MỘC HƯƠNG-Chữa cảm lạnh khí trệ, thượng vị trướng đau, lỵ, ỉa chảy
MỘC HƯƠNG (木香)
Radix Saussureae
Mộc hương: Saussurea costus (Falc.) Lipsch., họ Cúc (Asteraceae); Ảnh amazon.com and indiamart.com
Tên khác:
Vân mộc hương, Quảng mộc hương, Ngũ mộc hương.
Tên khoa học:
Saussurea costus (Falc.) Lipsch., họ Cúc (Asteraceae).
Tên đồng nghĩa:
Aplotaxis lappa Decne.; Aucklandia costus Falc.; Aucklandia lappa Decne.; Saussurea lappa (Decne.) Sch.Bip.; Theodorea costus Kuntze
Mô tả:
Cây:
Cây thảo sống lâu năm, rễ mập. Thân hình trụ rỗng, cao 1,5-2m. Vỏ ngoài màu nâu nhạt. Lá mọc so le; phiến chia thùy không đều ở phía cuống, dài 12-30cm, rộng 6-15cm, mép khía răng, có lông ở cả hai mặt nhất là ở mặt dưới; cuống lá dài 20-30cm. Các lá ở trên thân nhỏ dần và cuống cũng ngắn dần, lá trên ngọn hầu như không cuống; hầu như ôm lấy thân. Cụm hoa hình đầu, màu lam tím. Quả bế hơi dẹt, màu nâu nhạt lẫn những đốm màu tím.
Dược liệu:
Rễ hình trụ tròn hoặc hình chuỳ, dài 5 - 15 cm, đường kính 0,5 - 5 cm. Mặt ngoài màu vàng nâu đến nâu nhạt. Phần lớn lớp bần đã được loại đi, đôi khi còn sót lại một ít. Có vết nhăn và rãnh dọc khá rõ, đôi khi có vết của rễ cạnh. Chất cứng rắn, khó bẻ, vết bẻ không phẳng, màu vàng nâu hoặc nâu xám. Có mùi thơm hắc
Bộ phận dùng:
Dược liệu là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Mộc hương (Radix Saussureae).
Phân bố, sinh thái:
Vân mộc hương có nguồn gốc ở vùng núi phía bắc Ấn Độ (Jammu và Kashmư) và Nepal. Cây mọc tự nhiên trên các bãi cỏ trong thung lũng và sưòn núi, ở độ cao từ 1500 - 3300m. Từ thế kỷ 13 cây được nhập vào Trung Quốc và Nhật Bản. Ngay ở Ấn Độ, do khai thác quá nhiều, nên năm 1920, Vân mộc hương đã bắt đầu gây trồng. Hiện nay, Trung Quốc là nước trồng nhiều vân mộc hương nhất, rồi đến Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Cây được nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 70 và được trồng thử ở Sa Pa, sau phát triển ở Bắc Hà (Lào Cai); Sìn Hồ (Lai Châu); Phó Bảng (Hà Giang). Đến năm 1978, Viện Dược liệu đưa cây giống vân mộc hương vào Đà Lạt (Lâm Đồng). Cho đến nay chỉ có Sa Pa là nơi sản xuất vân mộc hương duy nhất ở Việt Nam.
Vân mộc hương là cây ôn đới, thích nghi với điều kiện khí hậu mát và ẩm. Nhiệt độ tối thích cho cây sinh trưởng và phát triển là 14 - 20°C, về mùa đông, cây có thể tồn tại ở mức dưới 0°C. Lượng mưa trung bình năm từ 1100 - 3000 mm. Vân mộc hương ở Sa Pa đã sinh trưởng, phát triển tốt ở nhiệt độ trung bình từ 14 - 15°C; lượng mưa 2800 mm/năm. Cây ưa sáng, sinh trưởng mạnh trong mùa xuân- hè; ra hoa quả nhiều vào cuối mùa thu. về mùa đông, phần trên mặt đất có thể bị tàn lụi.
Phần lớn dược liệu ở nước ta còn phải nhập.
Trồng trọt:
Vân mộc hương ưa khí hậu lạnh mát, được trồng chủ yếu ở các vùng cao thuộc Lào Cai, Lai Châu và Lâm Đồng.
Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt có thể gieo 2 vụ trong một năm.Vụ xuân gieo tháng 2-3, thu hoạch tháng 12 cùng năm. Vụ thu gieo tháng 9-10, thu hoạch vào tháng 12 năm sau. Hạt giống được thu từ cây hai năm: vào tháng 8 - 9, hái quả chín, phơi trong râm cho khô, tách lấy hạt để làm giống.
Phương pháp trồng chủ yếu là gieo thẳng. Trồng cây con, rễ củ phân nhánh nhiều, kém giá trị. Đất trồng cần cày bừa kỹ, để ải, đập nhỏ, lên luống cao 25 - 30 cm, rộng 70cm để trồng 2 hàng. Bổ hốc vói khoảng cách 40 x 40 cm, trộn đều phân lót vào hốc với lượng 20 - 25 tấn phân chuồng mục, 250 kg supe lân, 100 kg kali cho một hecta. Mỗi hốc gieo 3 - 5 hạt. Chú ý tránh để hạt tiếp xúc trực tiếp với phân bằng cách phủ một lớp đất mỏng lên mặt hốc rồi mơí gieo hạt. Gieo xong, phủ đất mỏng, tưói ẩm. Không cần phủ rơm rác vì dễ bị giun đùn mất hạt. Khi cây có 3 - 4 lá thật, cần tỉa bớt, chỉ giữ lại mỗi hốc một cây khoẻ nhất. Cây tỉa ra có thể dùng để giặm hoặc trồng tận dụng sang ruộng mói.
Thường xuyên làm cỏ, giữ ẩm, tỉa bỏ lá già, tưói thúc bằng nước phân chuồng (15 ngày/ lần) cho đến khi cây ngừng sinh trưởng. Nếu thu hạt, khi cây ra hoa, cần bón thúc thêm một đợt nữa để nuôi quả.
Vân mộc hương thường bị bệnh đốm nâu lá và lở cổ rễ. Ngoài ra, còn có sâu xám và rệp gây hại.
Củ thu hoạch vào tháng 12, đập sạch đất, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.
Hiện nay, vân mộc hương ra hoa sám, củ nhỏ, cần nghiên cứu thêm để phục tráng giống.
Thu hái, sơ chế:
Thời gian thu hái thích hợp là vào mùa đông. Đào lấy rễ, rửa sạch, bỏ rễ con và thân lá còn sót lại hoặc bỏ cả vỏ ngoài (lớp bần) rồi cắt thành khúc dài 5 - 15 cm, phơi trong bóng râm hoặc sấy ở nhiệt độ thấp đến khô.
Bào chế:
Lấy rễ ngâm nước sau đó vớt ra. Đem ủ trên vải ướt, khi nước ngấm vào, rễ mềm đem đi thái phiến, dùng sống hoặc phơi khô, hoặc trộn với bột mì bọc lại và đem nước lên dùng dần (nguồn Đông Dược Học Thiết Yếu).
Rửa sạch rễ, đem phơi trong râm cho khô, sau đó thái mỏng, tán bột để dùng dần. Khi dùng cho phiến mỏng vào thuốc đã sắc, khuấy đều và uống. Hoặc có thể mài và trộn với nước thuốc đã sắc (nguồn Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
Bọc bột và nước chín (nguồn Bản Thảo Cương Mục).
Bảo quản:
Dược liệu dễ bị mốc do đó cần để nơi khô thoáng và kín. Tránh để nơi nhiệt độ cao hoặc phơi nhiều vì có thể làm mất mùi thơm đặc trưng.
Tác dụng dược lý:
+ Trên thực nghiệm, Mộc hương có tác dụng chống co thắt cơ ruột trực tiếp làm giảm nhu động ruột. Thuốc có tác dụng kháng Histamin và acetylcholine, chống co thắt phế quản, trực tiếp làm giãn cơ trơn của phế quản.
+ Nồng độ tinh dầu 1:3.000 có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng và trắng sinh trưởng.
+ Tinh dầu vân mộc hương có tác dụng ức chế nhu động ruột, gây thư giãn. Cao toàn phần tinh dầu đã khử lacton và dihydrocostunolid, các phân đoạn lacton và dihydrocostunolid đều ức chế sự co thắt hồi tràng cô lập chuột lang gây bởi acetylcholin, histamin và bari clorid. Vân mộc hương gây trung tiện mạnh. Hầu hết các phân đoạn của tinh dầu đều có tác dụng làm giảm sự co thắt phế quản gây bởi khí dung histamin và acetylcholin trên chuột lang, Saussurin là alcaloid làm giãn cơ trơn, đặc biệt với cơ trơn phế quản và làm dịu cơn hen. Nó gây giãn các tiểu phế quản ở động vật thí nghiêm tương tự như adrenalin, nhưng tác dụng không mạnh bằng adrenalin và xuất hiện chậm hơn, nhưng tồn tại trong thời gian dài hơn. Tác dụng chủ yếu thông qua trung tâm phế vị ở tuỷ sống, tuy tác dụng trực tiếp trên sợi cơ trơn của tiểu phế quản cũng tham gia một phần. Cũng có tác dụng ức chế chung trên những cơ trơn khác.
Trên chuột nhắt trắng gây loét dạ dày bằng cách ngâm chuột trong nước, phân đoạn chiết với aceton của vân mộc hương cho uống có tác dụng chống loét rõ rệt, trong đó phân đoạn costunolid có tác dụng chống loét mạnh nhất. Trên chuột cống trắng, cao aceton vân mộc hương có tác dụng lợi mật đáng kể, trong 5 phân đoạn của cao này, costunolid có tác dụng mạnh nhất. Tinh dầu vân mộc hương được hấp thụ qua đường tiêu hoá, bài tiết một phần qua phổi gây tác dụng long đờm và một phần qua thận gây tác dụng lợi tiểu. Vân mộc hương có tác dụng giảm đau trên chuột nhắt trắng gây cơn quặn đau bằng tiêm phúc mạc dung dịch acid acetic 1%. Có tác dụng chống viêm trên chuột cống trắng trong hai mô hình thực nghiệm: gây phù bàn chân với kaolin và gây u hạt thực nghiệm với amian; đồng thòi có hoạt tính gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non.
Vân mộc hương có tác dụng hiệp đồng, làm kéo dài thời gian của giấc ngủ gây bởi natri barbital, chứng tỏ dược liệu có tác dụng an thần. LD50 của vân mộc hương trên chuột nhắt trắng bằng đường uống là 327,5 g/kg thể trọng. Những thành phần bay hơi trong tinh dầu có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương. Hít khói của bột vân mộc hương gây ức chế rõ rệt hệ thần kinh trung ương. Tiêm tinh dầu cho độngvật thí nghiệm gây giãn mạch ở vùng nội tạng và kích thích tuần hoàn. Tinh dầu loại bỏ thành phần lacton có tác dụng giảm huyết áp. Một số phân đoạn lacton từ tinh dầu như lacton toàn phần, costunolid, dihydrocostunolid, và dihydro costus lacton có tác dụng giảm huyết áp yếu hơn. Tinh dầu vân mộc hương còn có tác dụng diệt côn trùng.
Trong nhiều thử nghiệm lâm sàng, nhiều bài thuốc có vân mộc hương phối hợp với các dược liệu khác, đã thể hiện có hiệu quả tốt trong điều trị các chứng bệnh tiêu chảy trẻ em và người lớn, lỵ trực khuẩn và lỵ amíp, viêm đại tràng mạn tính thể co thắt, rối loạn tiêu hoá kéo dài, viêm đại tràng mạn tính thể phân nát có máu, suy nhược thần kinh, đái tháo đường. Vân mộc hướng được cho bệnh nhân đái tháo đường uống với liều hàng ngày 500 mg cho mỗi bệnh nhân dưới dạng nước sắc trong 30 ngày, đã tỏ ra có hiệu lực điều trị đái tháo đường và không gây tác dụng phụ.
Vân mộc hương có tác dụng bảo vệ chống độc lực của nọc rắn, nâng cao tỷ lệ sống hoặc kéo dài thời gian cầm cự cho chuột nhắt trắng được tiêm nọc rắn mang bành. Vân mộc hương có trong thành phần chế phẩm thuốc chữa sỏi mật bào chế từ 6 dược liệu. Thuốc này có tác dụng làm mòn sỏi mật in vitro, và tác dụng lợi mật in vivo trên chuột lang; có tác dụng chống viêm trong các mô hình gây phù bàn chân với caragenin và gây u hạt thực nghiệm với amỉan trên chuột cống trắng và có tác dụng bảo vệ gan chống lại nhiễm độc gan do carbon tetraclorid. Cao chiết với dung môi hữu cơ của vân mộc hương có hoạt tính gây đột biến ở chủng Salmonella typhimurium TA98.
Thành phần hoá học:
Trong rễ có tinh dầu 0,3-3%, saussurin (alkaloid), innulin và chất nhựa. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu có: Aplotaxene, anpha-Ionone, beta-seline, saussurea-lacton, costunolid, acidcostic, anpha-costen, costuslacton, Camphen, phellandren, dehydrocostuslacton, stigmasterol, betulin.
Tính vị:
Vị đắng, chua, tính ấm.
Qui kinh:
Vị, Đại trường, Đởm, Tỳ.
Công năng:
Hành khí, chỉ thống, kiện tỳ, hòa vị, khai uất, giải độc, lợi tiểu.
Công dụng:
Cảm lạnh khí trệ, thượng vị trướng đau, lỵ, ỉa chảy, nôn mửa, tiểu tiện bí tắc, đầy bụng không tiêu, không muốn ăn, đau dạ dày.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 4 - 6g dạng thuốc sắc hoặc bột.
Bài thuốc:
1. Chữa lỵ mạn tính:
Mộc hương, Hoàng liên bằng nhau, tán bột làm viên, mỗi lần uống 0,2-0,5g, uống ngày 2-3 lần.
2. Chữa tiêu chảy (viên nén Mộc hương):
Mỗi viên có bột Vân Mộc hương đã xử lý 50mg, gelotanuin 70mg. Liều uống mỗi lần 6 viên, ngày 3 lần. Trẻ em tùy theo tuổi.
3. Chữa tiêu chảy trẻ em do tích trệ thức ăn:
Vân mộc hương, Bạch truật, Mạch nha, Chỉ thực, Hoàng liên, Sơn tra, Trần bì, Thần khúc, mỗi vị 12g; Liên kiều, Sa nhân, La bạc tử, mỗi vị 8g. Tán nhỏ làm viên. Ngày uống 4-8g.
4. Chữa lỵ cấp tính:
+ Vân mộc hương 8g, Hoàng liên 20g; Khổ sâm, Bạch thược, mỗi vị 12g; Chỉ xác 8g, Cam thảo 4g. Tán bột, làm viên hoàn. Ngày uống 10-20g.
+ Vân mộc hương 6g, Kim ngân hoa 20g; Hoàng cầm, Hoàng liên, mỗi vị 12g; Bạch thược, Đương quy mỗi vị 8g; Binh lang, Cam thảo, mỗi vị 6g; Đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.
5. Chữa viêm đại tràng mãn tính thể co thắt, rối loạn tiêu hóa kéo dài:
Vân mộc hương 6g, Bạch truật, Hoài sơn, Ỹ dĩ, Phòng đẳng sâm, mỗi vị 12g; Phụ tử chế 8g, Can khương, Chỉ thực, Thương truật, mỗi vị 6g; Xuyên tiêu, Nhục quế, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang.
6. Chữa viêm đại tràng mạn tính do amip co cơ tái phát cấp diễn:
Vân mộc hương, Bạch truật, Phòng đẳng sâm, Ý dĩ, mỗi vị 12 g; Hoàng bá, Hoàng liên, Uất kim, Xuyên khung, mỗi vị 8g; Chỉ thực 6g. Sắc uống ngày một thang.
7. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng:
Vân mộc hương 6g; Đương quy, Bạch thược, Phục linh, Kỷ tử, Đại táo, mỗi vị 12g; Xuyên khung 10g; A giao, Táo nhân, mỗi vị 8g; Ngũ vị tử, Trần bì, mỗi vị 6g; Gừng 2g. Sắc uống ngày một thang.
8. Chữa cấm khẩu, bất tỉnh, mắt nhắm như trúng phong:
Dùng mộc hương tán bột, đem hòa với nước hạt bí đao và uống.
9. Chữa tai bỗng nhiên ù, điếc:
Dùng mộc hương 40g đem ngâm giấm trong 1 đêm, thêm một ít dầu mè và đun sôi 3 lần. Lọc bỏ bã và nhỏ hỗn dịch vào tai 2 – 3 giọt/ lần.
10. Chữa tiểu đục:
Dùng mộc dược, mộc hương bằng lượng nhau, đem tán bột và làm viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên với nước muối.
11. Chữa bụng đau, bụng đầy do hàn thấp trở trệ ở trường vị:
Dùng mộc hương, đàn hương, bạch đậu khấu, cam thảo mỗi thứ 4g, đinh hương 2g, hoắc hương 12g, sa nhân 6g đem sắc uống.
12. Chữa táo bón, ruột viêm cấp, lỵ, bụng đầy, bụng đau do khí trệ:
Dùng mộc hương, ngô thù, mỗi thứ 4g, hương phụ, khiên ngưu, binh lang, đại hàng, mang tiêu mỗi thứ 12g, trần bì, nga truật, thanh bì, chỉ xác, tam lăng mỗi thứ 8g sắc nước.
13. Chữa cơn đau thắt túi mật:
Dùng nước sắc mộc hương uống đến khi triệu chứng dứt điểm.
14. Trị đầy hơi:
Dùng mộc hương tán bột. Nếu nhiệt uống với sữa bò, ngược lại nếu hàn uống với rượu.
15. Chữa sán khí:
Đem mộc hương 160g nấu với nước, mỗi ngày dùng 3 lần.
16. Chữa lưng đau, khí trệ:
Dùng nhũ hương, mộc hương mỗi thứ 8g đem ngâm rượu. Sau đó hấp vào nồi cơm trong sôi và uống.
17. Trị đau trong tai:
Dùng mộc hương tán bột, sau đó lấy củ hành nhúng mỡ ngan, chấm bột mộc hương và nhét vào lỗ tai.
18. Trường phong hạ huyết:
Dùng hoàng liên, mộc hương bằng lượng nhau, đem đi tán bột. Sau đó cho vào ruột già của heo, buột chặt, đem nấu nhừ. Sau khi chín, bỏ bã thuốc chỉ ăn ruột heo.
19. Phòng hôi nách:
Đem mộc hương ngâm giấm, tán bột và xát vào nách.
Kiêng kỵ:
Các chứng bệnh do khí yếu hoặc huyết hư mà táo thì không dùng. Kỵ nóng, lửa.
Ghi chú:
Mộc hương nam là vỏ cây Rụt (Ilex sp.), họ Nhựa ruồi (Aquifoliaceae), mọc hoang ở các vùng núi nước ta.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza