Logo Website

BẠCH ĐÀN LÁ LIỄU

20/08/2020
Cây Bạch đàn lá liễu có tên khoa học: Eucalyptus exserta F.Muell., thuộc họ Sim (Myrtaceae). Công dụng lá Bạch đàn lá liễu để làm nước uống, làm thuốc bổ, chữa ho, xông mũi, chữa cảm cúm.

BẠCH ĐÀN LÁ LIỄU

Tên khác: 

Khuynh diệp thò, Bạch đàn lá nhỏ.

Tên nước ngoài:

Redgum (Anh).

Tên khoa học: 

Eucalyptus exserta F.Muell., thuộc họ Sim (Myrtaceae).

Tên đồng nghĩa

Eucalyptus exserta var. parvula Blakely; Eucalyptus insulana F.M.Bailey

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Cây gỗ trung bình, vỏ màu tro nâu, nhánh có cạnh, lá ở nhánh trưởng thành hình lưỡi liềm cong, dài đến 15cm có đốm. Cụm hoa tán ở nách lá, 2-7 hoa; cuống hoa ngắn hơn cuống lá; nắp hoa hình chuỳ cao hơn phần bầu hoa; nhị nhiều. Quả nang 3-5 mảnh; hột có cánh, đen đen. Hoa tháng 2-3.

Bộ phận dùng: 

Lá và tinh dầu (Folium et Oleum Eucalypti).

Phân bố sinh thái: 

Bạch đàn lá liễu có nguồn gốc từ Australia. Loài này được nhập vào Việt Nam nhiều lần, từ Australia và từ Trung Quốc. Cây đặc biệt ưa sáng, chịu được hạn nên được trồng phổ biến ở một số vùng đồi trung du, thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương...Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Nhân giống bằng hạt dễ mọc nhanh, nên bạch đàn lá liễu cũng là nguồn nguyên liệu giấy quan trọng ở Việt Nam.

Bạch đàn lá liễu cũng có khả năng tái sinh cây chồi mạnh sau khi bị chặt.

Thành phần hoá học: 

Lá chứa 0,65% tinh dầu. Tinh dầu chứa 30% cineol, 8% pinen, 10% pinocarveol, pinocarvon. Sau khi cất tinh dầu để chuyển thành màu đỏ nhạt và vẩn đục, tạo thành các hợp chất có nhóm carbonyl và carboxyl, cho mùi khó chịu.

Tác dụng dược lý:

Tinh dầu bạch đàn lá liễu có tác dụng kháng khuẩn. Nó có tác dụng giảm ho khi cho chuột uống trong mô hình kích thích gây ho bằng hơi amoniac đặc trên chuột nhắt trắng. Tác dụng giảm ho của tinh dầu bạch đàn lá liễu mạnh nhất ở thời điểm 2 - 3 giờ sau khi cho uống, và ihời gian tác dụng giảm ho kéo dài hơn so với codein phosphat.

Công dụng: 

- Nhân dân ta dùng lá Bạch đàn lá liễu để làm nước uống, làm thuốc bổ, chữa ho, xông mũi, chữa cảm cúm. Qua nghiên cứu thì chất kháng khuẩn lấy từ lá có tác dụng đối với nhiều loại vi khuẩn gram (+) như cầu khuẩn, vi khuẩn bạch hầu và một số loài vi khuẩn đường ruột. Chất bay hơi của tinh dầu cũng có tác dụng diệt khuẩn mạnh (đối với các loài BacillusStaphyloccusCandida albicans và Shigella flexneri). Rõ ràng là nồi xông phổ biến trong nhân dân vừa có tác dụng làm thoát mồ hôi, giảm sốt, giải độc, còn có tác dụng diệt vi khuẩn đường hô hấp và ngoài da.

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)