CAM THẢO DÂY
CAM THẢO DÂY
Herba Abri precatorii
Cam thảo dây: Abrus precatorius L.; Photo plants.ces.ncsu.edu
Tên khác: Dây cườm cườm, Dây chi chi, Tương tư đằng, tương tư tử, tương tự đậu, cảm sảo (Tày), ang krang, angkreng (Campuchia).
Tên khoa học: Abrus precatorius L. họ Đậu (Fabaceae).
Tên đồng nghĩa: Abrus abrus (L.) Wright; Abrus cyaneus R.Vig.; Abrus maculatus Noronha; Abrus minor Desv.; Abrus pauciflorus Desv.; Abrus precatorius var. novo-guineensis Miq.; Abrus precatorius var. novo-guineensis Zipp. ex Miq.; Abrus precatorius subsp. precatorius; Abrus squamulosus E.Mey.; Abrus tunguensis Lima; Abrus tunguensis P. Lima; Glycine abrus L.
Mô tả: Cây leo với cành nhánh nhiều và mảnh. Lá kép lông chim chẵn gồm 9-11 cặp lá chét thuôn, tù, màu lục sẫm; cuống lá chét và cuống lá kép đều có đốt. Hoa nhiều, nhỏ, màu hồng hay tím nhạt, có tràng hoa dạng bướm, xếp thành chuỳ ở nách lá. Quả đậu dẹt, có 3-7 hạt. Hạt hình trứng, nhẵn bóng, to bằng hạt đậu gạo, màu đỏ chói, có một đốm đen rộng bao quanh tễ. Mùa hoa quả tháng 3-6 trở đi đến tháng 9-10.
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất (Herba Abri precatorii).
Phân bố: Loài cây liên nhiệt đới, mọc hoang trong các rừng còi, rừng thưa vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng. Ở nước ta, thường gặp nhiều ở các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận. Cũng thường được trồng làm cảnh và làm thuốc ở nhiều nơi.
Thu hái, sơ chế: Trồng được 3 tháng đã có thể thu hoạch dây lá. Cắt các đoạn dây mang lá, quấn lại thành bó rồi phơi khô. Thu hái rễ vào mùa xuân-hè; thu hoạch quả vào mùa thu rồi phơi khô, đập lấy hạt.
Bảo quản: Để dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao. Thỉnh thoảng có thể mang ra phơi nắng để tránh ẩm mốc.
Thành phần hóa học: Lá, rễ Cam thảo dây chứa một chất ngọt tương tự glycyrrhizin của Cam thảo, nhưng vị khó chịu và đắng. Hạt chứa một albumin độc (toxalbumin) là abrin có cấu trúc và tính chất gần với ricin trong hạt thầu dầu; 1/2mg abrin đã là liều tử cho người trưởng thành; còn có các chất khác như L-abrin, abralin, precatorin, hemaglutinin, trigonellin. N-dimethyl tryptophan methyl este, hypaphorin, một số sterol như stigmasterol, brassicasterol, men ureaza. Vỏ hạt chứa chất màu là abarnin (anthocyan monoglycosid).
Tác dụng dược lý:
Chất Abrin có trong hạt Cam thảo dây có thể gây vón hồng cầu. Khi nhỏ vài giọt dung dịch Abrin vào kết mạc mắt có thể gây phù tấy kết mạc và gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
Chất abrin là một protid độc, thuộc nhóm phy-totoxin, nhưng so sánh với chất rixin (protid lấy ở hạt thầu dầu) thì kém độc hơn. Tuy nhiên tác dụng cũng gần giống nhau: Abrin có tính chất một kháng nguyên (antigene) vào cơ thể có thể gây trong cơ thể một chất kháng thể (anticorps). Tác dụng formon lên abrin, ta có một chất anatoxin, chất anatoxin cũng gây trong cơ thể chất kháng thể.
Chất abrin chịu tác dụng của men pepsin của dạ dày khỏe hơn chất rixin. Abrin gây vón hồng cầu một cách dễ dàng.
Khi nhỏ vài giọt dung dịch abrin vào kết mạc mắt, sẽ gây phù tấy kết mạc và gây hại tới giác mạc một cách vĩnh viễn, do đó khi dùng điều trị đau mắt bằng hạt này như kinh nghiệm trong nhân dân cần hết sức thận trọng.
Có thể chiết chất abrin như sau: sắc hạt hoặc pha nước sôi với hạt, lọc lấy nước rồi cho vào cồn để kết tủa. Sấy khô.
Tính vị: tính mát, vị ngọt.
Quy kinh: quy vào 12 kinh.
Công năng: Dây lá, rễ Cam thảo dây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Hạt có vị đắng, rất độc, có tác dụng thông cửu khiếu, sát trùng, tiêu viêm. Abrin là một albumin độc; khi vào cơ thể, nó sẽ tạo ra một kháng thể gây vón hồng cầu dễ dàng, làm phù tẩy kết mạc và gây hại tới giác mạc một cách vĩnh viễn.
Ở Đông Phi, có nơi dùng lá trị rắn độc cắn. Ở Indonesia, người ta dùng dây lá làm thuốc chữa đau bụng, trị bệnh spru (ỉa chảy vùng nhiệt đới). Ở Philippin, lá và rễ sắc chữa ho, chữa đau mắt hột mạn tính. Rễ dùng thay Cam thảo vì có tính làm dịu. Hạt dùng để tẩy nhưng độc nên không dùng nhiều. Ở Ấn Độ, người ta dùng hạt làm thuốc tẩy, gây nôn và kích dục, dùng trong những rối loạn thần kinh và ngộ độc của súc vật. Người ta cũng dùng bột làm thuốc đạn gây sẩy thai. Rễ cũng dùng gây nôn và chống độc.
Công dụng: Thường dùng dây lá Cam thảo dây để điều hoà các vị thuốc khác, dùng chữa ho, giải cảm, trị hoàng đản do viêm gan siêu vi trùng. Có thể dùng thay Cam thảo bắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Người ta còn dùng lá Cam thảo dây nhai với muối và nuốt nước để chữa chứng đánh trống ngực. Hạt chỉ dùng ngoài để sát trùng, tiêu viêm, làm mụn nhọt chóng vỡ mủ (giã nhỏ đắp); tốt nhất là trị vú sưng đau do tắc tia sữa: người ta lấy một lượng vừa đủ, giã nát, nghiền thành bột, trộn với dầu mè bôi và đắp ngoài.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 8 - 16g sắc uống, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
1. Chữa thuỷ đậu: Bài thuốc Dinh huyết giải độc thang: Sử dụng Cam thảo dây, Sinh đại, Ngân hoa, Lục đậu bì (vỏ đậu xanh), mỗi vị đều 12 g, lá Tre 16 g, Lô căn (rễ Lau), Mẫu đơn bì, Hoàng đằng mỗi vị 8 g, sắc thành thuốc, dùng uống khi còn nóng.
2. Chữa mụn nhọt, lở loét, tróc da gây đau đớn toàn thân: Bài thuốc gồm Cam thảo dây, Bồ công anh, Sài đất, mỗi vị 15 g, Kim ngân dây, Thương nhĩ tử (sao cháy), mỗi vị đều 10 g. Sắc các vị thuốc cùng 800 ml nước, sắc lấy còn 200 ml thì chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang thuốc.
3. Chữa họng sưng tấy viêm đau: Bài thuốc gồm Cam thảo dây, Bạch mao căn, Cát căn, mỗi vị 12 g, Xạ can 5 g, Tang bì (tẩm mật sao) 12 g, Ô mai 6 g, sắc cùng 600 ml nước, đến khi còn 100 ml thì chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang.
4. Chữa phụ nữ có thai 3 tháng, chân phù sưng đau: Bài thuốc gồm Cam thảo dây (sao vàng), Mộc qua (sao vàng), Hương phụ (tử chế), Ô dược (sao vàng), Tó tử (sao vàng), Trần bì (sao vàng), mỗi vị đều 8 g, Gừng tươi 4 g, sắc với 600 ml nước, đến khi còn 200 ml thì chia thành 2 lần dùng uống trong ngày.
5. Chữa viêm phế quản mãn tính, ho khạc ra đờm trắng: Bài thuốc Trần Bì La Bạc Thang. Cam thảo dây 8 g, Trần bì (sao vàng), La bạc tử (sao thơm), vỏ Vối (sao thơm), mỗi vị đều 10 g, Gừng tươi 4 g, sắc cùng 600 ml nước, đến khi còn 200 ml thì chia thành 2 lần, dùng uống trong ngày khi còn nóng. Mỗi ngày uống một thang thuốc.
6. Chữa tiêu chảy cấp tính: Cam thảo dây 10 g, Rau má phơi khô, Cát căn, mỗi vị 30 g, Búp Tre non 20 g, sắc cùng 1000 ml nước, sắc còn 500 ml thì để nguội và dùng uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang. Liều dùng cho trẻ em giảm xuống còn một nửa so với người lớn.
7. Chữa khí huyết hư, suy nhược cơ thể: Bài thuốc gồm Cam thảo dây 30 g, Hoàng tinh chế, Lá Quao nước, Huyết rồng, Dây Gắm (Vương tôn), Hà thủ ô đỏ chế, Cẩu tích, Bố chính sâm, mỗi vị đều 20 g, Kỷ tử 10 g, Khương hoàng (Nghệ vàng), Dâm dương hoắc, Ngắt diệp, Phục linh, mỗi vị 12 g, Cao quy bản, Hải sâm khô, mỗi vị 50 g, ngâm với 4.000 ml rượu trắng 40 độ. Ngâm trong 7 ngày, thỉnh thoảng cần lắc đều. Sau 7 ngày là có thể dùng, mỗi lần dùng 15 – 20 ml, ngày uống 3 lần, trước bữa ăn và trước khi đi ngủ.
8. Chữa đau mắt, đau mắt hột: Giã nát 3 – 5 hạt Tương tư tử, ngâm với 1 lít nước, mỗi ngày dùng nhỏ mắt 3 lần. Khi mới dùng, thuốc có thể gây phản ứng ngứa rát, tuy nhiên, sau 48 giờ phản ứng sẽ được cải thiện. Sau một tuần, giác mắc sẽ trở lại bình thường.
Ghi chú: Hạt cam thảo dây rất độc. Chất độc đó là abrin, tan được trong nước. Nếu đem hạt giã nhỏ, hòa với nước uống sẽ bị ngộ độc với triệu chứng biếng ăn, ăn mất ngon, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, huyết áp hạ, mất thăng bằng cơ thể, chân tay run rẩy, nôn mửa, tiêu chảy. Thời kỳ tiền ngộ độc kéo dài ít nhất vài giờ trước khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc. Nửa hạt cam thảo dây nhai nuốt cũng đủ gây độc cho người. Nước ngâm hạt cam thảo dây bôi vào chỗ da bị xước sẽ gây loét tại chỗ, nhỏ vào mắt sẽ gây phù tấy kết mạc dẫn đến hỏng giác mạc.
Tham khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum