CÂY GAI DẦU
CÂY GAI DẦU
Fructus Cannabis
Ảnh cây Gai dầu: Cannabis sativa L.; Photo softsecrets.com & plantsoftheworldonline.org
Tên khác:
Gai mèo, Bồ đà, Cần sa, Đại ma, Kham sua (Tày), Co phai meo (Thái), Lanh mèo
Tên khoa học:
Cannabis sativa L.; họ Gai mèo (Cannabinaceae).
Tên đồng nghĩa:
Cannabis americana Pharm. ex Wehmer; Cannabis chinensis Delile; Cannabis erratica Siev.; Cannabis foetens Gilib.; Cannabis generalis E.H.L.Krause; Cannabis gigantea Crevost; Cannabis indica Lam.; Cannabis indica f. afghanica (Vavilov) Vavilov: Cannabis indica var. kafiristanica Vavilov; Cannabis intersita Soják; Cannabis kafiristanica (Vavilov) Chrtek; Cannabis lupulus Scop.; Cannabis macrosperma Stokes; Cannabis ruderalis Janisch.; Cannabis sativa f. afghanicaVavilov; Cannabis sativa f. chinensis (Delile) A.DC.; Cannabis sativa var. gigantea (Delile ex Vilm.) Alef.; Cannabis sativa var. indica (Lam.) Wehmer; Cannabis sativa subsp. indica (Lam.) E.Small & Cronquist; Cannabis sativa var. indica (Lam.) E. Small & Cronquist; Cannabis sativa subsp. intersita (Soják) Soják; Cannabis sativa var. kafiristanica (Vavilov) E.Small & Cronquist; Cannabis sativa var. kif A.DC.; Cannabis sativavar. macrosperma (Stokes) Asch. & Graebn.; Cannabis sativa var. monoica Hol.; Cannabis sativa f. pedemontana A.DC.; Cannabis sativa var. praecox Serebr.; Cannabis sativa var. ruderalis Janisch.; Cannabis sativa var. ruderalis (Janisch.) S.Z.Liou; Cannabis sativa var. sativa; Cannabis sativa var. spontanea Vavilov; Cannabis sativa var. vulgaris Alef.
Mô tả:
Cây thảo sống hàng năm cao 1-3m; thân vuông có rãnh dọc, phủ lông mềm, sù sì. Lá thường mọc so le, có cuống, có lá kèm, có phiến chia đều tận gốc thành 5-7 lá chét, hẹp, hình ngọn giáo, nhọn, có răng cưa. Hoa đơn tính khác gốc, các hoa đực xếp thành chùm xim kép ở nách và ở ngọn; các hoa cái xếp thành xim hay xim co ở nách những lá bắc dạng lá. Quả bé dạng trứng, dẹp, có mũi nhọn ở đầu, không mở nhưng do áp suất mà tách ra hai nửa và bao bởi hoa tồn tại. Hạt không có nội nhũ, chứa nhiều dầu.
Hoa tháng 5-6, quả tháng 7.
Bộ phận dùng:
Hạt (Hoả ma nhân -火麻仁 ).
Phân bố:
Cây của Á châu đới ôn được trồng ở nhiều vùng Âu, Phi, Mỹ châu. Ở nước ta cây được trồng nhiều ở vùng rẻo cao miền Bắc. Ðồng bào Mèo thường dùng lấy sợi nên mới có tên là Gai mèo, và có nơi trồng lấy hạt cho dầu.
Thu hái:
Thu hái quả vào tháng 8-9, dùng ép dầu và làm thuốc. Ðể làm thuốc, người ta đem hạt sao già để giảm độc ở vỏ, rồi giã giập sắc uống.
Thành phần hoá học :
Quả chứa 30% dầu khô gồm các glycerid của acid linoleic và linolenic. Nhân hạt chứa trigonellin L (d)-isoleucine betaine, edestinase. - Hoa và lá có chất độc gây nghiện: tetrahydrocannabinol và các chất cùng nhóm.
- Quả (chenevis) chứa 30% chất dầu có giá trị trong công nghiệp sơn vì bản thân dầu dưới tác dụng của không khí tạo thành màng rắn chắc bảo vệ gỗ và kim loại. thành phần dầu chủ yếu gồm các glycerid của những acid linoleic và linolenic. Trong khô dầu chứa 30% chất đạm, 10% chất béo dùng làm thức ăn gia súc. Trong chất đạm của khô dầu có chủ yếu chất globulin mang tên edestin.
- Ngọn mang hoa cái thường có 5-10% độ ẩm, 12-14% chất vô cơ (gồm chủ yếu là calci oxalat trong cây), ít tinh dầu với thành phần gồm những cacbua tecpenic, và một chất sesquitecpen mang ten cannabin, ngoài ra còn thấy cholin, trigonellin.
- Hoạt chất của ngọn mang hoa cái là một chất nhựa (resin) với tỷ lệ thay đổi tùy theo cách chế biến thu hái và nguồn gốc địa lý. Theo Paris và du Merac 1947, Dehay 1961 và Herisset 1965 thì tỷ lệ nhựa trong những dược liệu của Ấn Độ là 10-20% (chất chara thô chứa tới 30%) trong khi đó những ngọn thu ở những cây ở châu Âu thường chỉ dưới 5%, có khi chỉ 1-2%.
- Nhựa này tan trong ethanol cao độ, trong ete cloroform và đặc biệt hãn hữu trong ete dầu hoả.
- Thành phần hoá học của nhựa được tiến hành nghiên cứu từ cuối thế kỷ 19 nhưng mới đạt những tiến bộ vào năm 1940 nhờ những công trình nghiên cứu của cahn, Told và cộng sự ở Anh về gai dầu của Ấn Độ và những công trình của Adams và cộng sự ở Mỹ về chất marihuana. Người ta đã chiết được những hợp chất không chứa nitơ có tính chất phenol.
- Cấu trúc cũng đã được xác định. Đó là:
+ Cannabinol vào năm 1900 mới chiết được dưới dạng dầu, đến năm 1933 dưới dạng acetat kết tinh (Cahn, 1933). Bằng con đường tổng hợp người ta đã xác định được cấu trúc: với một nhân amyl-resorxinol và một nhân p-xymen.
+ Một hợp chất diphenol, cannabidiol được Adams tách dưới dạng dinitribenzoat tinh thể (1940). Chất này có nhiều hơn trong gai dầu Mỹ, ít hơn trong gai dầu Ấn Độ.
+ Cả hai chất đều không có tác dụng gây tê mê của nhựa. Nhưng khi người ta tìm cách tổng hợp cannabinol thì người ta thu được chết tetrahydrocannabinol có những tác dụng đặc hiệu của haschich. Nhiều chất tương tự cũng đã được tổng hợp. Và có nhiều đồng phân của tetrahydrocannabinol khác nhau do năng suất quay cực và vị trí của nối kép trong nhân p-xymen. Người ta cho rằng trong nhựa thiên nhiên phải có một hỗn hợp đồng phân có tác dụng sinh lý.
+ Năm 1958, các nhà nghiên cứu Đức và Séc còn chiết được từ nhựa gai dầu châu Âu một chất mới gọi là axit cannabidiolic trong điều kiện chiết ở nhiệt độ thấp và trong áp lực giảm, vì chất này rất dễ bị khử cacboxy để cho cannabidiol.
+ Năm 1965, bằng sắc ký cột, người ta còn chiết được từ nhựa haschich chất cannabigerol. Ta có thể biểu thị sự lien quan giữa những thành phần hoá học trong nhựa gai dầu như trên.
Tác dụng dược lý:
- Việc sử dụng nhựa gai dầu làm thuốc đã được biết từ rất lâu ở những nước phương đông như Ấn Độ, Trung Quốc, sau đó truyền sang Iran và các nước Ả Rập.
- Các nước châu Âu chỉ mới biết đến nhựa gai dầu vào đầu thế kỷ 19.
- Vị thuốc gây cho người dùng ban đầu có một cảm giác khoan khoái, dễ thở, thần kinh được kích thích, sau đó đến những ảo giác (mất khái niệm về thời gian, không gian, người như phân đôi). Con người trở nên rất nhạy cảm với tiếng ồm, với âm nhạc và rất dễ sai khiến tới mức có thể sai đi gây những tội ác cũng làm. Vì vậy nhựa gai dầu thường được dùng ở một số nước phương đông để chuẩn bị cho chiến sĩ ra trận, chịu đựng những nhục hình. Nhưng giai đoạn kích thích và bột thường kèm buồn ngủ và đi tới hôn mê. Với liều cao hơn có thể dẫn đến động tác thiếu phối hợp, trạng thái ngây, một giấc ngủ giữ nguyên thế, có khi những cơn hoang tưởng giận giữ. Hô hấp chậm dần, mạch nhanh, miệng khô, mồ hôi đầm đìa, buồn nôn và nôn.
- Việc sử dụng nhựa gai dầu được coi như một chứng nghiện chất độc nguy hiểm như nghiện thuốc phiện và cocain. Nhiều nước đã cấm trồng, sản xuất buôn bán và sử dụng nhựa gai dầu. Nhựa gai dầu nói ở đây được định nghĩa gồm ngọn có hoa và quả của cây gai dầu Cannabis sativa var. india.
- Tác dụng của nhựa gai dầu còn tùy thuộc vào bản lĩnh và trình đô văn hoá của người sử dụng. Nhưng thường dẫn đến thủ tiêu ý chí, suy nhược thể lực và tinh thần và dẫn đến bệnh tinh thần.
- Về những chất lấy riêng ra thì acid cannabidiolic không có tác dụng gây tê mê, các tác giả Tiệp Khắc chứng minh các chất này có tác dụng giảm đau và nhất là kháng sinh đối với một số vi khuẩn gram dương. Diều sau này phù hợp với kinh nghiệm cổ truyền ở một số nước dùng nhựa gai dầu làm thuốc sát trùng và lên da.
- Cannabidiol và cannabiol khá độc.
- Người ta thấy rằng nhựa gai dầu để lâu sẽ bị giảm tác dụng. Và tác dụng giảm đau của nhựa gai dầu là kết quả của tác dụng chung của nhựa đối với vỏ não chứ không phải do một tác dụng tại chỗ.
Tính vị:
Vị ngọt và tính bình.
Công năng:
Nhuận táo, hoạt trường, thông tiện.
Công dụng:
Hạt: Nhuận tràng, lợi niệu, tiêu phù thũng, dùng trong trường hợp tiểu tiện bí, đái buốt, đái rắt, cầm nôn mửa.
Cũng cần lưu ý là quả cây này dù được sử dụng làm thuốc ăn cho các loài chim nhỏ; dầu khô của nó dùng để sơn; khô dầu của nó giàu về protein, dùng làm thức ăn cho gia súc.
Ở nước ta, đồng bào miền núi thường dùng Gai dầu để lấy sợi dệt vải và cũng để lấy hạt chế dầu.
Cách dùng, liều dùng:
12-20g hạt nghiền nhỏ, lọc vắt lấy nước, để nấu thành cháo, thêm hành, hạt tiêu và muối, ăn khi đói.
Bài thuốc:
1. Chữa chứng táo bón: Nhân hạt Gai dầu và hạt Tía tô lượng bằng nhau, giã nhỏ, cho vào nước ngâm hoặc đun sôi, bỏ bã, lấy nước nấu cháo ăn.
2. Chữa đi lỵ ra máu không dứt: Nhân hạt Gai dầu nấu với Ðậu xanh ăn.
3. Chữa trong khi có thai, thai bị tổn thương sinh đau bụng. Hạt Gai dầu 30g đập giập sao thơm, sắc uống.
4. Chữa phong độc, xương tuỷ đau nhức: Nhân hạt Gai dầu sao thơm, ngâm rượu uống.
5. Trị sạm da: 20g hạt cây gai dầu, 12g trần bì, 40g hoàng kỳ, 20g mè đen cùng 1 muỗng canh mật ong. Mật ong để riêng ra, 4 vị thuốc còn lahi cho vào ấm sắc chung với 4 chén nước. Thu lấy 1,5 chén, lọc bỏ bã rồi cho mật ong vào quấy đều. Chia lượng thuốc này thành 3 lần uống trong ngày vào trước bữa ăn.
6. Giúp nhuận tràng: 10g hạt cây gai dầu, 10g hạnh nhân, 10g đào nhân, 10g đương quy, 15g sinh địa, 10g chỉ xác. Các vị thuốc trên đây đem tán bột mịn rồi luyện với mật để làm hoàn, 1 viên hoàn khoảng 6g. Uống đều đặn ngày 2 lần, mỗi lần chỉ 1 viên.
7. Chữa ra mồ hôi trộm do thận hư: 10g hạt cây gai dầu, 10g ô mai, 10g huyền sâm, 15g sinh địa hoàng, 5g ngũ vị tử, 10g mạch môn, 15g thục địa hoàng. Các vị thuốc này đem cho hết vào ấm sắc cùng với 1 thăng nước ở trên lửa nhỏ trong 20 phút. Chia đều lượng nước thuốc thu được thành nhiều lần uống, dùng 1 thang/ngày.
8. Chữa bệnh vảy nến: 15g hạt cây gai dầu, 8g hà thủ ô, 20g kim ngân hoa, 20g ké đầu ngựa, 12g huyền sâm cùng 12g sinh địa. Các vị thuốc trên cho tất cả vào ấm, đổ thêm 600ml nước. Sắc trên lửa nhỏ thu lấy 200ml thuốc, chia đều thành 3 lần uống. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
9. Chữa đau bụng do động thai: 30g hạt cây gai dầu. Vị thuốc trên đem đập dập rồi cho lên chảo sao thơm. Sắc lấy nước, bỏ bã, uống trong ngày.
10. Chữa ghẻ lở: 30g hạt cây gai dầu, 30g cam thảo, 120 khổ sâm, 30g kinh giới, 30g uy linh tiên, 30g thạch xương bồ, 30g xuyên khung. Tất cả các vị thuốc trên đem tán bột mịn rồi trộn đều. Mỗi lần lấy 10g hòa với 20ml rượu để uống. Mỗi ngày chỉ dùng 1 lần duy nhất.
Kiêng kỵ:
Không nên dùng dài hạn cho cả nam lẫn nữ, có thể gây di tinh ở nam
Ghi chú:
Có hai loài Gai dầu, Gai dầu Trung Quốc Cannabis sativa L. var. chinensis được trồng chủ yếu để lấy sợi dệt vải và hạt làm thuốc, loài này có hàm lượng chất gây nghiện trong hoa và hạt thấp. Gai dầu Ấn độ - Cannabis sativa L. var. indica có hàm lượng chất gây nghiện cao, cấm trồng ở nhiều nước.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza