Logo Website

BÌNH VÔI

16/04/2020
Bình vôi là một trong những vị thuốc chữa bệnh mất ngủ tốt nhất. bình vôi còn là vị thuốc rất tốt cho tim mạch.

BÌNH VÔI 

Tuber Stephaniae glabrae

Cây và vị thuốc Bình vôi Stephania glabra

Stephania glabra (Roxb.) Miers; Ảnh naturalmedicinefacts.info và VanLap Hoàng

Tên khác: Ngải tượng, cây củ một, củ mối trôn, tử nhiên, ngải tượng.

Tên khoa học: Stephania glabra (Roxb.) Miers, họ Tiết dê (Menispermaceae).

Tên đồng nghĩa: Cissampelos glabra Roxburgh

Mô tả:

Phần gốc thân phát triển thành củ to, có củ rất to, hình dáng thay đổi tuỳ theo nơi củ phát triển. Vỏ ngoài màu nâu đen, khi cạo vỏ ngoài có màu trắng xám. Hoặc đã thái thành miếng to, nhỏ không đều, có màu trắng xám, vị đắng.

Bộ phận dùng: Phần gốc thân phình thành củ của cây Bình vôi (Stephania glabra (Roxb.) Miers) hoặc một số loài Bình vôi khác có chứa L-tetrahydropalmatin, họ Tiết dê (Menispermaceae). 

Phân bố: Cây mọc hoang tại nhiều vùng rừng núi nước ta và một số nước khác, thường gặp trên các núi đá vôi.

Thu hái: Có thể thu hái quanh năm, đào lấy củ, rửa sạch, cạo bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học: nhiều alcaloid (1%), trong đó quan trọng nhất là L-tetrahydropalmatin và roemerin

Thành phần hoá học:

Năm 1940, Bùi Đình Sang đã chiết từ củ bình vôi mọc ở Việt Nam các chất tinh bột, dường khử oxy, acid malic, men oxydase và một ancaloit với tỷ lệ 1,2 đến 1,5% (tính trên củ tươi), được Bùi Đình Sang đặt tên là rotundin.

Năm 1944, Kondo (Nhật) đưa ra công thức khai triển của rotundin như sau với công thức thô là C13H19(OCH3)3CH3N.

Tại Ấn Độ, năm 1950 và 1952, Qiaudry G. R và s Siddiqui nghiên cứu và chiết từ củ cây Stephama glabra (Roxb.) Miers nhiều alkaloid và đặt tên là hyndarin C23H25O4N, stefarin C18H19O3N và xyckanin C38H42O6N2 trong đó hyndarin chiếm thành phần chủ yếu (khoảng 30% hyndarin 15-18% stefarin và rất ít xycleanin).

Nghiên cứu cấu tạo hyndarin người ta thấy rằng hyndarin thực ra cũng chỉ là một ancaloit đã biết có tên là tetrahydropanmatin.

Trước năm 1965, người ta vẫn cho rằng hyndarin và rotundin là hai alkaloid khác nhau vì chiết từ hai cây khác nhau, mọc tại hai nước khác nhau, Nhưng đến năm 1965, Viện nghiên cứu cây thuốc và cây có tinh dầu toàn liên bang Xô Việt cũ (VILAR) có dịp so sánh hai cây, một di thực từ Ấn Độ, một di thực từ Việt Nam, thấy rằng hai cây chỉ là một loài nên đã kiểm tra lại tính chất của rotundin và đã xác định rotundin và hyndarin chỉ là một chất và có cấu tạo của tetrahydropanmatìn (Công tác dược khoa, 6-1965). Nhưng thực tế rotundin của Bùi Đình Sang là một hỗn hợp nhiều alkaloid trong đó chủ yếu là hyndarin.

Ngoài rotundin ra, năm 1964, tại Bộ môn dược liệu (Trường đại học dược khoa, Hà Nội) Ngô Vân Thu còn chiết từ củ bình vôi Việt Nam một alkaloid mới với tỷ lệ 1% và đặt tên là alkaloid A đã được xác định công thức.

Năm 1965 tại Liên Xô cũ, Phan Quốc Kinh và cộng sự cũng chiết từ củ bình vôi mang từ Việt Nam sang một số ancaloit khác và đặt tên là alkaloid A, alkaloid C và D với tỷ lệ 0,08% mỗi thứ (Hoá học các hợp chất thiên nhiên, 6-1965).

Công năng: An thần, tuyên phế

Công dụng:

- Y học cổ truyền: Làm thuốc trấn kinh, an thần, chữa mất ngủ, sốt nóng, nhức đầu, khó thở, chữa đau dạ dày.

- Y học hiện đại: Dùng toàn cây, cao hoặc alcaloid bào chế thành dạng thuốc thích hợp để làm thuốc an thần.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 3-6g bột củ hoặc 10-15ml rượu thuốc 10%.

Bài thuốc:

1. Chữa mất ngủ: Có thể lấy củ bình vôi tán bột, ngâm rượu 40 độ với tỉ lệ 1 phần bột 5 hoặc 10 phần rượu, rồi uống với liều 5 - 15ml rượu một ngày. Có thể thêm ít đường cho dễ uống. Bài thuốc chữa mất ngủ hiệu nghiệm: hạt sen, long nhãn, nhân hạt táo chua (sao) mỗi vị 10 - 15g, củ bình vôi 8g, lá vông 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống trong ngày và trước khi ngủ 30 phút. Trị mất ngủ ở người gầy yếu, hay hồi hộp, sợ hãi, đánh trống ngực, ngủ không yên, trí nhớ giảm, tinh thần suy nhược, ăn uống kém, gầy sút, mỏi mệt…

Ghi chú: Alcaloid của Bình vôi có trong các chế phẩm Rotunda, Stilux-60...

Lưu ý sử dụng:

- Củ bình vôi có chứa một alkaloid tên là Rotundin có độc tố nhẹ, nhưng nếu lạm dụng củ bình vôi để chữa bệnh có thể khiến cơ thể bị ngộ độc và gặp nhiều tác dụng phụ.

- Ngoài ra, một alkaloid khác của củ bình vôi là roemerin có khả năng làm tê liệt niêm mạc và giảm nhịp tim. Vậy nên sử dụng củ bình vôi cần đúng cách và hết sức thận trọng. 

- Không sử dụng củ bình vôi cho phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)