Logo Website

CÁNH KIẾN TRẮNG

29/04/2020
CÁNH KIẾN TRẮNG Nhựa thơm để khô lấy từ cây Bồ đề (Styrax tonkinensis Pierre), họ Bồ đề (Styraceae). Công dụng chữa ho, long đờm, chữa trúng hàn người lạnh toát. Uống 0,5 - 2g dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc, siro.

CÁNH KIẾN TRẮNG (  ).

Benzoinum

Cánh kiến trắng Benzoinum

Cánh kiến trắng Benzoinum: Photo from e-kincare.com

Tên khác: An tức hương, Bồ đề, An tức bắc, Săng trắng, Bồ đề trắng, Hu món (Tày),  Mệnh môn lục sự, Thoán hương, Tịch tà, Tiện khiên ngưu, Thiên kim mộc chi, Chiết bối La hương

Tên khoa học: cây Bồ đề (Styrax tonkinensis Pierre), họ Bồ đề (Styraceae).

Tên đồng nghĩa: Anthostyrax tonkinensis Pierre; Styrax hypoglaucus Perkins; Styrax macrothyrsus Perkins; Styraxsubniveus Merrill & Chun.

Mô tả: 

Cây Bồ đề: Cây gỗ lớn cao 20 m, vỏ xám, láng, cành tròn, màu nâu, mặt trước có lông sau nhẵn. Lá mọc đối có cuống, gân lá hình lông chim. Phiến lá hình trứng hay hình mác, mặt trên nhẵn, xanh nhạt, mặt dưới trắng có lông sao, có 5-7 đôi gân phụ, nổi rõ ở mặt dưới. Hoa xếp thành ngù, mọc ở nách và ngọn, có mùi thơm nhẹ. Tràng hợp thành ống 5 thuỳ xếp lợp, có lông tơ vàng. Nhị 10. Quả hình trứng có lông sao, phía dưới mang đài tồn tại. Ra hoa tháng 5 - 6. Quả chín tháng 9 - 10.

Dược liệu: Từng cục nhựa nhỏ rời nhau, to nhỏ không đều, một số dẹt, một số dính lại với nhau thành từng khối. Bên ngoài màu vàng cam, láng bóng như sáp (nhựa do tổn thương tự nhiên); hoặc có hình trụ không đều, mảnh dẹt, bên ngoài có màu trắng xám, hơi vàng (nhựa do vết rạch). Chất giòn, dễ vỡ; mặt vỡ phẳng, màu trắng, để lâu dần dần chuyển thành nâu vàng hoặc nâu đỏ. Đun nóng thì mềm và chảy ra. Mùi thơm vani đặc biệt. Vị hơi cay, khi nhai có cảm giác sạn.

Bộ phận dùng: Nhựa thơm để khô lấy từ cây Bồ đề (Styrax tonkinensis Pierre), họ Bồ đề (Styraceae). 

Phân bố: Cây Cánh kiến trắng mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trên nước ta. Tuy nhiên, cây thường được tìm thấy ở Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Lai Châu, Hà Sơn Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tuyến Quang, Vĩnh Phúc và Nghệ An.Cây mọc dùng để lấy gỗ làm que diêm, làm giấy và lấy nhựa. 

Thu hái, sơ chế:

Thu hoặc nhựa cây vào giữa tháng 6 – 7 hoặc khi cây ra hoa, chọn những cây đã được 5 – 10 tuổi. Các mạch nhựa thường được hình thành trong vùng gỗ mới ngay phía sau thượng tầng. Các ống nhựa xếp song song, kéo nhựa kéo dài dọc theo toàn thân. Khi lấy nhựa thì rạch vào thân cây hoặc cành. Thu lấy nhựa chảy ra, phơi âm can đến khô.

Nhựa cây là những cục rời nhau, đục màu trắng hoặc vàng nhạt, rất dễ bẻ gãy. Nhựa cây được chia thành hai loại chính:

Dược liệu chất lượng tốt: Có màu vàng nhạt, thơm mùi Vani.

Dược liệu kém chất lượng: Có màu đỏ, lẫn nhiều tạp chất (vỏ cây, đất cát), có mùi thơm nhẹ hoặc không thơm.

Bào chế dược liệu An tức hương:

Dùng nhựa cây ngâm vào rượu, sau đó nấu sôi 2 – 3 lần cho đến khi nhựa chìm xuống hẳn. Lấy ra, thả vào trong nước lạnh đến khi nhựa cứng hẳn là được. Phơi hoặc sấy đến khô.

Bảo quản:

Bảo quản dược liệu ở nói thoáng mát, khô ráo, tránh độ ẩm trực tiếp.

Thành phần hoá học: Acid benzonic tự do 26,13%, acid cinnamic tự do 2,75%, vanilin 1,38%, benzyl benzoat  4,24%, cinnamyl cinnamat 1,81%, benzyl cinnamat 1,23%, alcol coniferilic, acid siaresinolic.

Tác dụng dược lý:

Kháng khuẩn trên một số loại vi khuẩn thông thường.

Tính vị: Vị cay, đắng, tính ấm.

Quy kinh: Tỳ, Tâm, Can.

Công năng: Khai khiếu, thanh thần, hành khí, hoạt huyết, chỉ thống.

Công dụng:

- Chữa ho, long đờm, chữa trúng hàn người lạnh toát. Uống 0,5 - 2g dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc, siro.

- Dung dịch cánh kiến trắng trong cồn dùng làm thuốc xông chữa ho, khản cổ, hoặc pha với nước bôi ngoài chữa vú nứt nẻ.

- Cánh kiến trắng còn dùng làm hương liệu.

- Bồ đề là cây công nghiệp dễ phát triển , mọc nhanh, có giá trị kinh tế, dùng trong ngành gỗ dán, gỗ diêm, bột giấy, và làm nguyên liêu chế sợi nhân tạo.

Cách dùng, liều lượng:

- 0,5-2g mỗi ngày. Dạng thuốc sắc, hoàn tán.

- Dung dịch 20% trong cồn làm thuốc bôi chữa nẻ vú.

Bài thuốc:

1. Chữa trúng ác khí, trúng phong:  An tức hương 4 g, Ngưu hoàng 2 g, Đơn sa 4.8 g, Quỷ cửu 8 g, Tê giác 3.2 g, Nhũ hương 4.8 g, Hùng hoàng 4.8 g, tán thành bột mịn. Lại dùng Thạch xương bồ và Sinh khương, đều 4 g, sắc lấy nước, dùng uống với bột thuốc.

2. Chữa phong thấp, nhức mỏi xương khớp: 80 g Cánh kiến trắng, tán bột, 160 g thịt nạc heo, thái nhỏ, trộn đều, cho vào ống trẻ hoặc bình. Để lên bếp lò, đun lửa lớn nhưng phải để một miếng đồng lên trên, đục một lỗ nhỏ, hướng về phía sưng đau mà dùng xông chữa bệnh.

3. Chữa phụ nữ sinh xong bị huyết trướng, huyết vận, cấm khẩu: An tức hương 4 g, Ngũ linh chi (thủy phi) 20 g, tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng uống 4 g với nước Gừng sao.

4. Chữa viêm nha chu: An tức hương ngâm với rượu nhạt, sau đó dùng ngậm trong miệng.

5. Chữa thổ tả, bụng lạnh, trúng phong, gió độc: Cánh kiến trắng 2 – 4 g, sắc với nước vài lần. Dùng uống 2 – 3 lần trong ngày. Ngoài ra, có thể tán bột hoặc mài mịn Cánh kiến trắng, mỗi lần sử dụng 1 – 2 g với rượu nhạt.

6. Chữa tim đau đột ngột, nhịp tim đập nhanh mãn tính:  An tức hương tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 2 g với nước sôi, mỗi ngày dùng thuốc một lần.

7. Chữa chứng hàn khí, lãnh thấp: An tức hương 4 g, Phụ tử, Nhân sâm, mỗi vị đều 8 g, sắc uống, mỗi ngày một thang.

8. Chữa đầu vú bị nứt nẻ, sưng đau, giúp vết thương nhanh lành: cây Cánh kiến trắng 20 g ngâm với 100 g cồn 80 độ trong 10 ngày, thỉnh thoảng cần lắc đều bình thuốc. Sử dụng thuốc này hòa thêm nước sôi để bôi lên vết nứt nẻ.

9. Chữa trẻ nhỏ nhiễm tà khí gây động kinh: An tức hương to bằng hạt đậu, đốt lên cho trẻ xông trực tiếp.

10. Chữa trẻ em bị chân co rút, hay la khóc, bụng đau: An tức hương chưng với rượu thành cao. Sau đó chuẩn bị Đinh hương, Mộc hương, Hoặc hương, Trầm hương, Bát giác, Hồi hương đều 12 g, Súc sa nhân, Cam thảo, Hương phụ tử, Cam thảo (chích), mỗi vị đều 20 g. Tán nhuyễn các vị thuốc thành bột mịn, sao đó trộn với cao An tức hương làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng uống 8 g với nước sắc lá Tía tô.

11. Chữa ho có đờm, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn: Cánh kiến trắng mài thành bột pha với mật ong, luyện thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 0.5 g, mỗi ngày dùng 2 – 4 lần. Ngoài ra, có thể đốt nhựa cây rồi xông khói vào mũi để long đờm, hỗ trợ hô hấp và giúp giữ tỉnh táo.

Kiêng kỵ:

Người ăn kém, âm hư hỏa vượng, khí hư không nên dùng.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)