Logo Website

MỘC QUA-Chữa đau nhức khớp, chân tay co quắp

11/11/2020
Cây Môc qua có tên khoa học: Chaenomeles speciosa (Sweet) Nakai, họ Hoa hồng (Rosaceae). Công dụng: Chữa đau nhức khớp, chân tay co quắp, đầu gối đau nhức, ê ẩm, nặng nề, hoắc loạn, nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút, cước khí, phù thũng

MỘC QUA (木瓜)

Fructus Chaenomelis speciosae

Mộc qua Chaenomeles speciosa

Mộc qua: Chaenomeles speciosa (Sweet) Nakai, họ Hoa hồng (Rosaceae); Ảnh balkep.org and tcmwiki.com

Tên khác: 

Thiếp ngạnh Hải đường, Tây mộc qua, Common flowering quince (Anh).

Tên khoa học: 

Chaenomeles speciosa (Sweet) Nakai, họ Hoa hồng (Rosaceae).

Tên đồng nghĩa

Chaenomeles cardinalis (CarriŠre) Nakai; Chaenomeles eburnea (CarriŠre) Nakai; Chaenomeles japonica var. cardinalis CarriŠre; Chaenomeles japonica var. eburnea CarriŠre; Chaenomeles japonica var. genuina Maxim.; Chaenomeles lagenaria (Loisel.) Koidz.; Cydonia japonica auct.; Cydonia japonica var. lagenaria (Loisel.) Makino; Cydonia lagenaria Loisel.; Cydonia speciosa Sweet

Mô tả: 

Cây: 

Cây bụi nhỏ, cao 2-3m. Thân cành nhẵn, có gai dài và nhiều bì khổng. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình mác, dài 3-9cm, rộng 2-5cm, gốc hình nêm, đầu nhọn, mép khía răng nhỏ, mặt trên mầu lục, mặt dưới thường mầu tím nhạt, khi non có lông; cuống lá dài 0,5-1,5cm; lá kèm có răng cưa nhỏ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, gồm 3-5 hoa mầu đỏ tươi, nở trước khi cây ra lá, có cuống mập dài khoảng 3mm; đài có ống ngắn hình chuông, 5 răng nhọn; tràng 5 cánh hình tròn; nhị 45-50; bầu 5 lá noãn. Quả thịt hình trứng, dài 6-8 cm, rộng 3-4 cm, nhẵn, khi chín mầu vàng hoặc vàng lục, rất thơm. Mùa hoa: tháng 3-4; mùa quả: tháng 6-10.

Dược liệu: 

Quả thuôn dài, bổ dọc thành hai nửa đối nhau, dài 4 - 9 cm, rộng 2 - 5 cm, dày 1 - 2,5 cm. Mặt ngoài màu đỏ tía hoặc nâu đỏ, có nếp nhăn sâu, không đều; mép mặt bổ cong vào phía trong, cùi quả màu nâu đỏ, phần giữa lõm xuống, màu vàng nâu, hạt dẹt hình tam giác dài, thường rơi ra ngoài; mặt ngoài nhẵn bóng. Chất cứng, mùi thơm ngát, vị chua, hơi chát.

Bộ phận dùng: 

Dược liệu là quả chín, bổ dọc phơi khô của cây Mộc qua (Fructus Chaenomelis lagenariae).

Phân bố: 

Mộc qua hiện nay còn phải nhập của Trung Quốc, ở đây cây được trồng ở Hà Nam, Giang Tô, An Huy, Sơn Đông, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Tứ Xuyên. Xem vậy ta thấy những vùng nước ta giáp giới với tỉnh Quảng Đông có thể có khả năng trồng được. Loại mộc qua của Tứ Xuyên nhiều và được xem như tốt nhất.

Dược liệu còn phải nhập của Trung quốc.

Thu hái, sơ chế

Thu hoạch vào mùa hè hoặc mùa thu. Hái lấy quả vàng lục, luộc 5 phút cho đến khi vỏ ngoài có màu trắng xám thì vớt ra, phơi đến khi vỏ ngoài có nếp nhăn, bổ đôi theo chiều dọc, phơi tiếp đến khô.

Bào chế: 

Mộc qua khô, rửa sạch, ủ mềm hoặc đồ kỹ rồi thái lát mỏng, phơi khô.

Bảo quản

Dược liệu cần để ở nơi khô, tránh ẩm và mốc mọt.

Thành phần hoá học: 

Saponin (2%), flavonoid, acid hữu cơ, tanin: cyanidin, idacin, chrysanthemin, calistaphin, pelagonidin và lonicerin. 

Tác dụng dược lý:

- Chống oxy hóa:

Các chất chiết xuất từ mộc qua có khả năng chống oxy hóa mạnh. Trong những nghiên cứu gần đây, hợp chất quercetin trong mộc qua có khả năng loại bỏ các gốc tự do và oxit nitơ. Ngoài ra, hàm lượng flavonoid cao trong mộc qua có tác dụng làm chống oxy hóa mạnh hơn so với vitamin C.

- Kháng viêm, giảm đau:

Các hợp chất ester, polysaccharide chiết xuất từ mộc qua có khả năng kháng viêm mạnh, điều hòa miễn dịch, giảm đau và giảm chứng khó tiêu.

Ngoài ra, mộc qua đã được sử dụng trong điều trị Viêm khớp dạng thấp do khả năng kháng viêm, giảm đau. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại Những điều cần biết về thuốc kháng viêm methylprednisolone (Depo-Medrol) 

- Chống xơ vữa động mạch:

Mộc qua có tác dụng chống xơ vữa động mạch do khả năng chống oxy hóa mạnh và giảm nồng độ cholesterol trong máu.

- Chống ung thư và điều hòa miễn dịch:

Các nghiên cứu trên chuột cho thấy các polysaccharide trong mộc qua có tác dụng ức chế tăng sinh tế bào ung thư, điều hòa miễn dịch. Ngoài ra, các hợp chất axit trong mộc qua có tác dụng ức chế hoạt động của một số tế bào ung thư cũng như tăng cường đáp ứng miễn dịch.

- Trị tiêu chảy:

Các axit hữu cơ (acid betulinic, oleanolic và ursolic) có khả năng hỗ trợ điều trị tiêu chảy nhờ tác dụng kháng khuẩn mạnh và giảm đau.

- Điều trị đái tháo đường:

Thành  phần polysaccharid và flavonoid có liên quan đến khả năng ức chế α-Glucosidase của mộc qua giúp làm giảm lượng đường trong máu.

- Kháng virus:

Nghiên cứu cho thấy axit oleanolic có trong mộc qua có tác dụng ức chế sự nhân lên của bộ gen virus viêm gan B.

- Tác dụng bảo vệ gan:

Thí nghiệm trên chuột cống trắng gây tổn thương gan bằng tetrachlorua carbon, dịch chiết mộc qua 10% dùng với liều 5 - 6 ml/chuột cho thẳng vào dạ dày, trong 10 ngày liên tiếp, có tác dụng giảm nhẹ mức độ hoại tử và nhiễm mỡ của tế bào gan, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của tế bào gan và làm giảm rõ rệt hoạt độ của men SGPT.

- Ngoài ra, chiết xuất từ mộc qua chứa chất chống oxy hóa mạnh có khả năng chữa bệnh cúm gia cầm.

Tính vị

Vị chua chát (sáp) tính hơi ôn.

Quy kinh:

Tỳ, vị, can, phế.

Công năng: 

Bình can, thư cân, hoà vị, hoá thấp, điều hoà tỳ khí.

Công dụng: 

Chữa đau nhức khớp, chân tay co quắp, đầu gối đau nhức, ê ẩm, nặng nề, hoắc loạn, nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút,  cước khí,  phù thũng

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 6 - 12g dạng thuốc sắc thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc:

1. Chữa chứng tê thấp cước khí, hoặc do chấn thương đau cẳng chân:

+ Mộc qua 40g, Ngũ gia bì 40g, Uy linh tiên 20g, tán bột mịn. Mỗi lần uống 10g, uống với rượu càng tốt.

+ Rượu Hổ cốt - Mộc qua (Dược điển Trung quốc 1963): Xương Hổ chế 40g, Xuyên Ngưu tất, Đương qui, Thiên ma, Ngũ gia bì, Hồng hoa, Tục đoạn, Bạch gia căn, Ngọc trúc đều 40g, Tần giao, Phòng phong đều 20g, Tang chi 16g, Mộc qua 120g, Xuyên khung 40g. Tất cả 14 vị tán bột thô, ngâm vào 15 lít rượu trắng đậy kín, mỗi ngày khuấy 1 lần, sau 1 tuần thì mỗi tuần khuấy 1 lần. Một tháng sau lọc rượu, bã ép hết nước trộn vào rượu thuốc, cho dùng thêm đường phèn 1,3kg, hòa tan trong nước rồi trộn chung rượu đem lọc để dùng. Rượu thuốc trị được cả chứng chân tay co quắp, đau nhức, mắt méo xệch. Mỗi lần uống 20 - 40g, ngày 2 lần. Phụ nữ có thai không dùng.

+ Viên Hổ cốt - Mộc qua (Dược điển Trung quốc 1963): Xương Hổ chế, Mộc qua, Bạch chỉ, Hải phong đằng, Uy linh tiên, Xuyên khung, Đương quy, Thanh phong đằng đều 50g, Xuyên Ngưu tất 100g, Xuyên Ô chế, Thảo ô chế đều 25g, Đảng sâm 8g. Tất cả tán bột mịn trộn đều, dùng mật ong cô đặc làm hoàn nặng khoảng 10g mỗi hoàn. Mỗi lần uống 1 viên, ngày 2 lần với nước sôi nguội. Phụ nữ có thai không nên dùng.

2. Chữa viêm ruột cấp nôn mửa, cẳng chân co giật, ngực đầy tức: 

Mộc qua thang (Mộc qua 16g, Ngô thù 6g, Hồi hương, Sinh khương, Tía tô đều 6g sắc nước uống.

3. Chữa viêm gan cấp vàng da: 

Mộc qua chế thành dạng trà hãm nước sôi uống. Mỗi lần 1 - 2 gói, (mỗi gói có 5g thuốc sống tương đương), ngày 3 lần. (Tạp chí Trung y dược Phúc kiến 1987,2:14).

4. Trị lỵ trực khuẩn cấp: 

Mộc qua chế thành thuốc viên, mỗi lần uống 5 viên (mỗi viên 0,25 tương đương thuốc sống 1,13g), ngày 3 lần, một liệu trình 5 - 7 ngày. (Tạp chí Y học Trung hoa 1984,11:689).

5. Chữa thổ tả không ngừng: 

Mộc qua 20g, Hồi hương 10g. Gừng khô 10g. Sắc nước uống (Lê Trần Đức).

6. Chữa xích bạch lỵ: 

Mộc qua, Xa tiền tử, Anh túc xác, lượng bằng nhau. Nghiền thành bột mỗi lần uống 6g với nước cháo (Trung dược Từ hải QI/772).

7. Trị hoắc loạn chuyển gân: 

Mộc qua 30g, rượu 1 lít, sắc uống. Nếu không uông được rượu thì sắc với nước uống. Ngoài ra nấu Mộc qua lấy nước ngâm chân (Thánh Huệ Phương).

8. Chữa tạng Thận hư hàn, khí công lên bụng, sườn, chướng đầy, đau: 

Mộc qua to 30 trái, bóc bỏ vỏ và hạt (rỗng ruột). Lấy bột Cam cúc hoa, bột Thanh diêm đều 480g. nấu chung cho nhừ thành cao. Cho vào 480g Ngải nhung, trộn thành cao, làm thành viên, to như hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên, ngày 2 lần (Thánh Tế Tổng Lục).

9. Chữa gáy cứng, gân co rút không thể cử động được, đó là do tạng Thận và Can bị phong:

Mộc qua 2 quả, khoét bỏ lõi, hột, lấy 60g Một dược, 7,5g Nhũ hương, trộn đều, cho vào trong quả Mộc qua, buộc chặt, hấp trong nồi cơm 3-4 lần, rồi nghiền nát thành cao. Mỗi lần dùng 9g, sắc với 100ml nước Sinh địa và 400ml rượu, uống nóng (Bản Sự Phương).

10. Chữa trĩ hoa sen: 

Mộc qua tán nhuyễn, hoà với nhớt trên thân con Lươn, bôi vào, lấy giấy băng lại (Y Lâm Tập Yếu).

11. Chữa gân chân co rút gây đau: 

Mộc qua vài quả, lấy rượu và nước đều một nửa, nấu nhừ thành cao. Lúc còn âm ấm, đắp lên chỗ đau, buộc lại, khi nguội lại thay miếng khác.mỗi ngày 3-5 lần (Thực Liệu Bản Thảo).

12. Chữa thổ tả không cầm, chân tay co rút, ngực bứt rứt khó chịu: 

Mộc qua, Hồi hương, Ngô thù du, Cam thảo. Tán bột. Lấy Sinh khương, Tử tô, sắc lấy nước uống với thuốc bột (Đông Dược Học Thiết Yếu).

13. Chữa viêm gan cấp, vàng da: 

Mộc qua chế thành dạng trà hãm nước sôi uống. Mỗi lần 1~2 bao, (mỗi bao có 5g thuốc sống tương đương), ngày 3 lần. Đặng Trí Mẫn trị 70 ca có kết quả tốt (Phúc Kiến Trung Y Dược 1987, 2 : 14).

14. Chữa đau dạ dày: 

Mộc qua 20g, ngô thù 8g, hồi hương 8g, gừng tươi 8g, tía tô 8g. Sắc uống. Trị viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính, nôn mửa, tiêu chảy, co thắt cơ ruột gây nôn.

15. Món ăn thuốc có mộc qua:

Lươn hầm mộc qua: mộc qua 12g, lươn 200g, rau bí ngô 50g; hành, gừng tươi và gia vị thích hợp. Lươn làm sạch cắt đoạn, mộc qua rau bí dùng vải xô gói lại, thêm gừng hành tươi; hầm chín, cho gia vị vừa ăn, ăn khi nóng. Ngày 1 lần. Dùng 5 – 7 ngày là một liệu trình. Thích hợp cho người bị chảy mủ tai, đầy bụng tiêu chảy.

Cháo mộc qua: mộc qua 20g, gạo 50g. Nấu mộc qua với 200ml nước còn 100ml, cho gạo và thêm 300ml nước nấu thành cháo loãng, thêm đường trắng vừa ăn, ăn nóng; ngày 2 – 3 lần. Dùng cho người bị tiêu chảy do nắng nóng ẩm thấp, co giật tay chân phù chân, các chứng phong hàn thấp tý.

Kiêng kỵ: 

Bí tiểu, trường vị tích nhiệt không nên dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org