NGHỆ (Khương hoàng)
NGHỆ (Khương hoàng) (姜黄)
Rhizoma Curcumae longae
Nghệ vàng: Curcuma longa L.; Ảnh treefromseed.com, biaplant.ro and 123rf.com
Tên khác:
Khương hoàng, Uất kim, co hem, co khản mỉn (Thái), khinh lương (Tày).
Tên nước ngoài:
Common turmeric, long turmeric(Anh); safran des Indes (Pháp).
Tên khoa học:
Curcuma longa L., họ Gừng (Zingiberaceae).
Tên đồng nghĩa:
Amomum curcuma Jacq.; Curcuma brog Valeton; Curcuma domestica Valeton; Curcuma longa var. vanaharidra Velay., Pandrav., J.K.George & Varapr.; Curcuma ochrorhiza Valeton; Curcuma soloensisValeton; Curcuma tinctoria Guibourt; Kua domestica Medik.; Stissera curcuma Giseke; Stissera curcumaRaeusch.
Mô tả:
Cây:
Cây thảo, cao 0,6-1m. Thân rễ to, có ngấn, phân nhánh thành nhiều củ hình bầu dục, mầu vàng sẫm đến vàng đỏ, rất thơm. Lá mọc thẳng từ thân rễ, gốc thuôn hẹp, đầu hơi nhọn, dài 30-40cm, rộng 10-15cm, hai mặt nhẵn cùng mầu lục nhạt, mép nguyên uốn lượn, bẹ lá rộng và dài.
Cụm hoa hình trụ hoặc hình trứng đính trên một cán mập dài đến 20 cm, mọc từ giữa túm lá; lá bắc rời, mầu rất nhạt, những lá phía dưới mang hoa sinh sản, mầu lục hoặc trắng nhạt, những lá gần ngọn không mang hoa hẹp hơn và pha mầu đỏ hồng ở đầu lá; đài có 3 răng không đều; tràng có ống dài, cánh giữa dài hơn các cánh bên, mầu vàng; nhị có bao phấn có cựa do một phần lồi ra của trung đới ở các ô; nhị lép dài hơn bao phấn; cánh môi gần hình mắt chim, hơi chia 3 thùy; bầu có lông. Quả nang, 3 ô, mở bằng van; hạt có áo. Mua hoa quả; tháng 3-5.
Dược liệu:
Thân rễ hình trụ, thẳng hoặc hơi cong, đôi khi phân nhánh ngắn dạng chữ Y, dài 2 - 5 cm, đường kính 1 - 3 cm. Mặt ngoài màu xám nâu, nhăn nheo, có những vòng ngang sít nhau, đôi khi còn vết tích của các nhánh và rễ. Mặt cắt ngang thấy rõ 2 vùng vỏ và trụ giữa; trụ giữa chiếm gần 2/3 đường kính. Chất chắc và nặng. Mặt bẻ bóng, có màu vàng cam. Mùi thơm hắc, vị hơi đắng, hơi cay.
Phân bố:
Nghệ có nguồn gốc nguyên thủy có lẽ từ Ấn Độ. Từ thòi xa xưa, cây đã được trồng ở nhiều nơi về sau trở nên hoang dại, trước hết là ở Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8, cây được du nhập sang Đông Phi; đến thế kỷ 13, sang vùng Tây Phi và thế kỷ 18 người dân Jamaica mới tiếp xúc với cây nghệ. Ngày nay, nghệ là một cây trồng quen thuộc ở khắp các nước vùng nhiệt đới, từ Nam Á đến Đông - Nam Á và Đông Á (Trimuiti H. Wardini & Budi Prakoso, 1999, Curcuma L.; in L. s de Padua et al., PROSEA No 12 (1) - Med. and Poi. Pls, 216).
Ở Việt Nam, nghệ cũng được coi là một cây trồng cổ ở khắp các địa phương, từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi cao ưên 1500m. ở một số nơi thuộc huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang); Sn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu)... Chính loài nghệ này đã trở nên hoang dại hoá ở các ruộng ngô, nương rẫy.
Nghệ là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng; cây có biên độ sinh thái rộng, thích nghi được với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Từ nơi có khí hậu nhiệt đới điển hình, nhiệt độ trung bình đến 25 - 26°C ở các tỉnh phía nam (không có mùa đông lạnh) đến những nơi có khí hậu cận nhiệt đới núi cao phía bắc, nhiệt độ trung bình dưới 20°C, với mùa đông lạnh kéo dài nghệ vẫn tồn tại và sinh trưởng phát triển tốt. Toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi vào mùa đông ở các tỉnh phía bắc và mùa khô ở các tỉnh phía nam. Cây mọc lại vào giữa mùa xuân, có hoa sau khi đã ra lá. Hoa mọc trên những thân của những chồi năm trước. Những thân đã ra hoa thì năm sau không mọc lại nữa và phần thân rễ của chúng trở thành những "củ cái" già, sau 1 - 2 năm bị thối, cho những nhánh non nẩy chồi thành các cá thể mới. Trên một cụm hoa, các hoa phía gốc nở trước và thời gian hoa nở kéo dài 3 - 4ngày. Hoa tự thụ phấn hoặc nhờ cô trùng. Nghệ có trữ lượng khá dồi dào ở Việt Nam. Bên cạnh nguồn cung cấp do trồng trong nhân dân, một số địa phương phía bắc, nghệ mọc hoang daị hoá ước tính trữ lượng tới 1000 tấn. Người dân tộc H' Mông, Dao, Hoa.... cho biết nghệ mọc hoang tràn lan ở ruộng ngô hiện nay là do trồng trọt còn sót lại, toàn bộ phần thân lá và củ già khi tàn lụi là nguồn phân bón cho ngô. Vì vậy, trong quá trình canh tác, họ không loại bỏ nghệ ra khỏi ruộng ngô.
Cách trồng:
Nghệ được trồng phổ biến ở nhiều nơi, vừa làm gia vị vừa làm thuốc. Cây không kén đất, ưa ẩm, chịu bóng nhưng không chịu được úng. Những nơi có khí hậu nóng hoặc vùng mát mẻ quanh năm đều thích hợp cho việc trồng nghệ, về mùa đông, cây tàn lụi, sang xuân lại tái sinh.
Người ta trồng nghệ bằng rễ củ. Sau khi thu hoạch, chọn những củ to, khoẻ, có nhiều nhánh mang mầm để riêng nơi râm mát. Trước khi trồng, tách lấy những nhánh mầm, nặng trên dưới l0g để làm giống. Một hecta cần chừng 1 - 1,5 tấn mầm giống.
Ở Việt Nam, nghệ thường được trồng vào cuối tháng 2 đến hết tháng 3. Chọn đất thịt nhẹ, đất pha cát hoặc đất đồi, cao ráo, thoát nước. Đất được cày bừa kỹ, đập nhỏ, vơ sạch cỏ, ở đất bằng, cần lên thành luống, ở đất dốc, có thể trồng thành lô. Khoảng cách trồng là 25 X 30cm hoặc 30 X 30cm.
Mật độ cây trồng và phân bón có liên quan mật thiết đến năng suất nghệ. Mỗi hecta cần đảm bảo trồng 110.000 - 115.000 cây, bón 20 - 25 tấn phân chuong, 250 - 300kg N, 200 - 300kg P2O5và 100 - 150 kg K2O. Phân chuồng, phân lân, 1/3 phân đạm và 1/3 phân kali bón lót. Số phân đạm và kali còn lại dùng để bón thúc vào các thòi kỳ cây ra mầm và phát triển thân lá. Có thể dùng nước phân chuồng, nước giải và tro để thay thế một phần phân đạm và kali.
Sau khi đặt mầm, lấp đất sâu 3 - 5 cm và phủ rơm rạ, tưới giữ ẩm. Lúc cây còn nhỏ, cần làm cỏ, xới xáo 2- 3 lần. Cây đã lớn có thể lấn át cỏ dại. Trong suốt quá trình sinh trưởng, giữ cho đất luôn ẩm nhưng phải tháo nước kịp thời sau khi mưa ngập.
Nghệ sống khoẻ, ít bị sâu bệnh phá hoại, cần đề phòng bệnh thối củ khi bị úng.
Nghệ thu hoạch vào mùa đồng khi thân lá tàn lụi. Có thể để 2 năm, nhưng không nên thu vào lúc cây ra mầm. Năng suất trung bình đạt 11 - 12 tấn củ tươi một hecta.
Thu hái, sơ chế:
Thân rễ được thu hái vào tháng 8 và 9, cắt bỏ rễ để riêng. Muốn để lâu, người ta hấp nghệ trong 6-12 giờ, để ráo nước rồi đem phơi nắng hay sấy khô. Ngoài ra, có thể chế biến nghệ dưới dạng bột mịn, phơi khô. Đây là dạng dược liệu được sử dụng phổ biến nhất.
Bào chế:
Nghệ vàng được sử dụng để làm gia vị món ăn hoặc bào chế thuốc dưới dạng bột, viên nén.
Bảo quản:
Nghệ vàng sau khi phơi hoặc sấy khô thì đem đi bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và nơi có độ ẩm cao.
Bộ phận dùng:
Thân rễ phơi hay sấy khô của cây Nghệ (Rhizoma Curcumae longae).
Thành phần hoá học:
Tinh dầu (tumerol, zingiberen, limonen, cineol, terpinen, linalool, borneol, D-beta-phellandren, D-sabinen, zingeren...), curcumin (chất mầu).
Thành phần hóa học quan trọng nhất của thân Nghệ là curcuminoid (6%), là thành phần tạo màu vàng cho Nghệ. Trong đó lượng curcumin chiếm khoảng 70-80% khối lượng. Trong thân rễ Nghệ còn chứa tinh dầu (2-7%) với các thành phần chính là artumeron, zingberen, borneol.
Curcuminoid là những dẫn xuất diarylheptan bao gồm: curcumin, demetoxycurcumin, bisdemetoxycurcumin. Gần đây còn tìm thấy có một ít cyclocurcumin. Lượng curcumin trong bột nghệ khoảng 3-6%. Hỗn hợp curcuminoid khoảng 77% curcumin (cur), 17% demetoxycurcumin (DMC), 3% bisdemetoxycurcumin (BDMC).
Ngoài ra, còn có những thành phần với hàm lượng thấp hơn như demetoxycurcumin, bisdemetoxycurcumin, dihydrocurcumin, phytosterol, các acid béo và polysaccharid.
Tác dụng dược lý:
1. Chống oxy hóa:
Các tổn thương do quá trình oxy hóa được cho là một trong những cơ chế đằng sau sự lão hóa và nhiều bệnh tật. Nó liên quan đến các gốc tự do. Các gốc tự do này có xu hướng phản ứng với các chất hữu cơ quan trọng, chẳng hạn như axit béo, protein hoặc DNA.
Đây là lý do chính, cho thấy chất chống oxy hóa rất có lợi. Chúng bảo vệ cơ thể bạn khỏi các gốc tự do.
Curcumin là một chất chống oxy hóa mạnh có trong Nghệ, có thể vô hiệu hóa các gốc tự do do cấu trúc hóa học của nó. Ngoài ra, chất curcumin giúp tăng cường hoạt động của các enzyme chống oxy hóa của chính cơ thể bạn.
Bằng cách đó, curcumin có khả năng chống lại các gốc tự do. Nó trung hòa các gốc tự do, sau đó kích thích sự bảo vệ chống oxy hóa của chính cơ thể bạn.
2. Chống viêm:
Phản ứng viêm là vô cùng quan trọng. Nó giúp cơ thể bạn chống lại những tác nhân gây bệnh bên ngoài và cũng có vai trò sửa chữa tổn thương bên trong cơ thể. Nếu không có phản ứng viêm thì cơ thể của chúng ta sẽ rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây bệnh.
Mặc dù, viêm cấp tính, ngắn hạn có lợi. Nhưng nó có thể trở thành một vấn đề lớn khi nó trở thành mãn tính và tấn công ngược lại cơ thể chúng ta.
Các nhà khoa học tin rằng, viêm mãn tính mức độ nhẹ đóng vai trò chính trong hầu hết các bệnh mãn tính. Điều này bao gồm bệnh tim mạch, ung thư, hội chứng chuyển hóa, Alzheimer và các tình trạng thoái hóa khác.
Do đó, bất cứ điều gì có thể giúp chống viêm mãn tính đều có tiềm năng quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh này.
Curcumin có trong Nghệ là chất chống viêm mạnh mẽ. Nó chặn NF-kB, một phân tử được cho là đóng vai trò chính trong nhiều bệnh mãn tính.
Trên thực tế, tính kháng viêm của Nghệ tương đương với hiệu quả của một số loại thuốc kháng viêm mà không có tác dụng phụ.
3. Bảo vệ thần kinh:
Một trong những nguyên nhân gây suy nhược thần kinh được biết đến là sự sụt giảm brain-derived neurotrophic factor (BDNF), tạm dịch là yếu tố dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não. Nhiều rối loạn phổ biến có liên quan đến việc giảm mức độ hormone này, bao gồm trầm cảm và bệnh Alzheimer.
Chất curcumin có thể làm tăng mức BDNF trong não. Bằng cách này, nó có thể có hiệu quả trong việc trì hoãn hoặc thậm chí đảo ngược nhiều bệnh não và giảm chức năng não liên quan đến tuổi tác.
Nó cũng có thể cải thiện trí nhớ. Điều này có vẻ hợp lý do tác động của nó đối với các mức BDNF. Tuy nhiên, các nghiên cứu có kiểm soát ở người là cần thiết để xác nhận điều này.
4. Bảo vệ tim mạch:
Có lẽ lợi ích chính của curcumin khi nói đến bệnh tim mạch là cải thiện chức năng của lớp nội mạc, đó là lớp lót của các mạch máu. Các rối loạn chức năng nội mô là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch. Nó còn liên quan đến việc không có khả năng điều hòa huyết áp, đông máu và nhiều yếu tố khác.
Trong một nghiên cứu cho thấy Curcumin có tác dụng bảo vệ tim mạch tương đương với thuốc Atorvastatin.
Ngoài ra, curcumin làm giảm viêm và oxy hóa, cũng đóng vai trò trong bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu ngẫu nhiên ở 121 bệnh nhân, đã phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, so sánh việc sử dụng giả dược và 4 g curcumin mỗi ngày, trước và sau phẫu thuật vài ngày. Kết quả nghiên cứu này cho thấy nhóm bệnh nhân sử dụng Curcumin đã giảm 65% nguy cơ bị các cơn đau tim trong bệnh viện.
Tóm lại, Curcumin, có trong Nghệ, có lợi trên một số yếu tố liên quan đến bệnh tim mạch. Nó cải thiện chức năng của nội mạc và chống viêm và chống oxy hóa mạnh.
5. Chống ung thư:
Một số nghiên cứu cho thấy Nghệ là một loại thảo dược có thể có lợi trong điều trị ung thư. Nó góp phần vào chết chu trình của các tế bào và giảm sự hình thành mạch máu mới và di căn của ung thư.
Có bằng chứng cho thấy, Nghệ có thể ngăn ngừa ung thư xảy ra ngay từ đầu. Đặc biệt là ung thư hệ thống tiêu hóa như ung thư đại trực tràng.
Trong một nghiên cứu kéo dài 30 ngày ở 44 người đàn ông bị tổn thương ở đại tràng có khả năng thành ung thư. 4g Curcumin mỗi ngày đã giảm 40% số lượng tổn thương.
Có thể nói, curcumin là giải pháp điều trị đầy hứa hẹn đối với một số bệnh ung thư.
6. Giảm sa sút trí tuệ:
Bệnh Alzheimer là thể bệnh phổ biến của sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu của chứng mất trí nhớ.
Nghệ được chứng minh có thể vượt qua hàng rào máu não. Nó giúp giảm tổn thương do viêm và tổn thương do oxy hóa trong bệnh Alzheimer. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy chất curcumin có thể giúp xóa các mảng amyloid, do tích tụ protein trong bệnh Alzheimer.
7. Giảm viêm khớp:
Một số nghiên cứu cho thấy, curcumin có trong Nghệ có tác dụng kháng viêm mạnh. Nó giúp làm giảm tình trạng viêm khớp và cải thiện các triệu chứng ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
8. Chống trầm cảm:
Curcumin đã cho thấy vai trò đầy hứa hẹn trong điều trị trầm cảm.
Trong một nghiên cứu ở 60 người bị trầm cảm được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm: nhóm điều trị với Prozac, nhóm điều trị với Nghệ và nhóm điều trị với Nghệ và Prozac. Kết quả sau 6 tuần, Nghệ giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm tương đương Prozac, thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, nhóm sử dụng kết hợp cả Nghệ và Prozac cho kết quả tốt nhất.
Có thể do Nghệ có tác dụng tăng yếu tố BDNF và các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine.
9. Nghệ làm chậm quá trình lão hóa:
Do quá trình oxy hóa và viêm được cho là có vai trò trong sự lão hóa. Curcumin có trong Nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa.
10. Nghệ làm đẹp da:
Nghệ chứa những chất có tác dụng tăng cường bảo vệ làn da của bạn. Nó làm cho làn da thêm sức sống và phòng chống các vết đỏ cũng như mụn trên mặt. Các chuyên gia khẳng định rằng Nghệ có tác dụng thanh lọc máu và làm thông thoáng cơ thể. Từ đó, nó giúp bạn có được một làn da khỏe mạnh và mềm mại hơn.
Tính vị:
Vị cay đắng, mùi thơm hắc, tính ấm.
Quy kinh:
Can và Tỳ.
Công năng:
Khương hoàng (Thân rễ nghệ có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ lên da non.
Uất kim (Rễ củ) có tác dụng hành khí, giải uất, lương huyết, phá ứ.
Công dụng:
Làm gia vị, chất mầu. Chữa huyết ứ, phụ nữ bế kinh, sau khi đẻ huyết xấu không ra hết, ứ huyết sưng đau, chấn thương tụ máu, chữa đau dạ dày, dùng ngoài chữa vết thương lâu lên da non, vết bỏng.
Thân rễ nghệ được dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ huyết, vùng ngực bụng trướng đau tức, đau liên sườn dưới, khó thở, sau khi đẻ máu xấu không ra, kết hòn cục đau bụng, bị đòn, ngã tổn thương máu ứ, viêm loét dạ dày, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da.
Rễ củ chữa khí huyết uất trệ, bụng sườn đau, thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu, nhiệt bệnh hôn mê. Dùng ngoài, chưa vết thương lâu lên da (giã giập bôi lên vết thương).
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 2 - 10g, dạng bột hay thuốc sắc. Nghệ tươi giã nhỏ vắt lấy nước bôi chỗ lở loét, vết bỏng.
Nghệ làm nguyên liệu chiết xuất curcumin làm chất nhuộm mầu để bao viên, có mầu vàng chanh sáng đẹp, mầu bền vững; nhuộm vàng thực phẩm, nhuộm len, tơ, nhuộm da, giấy.
Bài thuốc:
1. Chữa phụ nữ bị chứng uất sinh điên cuồng, kinh giản, lo sợ:
Bột nghệ 250g, Phèn chua 100g. Tán nhỏ, viên bằng hạt bắp. Mỗi lần uống 50 viên. Ngày 2 lần với nước chín.
2. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng:
Đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đau về đêm.
a- Nghệ 10g, Trần bì 10g, Bạch truật 10g, Khổ sâm 10g, Hương phụ 19g, Bồ công anh 10g, Ngải cứu 10g. Tán bột. Lần uống 5g. Ngày 2 lần.
b- Nghệ, Mộc hương, lá Khôi. Lượng bằng nhau. Tán bột. Sàng hoàn bằng hạt bắp. Lần dùng 10 viên. Ngày 2 lần.
c- Viên Hương nghệ: Nghệ vàng, Mai mực, Hương phụ, Cà độc dược. Tán bột, sàng hoàn bằng hạt bắp. Lần uống 10 viên. Ngày 2-3 lần.
d- Viên nghệ – mật ong: Chống viêm loét dạ dày, làm giảm tiết dịch vị, làm giảm độ acid của dịch vị, có tác dụng chống viêm, phụ nữ sau khi sanh uống để ngon ăn, chống nhiễm trùng, làm đẹp da, bổ phổi, trị vàng da …Công thức: Bột nghệ vàng 250g, Mật Ong 300ml. Làm mật viên, bằng hạt bắp. Lần dùng 10 – 30 viên. Ngày 2 lần.
3. Chữa viêm gan, suy gan, vàng da:
Nghệ vàng 5g, thuỷ xương bồ 5g, chi tử 5g, râu bắp hay rễ tranh 5g, nhân trần 5g, chó đẻ răng cưa 5g, hoàng liên 5g. Sắc uống ngày một thang.
4. Kem nghệ chữa bỏng:
Nghệ tươi 200g, củ ráy tươi 200g, dầu phộng 250 ml, dầu Mù u 50g, sáp ong 50g. Nghệ tươi và củ Ráy rửa sạch, bỏ vỏ, xắt nhỏ. Cho vào nấu trong dầu phộng, dầu Mù u cho sôi một lúc, vớt bỏ bã cho sáp ong vào, nấu cô lại thành cao. Bôi chữa bỏng. Đây là bài thuốc đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thuận Hải (Tỉnh Bình Thuận & tỉnh Ninh Thuận) áp dụng từ 1976 - 2005, để điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân bị bỏng.
5. Cao dán nhọt:
Nghệ 60g, củ Ráy 80g, dầu mè 80g (hay dầu dừa), nhựa Thông 40g, sáp ong 20g. (Có người thêm vỏ bưởi). Củ ráy và củ nghệ rửa sạch, gọt bỏ vỏ, giã thật nhuyễn. Cho vào nấu với dầu mè, nhựa thông cho sôi, vớt bỏ bã cho sáp ong vào nấu cô thành cao, để nguội, phết lên giấy bản dán vào mụn nhọt. Bài thuốc này được dân gian gọi là cao thuốc dán mát.
6. Chữa đau bụng kinh:
Nghệ 12g, Ích mẫu 12g, Sinh địa 12g, Hương phụ 12g, Thanh bì 6g, Xuyên khung 6g, Đào nhân 6g, Địa cốt bì 6g. Sắc uống trong ngày.
7. Trị chứng đau bụng, trướng bụng do ăn uống không tiêu:
Cách tiến hành: Dùng hương phụ, uất kim, sài hồ với lượng từ 9 – 12g. Có thể sắc lấy nước uống hoặc tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng 1 thang. Uống trước bữa ăn khoảng 1 – 2 tiếng.
8. Chữa viêm gan cấp tính do virus:
Cách tiến hành: Lấy khoảng 12g nghệ vàng, bồ công anh, nhân trần, bạch mao căn mỗi vị khoảng 40g, 16g chi tử, hoàng liên, đại hoàng mỗi vị 9g cho vào ấm. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang, chia thành 3 lần uống. Sử dụng thuốc trước bữa ăn, uống liền 3 – 4 tuần liên tiếp.
9. Hỗ trợ điều trị sỏi gan, sỏi mật:
Cách tiến hành: Chuẩn bị 10g đường phèn và 10g nghệ vàng. Đem 2 nguyên liệu này để tán thành bột. Hòa với nước uống mỗi ngày 1 lần, sử dụng trước bữa ăn. Nếu có mật gấu thì có thể gia thêm để làm tăng tác dụng của bài thuốc.
Chú ý:
- Phụ nữ có thai không dùng. Cơ thể suy nhược, không có ứ trệ, không nên dùng.
Nghệ có thể làm chậm quá trình đông máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu ở những người bị rối loạn đông máu. Nếu bạn có rối loạn đông máu hoặc sử dụng thuốc kháng đông thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn sử dụng.
- Nghệ có thể gây chảy máu trong và sau khi phẫu thuật. Ngừng sử dụng bột Nghệ ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 200
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Dưa chuột dại - Solena amplexicaulis
- Công dụng của cây Bọ mẩy hôi - Clerodendrum bungei
- Công dụng của cây Dương đài - Balanophora laxiflora
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis