BA GẠC HOA ĐỎ
BA GẠC HOA ĐỎ
Ba gạc hoa đỏ - Rauvolfia serpentina (L.) Benth. ex Kurz; Ảnh: Donna Schneider và Vinayaraj
Tên khoa học: Rauvolfia serpentina (L.) Benth. ex Kurz; Họ Trúc đào (Apocynaceae).
Tên đồng nghĩa: Ophioxylon album Gaertn.; Ophioxylon obversum Miq.; Ophioxylon salutiferum Salisb.; Ophioxylon serpentinum L.; Ophioxylon trifoliatum Gaertn.; Rauvolfia obversa (Miq.) Baill.; Rauvolfia serpentina var. obversa (Miq.) Bakh.f.; Rauvolfia trifoliata (Gaertn.) Baill.
Tên khác: Ba gạc Ấn Độ, Ấn Độ xà mộc.
Tên nước ngoài: Snake-root, snake wood, serpent wood, serpentine root (Anh); racine de serpent (Pháp).
Mô tả:
Cây thảo cao 40-60cm, ít nhánh, rễ to, vỏ rễ có nhiều vết nứt dọc, mủ trắng. Lá chụm 3, phiến bầu dục thon không lông, gân phụ 8-9 cặp. Cụm hoa chuỳ; cuống đỏ; hoa trắng, phía ngoài hồng, đài có 5 răng, cao 2mm; ống tràng phụ ở 1/3 trên nơi dính của các nhị; có đĩa mật; bầu không lông. Quả hạch đỏ rồi đen, to cỡ 5-7mm, nhân dẹt. Mùa hoa: tháng 6 - 8 ; mùa quả; tháng 9-11.
Phân bố, sinh thái:
Trong số các loài thuộc chi Rauvolfia L., ba gạc hoa đỏ là cây được nhắc đến nhiều nhất bởi giá trị sử dụng làm thuốc nổi tiếng của nó. Ba gạc hoa đỏ là cây nhiệt đới, phân bố khá rộng rãi ở vùng Nam Á, từ vùng cận Himalaya thuộc Ấn Độ, Nê Pan, Pakistan, Myanmar, đến Srilankar, Malaysia, Thái Lan và các nước Đông Dương. Cây thường mọc trong các kiểu rừng thưa, rừng nửa rụng lá, bao gồm các đại diện của các chi Shorea, Ficus, Terminalia, Holarrhena, Cassia, Dalbergia, Adia spp. Đôi khi còn gặp ở rùng xen tre nứa, vùng nương rẫy bỏ hoang. Giới hạn độ cao phân bố của cây ở Ấn Độ tới 1200m,
Ở Việt Nam, trước năm 1975 ba gạc hoa đỏ được nhập trồng từ Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây. Hiện nay một số cá thể hậu thế của chúng vẫn còn được lưu giữ tại vườn thuốc Viện Dược liệu ở ngoại thành Hà Nội. Năm 1980, lần đầu tiên phát hiện được cây mọc tự nhiên (Mai Nghị, Phạm Duy Hùng, Hoàng Xuân Lâm) ở huyện Ea Súp, Krong Buk và vùng ngoại ô thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lắc. Cây mọc lẫn trong đám cây bụi và cỏ trên các vùng nương rẫy cũ và ven rừng thưa, độ cao khoảng trên 600m. Từ những hạt giống, cây con thu được ban đầu, về sau được phân viện Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển trồng được vài trăm mét vuông ở Nông trường Đắc Nông, thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắc) và ở cả thành phố Hồ Chí Minh.
Ba gạc hoa đỏ thuộc loại cây ưa sáng, ưa ẩm và cũng có thể hơi chịu được hạn. Cây mọc tốt trên loại đất đỏ bazan, có hiện tượng rụng lá vào mùa khô (ở miền Nam) và mùa đông (ở miền Bắc). Sau khi bị chặt phá, phần gốc và rễ còn lại tiếp tục tái sinh thành cây mới. Tỷ lệ nảy mầm của hạt thu ở cây mọc tự nhiên đạt 60 - 80% tùy thời điểm gieo. Ba gạc hoa đỏ thuộc nhóm cây thuốc quý hiếm và đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.
Cách trồng:
Ba gạc hoa đỏ ưa khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, có lượng mưa trung bình năm từ 2500 đến 5000mm và nhiệt độ giao động giữa 10 và 38°C. Cây sống thích hợp ở nơi ánh sáng yếu nhưng trồng ở những nơi rãi nắng vẫn sống được. Cây ưa đất phù sa bồi pha cát hoặc đất đỏ laterit, nhiều mùn, thoái nưóc. Đất khô cằn không thích hợp để trồng ba gạc hoa đỏ. Ba gạc hoa đỏ có thể nhân giống bằng hạt, bằng cành hoặc bằng rễ.
Nhân giống bằng hạt: Đây là phương pháp nhân giống chủ yếu và cũng cho năng suất rễ cao nhất. Sau khi quả chín vào tháng 8-9, người ta hái, ngâm vào nước độ 10 giờ và chà xát để loại bỏ thịt quả rồi thu lấy những hạt chìm. Tỷ lệ nảy mầm của hạt thường đạt thấp, từ 10 đến 50% và phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ hạt chín cũng như điều kiện gieo trồng. Hạt thu xong gieo ngay có tỷ lệ mọc cao nhất. Hạt phơi khô, bảo quản tốt có thể duy trì được sức sống trong vòng 6 tháng. Xử lý hạt với acid sulfuric 90% trong 1 phút, sau đó rửa sạch acid, có thể đạt được tỷ lệ nảy mầm 60-70%. Ngâm hại với nước nóng 40 - 45°C trong 10 - 12 giờ cũng cho kết quả khá.
Vườn ươm cần được bố trí ở nơi có đất tơi xốp, giữ được ẩm, có độ pH= 5,5-6 và tiện tưới tiêu. Đất sau khi cày bữa kỹ được lên thành luống cao 15 - 20 cm, rộng 80cm. Hạt được gieo thành hàng cách nhau 10 - 15cm, hạt nọ cách hạt kia khoảng 5 cm, 1 kg hạt có thể gieo trên 500m2 vườn ươm, 5 - 6kg hạt cho số cây giống đủ trồng 1ha.
• Nhân giống bằng cành: Vào tháng 6 - 7, có thể chọn cành bánh tẻ khỏe mạnh, cắt thành từng đoạn dài 15 - 20cm đem giâm trong vườn ươm (giống như vườn ươm hạt) đến khi nảy mầm thì bứng đi trồng. Phương pháp này có thể thành công đến 40 - 65%. Nếu xử lý cành giâm với dung dịch IAA 30 ppm hoặc NAA 10ppm trong 12 giờ có thể đạt kết quả 70 - 80%.
Nhân giống bằng rễ: Cũng vào thời gian trên, có thể dùng các đoạn rễ có đường kính 0,3-1,2cm, dài 3 5cm giâm trong vườn ươm, chỉ để hở khoảng 1cm.
Nếu giữ đủ ẩm, có thể đạt 50 - 80% tỷ lệ nảy mầm trong vòng 3 tuần. Khoảng 100kg rễ cho số câv đủ trồng 1ha. Rễ là bộ phận sử dụng, vì vậy phương pháp này chỉ áp dụng khi thật cần thiết.
Ba gạc hoa đỏ trồng thẳng kém hiệu quả nên cần phải qua giai đoạn vườn ươm. Thời vụ gieo trồng vườn ươm thường từ tháng 6 đến tháng 9. Cây con được đánh trồng ra ruộng vào tháng 3-4 năm sau.
Ruộng trồng ba gạc hoa đỏ cần chọn đất tốt, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, rễ cây và lên luống cao 20 cm, rộng 50 - 70 cm. Bổ hốc sâu 15cm với khoảng cách 40x40 cm hoặc 30x30 cm tùy theo đất tốt hay xấu; bón lót 10 tấn phân chuồng ủ mục với 200kg supe lân/ha. Trộn phân đều với đất rồi tiến hành trồng, trồng đến đâu tưới ngay đến đó. Sau khi trồng cần giữ cho ruộng luôn luôn đủ ẩm và sạch cỏ. Đầu mùa đông năm thứ nhất, cần vun xới làm cỏ và bón lót 5 tấn phân chuồng để cây ngủ đông. Sang năm thứ hai chỉ cần làm cỏ vài ba lần.
Ba gạc hoa đỏ có thể bị héo cành dẫn đến héo loàn cây do Fusarium, đốm lá do Alternaria, sương mai. Có thể dùng các thuốc trị nấm để phun.
Ba gạc hoa đỏ trồng được hai năm thì thu hoạch. Vào mùa đông, khi cây rụng hết lá và hàm lượng alkaloid đạt cao nhất, dùng cuốc đào lấv rễ, rửa sạch, để ráo nước và bóc lấy vỏ phơi thật khô. Mỗi hecta có thể cho 150 - 200kg vỏ rễ khô.
Bộ phận dùng: Rễ (Radix Rauvolfiae serpentinae). Có khi còn dùng lá.
Thu hái chế biến: Thu hái rễ vào mùa đông khi cây rụng lá hoặc đầu mùa xuân. Thông thường là chặt thân cành sát gốc, dùng cuốc đào rễ. Rửa sạch đất cát để ráo nước rồi bóc vỏ phơi khô. Ở Ấn Độ, người ta thu hoạch rễ ở cây 3-4 tuổi, vào mùa thu.
Thành phần hóa học:
Rễ ba gạc hoa đỏ chứa chất vô cơ, 6 - 7% tinh bột, chất sterol và alkaloid. Hoạt chất chính là alkaloid. Có hơn 60 alkaloid trong rễ ba chạc hoa đỏ.
Các alkaloid được phân loại thành 4 nhóm:
Nhóm 1: Yohimbin
Có hai nhóm nhỏ:
- Nhóm nhỏ yohimbin và đồng phân: yohimbin và 5 đồng phân là α-yohimbin (rauvobsin), β-yohimbin, ϕ- yohimbin, corynantin và isorauhimbin.
- Nhóm nhỏ reserpin: reserpin 0,1 - 0,2%, rescinamin 0,015%, reserpidin, reserpoxidin.
Reserpin là bột dưới dạng vi tinh thể, vàng nhạt, nhạy cảm với ánh sáng, không tan trong nước, ether, rất ít tan trong cồn, ít tan trong methanol, aceton, lan trong chloroform.
Rescinamin, reserpidin (canescin) đều có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng an thần đều kém reserpin.
Những alkaloid nói trên đều chiếm 10% so với alkaloid loàn phần.
Nhóm 2: Heteroyohimbin Có hai nhóm nhỏ:
- Nhóm nhỏ serpentin: serpentin
- Nhóm nhỏ ajmalicin: thuộc nhóm nhỏ này có ajmalicin (raubasin, tetrahydroserpentin) 0,02% reserpinin isoreserpinin reserpilin (dimethoxy-10-11-ajmalicin).
Ajmalicin có tác dụng giãn mạch ngoại biên. Reserpilin có tác dụng hạ huyết áp.
Nhóm 3: Sarpagin. Thuộc nhóm này có sarpagin (raupin) 0,02% có tác dụng hạ huyết áp.
Nhóm 4: Ajmalin. Thuộc nhóm này có ajmalin 0,1%, isoajmalin. Ajmalin có tác dụng trị rung tim.
Ba gạc hoa đỏ mọc hoang ở Đăk Lắc, có khả năng cho 10g dược liệu khô (vỏ rễ) trung bình ở mỗi cây và chứa alkaloid toàn phần 3,3% ở vỏ rễ, 0,275% ở lõi rễ, 0,975% ở thân lá. Từ vỏ rễ, đã chiết tách được resepin 0,04%, ajmalin 0,5%.
Alkaloid có ít ở thân (0,3%) nhiều từ rễ (1 - 2 %), tập trung ở vỏ rễ, nhiều gấp 10 lần so với các bộ phận khác.
Hàm lượng alkaloid toàn phần phải đạt 0,80% theo Dược điển Ấn Độ 1966 và 1% theo Dược điển Pháp 1965.
Alkaloid thuộc nhóm reserpin - rescinamin phải đạt 0,10% (Dược điển Pháp 1965) và 0,15% (Dược điển Mỹ 1985).
Tác dụng dược lý:
Sự có mặt của nhiều alkaloid của cây ba gạc hoa đỏ, trong đó reserpin được coi là quan trọng nhất, đại biểu cho dược tính của ba gạc. Hai tác dụng dược lý quan trọng của reserpin được sử dụng trong điều trị là hạ huyết áp và an thần. Trên thực nghiệm, reserpin làm hạ huyết áp cả trên súc vật gây mê và không gây mê. Tác dụng này xuất hiện chậm và kéo dài. Cơ chế tác dụng hạ huyết áp là do làm cạn kiệt kho dự trữ chất dẫn truyền trung gian noradrenalin trong các dây thần kinh giao cảm, được coi như cắt hệ thần kinh giao cảm bằng hóa chất. Reserpin không có tác dụng làm liệt hạch, có tác dụng làm chậm nhịp tim, làm giãn các mạnh máu dưới da.
Đối với thần kinh trung ương, reserpin có tác dụng ức chế, gây trấn tĩnh an thần rõ rệt trên súc vật thí nghiệm, reserpin làm giảm hoạt động tự nhiên, làm mất trạng thái công kích hung dữ, súc vật tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt với ngoại cảnh, nhưng vẫn có khả năng đáp ứng với mọi kích thích, không kèm theo vận động thất điều, ngủ mê man như thường thấy ở các thuốc ngủ barbituric. Nhiều tác giả cho rằng tác dụng an thần của reserpin có liên quan đến tác dụng làm cạn kiệt 5-hydroxytryptamin-(5-HT) và noradrenalin ở não. Ngoài hai tác dụng trên, reserpin còn có một số tác dụng khác. Đối với mắt reserpin có tác dụng thu nhỏ đồng tử một cách rõ rệt, là một trong những triệu chứng xuất hiện sớm nhất sau khi dùng thuốc trên súc vật thí nghiệm - Rescrpin còn làm sa mi mắt, làm giãn mi mắt thú 3 (nictitating membrane) của mèo và chó. Đối với hệ tiêu hoá, reserpin tăng cường nhu động ruột và sự bài phân. Tăng cường sự phân tiết dịch vị trên súc vật thí nghiệm cũng như trên người, gây loét dạ dày, tá tràng. Đối với thân nhiệt sau khi dùng reserpin có sự rối loạn về điều hòa thân nhiệt, đại bộ phận các loài súc vật đều có hiện tượng hạ nhiệt. Đối với hệ nội tiết reserpin có tác dụng kích thích vỏ tuyến thượng thận giải phóng các corticoid. Tác dụng kháng lợi niệu yếu, có thể là do kích thích sự giải phóng các hocmon kháng lợi niệu. Trên chuột cống cái rescerpin làm ngừng chu kỳ động dục, ức chế sự phóng noãn, trên chuột cống đực ức chế sự phân tiết androgen, về độc tính đối với các loài súc vật khác nhau, reserpin gây nên những triệu chứng ngộ độc khác nhau, liều chịu đựng tối đa bằng đường uống đối với các loài súc vật thay đổi từ 10 - 2000mg/kg. LD50 bằng đường tiêm tĩnh mạch trên chuột cống trắng là 28 ± l,6mg/kg bằng đường uống trên chuột nhắt trắng là 500mg/kg, trên thỏ bằng đường tiêm tĩnh mạch vào khoảng 15mg/kg.
Ngoài reserpin, nhiều alkaloid khác tồn tại trong dược liệu có các tác dụng sau đây:
- Deserpidin (11-demethoxyreserpin) có tác dụng hạ huyết áp và an thần gần bằng reserpin. LD50 trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm phúc mạc là 55 mg/kg, bằng đường uống là 320 mg/kg, trên chuột cống trắng bằng đường tiêm tĩnh mạch là 15,7 mg/kg.
- Rescinamin có tác dụng giống reserpin là hạ huyết áp, còn tác dụng an thần kém reserpin.
- Raunescin, rescidin cũng có tác dụng hạ huyết áp nhưng kém hơn reserpin nhiều.
- α-yohimbin (rauvolscin) có tác dụng hạ huyết áp, ức chế tim mạch, có độ độc tương đối cao.
- Ajmalin không có tác dụng hạ huyết áp và an thần. Trên súc vật thí nghiệm và người đều thể hiện tác dụng chống loạn nhịp tim rõ rệt. Trên các mô hình gây loạn nhịp tim bằng adrenalin, digoxin, isoprel thì ajmalin đều có thể xóa rung thất và khôi phục lại nhịp xoang bình thường.
- Isoajmalin có tác dụng chống loạn nhịp tim trên súc vật thí nghiệm, đối kháng với hiện tượng tăng huyết áp do adrenalin gây nên.
- Serpentin có tác dụng hạ huyết áp và ức chế hoạt động của ruột. Thuốc còn có tác dụng chống rung tim, không làm thay đổi lưu lượng mạch vành, làm giảm sự tiêu thụ oxygen của cơ tim, serpentin độc hơn ajmalin.
- Serpentinin có tác dụng hạ huyết áp yếu, kích thích hô hấp, tăng cường co bóp ruột, do đó có tác dụng nhuận tràng, làm giảm tác dụng co mạch máu thận của adrenalin, nhưng không làm thay đổi tác dụng tăng áp của adrenalin.
- Sarpagin chỉ có tác dụng nhất thời đối với huyết áp và các amin tăng áp.
Ngoài các hoạt chất trên nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng cao chiết từ rễ ba gạc hoa đỏ có tác dụng hạ huyết áp, an thần, kích thích hoạt động của ruột.
Dạng alkaloid toàn phần chiết từ ba gạc hoa đỏ đã được xác định có tác dụng hạ huyết áp, an thần, thu nhỏ đồng tử, làm sa mi mắt, làm chậm nhịp tim, gây ỉa chảy. Tóm lại dạng alkaloid toàn phần và cao chiết từ vỏ rễ ba gạc hoa đỏ có những tác dụng dược lý giống như reserpin. Dạng chiết từ ba gạc hoa đỏ dùng bằng đường uống gây hạ đường huyết và đường niệu trên mèo thí nghiệm và trên bệnh nhân tiểu đường (PROSEA 1999).
Tính vị: Vỏ rễ có vị đắng tính hàn.
Tác dụng: Hạ huyết áp và an thần, thu nhỏ đồng tử, làm se mí mắt, làm chậm nhịp tim và kích thích hoạt động của ruột. Rễ và lá có tác dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, giải độc
Công dụng, liều dùng, cách dùng:
- Reserpin thường được chế thành viên 0,1mg hoặc 0,25mg cho uống mỗi lần 1 viên 0,1 mg, ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Liều tối đa mỗi lần là 1mg, một ngày là 5mg. Người ta cũng dùng viên Rauvoloid chứa 2mg alcaloid toàn phần, ngày uống 1-2 lần sau bữa ăn, mỗi lần 1 viên. Còn loại viên Raudicin dập từ bột rễ chứa 50-100mg, liều dùng trung bình hàng ngày là 200-400mg.
- Alkaloid toàn phần của ba gạc hoa đỏ có viên Rauviloid chứa 2mg alkaloid toàn phần cho mỗi viên. Liều dùng cho bệnh tăng huyết áp: 2 - 4mg/ngày.
- Bột rễ ba gạc hoa đỏ liều dùng hàng ngày cho bệnh tăng huyết áp là 200 - 400mg. Ở Ấn Độ ba gạc hoa đỏ từ lâu đời đã được sử dụng trong y học Ayurvedic, dùng chữa rắn cắn, bệnh tâm thần và động kinh; cho đến nay vẫn giữ vị trí quan trọng.
Tham khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây A kê - Blighia sapida
- Công dụng của cây Âm địa quyết - Botrychium ternatum
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata
- Cây Hài nhi cúc - Aster indicus L. chữa viêm tinh hoàn
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis