985, 5:34).

10. Chữa trẻ em ghẻ lỡ ngứa: 

Long não, Hoa tiêu, Mè đen lượng đủ bôi, tán bột mịn trộn với vaselin bôi.

11. Chữa răng sâu đau: 

Long não, Chu sa lượng như nhau tán bột mịn bôi răng đau.

12.Chữa đau khớp do bong gân: 

Dầu Long não, Long não, dầu Tùng tiết, trộn bôi chỗ đau.

13. Chữa đau bụng do uế khí do sa chứng:

Dùng (Chương não) Dã hương, Minh nhũ hương, Một dược, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 0.01 g với nước trà. (Chương Não Tán – Trường Sơn Lôi Phương).

14. Chữa hậu môn lở ngứa:

Băng phiến, Minh phàn, mỗi vị 2 g, Mang tiêu 20 g, hòa với 600 ml nước sôi. Đợi đến khi còn ấm, dùng ngâm mông 10 phút, mỗi ngày 2 lần (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Kiêng kỵ:

Cơ thể khí âm hư có sốt không uống. Thuốc có độc phải hết sức thận trọng, không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ nhỏ. Thuốc kỵ lửa.

Không phải là chân hàn và người thấp nhiệt không được dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org