BÍ KỲ NAM - Chữa viêm gan, vàng da
BÍ KỲ NAM
Hydnophytum formicarum Jack.; “Nguồn: Cactus Jungle, 2020” và "Nguồn: Leonardo, 2011”
1. Tên khác:
Việt là bí kỳ nam, kỳ nam kiến, Củ tự nhiên
2. Tên khoa hoc:
Hydnophytum formicarum Jack., Họ Cà phê (Rubiaceae)
3. Đặc điểm thực vật:
Bí kỳ nam có thân nhỏ, sống phụ sinh bám trên cành cây gỗ cao. Thân phình thành củ lớn, dày và to đến 30 cm, mặt ngoài sần sùi, màu nâu xám bên trong có những lỗ hổng chằng chịt do kiến sống cộng sinh hình thành nhiều lỗ như tổ ong. Từ thân củ mọc ra những rễ nhỏ phía dưới và một vài cành mang lá ở phía trên. Cành ngắn mập, màu nâu. Lá mọc đối, phiến dày, dai, mép nguyên, gốc thuôn, đầu tù, hai mặt có màu lục nhạt, mặt trên nhẵn bóng, hình bầu dục hoặc hình trái xoan dài 6 - 10 cm, rộng 2,5 - 6 cm, gân bên 8 - 10 đôi, lá kèm rụng sớm. Hoa không cuống, tập hợp 4 - 5 cái ở nách lá, màu trắng, đài có ống hình trụ - trứng, cụt ở đầu; tràng 4 cánh thuôn nhọn, dài bằng nửa ống tràng, có 4 túm lông ở họng, nhị 4, đính ở đáy ống tràng, chỉ nhị rất ngắn, bầu 2 ô, đầu nhị xẻ đôi. Hoa mẫu 4. Quả hạch nhỏ, hình thuôn, khi chín màu da cam hay đỏ, bóng, chứa hai hạt, dài 1 - 1,5 cm. Bí kỳ nam (Hydnophytum formicarum) thường dễ nhầm lẫn với Kỳ nam gai (M. tuberosa) thuộc chi Myrmecodia. với thân củ có gai xếp thành hàng, cành mọc dài và lá to hơn
4. Phân bố:
Ở Việt Nam, Bí kỳ nam thường phân bố ở các tỉnh: Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Bình Phước, Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang).
5. Bộ phận dùng:
Bộ phận dùng của Bí kỳ nam thường là phần thân củ với những hốc nhỏ do kiến đục làm tổ. Thân củ Bí kỳ nam được thu hái, thái mỏng, phơi đến gần khô, thì phơi tiếp trong bóng râm. Khi dùng, đem tẩm qua nước đang sôi, rồi sao vàng.
6. Nghiên cứu về thành phần hóa thực vật:
Thành phần hóa học vô cơ Nghiên cứu của nhóm tác giả Prachayasittikul (2012) cho thấy dựa trên kết quả phổ phát xạ nguyên tử plasma cao tầng cảm ứng, trong cao n-hexan, cao ethanol, cao methanol của Bí kỳ nam có chứa 22 nguyên tố kim loại, trong đó 6 nguyên tố thiết yếu (Mn, Fe, Ca, Zn, Cr và P) có trong cao n-hexan với nồng độ ở mức ppm. Nguyên tố trị liệu Li có trong cao cloroform. Một số kim loại nặng như Hg, Pb, Cd được tìm thấy trong cao cloroform. Đặc biệt các nguyên tố rất quan trọng cho cơ thể K, Ca, Mg, Fe, Zn cũng được tìm thấy trong Bí kỳ nam [223].
Năm 2008, theo kết quả nghiên cứu của Prachayasittikul và cộng sự [222], 5 hợp chất đầu tiên đã được phân lập gồm: stigmasterol từ cao n-hexan, dicloromethan và 4 hợp chất phenol từ cao EtOAc: isoliquiritigenin, protocatechualdehyd, butin và butein. Isoliquiritigenin được tìm thấy lần đầu tiên trong tự nhiên vào năm 1953 từ Dahlia variabilis (Compositae). Hợp chất này cũng được phân lập từ Glycyrrhiza glabra (Cam thảo), Sinofranchetia chinensis và Broussonetia paccorifera. Các hoạt tính sinh học của isoliquiritigenin đã được báo cáo bao gồm tác dụng đối với tim mạch, chống kết tập tiểu cầu, vận mạch, chống oxy hóa, chống ung thư và khả năng ức chế yếu tố hoại tử khối u TNF-α [222].
Procatechualdehyd được phân lập từ quả của Amomun tsao-ko, rễ của Salvia miltiorrhiza, Salvia officinalis và quả của Ganoderma applanatum. Hợp chất này có các hoạt tính sinh học đa dạng như ức chế tăng trưởng, chống oxy hóa và chống ung thư, giảm đường huyết và ức chế sao chép HIV-1 trong nhiễm trùng tế bào cấp tính [222]. Butin đã được phân lập từ hạt của Butea frondosa và được chứng minh có hoạt tính chống nhiễm trùng. Butin cũng được tìm thấy ở Vernonia antmusintica Willd và trong thân cây khô của Spatholobus suberectus Dunn., cho thấy hoạt tính kháng tyrosinase [222]. Butein được phân lập từ Butea frondosa, Viguiera multiflora Nutt., Coreopsis gigantea... Butein đã được báo cáo như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, ức chế peroxid hóa lipid bằng cách trung hòa các gốc tự do và thải sắt. Ngoài ra, butein thể hiện các hoạt tính chống viêm, ức chế TNF-a, ức chế cyclooxygenase 2, ức chế sản xuất oxit nitric, gây ra apoptosis ở các tế bào ác tính như HL-60 và B16 [222]. Stigmasterol đã được biết là một hợp chất hóa thực vật được phân lập từ đậu nành và một số loài thực vật khác. Stigmasterol có hoạt tính chống oxy, ức chế đáng kể hoạt động khử HMG-CoA [222]. Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Phương Hạnh (2015) đã chiết xuất từ dịch chiết methanol của Bí kỳ nam thu hái tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam 4 hợp chất iridoid gồm: Acid asperulosidic, acid deacetylasperulosidic, 6αhydroxygeniposide và 10-hydroxyloganin (Hình 1.5) [8]. Abdullah và cộng sự (2017) đã phân lập từ dịch chiết methanol thân củ non Bí kỳ nam hợp chất acid sinapinic, β-sitosterol acetat, β-sitosterol, stigmasterol [16]. 1.1.2.2. Tác dụng dược lý Tác dụng chống oxy hóa Nghiên cứu của tác giả Prachayasittikul và cộng sự (2008) đã cho thấy cao chiết ethyl acetat Bí kỳ nam có hoạt tính chống oxy hóa bắt gốc tự do tốt với giá trị IC50 là 8,4 μg/ml (bằng phương pháp DPPH) và hoạt tính SOD trung bình với tỷ lệ 67,91% so với cao methanol là 74,19% [222]. Tác giả Ahmad và cộng sự (2010) cho thấy dịch chiết methanol Bí kỳ nam thể hiện tác động chống oxy hóa mạnh với giá trị IC50 22,4 ± 1,73 μg/ml (DPPH) [20]. Tác dụng kháng khuẩn Hoạt tính kháng khuẩn của các cao chiết Bí kỳ nam (cao n-hexan, cao dicloromethan, cao ethyl acetat và cao methanol) được thực hiện trên 27 chủng vi khuẩn. Kết quả cho thấy cao n-hexan, dicloromethan và ethyl acetat có hoạt tính kháng vi khuẩn Gram dương Corynebacterium diptheriae NCTC 10356 với nồng độ thử nghiệm 256 μg/ml. Ngoài ra cao ethyl acetat còn ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn Gram dương và Gram âm: Achromobacter xylosoxidan ATCC 2706, Staphylococcus aureus ATCC 25923, Micrococcus lutens ATCC 10240, Shigella dysenteriae, Streptococcus pyogenes II, Aeromonas hydrophila và Bacillus cereus với nồng độ thử nghiệm 256 μg/ml; Shewanella putrefaciens ATCC 8671 với nồng độ thử nghiệm 128 μg/ml. Cao toàn phần methanol ức chế sự phát triển của C. diptheriae, S. pyogenes II and B. cereus với nồng độ thử nghiệm 256 μg/ml. Đặc biệt, hợp chất procatechualdehyd phân lập từ cao ethyl acetat có thể ức chế Plesiomonas shigelloides với MIC ≤ 60 μg/ml [222]
Nghiên cứu của tác giả Hertianin và Pratiwi (2015) cho thấy dịch chiết ethanol của Bí kỳ nam có tác dụng ức chế khả năng gây bệnh của Pseudomonas aeruginosa bằng cơ chế điều hòa quá trình quorum-sensing (phương thức truyền tín hiệu giữa các tế bào vi khuẩn) [119].
Tác dụng ức chế α-glucosidase Hiệu quả ức chế lên đến 80% của dịch chiết ethanol Bí kỳ nam trên αglucosidase đã được xác định. Acarbose được sử dụng như là mẫu chứng dương ức chế α-glucosidase. So với IC50 của acarbose 117,20 μg/ml, giá trị IC50 các dịch chiết từ lá và vỏ của Bí kỳ nam lần lượt là 181,90 μg/ml và 11,04 μg/ml [84]. Tác dụng lên sự tăng trưởng của tế bào Năm 2002, một nghiên cứu tiến hành sàng lọc hoạt tính ức chế sự tăng trưởng các dòng tế bào ung thư của 77 cây thuốc Việt Nam trong đó có Bí kỳ nam được tiến hành trên các cao chiết methanol, methanol - nước (1:1) và nước. Kết quả cho thấy cao chiết methanol của Bí kỳ nam có khả năng ức chế sự tăng trưởng của một số dòng tế bào ung thư, đặc biệt chọn lọc trên dòng tế bào u xơ HT1080 (giá trị IC50 là 9,97 μg/ml), tế bào ung thư cổ tử cung Hela (IC50 là 11,3 μg/ml) và dòng tế bào ung thư phổi A549 (IC50 < 4 μg/ml) [285]. Các hợp chất protocatechualdehyd, butin và butein phân lập từ Bí kỳ nam được thử nghiệm độc tính trên 2 dòng tế bào ung thư biểu mô ống mật người HuCCA-1 và tế bào ung thư biểu mô người KB. Tuy nhiên, kết quả cho thấy ba chất này không thể hiện hoạt tính độc tế bào đối với 2 dòng tế bào này [222]. Nghiên cứu của Abdullah và cộng sự (2010) cho thấy hoạt chất 7, 3’, 5’- trihydroxyflavanone (3HFD) phân lập từ Bí kỳ nam có hoạt tính độc tế bào ung thư vú MCF-7 bằng cách kích thích điều hoà protein tiền apoptosis Bax [15]. Năm 2013, tác giả Senawong và cộng sự đã cho thấy dịch chiết ethanol, dịch chiết giàu phenol và acid sinapinic, thành phần chính có trong dịch chiết giàu phenol của Bí kỳ nam có hoạt tính ức chế enzym histon deacetylase và ức chế sự tăng trưởng của tế bào Hela. Tuy nhiên, các dịch chiết này và acid sinapinic không thể hiện hoạt tính đáng kể trên dòng tế bào Vero, Hela và tế bào ung thư vú MCF-7 [248]. Nghiên cứu của nhóm tác giả Darwis (2014) cho thấy cao chiết ethanol 96% của Bí kỳ nam có khả năng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư vú T47D ở nồng độ 100 μg/ml, nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến sự tăng trưởng của tế bào biểu mô thận khỉ Vero [67]
Tác dụng kích thích tế bào lympho Nghiên cứu của tác giả Darwis và cộng sự (2014) đã chứng minh tác dụng kích thích tế bào lympho của dịch chiết ethanol 96% của Bí kỳ nam [67]. Tác dụng bảo vệ thần kinh Hợp chất aldehyd protocatechuic phân lập từ Bí kỳ nam đã được báo cáo có tác dụng chống thoái hóa thần kinh gây ra do stress oxy hóa trên mô hình in vitro với các tế bào thần kinh SH-SY5Y [97]. 1.1.3.
7. Công dụng dân gian:
Ở Việt Nam, dân gian dùng cây Bí kỳ nam chữa: 1. Viêm gan, đau gan, vàng da; 2. Ðau nhức gân xương, bong gân, thấp khớp; 3. Ðau bụng, tiêu chảy [5].
8. Bài thuốc:
1. Viêm gan, đau gan, vàng da: Bí kỳ nam 80 g, Hạ khô thảo, Chó đẻ, Hậu phác nam, mỗi vị 20 g sắc uống. Hoặc Bí kỳ nam 40 g, Thảo quyết minh 10 g, actisô 20 g, Nhân trần 15 g, cho 500 ml nước vào sắc còn 100 ml, chia 2 lần uống trước 2 bữa ăn khoảng 1 giờ. Uống liên tục 10 - 15 ngày. 2. Ðau nhức gân xương, bong gân, thấp khớp: Bí kỳ nam 40 g, phối hợp với Bổ cốt toái 30 g, rễ Trứng cuốc, rễ Trinh nữ, mỗi vị 20 g, hoặc Ngũ gia bì 30 g, rễ Vú bò, Xuyên tiêu, mỗi vị 20 g, sắc uống hoặc ngâm rượu 30 - 40 độ (350 g thuốc trong 1 lít rượu), ngày dùng 2 lần trước bữa ăn. 3. Ðau bụng: Sắc 60 g thuốc Bí kỳ nam cho thật đặc, lấy 1/2 chén nước thuốc, chia 2 lần uống cách nhau 1 giờ.
Nguồn trích: Mai Nguyễn Ngọc Trác, nghiên cứu tác động dược lý hướng bảo vệ gan, thận của Bí kỳ nam (Hydnophytum formicarum Jack., Rubiaceae), Luận án tiến sĩ dược học, TP. Hồ Chí Minh, Năm 2020
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza
- Công dụng của cây A kê - Blighia sapida
- Công dụng của cây Âm địa quyết - Botrychium ternatum
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata
- Cây Hài nhi cúc - Aster indicus L. chữa viêm tinh hoàn