Logo Website

BẦU ĐẤT DẠI-dùng cho phụ nữ sinh nở để điều hoà huyết

13/02/2021
Cây Bầu đất dại có tên khoa học: Gynura pseudocchina (L.) DC.; thuộc họ Cúc (Asteraceae). Thường dùng cây lá giã nát đắp trên các mụn nhọt để làm tan sưng và trị viêm quầng. Dịch lá dùng làm thuốc súc miệng để trị viêm họng. Nhưng cách sử dụng thông thường nhất là dùng rễ củ phơi hay sấy khô tán nhỏ thành bột và chiên với nước trà làm thuốc uống cho phụ nữ sinh nở để điều hoà huyết; cũng có tác dụng bổ.

BẦU ĐẤT DẠI

Bầu đất dại Gynura pseudocchina

Cây Bầu đất dại: Gynura pseudocchina (L.) DC.; Ảnh garden.org and Tomoki Sando

Tên khác: 

Kim thất giả, Thổ tam thất, Ngải rít, Nam bạch truật, cỏ tàu bay, kim thất bodinier.

Tên khoa học: 

Gynura pseudocchina (L.) DC.; thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Tên đồng nghĩa

Cacalia bulbosa Lour.; Cacalia maculata Buch.-Ham. ex Steud.; Cacalia purpurascensWall.; Cacalia sagittaria B.Heyne; Crassocephalum miniatum (Welw.) Hiern; Crassocephalum pseudochina (L.) Kuntze; Gynura annamensis S.Moore; Gynura biflora (Burm.f.) Merr.; Gynura bodinieri Levl.; Gynura bodinieriH.Lév.; Gynura bulbosa (Lour.) Hook. & Arn.; Gynura eximia S.Moore; Gynura integrifolia Gagnep.; Gynura miniata Welw.; Gynura miniata var. miniataGynura miniata var. orientalis O.Hoffm.; Gynura nudicaulis Arn.; Gynura purpurascens DC.; Gynura rusisiensis R.E.Fr.; Gynura sagittaria DC.; Gynura sinuata DC.; Gynura somalensis (Chiov.) Cufod.; Gynura variifolia De Wild.; Senecio biflorus Burm.f.; Senecio crassipes H.Lév. & Vaniot; Senecio miniatus (Welw.) Staner; Senecio pseudochina L.; Senecio somalensis Chiov.

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Cây thảo mọc đứng, nhẵn nhiều hay ít, có rễ nạc tròn, có thớ, nom như dạng củ Tam thất. Lá mọc từ gốc hình trái xoan ngược hay thuôn, gân nhẵn hay có lông phấn, chóp tròn, gốc thót lại hẹp dài, mép hầu như nguyên, lượn sóng hay xẻ thuỳ lông chim, dài 10-15cm, rộng 1,5-5cm. Cụm hoa hình rổ màu vàng, xếp 4-5 cái thành ngù ở ngọn cây; bao chung có nhiều hàng lá bắc có hình dạng khác nhau. Quả bế hình trụ dài 2,5mm, có 10 cạnh. 

Bộ phận dùng: 

Toàn cây, nhất là củ (Radix Gynurae); thường gọi là Thổ tam thất, Nam bạch truật.

Phân bố: 

Trên thế giới, Cây mọc phổ biến trong các savan cỏ khô hạn khắp Ðông Dương và cũng phổ biến ở Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan, Trung Quốc. Ở nước ta, thường gặp ở vùng núi Quảng Trị, Lâm Ðồng, Tây Ninh cho tới đồng bằng. 

Sinh thái:

Phát triển ở những nơi có cát ở sườn núi, ven rừng, ven đường; ở độ cao từ 200 - 2.100 mét ở Việt Nam. Thảo nguyên đồi đá ở Châu Phi

Thu hái, sơ chế: 

Có nơi trồng để lấy củ. Ðào lấy củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái lát phơi hay sấy khô, cũng thường dùng tươi.

Thành phần hoá học:

- Có ß-sitosterol và stigmasterol.

- Quercetin 3- rutinoside; 3,5-di-caffeoylquinic acid; 4,5-di-caffeoylquinic acid; và 5-monocaffeoylquinic acid

Tác dụng dược lý:

Hoạt động ức chế NK-kappa B

Sàng lọc 9 cây thuốc Thái Lan để nghiên cứu các hoạt động chống viêm, chống tăng sinh và chống oxy hóa của chúng đã chỉ ra rằng G. pseudochina var. hispida có hoạt tính ức chế NF-kappaB. Trong quá trình phân đoạn theo hướng dẫn xét nghiệm sinh học của dịch chiết metanol dẫn đến việc phân lập và xác định đặc tính của 4 hợp chất (Quercetin 3- rutinoside; 3,5-di-caffeoylquinic acid; 4,5-di-caffeoylquinic acid; và 5-monocaffeoylquinic acid) được cho là có tác dụng này. 

Tính vị, tác dụng: 

Lá cây có tính làm dịu và tan sương có tác dụng giải nhiệt và tiêu độc. Củ có tính bổ dưỡng, điều huyết. Ở Hải Nam (Trung Quốc), người ta cho rằng rễ chống ho, làm mát máu, sinh tân dịch.

Công dụng: 

- Thân và lá có thể dùng làm rau ăn như rau bầu đất, vừa mát lại giải nhiệt (Hàm lượng protein và khoáng chất trong lá tốt, mặc dù acid oxalic có thể tương đối nhiều). Người ta thường dùng cây lá giã nát đắp trên các mụn nhọt để làm tan sưng và trị viêm quầng. Dịch lá dùng làm thuốc súc miệng để trị viêm họng. Nhưng cách sử dụng thông thường nhất là dùng rễ củ phơi hay sấy khô tán nhỏ thành bột và chiên với nước trà làm thuốc uống cho phụ nữ sinh nở để điều hoà huyết; cũng có tác dụng bổ. Theo Poilane, lá cây có tác dụng ngăn thụ thai. Người ta còn dùng củ sắc uống làm thuốc trị sốt rét, nên ở vùng Lai Vung tỉnh Ðồng Tháp có tên gọi là Ngải rét; có khi còn dùng làm thuốc đắp vào tay người bệnh khi lên cơn. Rễ còn được dùng trị xuất huyết tử cung, lỵ và tiêu viêm các vết thương.

- Ở Ấn Độ, cây được dùng làm thuốc dịu, tan sưng, dùng chữa viêm quầng và u bướu ở vú. Dịch lá làm thuốc súc miệng dùng khi bị viêm họng.

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- theplanlist.org 

- efloras.org

- tropical.theferns.info

- Ferlinahayati Ferlinahayati, Roby Pahala J Gultom, Herlina Herlina, Eliza Eliza. Steroid Compounds From Gynura pseudochina (Lour) DC. Vol 12, No 1 (2017), Ferlinahayati

- Siriwatanametanon N, Heinrich M. The Thai medicinal plant Gynura pseudochina var. hispida: chemical composition and in vitro NF-kappaB inhibitory activity. Nat Prod Commun. 2011 May;6(5):627-30.

- Siriwatanametanon N, Fiebich BL, Efferth T, Prieto JM, Heinrich M. Traditionally used Thai medicinal plants: in vitro anti-inflammatory, anticancer and antioxidant activities. J Ethnopharmacol. 2010 Jul 20;130(2):196-207.