BỒNG BỒNG vị thuốc chữa ho hen
BỒNG BỒNG
Folium Calotropis
Bồng bồng: Calotropis gigantea R. Br.
Tên khác: Nam tì bà, cây Lá hen, Bông bông, bàng biển, cốc may (Tày).
Tên khoa học: Calotropis gigantea R. Br., họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Tên đồng nghĩa: Asclepias gigantea Linnaeus; Periploca cochinchinensis Loureiro; Streptocaulon cochinchinense(Loureiro) G. Don.
Mô tả:
Cây nhỏ, cao 2-3m. Thân đứng, phân nhiều cành. Vỏ thân lúc non khía rãnh, màu vàng nhạt, vỏ già màu xám trắng. Cảnh phủ lông dạng phấn, trắng như bông. Lá mọc đối có phiến dày, mép nguyên, cuống rất ngắn hoặc gần như không có cuống, gốc hình tim, đầu tù hơi nhọn, hai mặt đều có mầu lục xám, mặt dưới có lông trắng như phấn. Ở gốc lá mặt trên có tuyến và một hàng lông màu vàng nâu. Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành xim gồm nhiều tán; hoa màu trắng; đài 5, thùy hình trứng, mặt ngoài có lông; tràng hợp hình bánh xe, thùy hình mũi mác, tràng phụ gồm 5 bộ phận có một cựa cuộn hình thoa ở gốc, chỉ nhị đính liền nhau thành một ống che chở cho nhụy. Quả gồm hai đại, hình giáo, thuôn nhọn dần về phía đầu, chứa nhiều hạt có màng lông. Toàn cây có nhựa mủ.
Mùa hoa quả: tháng 5-8
Bộ phận dùng: Lá phơi hay sấy khô của cây Bồng bồng (Folium calotropis).
Phân bố: Loài của Ấn Độ, SriLanca, Mianma, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Ở nước ta cây mọc nhiều nơi từ bắc tới Nam. Thường mọc trên đất có cát ở các tỉnh ven biển, nhưng cũng gặp ở đồng bằng và cả ở vùng trung du. Cây cũng thường được trồng bằng những đoạn cành.
Thu hái, sơ chế: Dược liệu bồng bồng có thể được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Lá sau khi hái về sẽ tiến hành làm sạch lớp lông phía bên ngoài và thái nhỏ dùng ở dạng tươi hay phơi hoặc sấy khô đều được.
Bảo quản: Với dạng đã sơ chế khô cần để trong túi kín và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt. Nếu dùng chưa hết nên thỉnh thoảng đem ra phơi lại để tránh ẩm mốc và mối mọt.
Thành phần hoá học: Glycosid trợ tim, calotropin, α-amyrin, β-amyrin, taraxasterol
Tính vị: vị chua, tính mát.
Quy kinh: Phế.
Tác dụng dược lý
1. Tác dụng chống viêm
Năm 2011, trên tạp chí International Journal of Current Biological and Medical Science các nhà khoa học Ấn Độ công bố nghiên cứu: “Tác dụng ức chế của dịch chiết rễ cây lá Hen lên viêm đường thở gây bởi ovalbumin và viêm gây ra bởi acid arachidonic trên mô hình chuột với bệnh hen suyễn”.
Kết quả cho thấy, lá Hen hạn chế đáng kể đặc tính viêm mạn tính đường hô hấp, có sự thâm nhiễm của các tế bào viêm như bạch cầu lympho, bạch cầu ái toan, và bạch cầu trung tính. Nghiên cứu cũng chỉ ra thành phần hoạt chất quan trọng trong lá Hen là α-và β-amyrin làm giảm tổng hợp Leukotriene bằng cách ức chế men lipoxygenase. (Leukotriene là các chất trung gian có tham gia vào nhiều khâu trong phản ứng viêm niêm mạc đường thở, gây ra co thắt và tăng tính phản ứng phế quản). Việc làm giảm Leukotriene giúp mang lại hiệu quả chống viêm và giãn phế quản. Đồng thời, cơ chế chống viêm của lá Hen được xác định tương tự như Dexamethasone - một corticoid có hoạt lực chống viêm mạnh (tác dụng chống viêm của lá Hen đã được so sánh với tác dụng của liều tiêm phúc mạc dexamethasone 1mg/kg, Indomethacin 10mg/kg và montelukast 10mg/kg).
2. Tác dụng chống oxy hóa
Stress oxy hóa là tình trạng mất cân bằng giữa chất oxy hóa và chất chống oxy hóa trong cơ thể. Tình trạng này không chỉ gây tổn thương trực tiếp phổi mà còn kích hoạt gây viêm và đóng vai trò trong nhiều quá trình bệnh sinh phức tạp của các bệnh hen suyễn, COPD, viêm phế quản mạn tính…
Các nghiên cứu của Singh và cộng sự, 2010; Amit và cộng sự, 2010; Jayakumar và cộng sự, 2010…đã chứng minh lá Hen có tác dụng chống oxy hóa, dọn dẹp gốc tự do. Qua đó, lá Hen giúp ngăn chặn tình trạng stress oxy hóa, bảo vệ phổi khỏi tác nhân gây hại.
3. Tác dụng kháng histamin
Năm 2011, Rahul Mayee cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu tác dụng của dịch chiết cao methanol của lá Hen với bệnh Hen suyễn. Kết quả đưa tới kết luận dịch chiết lá Hen hiệu quả trong việc chống lại co thắt phế quản gây ra bởi histamin.
Công năng: Tiêu độc, tiêu đờm, giáng nghịch, trừ ho.
Công dụng:
Cây trồng làm cây cảnh, làm hàng rào. Lá thường dùng trị ho, hen suyễn, lở ngứa. Còn dùng chữa ngộ độc, rắn cắn, mụn mủ, bướu, đinh nhọt, đau răng, đau miệng, đau mắt, đau tim, bệnh hoa liễu, bệnh đậu mùa, bệnh ngoài da, vết cắn, vết đứt và các vết thương khác.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g dưới dạng nước sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
1. Chữa ho: Lá bồng bồng, 15g cam thảo đất cùng với 15g vỏ rễ cây dâu. Các vị thuốc này đem rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ thêm 1 thăng nước. Sắc trên lửa nhỏ để thu lấy khoảng 300ml. Chia đều ra thành 3 lần uống trong ngày khi nước thuốc còn ấm. Dùng với liều lượng chỉ 1 thang mỗi ngày.
2. Chữa bệnh hen suyễn: 20g lá bồng bồng, 30g rau khúc cùng với khoảng 16g cam thảo đất. Các vị thuốc này rửa sạch rồi cho hết vào ấm sắc cùng 600ml nước để thu lấy 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Duy trì đều đặn mỗi ngày 1 thang đến khi triệu chứng của bệnh hết hẳn.
3. Chữa viêm đường hô hấp: 12g lá bồng bồng, 16g cam thảo đất cùng với 20g cây cứt lợn. Rửa sạch các vị thuốc rồi cho vào ấm sắc chung với nửa lít nước trong khoảng 20 phút. Chia đều lượng thuốc thu được thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Chỉ dùng đúng 1 thang mỗi ngày.
4. Diệt chấy. Nhựa cây bồng bồng cùng dầu dừa với lượng bằng nhau. Cho 2 nguyên liệu trên vào nồi rồi đun nóng trên lửa nhỏ cho tan vào nhau. Chờ thuốc ấm rồi thoa lên tóc và ủ trong khoảng 1 giờ. Cuối cùng gội lại đầu với nước sạch.
5. Chữa đua răng: 1 ít nhựa từ cây bồng bồng. Bôi trực tiếp lên vị trí răng đau nhức sẽ giúp giảm sưng đau và giảm viêm rất nhanh.
6. Hỗ trợ điều trị các bệnh phế quản: 7 – 10 lá bồng bồng. Cho dược liệu vào nồi nấu trên lửa nhỏ với 1 lít nước. Thu lấy 500ml và chia làm 3 – 4 lần uống trong ngày. Dùng duy trì 1 thang/ngày đến khi triệu chứng bệnh hết hẳn.
Ghi chú:
- Loài Bồng bồng núi (Calotropis procera R. Br (Sodom apple)) cũng được dùng. Cây thấp hơn, hoa mầu trắng thơm, pha tím ở mặt trong,
- Không nhầm với cây Bồng bồng thuộc họ Hành (Liliaceae).
- Lá khô của cây Nhót tây hay Nhót Nhật Bản (Eryobotrya japonica Lindl.) gọi là Tỳ bà diệp, chú ý tránh nhầm lẫn.
Kiêng kỵ:
- Không dùng cho phụ nữ mang thai
- Không dùng cho phụ nữ đang trong thời kỳ cho bé bú
- Không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Tham khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza