Logo Website

CẢO BẢN

30/04/2020
CẢO BẢN có tên khoa học: Bắc cảo bản Ligusticum jeholense (Nakai & Kitagawa) Nakai & Kitagawa. Công dụng chữa cảm phong hàn, đau đầu; Kinh nguyệt không đều; Bán thân bất toại

CẢO BẢN 藁本 )

Rhizoma Ligustici

Cảo bản - Ligusticum jeholense

Cảo bảnLigusticum jeholense (Nakai & Kitagawa) Nakai & Kitagawa

Tên khác: Ligusticum root, (Gaoben).

Tên khoa học: Bắc cảo bản (Ligusticum jeholense (Nakai & Kitagawa) Nakai & Kitagawa), hay loài Ligusticum sinense Oliv., họ Cần (Apiaceae).

1. Liêu cảo bản Ligusticum jeholense (Nakai & Kitagawa) Nakai & Kitagawa, họ Cần (Apiaceae).

Tên đồng nghĩa: Cnidium jeholense Nakai & Kitagawa, Rep. Exped. Manchoukuo Sect. IV, 1 [Pl. Nov. Jehol. 1]: 38. 1934; Tilingia jeholensis (Nakai & Kitagawa) Leute.

2. Tây khung Ligusticum sinense Oliver, họ Cần (Apiaceae).

Tên đồng nghĩa: Conioselinum sinomedicum Pimenov & Kljuykov; Ligusticum harrysmithii M.Hiroe; Ligusticum markgrafianum Fedde ex H.Wolff; Ligusticum pilgerianum Fedde ex H.Wolff; Ligusticum silvaticum H.Wolff; Ligusticum sinense var. sinense

Mô tả:

Cây liêu cảo bản (Ligusticum jeholense (Nakai & Kitagawa) Nakai & Kitagawa) là một cây sống lâu năm, cao 0,15-0,16m, thân rễ ngắn, toàn cây rất thơm, thân mọc thẳng đứng, phía dưới có đường kính 3- 5mm, thường có màu tím. Lá hai lần kép lông chim mép có răng cưa, cuống lá phát triển thành bẹ ôm lấy thân. Cụm hoa hình tán kép 6-19 cuống tán, dài ngắn không đều, tán nhỏ mang chừng 20 hoa nhỏ màu trắng. Quả gồm hai phân quả dính nhau, hình thoi, dài chừng 5mm trên mỗi phân quả có 5 sống dọc, mặt tiếp giáp phẳng.

Cây tây khung (Ligusticum sinense Oliver) cũng là một cây sống lâu năm. Lá mọc so le 2-3 lần xẻ lông chim kép, cuống lá dài 9-12cm phía dưới ôm lấy thân cây. Cụm hoa hình tán kép, mỗi tán 16-20 cuống, mỗi tán nhỏ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng. Quả cũng gồm hai phân quả mỗi phân quả cũng có 5 sống chạy dọc, nhưng giữa sống của quả tây khung có tới 3 ống tinh dầu, trong khi quả liêu cảo bản chỉ có một ống tinh dầu.

Bộ phận dùng: Thân rễ của cây Bắc cảo bản (Ligusticum jeholense (Nakai & Kitagawa), hay loài Ligusticum sinense Oliver, họ Cần (Apiaceae).

Phân bố: Vị thuốc được nhập từ Trung Quốc. Ở Trung Quốc,  cây liêu cảo có ở Hà Bắc, Sơn Tây, Liêu Ninh, Cát Lâm, Nội Mông.

Thu hái, sơ chế: Từ tháng 4-10 đào lấy rễ và thân rễ, cắt bỏ đầu, rửa sạch, thái lát, phơi khô. Thân rễ gần như hình cầu, đường kính 1-3cm, mặt ngoài màu nâu sần sùi, mặt trong màu trắng ngà.

Bảo quản: Để ở nơi kín và khô ráo.

Thành phần hoá học : Tinh dầu (phenola), acid hữu cơ.

Loài Ligusticum jeholense (Nakai & Kitagawa) Nakai & Kitagawa: Dịch chiết cồn phần trên mặt đất phân lập được các chất psoralen, beta-sitosterol, daucosterol, kaempferol-3-O-(2",4"-di-E-p-coumaroyl)-alpha-L-rhamnoside, kaempferol-3-O-beta-D-galactoside, quercetin-3-O-beta-D-galactoside, sucrose.

Loài Ligusticum sinense Oliver: có các hợp chất: levistolide A, (Z)-3-butylidene-7-hydroxyphthalide, senkyunolide B, 3-butylphthalide, (Z)-ligustilide, riligustilide, neocnidilide, senkyunolide A, beta-sitostesol.

Tác dụng dược lý:

Tác dụng bình suyễn rõ rệt.

Dầu chiết xuất từ cảo bản có tác dụng chống viêm, giải nhiệt, giảm đau và ức chế cơ bàng quang - ruột.

Cao chiết ethanol từ cảo bản có tác dụng ức chế nấm và hạ huyết áp.

Tính vị: Vị cay, mùi thơm, tính ôn.

Quy kinh: Bàng Quang.

Công năng: Tán phong hàn, ráo thấp, lưu thông khí huyết.

Công dụng, Thường được dùng chữa 1. Cảm phong hàn, đau đầu; 2. Kinh nguyệt không đều; 3. Bán thân bất toại (liệt nửa người), chân tay co quắp

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 3-9g, dạng thuốc sắc. Còn dùng ngoài chữa ghẻ lở, chốc đầu, mẩn ngứa và làm sạch gầu ở đầu.

Bào chế: Cắt bỏ đầu, rửa sạch, thái lát, phơi khô.

Bài thuốc:

1. Chữa đau đầu (chủ yếu chứng đau đầu ở đỉnh, do ngoại cảm phong hàn sợ lạnh, không có mồ hôi, hoặc do viêm mũi, viêm xoang gây đau đầu): Dùng phương "Khương hoạt phòng phong thang” gồm khương hoạt 8g, độc hoạt 12g, phòng phong 12g, cảo bản 12g, mạn kinh tử 12g, xuyên khung 6g, cam thảo 6g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

2. Chữa đau khớp do phong thấp: Dùng cảo bản 12g, phòng phong 12g, bạch chỉ 12g, cam thảo 6g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.

3. Chữa chứng đau nửa đầu: Dùng cảo bản 6g, xuyên khung 3g, phòng phong 5g, bạch chỉ 3g, tế tân 2g, cam thảo 3g, đổ 3 bát nước sắc còn khoảng 1 bát (200ml) chia 2 lần uống nóng, sau bữa ăn trong ngày.

4. Chữa ghẻ lở chốc đầu ở trẻ: Dùng cảo bản sắc lấy nước tắm và gội đầu ngày 1 lần.

5. Chữa nhiều gàu: Lấy cảo bản và bạch chỉ, hai thứ có lượng như nhau, tán bột mịn đem xát vào đầu, để qua đêm sáng hôm sau dậy gội sạch đầu. Hoặc nấu lấy nước để tắm và gội đầu.

6. Chữa đau bụng do lạnh khi đang hành kinh: Can khương, mộc hương, cam thảo, cảo bản, phục linh, phòng phong và tế tân mỗi vị 4g, đan bì, thương truật, ô dược, mạch môn, quy đầu, bán hạ và ngô thù du mỗi vị 8g. Các vị sắc lấy nước và chia thành 2 lần uống. Ngày dùng 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Chú ý, kiêng kỵ:

- Không dùng khi nhức đầu do thiếu máu.

- Không dùng cho người bị đau đầu do huyết hư.

- Không có thực tà phong hàn và âm hư hỏa vượng không nên dùng cảo bản.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- Jia-ming Sun, Bo Zhang, Ren-long Chang, Dou-dan Ye, Hui Zhang; Study on the chemical constituents of aerial Part of Ligusticum jeholense; Zhong Yao Cai, 2011; 34(7):1057-9.

- Jia Wang, Jian-Bo Yang, Ai-Guo Wang, Teng-Fei Ji, Ya-Lun Su; Studies on the chemical constituents of Ligusticum sinense; Zhong Yao Cai; 2011;34(3):378-80