MÓNG LƯNG RỒNG-Chữa trĩ xuất huyết
MÓNG LƯNG RỒNG
Móng lưng rồng: Selaginella tamariscina (P.Beauv.) Spring; Ảnh health.chinaabout.net
Tên khác:
Chân vịt, Quyển bá, Hồi sinh thảo, Trường sinh thảo, Thạch bá chi, Nhả nung ngựa, Vạn niên tùng, Hoàng dương thảo, Hồi sinh thảo, Trường sinh thảo, Cải tử hoàn thảo, Linh chi thảo...
Tên khoa học:
Selaginella tamariscina (P.Beauv.) Spring, họ Quyển bá (Selaginellaceae).
Tên đồng nghĩa:
Lycopodioides tamariscina (P.Beauv.) H.S.Kung; Lycopodium caulescens Wall. ex Hook. & Grev.; Lycopodium involvens Sw.; Lycopodium tamariscinum (P.Beauv.) Desv. ex Poir.; Selaginella caulescens(Wall. ex Hook. & Grev.) Spring; Selaginella involvens (Sw.) Spring; Selaginella tamariscina var. tamariscina;Selaginella veitchii W.R.McNab; Stachygynandrum tamariscinum P.Beauv.
Mô tả:
Cây thảo, mọc ở đất trong rừng râm mát, rễ phụ bám chắc vào các phiến đá. Sống lâu năm, cao 15-30cm. Thân đứng hoặc nằm, tròn, màu cánh gián, phân nhánh theo lối rẽ đôi. Rễ phụ từ gốc tỏa các nhánh đâm xuống đất. Lá nhiều, nhỏ, có lưỡi nhỏ. Có hai loại lá, lá ở mặt phẳng dưới thì mọc đối, trải ra hai bên, lá ở mặt phẳng trên thì hướng về phía trước. Lá hình trứng, đầu nhọn, mép lá có răng cưa thưa. Đầu các cành có bông sinh bào tử cấu tạo bởi các lá đặc biệt, gọi là lá bào tử mang túi bào tử một ô. Có hai loại túi bào tử, túi bào tử nhỏ (đực) đựng bào tử nhỏ và túi bào tử to, đựng bào tử to (cái).
Bộ phận dùng:
Toàn cây.
Phân bố:
Loài quyển bá trường sinh lại ưa sáng, chịu hạn tốt, thường mọc bám trên đá hay đất khô cằn lẫn nhiều sỏi đá. Cây phân bố chủ yếu ở một số vùng đồi và núi thấp thuộc các tỉnh ven biển, nhất là ở Trung Bộ như Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận... Cây cũng phân bố ở Trung Quốc và đảo Hải Nam.
Thu hái, sơ chế:
Thu hái quanh năm, có thể dùng cây khô hoặc tươi đều được. Hái toàn cây về đem cắt bỏ hết rễ con, có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp để dùng. Có nhiều trường hợp, cần sao vàng toàn tính rồi mới sử dụng tùy thuộc vào mục đích.
Bảo quản:
Dược liệu nếu đã được sơ chế thì cần cho vào túi kín để bảo quả ở những nơi khô mát, đề phòng mối mọt, ẩm mốc.
Thành phần hoá học:
Flavonoid: cryptomerin B, amentoflavon, isocrytomerin, hinokiflavon và các chất khác như lutein, cholesterol.
Tác dụng dược lý:
- Nghiên cứu cho thấy 1 trong những flanovoid hoạt động giống như 1 phương thuốc có tiềm năng cho 1 số bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng.
- Một nghiên cứu cho thấy, biflavonoid, amentoflavon trong cây trường sinh thảo có thể giúp thư giản những cơ trơn qua lớp nội mạc. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào oxide nitric cGMP truyền tín hiệu, cùng với sự tham gia của kênh Kalium K và Calcium Ca.
- Một số thành phần trong dược liệu gây ra lập trình tự hủy apoptose cho những tế bào HL-60, đồng thời còn có vai trò quan trọng với quá trình viêm cũng như quá trình tự hủy tế bào và hoại tử.
- Dịch chiết cây trường sinh thảo mặc dù không thể ngăn chặn sự hình thành khối u ác tính, nhưng lại cung cấp mạnh sự ức chế sự tăng trưởng ung bướu của khối u.
- Tác dụng trên tế bào ung thư dòng P388 và MKN 45: Toàn cây quyển bá chiết bằng methanol rồi cô được cao đặc. Từ cao methanol, chiết bằng cloroform, ethyl acetat hoặc n-butanol sẽ được các chất chiết, rồi thử trên tế bào ung thư dòng P388 và MKN 45 in vitro. Sau đó xác định số tế bào chết bằng phương pháp nhuộm màu với tetrazolium, những tế bào chết sẽ bắt màu. Kết quả thấy cả ba chất chiết đều làm giảm số tế bào sống so với lô đối chứng.
- Từ phân đoạn chiết bằng ethyl acetat, đã tách ra được chất flavon và đã xác định là amentoflavon. Chất này có tác dụng ức chế tỷ lệ sống của tế bào P388 phụ thuộc vào liều dùng, nhưng không ức chế rõ trên tế bào MKN 45.
Tính vị:
Vị cay, tính bình.
Quy kinh:
Chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận.
Công năng:
Dùng sống có tác dụng hoạt huyết, sao lại chỉ huyết (cầm máu)
Công dụng:
Chữa ho ra máu, nôn ra máu. Chữa bỏng lửa, váng đầu hoa mắt, vàng da.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 20-30g dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột.
Bài thuốc:
1. Chữa ho ra máu, nôn ra máu, đái ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt quá nhiều: Móng lưng rồng 30g, Long nha thảo 25g. Sắc uống, ngày một thang.
2. Chữa trĩ xuất huyết: Móng lưng rồng 15g, nấu sôi, chắt lấy nước uống trong ngày thay trà.
3. Chữa viêm gan cấp tính: Móng lưng rồng 30g; Mộc thông, Ngưu tất mỗi vị 20g. Sắc uống trong ngày.
4. Chữa bỏng lửa: Móng lưng rồng khô, tán bột, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp lên vết bỏng. Cứ 2-3 giờ thay thuốc một lần.
5. Hỗ trợ điều trị ung thư phổi, ung thư mũi họng: Móng lưng rồng 20-80g nấu với thịt lợn nạc, ăn cả cái cả nước. Ngày một lần, dùng vài tháng (Kinh nghiệm của Trung Quốc).
6. Chữa đau thoái hóa đốt sống cổ - vai (từ C1-C7), đau nhức vùng thắt lưng, thoái hóa cột sống cùng lưng (L4-L5-S1...), nhức mỏi toàn thân, viêm khớp xương bả vai, đau dây thần kinh tọa, viêm xoang, đau đầu, tiết dịch mũi... Cách dùng: Móng lưng rồng khô 30g sao thơm rồi hãm nước sôi uống thay trà, thời gian dùng có thể kéo dài hàng tháng.
7. Chữa ung thư mũi họng, ung thư phổi: 20 – 80g trường sinh thảo, 2 – 3 quả táo tàu cùng 1 lượng thịt lợn vừa đủ. Cách tiến hành: Các nguyên liệu trên cho hết vào nồi rồi nấu thật nhừ. Cần ăn cả cái và nước. Cần duy trì đều đặn mỗi ngày 1 lần trong vòng vài tháng.
6. Chữa viêm gan truyền nhiễm:
Nguyên liệu: 20g trường sinh thảo, 30g tạc tương thảo, 30g địa nhĩ thảo cùng 30g hài nhi cúc (toàn cây).
Cách tiến hành: Các vị thuốc trên đem cho hết vào ấm, thêm 800ml nước. Sắc lấy 300ml, lọc bỏ phần bã. Chia đều uống 3 lần trong ngày với liều dùng 1 thang/ngày.
Kiêng kỵ:
Phụ nữ có thai không được dùng.
Chú ý:
Ngoài ra: Quyển bá tràng chim (Selaginella involvens (Sw.) Spring, S. caulescens (Wall.) spring), tên khác là quyển bá, giào bát; tên nước ngoài ; little clubmoss (Anh), sélaginelle (Pháp).
Loài quyển bá tràng chim phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào. Ở Việt Nam, cây mọc phổ biến ở các tỉnh vùng núi có độ cao 600 m trở lên (ở miền Bắc) và khoảng trên 800 m (ở miền Nam). Cây ưa bóng và ưa ẩm, thường mọc ở đất hay các khe đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm hoặc rừng núi đá vôi, tái sinh tự nhiên bằng bào tử và đẻ nhánh nhiêu ở gốc. Loài này gặp nhiều ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình...
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
- Đỗ Ngọc Bảo Trân, Lê Thị Mỹ Tiên, Đinh Minh Hiệp, Quách Ngô Diễm Phương. Khảo sát một số hoạt tính sinh học của cây Quyển bá Selaginella tamariscina (Beauv.) Spring. Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ, chuyên san khoa học tự nhiên tập 2 số 2. (2018)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum
- Công dụng của cây Cánh diều - Melanolepis multiglandulosa
- Công dụng của cây Sang sóc - Schima wallichii
- Công dụng của cây Tường anh - Parietaria micranta
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica