XẠ ĐEN-Hỗ trợ điều trị ung thư bằng hóa chất, tia xạ
XẠ ĐEN
Xạ đen: Ehretia asperula Zoll. & Mor.; Ảnh baotoncaythuocnam.com
Tên khác:
Bách giải, Xạ đen cuống, Xạ cái, cây Dót, Su bao hou ke shu (Trung Quốc), cây bạch vạn hoa, cây đồng triều, đơn lá chè hoặc cây “ung thư” (dân tộc Mường, Việt nam)
Tên khoa học:
Ehretia asperula Zoll. & Mor., họ Vòi voi (Boraginaceae).
Tên đồng nghĩa:
Ehretia hanceana Hemsl.
Mô tả:
Cây bụi trườn, dài 3 - 5m hoặc hơn, cành non có lông mịn, sau nhẵn, màu nâu xám. Lá đơn, mọc so le, phiến lá nguyên, dai, không khía răng cưa, hình bầu dục, kích thước 3 - 12 x 2 - 6 cm, chóp lá tù hay có mũi nhọn, gốc tròn, có 4 - 6 đôi gân bên, hai mặt lá nhẵn, hay mặt dưới có lông dọc theo gân lá. Cuống lá dài 6 - 15mm. Cụm hoa là một xim ở đầu cành nhỏ, dài 4 - 5cm, đường kính 4 - 6cm, có lông mịn. Lá bắc hình dải đến hình ngọn giáo, dài 3 - 10mm, tồn tại. Hoa nhỏ, có cuống dài 1,5 - 3mm. Đài hoa màu nâu, cao 1,5 - 2,5mm, 5 thuỳ, có lông mịn. Tràng màu trắng, phần dưới dính liền thành hình phễu, dài 3,5 - 4mm, họng rộng 5mm, 5 thuỳ hình trứng hay tam giác, dài 2 - 2,5mm. Nhị 5, chỉ nhị dài 3,5 - 4mm, đính cách gốc tràng khoảng 1mm. Bao phấn hình mũi tên, dài khoảng 1mm. Bầu gần hình cầu. Vòi nhuỵ dài 3 - 4mm, xẻ nhánh dài khoảng 1mm. Quả hạch, khi chín màu đỏ hay màu cam, đường kính 3 - 4mm, có 4 hạch, mỗi hạch chứa một hạt
Bộ phận dùng:
Thân, cành (Caulis cum folium Ehretiae asperulae).
Phân bố:
Cây xạ đen phân bố nhiều ở Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Myanmar, Thái Lan... Ở Việt Nam, cây mọc ở vùng núi, nơi sáng và ẩm, rải rác dọc ven đường, ven rừng, dựa hàng rào, bờ bụi, gặp ở các tỉnh Hoà Bình (huyện Tân Lạc, Lạc Sơn. Đà Bắc, Mai Châu và vùng thị xã Hoà Bình), Hà Nam, Ninh Bình, Gia Lai, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế.
Sinh học, sinh thái:
Thường gặp trong rừng thường xanh. Cây ưa sáng, ưa đất tốt ẩm, tái sinh hạt, tái sinh chồi rất tốt. Mùa hoa tháng 7 - 11, mùa quả tháng 1 - 2 năm sau.
Thu hái, sơ chế:
Có thể thu hoạch loài cây này vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Cây xạ đen thường được phơi khô, bảo quản để dùng dần.
Bào chế:
Các bộ phận của cây xạ đen sẽ được cắt thành từng đoạn và đem phơi khô.
Bảo quản:
Sau khi nguyên liệu đã khô thì thường được giữ ở nơi khô thoáng, tránh tình trạng ẩm thấp có thể gây mốc, làm giảm hiệu quả của thuốc.
Thành phần hóa học:
Flavonoid, các polyphenol, tanin, acid amin, đường khử, cyanoglycosid, triterpenoid.
Tác dụng dược lý:
Tạp chí Sinh học (Vol.40, số 2, năm 2018) đăng công trình nghiên cứu về cây Xạ đen (Ehretia asperula) với tên “Evaluating cytotoxic effect of the extracted compounds from Ehretia asperula Zoll. & Mor stem on several cancer cell lines” báo cáo tác dụng gây độc tế bào trên một số dòng tế bào ung thư của chiết xuất từ thân cây và một số hợp chất được phân lập từ cây Ehretia asperula. Tất cả các chất chiết xuất đều có tác dụng gây độc tế bào trên ít nhất một dòng tế bào ung thư. Dịch chiết n-hexan cho thấy hoạt tính gây độc tế bào mạnh mẽ trên các dòng tế bào ung thư phổi, gan, ung thư vú và ung thư cổ tử cung với các chỉ số khá cao. Sáu hợp chất đã được phân lập từ phần thân cây Ehretia asperula. Vì vậy, các kết quả thu được đã gợi ý khả năng sử dụng các chất chiết xuất từ cây Ehretia asperula làm thực phẩm sức khỏe để ngăn ngừa và chữa các bệnh ung thư.
Tạp chí Dược học Bangladesh - Bangladesh Journal of Pharmacology (Vol. 4, số 4, năm 2019) đăng công trình nghiên cứu với tên “Cytotoxic phenolic constituents from the leaves of Ehretia asperula” cung cấp nhiều thông tin có giá trị:
Tại Việt Nam, Ehretia asperula đã được sử dụng trong y học cổ truyền cho điều trị loét, khối u, bệnh gan và viêm. Đến nay, có một số báo cáo về các hoạt động sinh học và hóa học thành phần của cây này. Trong nghiên cứu này, lá của cây Xạ đen (E. asperula) được thu thập từ xã Thượng Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình của Việt Nam. Các hợp chất phân lập được đánh giá là có tác dụng gây độc với tế bào ung thư ở phổi người (Hep-G2, LU-1), cổ tử cung (HeLa), ung thư vú (MCF-7) và u cơ vân (RD). Trong đó thể hiện mạnh nhất đến các tế bào ung thư phổi người . Điều thú vị là tất cả các hợp chất không ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của các tế bào bình thường. Methyl caffeate đã được báo cáo như một chất chống ung thư đầy hứa hẹn bằng cách gây ra quá trình apoptosis. Các nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để làm rõ khả năng chống ung thư của Xạ đen (Ehretia asperula).
Tính vị:
Vị đắng nhạt, tính hàn.
Quy kinh:
Kinh Can
Công dụng:
Dùng trong phạm vi nhân dân chữa ung nhọt, lở loét, chữa các trường hợp gầy mòn, rối loạn tiêu hóa, giúp ăn ngon, mát huyết, thông kinh lợi niệu. Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, viêm gan, trị mất ngủ, vàng da, chữa chứng vô sinh. Có thời gian Xạ đen được dùng như một cây thuốc chữa ung thư.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 15-20g dạng nước sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Tác hại dụng phụ của xạ đen:
Nếu sử dụng xạ đen không đúng cách có thể gây ra một số tác hại đối với người bệnh, cụ thể như sau:
- Khi dùng nhiều có thể gây hoa mắt chóng mặt, đau đầu
- Không nên dùng thuốc đã để qua đêm vì có thể bị hỏng dẫn đến đầy bụng, đi ngoài.
Có thể làm bệnh nhân buồn ngủ do có tác dụng an thần. Vì vậy không nên pha quá đậm đặc, nhất là vào buổi sáng có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của bạn trong cả một ngày.
- Có thể gây tác dụng phụ ở những người bị khối u, khiến bệnh nhân căng thẳng mệt mỏi và các cơn đau trầm trọng hơn. Khi thấy hiện tượng này, cần ngưng dùng thuốc.
Bài thuốc:
1. Thông kinh, lợi niệu, giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, chữa ung nhọt:
Xạ đen 15g, Kim ngân hoa 12g, các vị thuốc thái nhỏ, phơi khô, sao vàng hãm uống mỗi ngày một thang.
2. Thuốc tăng cường khả năng miễn dịch, giảm mệt mỏi căng thẳng, giảm đau, hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường:
Xạ đen, Nấm linh chi, Giảo cổ lam mỗi thứ 15g, sắc uống hàng ngày.
3. Hỗ trợ điều trị ung thư bằng hóa chất, tia xạ:
Xạ đen 30g, Cỏ lưỡi rắn 20g, Cam thảo dây 6g, hãm uống như trà hàng ngày.
4. Hỗ trợ điều trị các bệnh về gan:
Nguyên liệu: 50g xạ đen, 30g cà gai leo và 10g mật nhân
Cách chế: Cho tất cả nguyên liệu trong 1 thang thuốc rồi cho vào nấu cùng với khoảng 2 lít nước trong khoảng 15 phút. Lúc này tinh chất của các nguyên liệu sẽ tan dần trong nước.
Cách dùng: Dùng uống thay nước hàng ngày. Nhớ không được để qua đêm.
5. Hỗ trợ điều trị cao huyết áp, bình ổn huyết áp:
Ngoài khả năng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị u bướu, cây thuốc còn có tác dụng trong chữa huyết áp cao, điều hòa huyết áp không ổn định. Sử dụng xạ đen trong hỗ trợ điều trị cao huyết áp cũng rất đơn giản, chỉ cần đun lá cây xạ đen với nước uống mỗi ngày, hoặc pha trà uống hàng ngày.
6. Hỗ trợ máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ:
Sử dụng xạ đen tốt cho người bệnh máu nhiễm mỡ đã được minh chứng từ công trình nghiên cứu của Học Viện Quân Y: Sử dụng nước đun sắc từ cây thuốc nam này mỗi ngày, tình trạng máu nhiễm mỡ hay mỡ có trong gan.
7. Hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan, men gan cao:
Đây là loại thảo dược được các thầy thuốc sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan như: viêm gan, xơ gan, men gan cao.
8. Cải thiện giấc ngủ, trị suy nhược thần kinh:
Cây xạ đen vị hơi chát, đắng, tính hàn có tác dụng rất tốt với người bị mất ngủ thường xuyên do suy nhược thần kinh hoặc thiếu máu (dạng âm hư hỏa vượng theo đông y). Ngoài ra giúp tăng cường tuần hoàn máu não, giúp điều trị chứng hoa mắt chóng mặt.
Chú ý:
Trước đây một số tài liệu xác định tên khoa học của Xạ đen là (Celastrus hindsii Benth), họ Dây gối (Celastraceae). Cây này còn gọi là cây Cùm cụm răng, Dây gối Ấn Độ hoặc Dây gối bắc.
Kiêng kỵ, chú ý:
- Không dùng xạ đen trong trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, không dùng cho trẻ nhỏ.
- Bệnh nhân có vấn đề về thận khi sử dụng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Không được dùng nước xạ đen đã để qua đêm.
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza
- Công dụng của cây A kê - Blighia sapida
- Công dụng của cây Âm địa quyết - Botrychium ternatum
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata
- Cây Hài nhi cúc - Aster indicus L. chữa viêm tinh hoàn