Logo Website

CÂY BẠCH HẠC

10/04/2020
Cây Bạch hạc có tên khoa học: Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz, họ Ô rô (Acanthaceae). Chữa huyết áp cao, trị phong thấp, nhức gân, tê bại. Ngày uống 10-15g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Rễ có thể rửa sạch, bóc lấy vỏ phơi khô ngâm trong rượu, dấm để uống.

BẠCH HẠC

Radix Rhinacanthi

Cây bạch hạc Rhinacanthus communis

Bạch hạc: Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz

Tên khác: Kiến cò, Nam uy linh tiên, Chóm phòn (Tày), Uy linh tiên, Cây lác, Cỏ linh chi

Tên khoa học: Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz, họ Ô rô (Acanthaceae). 

Tên đồng nghĩaDianthera paniculata Lour.; Ecbolium dichotomum (Blume) Kuntze; Justicia dichotoma Rottler; Justicia macilenta E.Mey.; Justicia nasuta L.; Justicia rottleriana Wall.; Justicia scandens Vahl;         Justicia silvaticaNees; Justicia sylvatica Vahl; Pseuderanthemum connatum Lindau; Rhinacanthus communis Nees; Rhinacanthus nasutus(L.) Kuntze; Rhinacanthus osmospermus Bojer ex Nees

Mô tả: Cây nhỏ mọc thành bụi, cao 1-2m, có rễ chùm. Thân non có lông mịn. Lá mọc đối, có cuống, phiến hình trứng thuôn dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông mịn. Hoa nhỏ, mọc thành xim nhiều hoa ở nách lá hoặc đầu cành hay ngọn thân. Hoa màu trắng nom như con hạc đang bay. Quả nang dài, có lông. Cây ra hoa tháng 8.

Phân bố: Cây bạch hạc mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, còn thấy mọc ở Ấn Độ, Malaysia, Đông châu phi. Có khi được trồng làm cảnh.

Thu hái, sơ chế: Cây bạch hạc thường được thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa đông. Sau khi thu hái, người ta thường rửa sạch và phơi hoặc sấy khô dược liệu, bảo quản nơi khô thoáng.

Bào chế: Bạch hạc được sử dụng dưới dạng phơi hoặc sấy khô. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng dưới dạng chiết xuất hoặc bào chế thành viên nang.

Bảo quản: Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh nơi ẩm thấp.

Bộ phận dùng: Lá, thân và rễ (Folium, Caulis et Radix Rhinacanthi).

Thành phần hoá học : Anthranoid (rhinacanthin)

Năm 1881, Liborrius đã nghiên cứu thấy trong rễ cây này có 1,87% chất gần giống acid cryzophanic và acid frangulic.

Tác giả cho đó là hoạt chất của cây và gọi là rhinacanthin đây là một chất màu đỏ anh đào, không mùi, không vị, tan trong cồn và dung dịch kiềm, khi đun sôi với acid clohydric không choglucose.

Tác dụng dược lý:

- Bạch hạc có khả năng kích thích tần số nhu động thực quản tăng với biên độ mạnh. Vì vậy, nó được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị hóc xương.

- Bạch hạc có tác dụng kháng histamin đối với cơ trơn ruột thỏ. Cũng dùng nước sắc thảo dược để lợi mật, tiêu viêm.

- Một số nghiên cứu còn chỉ ra, rễ cây bạch hạc còn có tác dụng hỗ trợ thùy sau của tuyến yên, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim và một số bệnh lý khác.

- Thành phần anemonin trong dược liệu có nguy cơ gây mụn, làm tổn thương da và xuất huyết niêm mạc.

- Ngoài ra, nước sắc bạch hạc còn có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella, tụ cầu vàng, khuẩn Gram âm, Gram dương và nấm.

Độc tính: Mặc dù chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra độc tính của bạch hạc. Tuy nhiên, trong thảo dược này cũng có một số thành phần có khả năng tạo độc tố nếu bệnh nhân sử dụng vượt quá liều lượng quy định.

Tính vị: Cây có vị ngọt nhạt, tính bình. Rễ cây có mùi hắc nhẹ, vị ngọt nhạt.

Quy kinh: Phế.

Công năng: Chống ho, sát trùng, chống ngứa, trừ phong thấp.

Công dụng:

- Chữa huyết áp cao, trị phong thấp, nhức gân, tê bại. Ngày uống 10-15g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Rễ có thể rửa sạch, bóc lấy vỏ phơi khô ngâm trong rượu, dấm để uống. 

- Chữa hắc lào (ngâm rễ với dầu hoả, xoa lên vết hắc lào).

Bài thuốc: 

1. Lao phổi: Thân và lá Bạch hạc 20g, sắc nước, cho thêm đường uống.

2. Eczema, hắc lào: Giã một lượng vừa đủ cây lá tươi thêm cồn 70o ngâm và dùng ngoài. Có thể dùng rễ tươi giã nhỏ, ngâm rượu hoặc giấm trong một tuần lễ lấy nước bôi.

3. Hỗ trợ điêu trị chứng huyết áp cao: 30g lá bạch hạc, 30g rễ cây xấu hổ, 40g lá vú sữa, 40g cỏ mấn trầu, 20g rễ nhàu. Uống duy trì khoảng 10 ngày thì dừng.

4. Cải thiện bệnh đau thần kinh tọa: 15g rễ cỏ xước, 15g rễ lá lốt, 15g ráy sơn thục, 10g rễ bạch hạc, 10g quế chi, 10g ngải cứu, 5g vỏ quýt. Mỗi ngày kiên trì sử dụng 1 thang, uống khoảng 10 – 15 ngày.

5. Bài thuốc chữa bệnh phong tê thấp, viêm khớp: 12g rễ bạch hạc, 16g thổ phục linh, 16g ké đầu ngựa, 16g kim ngân hoa, 8g bạch chỉ, 16g hy thiêm, 8g quế chi, 12g ý dĩ, 12g tỳ giải, 12g cam thảo. Ngày uống thang lần, kiên trì sử dụng khoảng 5 – 7 ngày thì dừng. Uống  sau bữa ăn để cải thiện các triệu chứng đau nhức xương khớp.

Kiêng kỵ: Bệnh nhân huyết áp thấp. Trẻ em. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)